Những cuộc đổi chủ đình đám

Không ít doanh nghiệp Việt chỉ lo chạy theo lợi nhuận trước mắt, không mạnh về tầm nhìn chiến lược để có thể xây dựng được những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế

Quyết định bán đi lĩnh vực kinh doanh chính làm nên thương hiệu của mình trong hơn 20 năm của các ông chủ Kinh Đô được giới chuyên môn và dư luận đặc biệt quan tâm và làm dấy lên mối quan tâm về xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) đang ngày càng nóng.

Được mùa mua - bán

Cuối tuần qua, Công ty Cổ phần (CP) Tập đoàn Kinh Đô (Công ty Kinh Đô) công bố tung ra thị trường 5 sản phẩm mì mang thương hiệu Kido, chính thức đánh dấu việc chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực tiêu dùng nhanh.

Điều này đã được Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành “đánh tiếng” trong buổi họp công bố thỏa thuận bán 80% CP tại Công ty CP Kinh Đô Bình Dương (BKD) với giá 370 triệu USD cho nhà đầu tư ngoại Mondelez International diễn ra cách đây 2 tuần. Lãnh đạo Công ty Kinh Đô cũng đã định giá 20% CP còn lại trong mảng bánh kẹo tại BKD và không loại trừ khả năng sẽ bán nốt 20% này cho Mondelez nếu nhà đầu tư ngoại muốn sở hữu trọn vẹn 100% CP.

Khách hàng chọn mua sản phẩm Kinh Đô tại Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Đưa ra lý do bán mảng cốt lõi của mình, ông chủ Kinh Đô cho rằng thị trường bánh kẹo Việt Nam đã bão hòa nên chuyển hướng sang lĩnh vực tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, các lĩnh vực đầu tư mới của Kinh Đô (mì gói, dầu ăn) cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt, tốc độ tăng trưởng chững lại và thị phần đã được phân chia cho những “ông lớn” chinh chiến nhiều năm.

Ở lĩnh vực mì gói, với sự hợp tác cùng Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong (DN mì gói với thương hiệu A-one có thị phần đứng thứ 5 hiện nay) và bắt đầu tung ra sản phẩm, Kinh Đô kỳ vọng sẽ nằm trong tốp 3 của thị trường. Ở mảng dầu ăn, Kinh Đô sở hữu 32% CP Công ty Công nghiệp Dầu thực vậtViệt Nam (Vocarimex) và đang trình cổ đông để tăng tỉ lệ đầu tư lên mức 51%.

Ngoài thương vụ đình đám của Công ty Kinh Đô, từ đầu năm đến nay, trên thị trường đã diễn ra hàng loạt vụ thay tên đổi chủ DN. Ở lĩnh vực bán lẻ, có thể kể đến thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC - Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry.

"Không ít DN Việt Nam ăn xổi, non trẻ và chạy theo lợi nhuận trước mắt chứ không mạnh về tầm nhìn chiến lược để có thể xây dựng được những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế."

Theo lộ trình, đầu quý III/2015, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và các bất động sản có tổng giá trị 655 triệu USD. Vingroup thì công bố đã thâu tóm Công ty CP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) và đổi tên thành Công ty CP Siêu thị Vinmart.

Gần đây nhất, Công ty TNHH TM DV Đông Hưng (sở hữu chuỗi siêu thị Citimart) đã bắt tay với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và đổi tên siêu thị thành Aeon Citimart. Cũng trong quý III, Tập đoàn Masan đã tuyên bố chào mua công khai CP chi phối Công ty CP Thực phẩm Cholimex.

Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd, công ty con của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (người đã mua Metro Cash & Carry), vừa mua thêm và sở hữu 11% cổ phiếu Vinamilk...

Bán lúa non?!

Theo các chuyên gia và giới nghiên cứu thị trường, không phải đến năm 2014 mà từ năm 2008, các giao dịch M&A tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể về số lượng và giá trị giao dịch. Về sau, thị trường càng ghi nhận nhiều giao dịch “đình đám”. Sắp tới sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A, đặc biệt là ở những đơn vị có kênh phân phối lớn.

Nguyên nhân là Việt Nam đã mở cửa sâu rộng, môi trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Nghiên cứu mới đây của CBRE cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ hai trong 10 nước hấp dẫn nhất đối với các nhà bán lẻ châu Á. Song song đó, hàng loạt DN lớn sẽ CP hóa từ nay đến năm 2017, mở ra những cơ hội mới cho thị trường M&A.

Từ thực tiễn kinh nghiệm tư vấn cho DN Việt, ông Nguyễn Trung Thẳng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản trị và Marketing, Chủ tịch HĐQT Masso Group - cho rằng không ít DN Việt Nam ăn xổi, non trẻ và chạy theo lợi nhuận trước mắt chứ không mạnh về tầm nhìn chiến lược để có thể xây dựng được những thương hiệu lớn mang tầm quốc tế.

Có rất nhiều lý do, bao gồm cả lý do khách quan là quy luật phát triển chung của thị trường mới nổi và cả chủ quan là văn hóa kinh doanh, tư duy kiểu “đi buôn” của doanh nhân Việt và đặc biệt là lòng yêu nước chưa cao!

Trở lại câu chuyện của Kinh Đô, thời gian qua, Kinh Đô đã tái cấu trúc mạnh mẽ với định hướng là phát triển đa ngành nghề, đa sản phẩm, tham gia vào những ngành có quy mô lớn và thiết yếu nên cần nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình.

Mức giá 370 triệu USD là khoản tiền lớn nhưng so với thương hiệu hơn 20 năm và vị trí “anh cả” trên thị trường bánh kẹo Việt Nam, khó có thể nói quyết định bán đi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình là hợp lý hay “bán lúa non”.

Âm thầm chọn ngã rẽ từ lâu

Theo TS - chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, chúng ta quen nhìn Kinh Đô như một công ty bánh kẹo. Thế nhưng, nếu quan sát kỹ, có thể thấy Kinh Đô đã âm thầm chọn ngã rẽ từ trước. Ít nhất từ năm 2008 đến nay, các cửa hàng Kinh Đô Bakery dần xuống cấp do không được đầu tư chăm sóc; cùng với đó là Kinh Đô dần chuyển hướng đầu tư sang bất động sản và tài chính. Như ông Trần Kim Thành từng chia sẻ: Thị trường bánh kẹo không còn là mảnh đất hấp dẫn cho Kinh Đô, nếu muốn phát triển hơn nữa, tăng thêm lợi nhuận thì Kinh Đô phải đổi mới rất nhiều, phải sáng tạo nhiều hơn; muốn vậy phải thay đổi nguồn nhân lực, thay đổi CEO và đầu tư lớn... Mặc dù thị trường bất động sản chưa qua giai đoạn khó khăn nhưng ông chủ Kinh Đô vẫn chọn đầu tư lĩnh vực này với niềm tin ở lĩnh vực này, người Việt còn nhiều lợi thế.

Thanh Tâm
Nguồn Người Lao Động