Cựu CEO của FPT và bài học về sáng tạo bắt nguồn từ Toyota

"Nhiều công ty vẫn loay hoay với suy nghĩ có cần phải lập quỹ sáng tạo hay không và cần bao nhiêu tiền để đầu tư sáng tạo?"

Ông Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng Giám đốc FPT, hiện là Phó Chủ tịch Đại học FPT mở đầu phần chia sẻ của mình tại buổi hội thảo về mô hình quản trị sáng tạo thành công trên thế giới và bài học cho Việt Nam.

Ông cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo mà không cần đến tiền, không cần quỹ và ông là người tin vào quan điểm này.

“Chính vì chi quá nhiều tiền nên đã hạn chế việc sáng tạo mà quên mất rằng việc sáng tạo có thể diễn ra hàng ngày, của các cá nhân có tinh thần sáng tạo. Nguồn sáng tạo lớn nhất chính là nhân viên làm việc tại công ty. Chỉ sáng tạo khi công ty sắp chết thôi, đây là quan niệm sai lầm.”, ông nhận định và ông kể câu chuyện về sáng tạo được rút ra từ lần làm việc với Hãng xe Toyota.

Nguyên TGĐ Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam.

Trong lần đến thăm Việt Nam, người phụ trách thiết bị công nghệ của hãng đã ghé thăm FPT. Vị này có đưa ra nhận xét là nhân viên tại Việt Nam lười sáng tạo, rồi hỏi trong FPT tỷ lệ sáng kiến của nhân viên là như thế nào?

“Cũng may FPT có đơn vị đo vụ này nên tôi trả lời trung bình một nhân viên FPT 3 năm mới có 1 sáng kiến.”, ông Nam kể.

Ông ấy rất ngạc nhiên và cho rằng trung bình phải 1 ngày 3 sáng kiến bởi với một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam mà như vậy là quá ít và ông ấy không tin điều này.

“FPT là công ty hàng đầu, công ty tốt thì không thể nào như vậy. Vậy FPT coi thế nào là sáng kiến và khuyến khích sáng kiến như thế nào ”, vị này hỏi.

Tôi trả lời đơn giản là cứ có sáng kiến thì nộp, sau đó có hội đồng đánh giá, nếu tốt thì test. Ông ấy lắc đầu và nói rằng như vậy thì sai bét. Ông cho rằng người ta không bao giờ sáng tạo vì được khen cả và nói rằng FPT phải thay đổi cách đánh giá về sáng tạo.

Cái gốc của sáng tạo là hàng ngày phải nghĩ ra được cái gì tốt hơn, có ích hơn hôm qua.

“Cái gốc của sáng tạo là hàng ngày phải nghĩ ra được cái gì tốt hơn, có ích hơn hôm qua. Sáng tạo là gì? Là mỗi bản thân chúng ta phải giải quyết vấn đề của mình. Đầu tiền là phải làm tốt việc mình làm đã rồi hãy nói đến chuyện thay đổi thế giới.”, vị này chia sẻ.

Cựu Tổng giám đốc FPT cho rằng đây chính là sự thay đổi lớn trong quan điểm về sáng tạo tại FPT.

“Hãy sáng tạo những điều đơn giản nhất có thể và đo độ ứng dụng của nó. Nếu khả năng ứng dụng càng cao, rộng thì sẽ test trong toàn công ty. Và nếu nhân viên nào không thường xuyên có những sáng tạo thì sẽ phải nghỉ. Đây thực sự là thay đổi lớn được rút ra từ lần gặp gỡ này.”, ông Nam cho biết.

Ông nói tiếp: “Chúng ta cứ cho rằng việc sáng tạo của những nhà nghiên cứu, nhà khoa học mà không cho rằng đó là việc của nhân dân.”

Vậy làm thế nào để mọi người cùng tham gia sáng tạo, bởi nếu trong công ty ai cũng sáng tạo, nếu quản lý không tốt sẽ “loạn” sáng tạo.

Ông Nam chia sẻ về câu chuyện sáng tạo tại Hội thảo.

“Công ty phải có mô hình phù hợp, có không giản mở để ai cũng có thể sáng tạo”, ông Nam cho biết.

Ông Nam kể về việc đọc một bài báo nước ngoài với thông tin người ta có thể xây dựng phần mềm theo hai khác nhau. Một cách là làm như nhà thờ và thứ hai là như một cái chợ.

Nhà thờ như Microsoft, một công ty xây dựng nên hệ thống phần đẹp, lung linh, lộng lẫy, ai đến đây cũng cảm nhận như một thánh đường. Nhiều người làm công nghệ trên thế giới mơ ước có thể tạo nên một thánh đường như vậy. Và cách thứ hai là để cho nó tự phát như một cái chợ.

“Khi tôi đọc bài báo này xong tôi cảm thấy rất gần gũi. Cái chợ là cái chúng ta có thể làm được còn xây một thánh đường là điều không thể. Chúng ta không có kiến trúc sư, không thể hình dung thánh đường nó như thế nào. Và mô hình cái chợ đã áp dụng với FPT đến ngày hôm nay.”, ông Nam chia sẻ.

Huyền Trâm
Nguồn Biz Live