Mobile marketing: Thu nhỏ thế giới trong bàn tay

Mobile marketing được dự báo là sẽ qua mặt online trong vai trò kênh quảng cáo hữu hiệu nhất đối với doanh nghiệp.

Ưu thế smart phone

Theo báo cáo thống kê ghi nhận tại Diễn đàn MMA (Hiệp hội Mobile Marketing) toàn cầu tổ chức tại Singapore mới đây, số smartphone trên toàn cầu đã gần chạm mức 2 tỷ chiếc. Ở một số nước châu Á, thị phần smartphone đã vượt điện thoại di động thông thường như: Singapore (chiếm 72%), Trung Quốc (chiếm 66%), Hồng Kông (chiếm 58%)...

Dự đoán, trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2015, điện thoại smartphone sẽ chi phối thị trường so với điện thoại truyền thống. Nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam dự tính sẽ tăng từ mức hiện tại là 16% (dự báo trước đây là 11%) lên 21%; có tới 42% người được hỏi muốn đổi từ điện thoại di động thường sang smartphone.

Rõ ràng smartphone đóng một vai trò chi phối rất lớn đối với sự tăng trưởng dữ liệu di động. Sự thay đổi này đã làm đảo lộn trật tự của ngành marketing và chi phối ngân sách marketing trong tương lai. Theo khảo sát của MMA, ngân sách marketing của các công ty Mỹ sẽ sử dụng cho mobile tăng mạnh, trong khi ngân sách marketing truyền thống và online có chiều hướng giảm rõ rệt. 65% số marketer được hỏi cho biết sẽ tăng ngân sách cho mobile marketing, trong khi chỉ có 26% sẽ tăng ngân sách cho các kênh marketing truyền thống trong năm 2012.

Tương tự như mobile, cuộc cách mạng của online đã từng làm cho các nhà hoạt định chiến lược của các công ty buộc phải thay đổi chiến lược marketing để thích ứng khi công nghệ phát triển. Các kênh quảng cáo truyền thống vốn chiếm một ngân sách khổng lồ đã phải nhường bước trước xu hướng online marketing hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, sau khi smartphone ra đời, các chuyên gia marketing bắt đầu nhận thức một sự thay đổi mới và họ đã sớm phát hiện ra kênh quảng cáo hữu hiệu nhất không chỉ dừng lại ở online mà chính là mobile.

Thống kê cho thấy trung bình thời gian một người dành lướt web tối đa là 2 giờ mỗi ngày, trong khi bất kỳ lúc nào họ cũng có thể truy cập internet trên smartphone. Khi công nghệ phát triển, các marketer có thể khai thác mobile một cách triệt để và hữu hiệu bằng cách sử dụng “thời gian chết” của người dùng cho các kế hoạch kinh doanh như: quảng cáo, marketing bán hàng, xây dựng thương hiệu... thay vì chỉ tận dụng để gửi tin nhắn spam như trước đây.

"Vết dầu loang" mobile

Một ứng dụng của mobile trong một chiến dịch marketing chính là quảng cáo. Lợi thế của chiến dịch quảng cáo trên mobile chính là tính hiệu quả đo được nhờ xác lập được nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu của chiến dịch bao gồm: đối tượng, địa lý, thói quen... và phân vùng lại để sử dụng chi phí quảng cáo hiệu quả nhất. Chính sự khác biệt này giúp cho các chiến dịch mobile marketing đo được tính hiệu quả của quảng cáo và sự phản hồi từ khách hàng mục tiêu. Hiệu quả cao nhưng chi phí khá hợp lý.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình, đại diện Công ty Goldsun Focus Media, chi phí tối thiểu đối với một chiến dịch mobile marketing khoảng 30 triệu đồng. Đây được xem là một trong những giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp đang muốn quảng bá thương hiệu trong thời kỳ khủng hoảng.

Một trong các chiến dịch mobile marketing ấn tượng được thực hiện trong thời gian gần đây là Ford Việt Nam giới thiệu dòng xe Ford Ranger hoàn toàn mới. Chương trình diễn ra trong 2 tháng với các hình thức mobile site, mobile advertising và SMS marketing cùng được sử dụng. Kết quả thực sự bất ngờ so với chiến dịch tương tự đã triển khai ở thị trường Úc.

Mobile site có hơn 195 ngàn trang được xem bởi hơn 145 ngàn người khác nhau. Ranger2012.vn là tên website của chiến dịch giới thiệu dòng xe Ford Ranger hoàn toàn mới có rất nhiều tính năng: xem video, xem gallery, thử tính năng xe, thử chọn màu xe, đăng ký lái thử xe... Ông Trương Kim Phong, đại diện Ford Việt Nam, cho biết: “Với ứng dụng mobile marketing, Ford đã tạo mobile site để mọi người có thể truy cập vào khi đang ở bất kỳ đâu và có thể ngay lập tức chia sẻ cho bạn bè khi đang trong đà câu chuyện. Với thế mạnh trong việc xác lập nhóm khách hàng mục tiêu của chiến dịch: phân khúc đối tượng, địa lý, thói quen... nhờ đó mà chiến dịch đo được hiệu quả”.

Tuy nhiên, theo bà Thúy Bình, tại Việt Nam, do nhận thức của doanh nghiệp về mobile marketing vẫn còn hạn chế nên việc triển khai ứng dụng này vẫn chỉ dừng lại ở việc gửi tin nhắn (đa phần là tin nhắn spam).

Do vậy, để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận công nghệ và ứng dụng hiệu quả, rất cần một hệ thống tư vấn chuyên nghiệp và bài bản để học được nhiều bài học từ kinh nghiệm thực tiễn để ứng dụng được hiệu quả nhất. “Khi muốn thực hiện một chiến dịch mobile marketing, cần lưu ý khoanh vùng nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu và chuyển tải đúng thông điệp đến đúng đối tượng khách hàng. Việc làm này sẽ đo được mức độ hiệu quả của chiến dịch, đồng thời gia tăng tính tương tác của khách hàng khi tham gia vào chiến dịch. Đây là một lợi thế lớn của mobile marketing mà các kênh thông thường khác không làm được, qua đó, doanh nghiệp có thể cân đối ngân sách marketing một cách thông minh nhất”, bà Thúy Bình tư vấn.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn