Hàng không cho tôi đôi cánh

Lương Hoài Nam – Tổng Giám đốc Hải Âu Aviation – quê Nghệ An, sinh năm 1963, học đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ kinh tế hàng không ở Liên Xô trước đây, có hơn 20 năm gắn với các vị trí quản lý tại các hãng hàng không lớn tại Việt Nam.

Ông từng là Trưởng ban Kế hoạch thị trường của Vietnam Airlines suốt từ năm 1993 đến giữa năm 2004, Tổng giám đốc Pacific Airlines (sau đổi tên thành Jetstar Pacific Airlines) từ giữa năm 2004. Tháng 12/2009 ông từ nhiệm Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines nhưng sau đó bị vướng vào một sự cố mang tính tai nạn nghề nghiệp, mặc dù kết cục có hậu.

Ông rời ngành hàng không một thời gian ngắn, làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Nam Long (TP.HCM) đến giữa năm 2012. Tháng 7/2012, ông trở lại điều hành Air Mekong, nhưng đột ngột xin rút lui chỉ sau bốn tháng làm việc.

Lương Hoài Nam – Tổng Giám đốc Hải Âu Aviation. Thanh: Hoàng Tường

Tháng 8/2013, ông làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu thuộc Tập đoàn du lịch tư nhân TMG. Ông cũng là Phó tổng giám đốc TMG, ngoài ra còn tham gia các hoạt động kinh doanh khác về du lịch, logistics và bất động sản.

* Thưa ông, về công việc, ông đang quan tâm đến chuyện gì?

- Tôi đang dồn hầu hết thời gian, tâm trí vào hai dự án du lịch đặc biệt, vừa khai trương và đều mang tính “lần đầu tiên tại Việt Nam”. Đó là dự án thủy phi cơ du lịch của Tập đoàn du lịch Thiên Minh (TMG) và dự án du lịch trực tuyến Gotadi.com của tôi hợp tác với HG Travel.

Hai dự án này được khởi động vào các thời điểm khác nhau, nhưng đều được khai trương trong tháng 9 vừa qua, chỉ cách nhau có… chín ngày.

* TMG và HG Travel là hai tên tuổi lớn, đôi khi còn được coi là hai đối thủ cạnh tranh trong ngành du lịch Việt Nam, nhưng ông hợp tác với cả hai, liệu có xung đột lợi ích nào không?

- Không có xung đột lợi ích nào cả. Gotadi.com là dự án mà tôi là cổ đông sáng lập cùng HG Travel từ khi tôi còn chưa tham gia Hàng không Hải Âu của TMG. Gotadi.com hợp tác với iVIVU.vn của TMG; iVIVU.vn là công ty du lịch trực tuyến mạnh nhất Việt Nam trong lĩnh vực khách sạn, cung cấp dịch vụ đặt phòng cho hơn 2.500 khách sạn tại Việt Nam.

Còn Gotadi.com là công ty du lịch trực tuyến mạnh nhất Việt Nam về hàng không và các tour du lịch ra nước ngoài trọn gói, cung cấp dịch vụ đặt chỗ, mua vé máy bay với gần 1.000 hãng hàng không, hơn 400.000 khách sạn trên toàn cầu, các tour trọn gói trong khu vực và đi châu Âu.

Có thể một ngày nào đó sự hợp tác, liên kết giữa iVIVU.vn và Gotadi.com sẽ còn sâu hơn nữa. Đối thủ chung của iVIVU.vn và Gotadi.com là các công ty du lịch trực tuyến nước ngoài, chúng tôi muốn chiến thắng họ trên thị trường Việt Nam.

Ngoài kinh doanh, tôi quan tâm đến các vấn đề xã hội mà tôi cho là rất quan trọng với nước ta, như cải cách toàn diện nền giáo dục, chuyện xe máy và giao thông đô thị, các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường kinh doanh, v.v… Và tôi viết báo. Tôi muốn đóng góp ý kiến để những thứ đó trở nên tốt hơn.

* Quay lại chuyện kinh doanh, vì sao ông lại về làm việc cho TMG, một công ty tư nhân, và dự án thủy phi cơ du lịch được hình thành như thế nào?

- Hàng không và du lịch luôn gắn kết. Tôi đã làm hàng không hơn 20 năm, lại có năm năm kiêm nhiệm Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam và nhiều năm làm Tổng biên tập Heritage, một tạp chí chuyên sâu về du lịch.

Hàng không luôn gắn chặt với du lịch, nên tham gia TMG là để thỏa mãn đam mê hàng không và du lịch của tôi. Thủy phi cơ du lịch là dự án kinh doanh duy nhất ở Việt Nam hội tụ cả hàng không và du lịch.

Trước đây, Hàng không Hải Âu là của các cổ đông khác, được cấp giấy phép hoạt động hàng không từ đầu năm 2012. Nhưng họ gặp khó khăn, không triển khai được.

Đầu năm 2013, tôi và anh Trần Trọng Kiên (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TMG) gặp nhau. Anh Kiên nói TMG muốn đầu tư dịch vụ thủy phi cơ du lịch giống nhưở Úc, Dubai, Mỹ…, hỏi tôi có dẫn dắt dự án như thế được không.

Tôi nghĩ, dự án này hơi “xương”, ở Việt Nam chưa có tiền lệ, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, nhưng tôi tin là tôi làm được. Chúng tôi bàn bạc và nảy ra ý định mua lại cổ phần chi phối của Hàng không Hải Âu, khi đó đang có vốn điều lệ 50 tỉ đồng.

TMG sau đó đã mua lại 89% cổ phần của Hàng không Hải Âu, 11% cổ phần còn lại thuộc Focus Travel, một cổ đông sáng lập của công ty. Hàng không Hải Âu đã tăng vốn điều lệ lên 60 tỉ đồng, rồi tăng tiếp lên 100 tỉ đồng.

* Dưới góc nhìn của dịch vụ thủy phi cơ, du lịch biển của Việt Nam có tương lai phát triển như thế nào, thưa ông?

- Một đất nước với hơn 3.200km bờ biển, hàng chục dự án nghỉ dưỡng cao cấp dọc bờ biển và ở các đảo – đó là thiên đường cho du lịch biển và dịch vụ thủy phi cơ. Biển Việt Nam đẹp hơn nhiều so với biển ở Bali, Phuket, chẳng thua kém gì so với Fiji, Maldives, Địa Trung Hải, Caribbean…

Thay vì chọn du lịch là ngành chiến lược, lâu nay chúng ta cứ loay hoay từ “mũi nhọn” này sang “mũi nhọn” khác.

Tài nguyên thiên nhiên như thế quá ư mỹ mãn. Còn chúng ta có biết làm du lịch không? Chúng ta biết làm du lịch. TMG biết làm du lịch. Chúng ta có thể làm du lịch đẳng cấp thế giới. Trong 25 khách sạn tốt nhất ở Việt Nam, có hai khách sạn Victoria do TMG quản lý.

Buffalo Tours của TMG cũng là nhà điều hành tour có uy tín ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, trong năm nay sẽ mở rộng ra Singapore, Malaysia, Indonesia, Hongkong, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản… Buffalo Tours có các văn phòng bán tour tại hàng chục nước trên thế giới.

Vậy mà, thay vì chọn du lịch là ngành chiến lược, lâu nay chúng ta cứ loay hoay từ “mũi nhọn” này sang “mũi nhọn” khác. Công nghiệp đóng tàu, công nghiệp ôtô… đều đã thất bại và tôi nghĩ là sẽ còn thất bại với một số lựa chọn chiến lược khác.

Trong khi chúng ta có thể biến du lịch thành một ngành kinh tế chiến lược, trong đó nhấn mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái. Du lịch có nhiều cơ hội, tính khả thi trở thành ngành kinh tế chiến lược.

Nhưng thị trường du lịch nước ngoài vào Việt Nam cũng còn khó khăn, quy mô còn nhỏ. Tôi tạm lấy con số 7 triệu du khách nước ngoài đến Việt Nam mỗi năm của Tổng cục Thống kê làm ví dụ. Mới chỉ là con số lẻ so với 17 triệu lượt người đến Singapore, 27 triệu lượt người đến Thái Lan mỗi năm. Thật khó chấp nhận điều này!

* Vậy theo ông, du lịch Việt Nam vướng ở đâu?

- Có hai vướng mắc chính.

Thứ nhất, chính sách visa của chúng ta bảo thủ quá! Việt Nam mới chỉ miễn visa cho chín nước ASEAN và bảy nước khác, tổng cộng là 16 nước.

Thái Lan đã miễn visa du lịch cho 48 nước, Singapore cho 124 nước. Ta cần mở cơ chế visa cho thông thoáng, cần mở đất nước này ra cho du khách đến dễ dàng, đừng để họ thấy khó khăn khi muốn đến. Rồi cơ chế visa cấp tại cửa khẩu của chúng ta cũng không giống các nước.

Du khách nước ngoài vẫn phải xin duyệt visa trước (thông qua công ty du lịch trong nước) trước khi bay vào Việt Nam. Làm như thế là quá trói du lịch!

Thứ hai, công tác quảng bá điểm đến quá bất cập. Bao nhiêu năm ngành du lịch nói mãi câu chuyện mở văn phòng xúc tiến du lịch ở các nước, mà đến nay chưa có văn phòng nào. Quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế gần như không có.

Tiếp thị quốc gia quá kém. Một năm nước ta tổ chức 9.000 lễ hội trong nước, tốn kém, nhưng chỉ để chơi với nhau cho vui, chứ không có giá trị thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Muốn thu hút họ đến nước ta thì phải đem cái hay, cái đẹp của nước ta ra ngoài mà giới thiệu cho thiên hạ chứ!

Biến Việt Nam thành điểm đến du lịch nổi tiếng thế giới dễ hơn nhiều so với biến Việt Nam thành cường quốc đóng ôtô, tàu thủy, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với sản xuất ốc vít điện thoại bán cho Samsung.

“Hũ vàng” ngay dưới chân, chúng ta không khai thác cho tốt, lại cứ húc đầu vào những thứ Việt Nam không hề có thế mạnh gì hơn người ta. Sớm muộn rồi chúng ta cũng phải có chiến lược nghiêm túc về du lịch, đặc biệt về du lịch biển.

“Hũ vàng” ngay dưới chân, chúng ta không khai thác cho tốt, lại cứ húc đầu vào những thứ Việt Nam không hề có thế mạnh gì hơn người ta.

* Thủy phi cơ của Hải Âu nhằm đón đầu du lịch biển. Nhưng giá vé cao quá, Hải Âu lời quá!

- Đây không phải du lịch bình dân, mà là du lịch cao cấp. Chúng tôi đã bay thử dịch vụ này rất nhiều ở nước ngoài và xác định bán rẻ hơn một chút (khoảng 10%). Đó đã là sự cố gắng rất lớn, vì chúng tôi sử dụng máy bay thủy phi cơ hiện đại nhất, đắt nhất, trong khi nhiều nơi trên thế giới vẫn đang dùng các loại máy bay thủy phi cơ vài ba chục năm tuổi, thậm chí 40-50 năm tuổi.

Chúng tôi mua máy bay thủy phi cơ mới nhất, với công nghệ năm 2014. Thực lòng thì chúng tôi không có điều kiện và ý định giảm giá hơn nữa, trừ những tour trọn gói, khi chúng tôi cùng giảm giá với các đối tác.

Hải Âu từ ngày khai trương nhận được phản hồi rất tốt, chưa thấy ai phàn nàn về giá. Chúng tôi tập trung vào những trải nghiệm bất ngờ, độc đáo và chất lượng, để khi trải nghiệm ở đẳng cấp đó, người ta không tiếc số tiền đã bỏ ra.

Ví dụ, phòng chờ của Hải Âu như sảnh khách sạn năm sao. Chúng tôi tạo những khoảnh khắc bất ngờ với nhân viên, đội bay. Hành khách đi về thích thú, kể chuyện với gia đình, bạn bè, chia sẻ trải nghiệm trên Facebook…

Chúng tôi xây dựng chiến lược chú trọng vào du khách nước ngoài, nhưng bất ngờ là tỷ lệ người Việt Nam mua dịch vụ này lên tới 50% thay vì khoảng 30% như chúng tôi nghĩ ban đầu. Hành khách bay với chúng tôi phản hồi rất nhanh. Họ rất thích dịch vụ này, dù giá vé cao, nhưng mang lại trải nghiệm rất độc đáo.

Kế hoạch của chúng tôi là có lãi ngay trong năm đầu. Chúng tôi không muốn kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp mà lại bị lỗ.

* Ông đã trải qua những hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, nhưng có vẻ cuối cùng dừng lại ở doanh nghiệp mới và nhỏ?

- Làm thủy phi cơ, máy bay nhỏ, quy mô hoạt động nhỏ, nhưng tính phức tạp thì cao hơn cả hàng không công cộng. Làm dự án hãng hàng không công cộng thì đã có sẵn sân bay dưới đất, đường bay trên trời…

Nhưng làm dự án thủy phi cơ, một dịch vụ chưa bao giờ có tại Việt Nam, chúng tôi phải tự làm hết, từ vẽ bản đồ bay và xin phép từng đường bay, xây từng cầu tàu thủy phi cơ, xin phép thiết lập từng khu vực cất, hạ cánh trên mặt nước…

Có được sự đồng thuận của các cơ quan trung ương và địa phương cũng không đơn giản. Có lúc chúng tôi cùng vài chục đại diện sở ban ngành của địa phương thuê một con tàu ra biển, thảo luận trên tàu, chỉ tay xuống nước, bảo ta thống nhất là máy bay sẽ hạ cánh ở đây, neo đậu ở đây, rồi làm biên bản trình các cấp phê duyệt.

Bắt tay vào tôi mới biết khó. Mỗi tỉnh làm việc một kiểu, không ở đâu giống ở đâu. Tôi nghĩ trong thời gian tới cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế chính sách thì hoạt động thủy phi cơ và các hoạt động hàng không chung mới phát triển tốt được.

Ở Việt Nam, khi nói đến hàng không, mọi người đồng nhất nó với khái niệm “vận tải hàng không công cộng”, khái niệm “hàng không chung” rất ít ai để ý đến.

Nhưng trên thế giới chỉ có 20.000 máy bay hàng không công cộng, trong khi số lượng máy bay hàng không chung (máy bay tư nhân; máy bay của các bệnh viện, của các cơ quan hành chính, nghiên cứu khoa học, cảnh sát, kiểm lâm; máy bay vận chuyển air taxi hay ngắm cảnh du lịch…) tới 360.000 chiếc, nhiều gấp 18 lần.

Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất Việt Nam, có khoảng 500 lượt chuyến mỗi ngày, chỉ bằng một nửa số chuyến bay hằng ngày ở sân bay Bankstown dành cho hàng không chung ở Sydney.

Trong tương lai, số người Việt Nam có nhu cầu sở hữu máy bay riêng không ít, nhưng để khai thác được máy bay tư nhân không dễ. Nhiều loại máy bay nhỏ có giá từ 400-500 nghìn USD, chỉ bằng cái ôtô Lexus mà nhiều người đang có.

Học lái máy bay tư nhân ở nước ngoài cũng chỉ mất vài ba tháng, tốn vài ba chục ngàn USD. Nhưng mua được máy bay rồi, có bằng lái máy bay tư nhân rồi, làm sao bay được lên trời dễ dàng như ở nước ngoài?

* Vậy năm năm nữa, ông muốn gì cho lĩnh vực hàng không chung?

- Năm năm nữa, tôi mơ nhìn lên bầu trời lúc nào cũng thấy các máy bay hàng không chung đang bay. Đã nhiều lần tôi cùng các học viên phi công Việt Nam bay lang thang trên bầu trời Mỹ.

Đúng nghĩa là “bay lang thang”, bay đi chơi, không có mục đích cụ thể nào. Tôi quan sát các máy bay nhỏ khác bay xung quanh theo phương thức bay bằng mắt (VFR) và mơ về một bầu trời Việt Nam có nhiều máy bay như thế, bay dễ dàng như thế.

Tôi quan sát các máy bay nhỏ khác bay xung quanh theo phương thức bay bằng mắt (VFR) và mơ về một bầu trời Việt Nam có nhiều máy bay như thế, bay dễ dàng như thế.

Ở Mỹ, chúng tôi ra sân bay, leo lên máy bay, thông báo cho cơ quan không lưu là chúng tôi bắt đầu bay từ A đến B, và thế là bay. Hoạt động bay tầm thấp ở họ chỉ có khái niệm “thông báo bay”, làm gì có khái niệm “xin phép bay”?

* Nghe ông kể chuyện “bay lang thang”, có thể đoán rằng hàng không đối với ông có một ý nghĩa đặc biệt…

- Đúng vậy. Mặc dù tôi có thời kỳ làm bất động sản và hiện vẫn đang tham gia một dự án đô thị lớn ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhưng hàng không với tôi là đam mê, là duyên nợ. Hàng không cho tôi đôi cánh để bay, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

* Có vẻ ngoại giao quá không, ông đã bị nghề hàng không làm cho bầm dập, mà vẫn bày tỏ tình yêu như thế?

- Tôi không có thói quen nhìn lại phía sau. Tôi chỉ nhìn về phía trước, tính xem quỹ thời gian làm việc của mình còn bao nhiêu, còn có thể làm thêm được những việc gì.

Cái gì đã thuộc về quá khứ thì không thể thay đổi được nữa. Cái gì không thay đổi được nữa thì không tạo thêm giá trị được nữa.

Tôi lại thích làm ra, tạo ra giá trị và vì vậy tôi chỉ quan tâm đến những gì thuộc về hiện tại và tương lai, nơi tôi còn có thể tạo thêm giá trị.

* Vậy theo ông, cuộc đời dạy người ta những gì?

- Hãy cố mà làm những gì mang lại giá trị cho cộng đồng, cho người dùng. Người mà tôi ngưỡng mộ, tỉ phú người Anh Richard Branson nói đại ý rằng nếu anh làm ra cái gì mà được nhiều người dùng thì tiền sẽ tự đến.

Tôi cũng nghĩ vậy. Tất cả những thứ tôi tham gia làm, dù là hàng không truyền thống, hàng không giá rẻ, hàng không du lịch cao cấp, dịch vụ du lịch trực tuyến hay bất động sản…, tôi luôn tâm niệm làm ra cái gì có giá trị cho người dùng, cho càng nhiều người dùng càng tốt. Còn nếu làm kém thì chịu mất tiền, một cách xứng đáng.

* Thế hệ của ông, nhiều người đã gặp trục trặc với sự nghiệp và sau đó thì bi quan, bất mãn. Ông có vẻ khác?

- Làm một kẻ bất mãn thì quá dễ. Nhưng một kẻ bất mãn chẳng có giá trị đối với gia đình và xã hội, tại sao lại chọn con đường đó?

Chẳng có con đường nào chỗ nào, lúc nào cũng trơn tru. Nếu anh đang đi mà vấp ngã thì hãy đứng dậy phủi quần áo rồi đi tiếp. Đó là thái độ hành xử của tôi đối với mọi thứ trong cuộc sống.

* Trong công việc và cuộc sống, nguyên tắc nào được ông coi trọng?

- Trong công việc và mọi mối quan hệ, với tôi, chữ tín là quan trọng nhất. Đầu tiên tôi muốn xuất phát từ niềm tin, tin tất cả, tin đủ mọi thứ. Tin cho đến khi có cơ sở, bằng chứng để nói rằng người đó, điều đó không đủ cơ sở để tin nữa.

Hàng không cho tôi đôi cánh để bay, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nhiều khi phải trả giá nhưng tôi không thay đổi thái độ đó. Kể cả phải trả giá, nhưng sống như thế tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Khi mình tin, mình đôi khi có mất, nhưng sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nếu nuôi dưỡng trong người nhiều nghi ngờ quá thì mình sẽ tự đóng hết các bầu trời, cánh cửa, đánh mất hết các cơ hội mình có thể có.

* Còn với con cái, ông dạy con những giá trị nào?

- Giá trị đam mê. Không ai làm bất kỳ việc gì tử tế được nếu không có sự đam mê. Nếu không đam mê một việc thì nên bỏ đi mà làm việc khác.

Anh không thể thành công với việc anh không đam mê. Anh muốn làm gì tử tế thì đam mê là cốt lõi. Làm việc không đam mê giống như ăn bát cơm nguội vậy. Nhờ đam mê, tôi mới có thể làm hàng không, du lịch, viết báo…

Tôi dạy các con niềm đam mê và ý thức tự gây dựng tương lai cho mình. Khi con trai tôi học cấp 3, tôi nói ba mẹ chỉ chu cấp cho con ăn học đến khi con đi làm. Tháng đầu tiên con nhận đồng lương cũng là lúc ba mẹ không chu cấp thêm bất kỳ đồng nào nữa.

Con phải tự nuôi con và gia đình con, ngoài ra con còn chu cấp cho em con ăn học. Con trai chúng tôi tốt nghiệp Đại học Cambridge, sau đó về Singapore làm việc và hiện đang học MBA ở Chicago, Mỹ.

Tôi không khuyên con đi đâu, làm gì, cháu phải tự quyết định lấy công việc, cuộc sống của mình. Con gái chúng tôi đang học du lịch ở Singapore. Tôi may mắn có một gia đình trọn vẹn và hạnh phúc.

Không ai làm bất kỳ việc gì tử tế được nếu không có sự đam mê. Nếu không đam mê một việc thì nên bỏ đi mà làm việc khác.

* Và còn hứng thú với vai trò Facebooker nổi tiếng?

- Sở thích của tôi là viết báo. Facebook đối với tôi cũng là phương tiện để trao đổi ý kiến, quan điểm, để học hỏi và có thêm tư liệu để viết báo. Tôi cũng muốn thông qua Facebook tác động đến các bạn trẻ và hy vọng các kinh nghiệm, góc nhìn của tôi bổ ích cho các bạn trẻ. Tôi kỳ vọng ở các bạn trẻ, mong họ làm được những gì thế hệ chúng tôi không làm được do những bất cập của bản thân, môi trường, bối cảnh.

* Hẳn ông phải là người ham đọc sách! Ông có thể chia sẻ cuốn sách yêu thích của ông và tại sao lại là nó không?

- Đọc sách với tôi là nhu cầu thường xuyên, cả sách truyện và sách kinh doanh. Cuốn sách tôi thích nhất là Cuốn theo chiều gió.

Khi lần đầu tiên đặt chân đến Atlanta (Mỹ), sau khi về khách sạn, việc đầu tiên của tôi là lấy bản đồ rồi đi bộ nhiều cây số đến nhà lưu niệm của nữ nhà văn Margaret Mitchell, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cuốn theo chiều gió là câu chuyện cảm động về tình yêu và nghị lực sống.

Nghĩ cho cùng, cuộc đời là một kiểu “cuốn theo chiều gió”. Mình cố gắng làm mọi thứ để kiểm soát công việc và cuộc sống của mình, nhưng gió-cuộc-đời có thể cuốn mình đến một nơi nào đó không nằm trong kế hoạch, đòi hỏi mình phải điều chỉnh để thích nghi và tạo ra giá trị cho cuộc sống mới, trong hoàn cảnh mới, vì tương lai.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện lý thú này.

Hoàng Phúc
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn