Khổ vì đặt tên... doanh nghiệp

Bộ VHTTDL vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn quy định tại Luật DN về đặt tên DN, trong đó có rất nhiều điều “cấm kỵ” khiến DN không khỏi đau đầu.

Dự thảo gồm 5 điều, trong đó có 2 điều quy định: Những trường hợp đặt tên DN vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc và vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đặc biệt, theo Dự thảo: Sử dụng tên đất nước trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ; sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc.

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ các trường hợp đặt tên DN vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, như: sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện tiếng lóng, tiếng nói lái, từ ngữ dung tục; sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện quan hệ tình dục, sự khiêu dâm...

Theo ông Trần Thanh Tùng - Cty Luật Phuoc & Partners, theo Luật DN 2005, hiện nay, một trong những điều cấm khi đặt tên DN là “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Điều 14.3 của Nghị định 43/2010/NĐ ngày 15/4/2010 của Chính phủ bổ sung thêm việc cấm dùng tên danh nhân để đặt tên riêng cho DN. Và Dự thảo của Bộ VH-TT&DL để hướng dẫn điều 14.3 này.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, ở góc độ nào đó, việc dùng tên danh nhân để đặt tên cho DN cần được xem là sự trân trọng của DN đối với lịch sử. Chúng ta có thể cấm DN sản xuất kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây hiểu lầm, phản cảm đối với một danh nhân nào đó nhưng không thể quy chụp việc đặt tên DN theo tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử.

Từ ngữ muôn hình vạn trạng và tùy trường hợp mà có ý nghĩa khác nhau nên không thể liệt kê hay giải nghĩa ra hết được.

Cũng theo ông Tùng, dự thảo mở rộng phạm vi cấm đến việc sử dụng tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, tên giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc. Nhưng như thế nào là phản chính nghĩa, là kìm hãm sự tiến bộ, là có tội với đất nước, với dân tộc thì không thấy dự thảo nêu ra.

Một điều cần chú ý là Luật DN không cấm đặt tên DN theo tên danh nhân. Điều cấm này do Nghị định 43 thêm vào. Không dừng lại ở đấy, dự thảo mở rộng phạm vi cấm đến cả việc sử dụng tên “nhân vật lịch sử”, trong khi “nhân vật lịch sử là khái niệm còn không được đề cập trong điều 14.3 của Nghị định 43 hoặc Luật DN.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), do từ ngữ thì muôn hình vạn trạng và tùy trường hợp mà có ý nghĩa khác nhau nên không thể liệt kê hay giải nghĩa ra hết được. Và do không thể hướng dẫn chi tiết từ nào thì nhạy cảm, người nào là danh nhân nên luật quy định “cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của DN” và “quyết định của cơ quan đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”. Tuy nhiên, khi “quyết định cuối cùng” cũng chỉ mang tính cảm tính, mà không theo quy định cụ thể nào, thì không ai dám chắc, “quyết định cuối cùng” ấy đảm bảo có tình có lý để DN “tâm phục, khẩu phục”…

Trước đó, bàn về vấn đề này tại một “Hội thảo về sửa đổi Luật DN” tổ chức năm 2013, các cơ quan cũng phải thừa nhận quy định này làm họ bị bối rối. Ví dụ, trường hợp như hai luật sư, một tên là Hùng, một tên là Vương quyết định mở một Cty luật hợp danh đặt tên Cty là “Cty Luật hợp danh Hùng Vương”. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận vì “phạm húy” đến tên của vua Hùng, một trong những hình thức đặt tên bị cấm.

Nhiều ví dụ khôi hài khác cũng được đưa ra thảo luận tại hội thảo, như trường hợp một DN ở Hà Nội đề xuất đặt tên DN là Cty TNHH Cung cấp dịch vụ Sung Sướng. Trước yêu cầu này, cơ quan đăng ký kinh doanh Hà Nội khá “bối rối” vì không biết cái tên này có bị coi là “vi phạm thuần phong mỹ tục” như quy định hay không. Một cái tên khác cũng từng bị từ chối là Cty Cổ phần Ăn mòn VN, với ngành nghề kinh doanh chất... ăn mòn. Tuy nhiên, cán bộ đăng ký kinh doanh khá lúng túng trước cụm từ “ăn mòn VN” có “nhạy cảm” gì không...

Bình Anh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp