Recap buổi 1: Chương trình CMO Career 2014 - Bản đồ ngành marketing (Advertising & digital marketing)

Các bạn thân mến, như đã hứa, để giúp những bạn không có cơ hội đồng hành cùng chương trình có thể nắm bắt những kiến thức quan trọng, hôm nay CMO Forum hân hạnh mang đến cho các bạn bài tường thuật nội dung buổi đầu tiên trong chuỗi chương trình hướng nghiệp CMO Career 2014 – Bản đồ ngành Marketing với chủ đề Advertising agency và Digital agency.

Xin mời các bạn hãy cùng đến với những chia sẻ thực tế và hữu ích từ hai vị diễn giả của chương trình, anh Hồ Công Hoài Phương - Strategic Planning Manager tại Dentsu Alpha và anh Ngô Minh Thuận - Founder & Managing Director tại DNA Digital về mô hình, các vị trí công việc trên thực tế cùng với việc giải đáp các thắc mắc cho các bạn sinh viên thông qua 3 topic của chương trình:

* Tôi phù hợp?

* Cơ hội thăng tiến trong nghề?

* Những điều cần chuẩn bị.

Mở đầu chương trình là phần chia sẻ về Advertising agency trên thực tế của anh Hồ Công Hoài Phương, giải đáp những thắc mắc như công việc ở Advertising agency là gì? Mô hình và các vị trí ra sao? Bắt đầu ở những vị trí nào và cần phải chuẩn bị gì cho nó?

Theo chia sẻ từ anh, trên thực tế, người tiêu dùng và ngay cả những bạn có định hướng làm marketing hầu như chỉ biết đến các thương hiệu mà chẳng quan tâm đến đằng sau những thương hiệu đó, ai đã góp phần xây dựng và phát triển nên nó. Và thường có những nhận định sai lầm về quảng cáo, rằng: quảng cáo là tờ rơi, chỉ là những TVC hay chỉ là một tiệm làm hộp đèn điện tử…

Một Advertising agency còn làm được nhiều hơn thế. Thực chất, công việc chính của Advertising agency là đưa ra những giải pháp sáng tạo mà phần lớn là giải pháp truyền thông nhằm giải quyết vấn đề kinh doanh của khách hàng. Ngoài ra một số Advertising agency lớn còn tư vấn những giải pháp về mô hình kinh doanh, sản phẩm, kênh phân phối, hoạt động tương tác với khách hàng cho các Client. Trong rất nhiều trường hợp, một giải pháp sáng tạo tốt và phù hợp thì sẽ góp một phần lớn đẩy giá trị thương hiệu lên một tầm mới cao hơn rất nhiều.

Mô hình của một Advertising agency thông thường bao gồm:

Với một quy trình làm việc cơ bản:

* Phòng Account nhận brief từ khách hàng, thảo luận và làm rõ vấn đề với khách hàng.

* Phòng Planning nhận brief từ phòng Account, tiến hành phân tích nội bộ (người tiêu dùng, thị trường của đối thủ…) từ đó đưa ra chiến lược và bản định hướng sáng tạo để làm việc với phòng Sáng tạo (Creative).

* Tiếp sau là quá trình sáng tạo, tìm giải pháp, đánh giá, thống nhất và tiến hành minh họa ý tưởng lớn của Creative.

* Phòng Account nhận giải pháp từ Creative và trình bày với khách hàng, nhận và xử lí các phản hồi để chuyển về bộ phận Creative thay đổi cho phù hợp.

* Nếu nhận được sự đồng ý từ Client, sản phẩm sẽ được tiến hành sản xuất (product) và các vấn đề liên quan khác.

Đối vói hai mảng quan trọng Account và Creative, trong một Advertising agency thường có các vị trí như:

* Account yêu cầu những người có khả năng giao tiếp, kĩ năng truyền đạt, thuyết phục khách hàng và có một tư duy chiến lược, sáng tạo trong một khuôn khổ nhất định.

* Creative yêu cầu khiếu thẩm mỹ, những góc nhìn mới lạ và độc đáo, khả năng viết lách (copywriter) hay khả năng design (designer) với những công cụ cơ bản.

Với những sinh viên mới ra trường, vị trí bắt đầu thường là Executive ở các phòng ban và tùy thuộc khả năng từng bạn mà quãng thời gian cần thiết để thăng tiến lên các vị trí cao hơn sẽ khác nhau.

Anh Phương còn cho biết: “Các bạn mới ra trường không nên nôn nóng vào các vị trí quá cao ngay từ đầu, điều đó sẽ khiến cho bạn bị chững lại đáng kể về sau. Bạn nên từ từ, từng bước hoàn thiện những kĩ năng cần thiết và tiến lên” .

Vậy còn Digital agency sẽ làm gì? Mô hình, công việc ra sao? Có thể bắt đầu từ đâu và với những yêu cầu như thế nào?

Anh Ngô Minh Thuận đã có một phần chia sẻ rất thực tế để giải quyết những câu hỏi này giúp các bạn.

Digital agency làm gì? Chúng tôi tìm cách giải quyết những vấn đề của Client bằng những giải pháp sáng tạo, truyền thông về nhãn hàng, sản phẩm hay dịch vụ và tương tác với người dùng thật thú vị, hào hứng, trên phương tiện digital. Vì sử dụng kênh tiếp cận là digital nên Digital agency có khả năng tương tác với người dùng tốt hơn so với Advertising agency.

Với những công việc như vậy, mô hình một Digital agency có khá nhiều điểm tương đồng với Advertising agency:

Đi sâu vào vị trí công việc của từng bộ phận, anh Minh Thuận cho biết với từng bộ phận khác nhau thì yêu cầu công việc cũng có những điểm khác biệt cơ bản và vị trí dành cho những bạn mới ra trường thường là Executive (gọi vui là culi). Và cũng tùy theo từng người mà các bạn sẽ tiến lên các vị trí cao hơn trong một thời gian nhất định. Cụ thể, xin mời các bạn theo dõi slide anh cung cấp (kèm theo).

Theo anh Thuận, những môi trường tốt để bạn có thể làm digital có thể là: DNA Digital, Group M, Startcom, DatViet VAC, Admicro, IDM, April Digital…

Sau phần chia sẻ của 2 anh, chương trình đã đón nhận rất nhiều câu hỏi thú vị từ các bạn trong phần Q&A như:

* Topic 1: Tôi phù hợp?

Câu hỏi: Theo em được biết thì không ít bạn sinh viên hiện nay vẫn hy vọng bản thân mình sau khi ra trường sẽ có thể thử và trải nghiệm ở nhiều mảng công việc khác nhau, khi các bạn cảm thấy không phù hợp thì có thể nhảy việc. Đó có phải là một cách tốt để tìm kiếm sự phù hợp của bản thân không anh?

Trả lời: anh Minh Thuận cho rằng: “Điều này là không nên, thử quá nhiều sẽ khiến nhà tuyển dụng cho rằng bạn không ổn định và chưa có tầm nhìn. Các bạn phải tìm hiểu, xác định mục tiêu cụ thể và một tư duy chiến lược để có thể đạt được mục tiêu đó từng bước một.”

Câu hỏi: Anh Phương ơi, để làm trong nghề quảng cáo thì theo anh là không được sáng tạo quá mức nhưng sáng tạo là điều bắt buộc phải có. Vậy thì sáng tạo trong quảng cáo thế nào là đủ?

Trả lời: Quảng cáo là để giải quyết các vấn đề cho Client chứ không phải thỏa mãn nhu cầu bản thân nên nhân viên sáng tạo phải nằm trong khuôn khổ mà khách hàng đặt ra, sáng tạo đó là để phục vụ cho khách hàng.

* Topic 2: Nấc thang thăng tiến?

Câu hỏi: Những sinh viên mới ra trường có thể trở thành một planner hay không? Và cách nào để có thể tiếp cận vị trí này nhanh nhất?

Trả lời: Với một sinh viên mới ra trường thì để trở thành một planner không phải là không thể nhưng nó thực sực khó, bởi trong các agency, vị trí planner không chiếm một con số đủ lớn để tuyển một sinh viên mới ra trường. Theo hai anh, cách tốt nhất là nên bắt đầu từ một account để học hỏi kinh nghiệm rồi đi dần đến một planner thì sẽ dễ dàng hơn. Và xin bật mí với các bạn là anh Phương đã đi theo con đường này. Lời khuyên từ hai anh là trong tất cả mọi việc, các bạn nên chủ động tìm hiểu và học hỏi để phát triển bản thân một cách tốt nhất.

* Topic 3: Những điều cần chuẩn bị?

Câu hỏi: Rèn luyện tuy duy sáng tạo bằng cách nào ?

Trả lời:

+ Anh Thuận: Sáng tạo là một quá trình thẩm thấu và rèn luyện nên bạn cần phải quan sát và đưa ra nhận định riêng, phải tò mò khám phá, tìm kiếm cảm hứng cho bản thân và phải thực hành hằng ngày.

+ Anh Phương: Những thứ hay ho thì luôn có trên báo, hãy luyện cho mình thói quen đọc báo mỗi ngày.

Anh Ngô Minh Thuận - Founder & Managing Director tại DNA Digital

Câu hỏi: Làm gì để có thể bù đắp kinh nghiệm cho một sinh viên mới ra trường?

Trả lời:

+ Anh Phương: Các bạn luôn cho rằng kinh nghiệm là phải làm việc 2, 3 năm nhưng thực ra điều mà nhà tuyển dụng mong muốn nhìn thấy là kinh nghiệm sống mà bạn có, cách mà bạn áp dụng những kinh nghiệm đó để cho ra những điều mới mẻ thú vị.

+ Anh Thuận: Nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào vào tầm phát triển của bạn trong tương lai nhiều hơn là kinh nghiệm hiện tại, họ cần những người có thể phát triển nhiều hơn nữa sau đó chứ không phải một người có kinh nghiệm mà lại không phát triển gì thêm. Bạn phải sống để có những tư duy mới lạ, những góc nhìn riêng. CV cần phải thú vị, thể hiện được quan điểm riêng của bản thân.

Câu hỏi: Có nên đi du học để có thể học nhiều hơn về quảng cáo hay là nên đi làm để thu thập kinh nghiệm riêng cho bản thân?

Trả lời, anh Phương cho biết: Thật ra trong ngành người ta không quan tâm bạn học ở đâu mà sẽ quan tâm bạn làm được tới đâu, sẽ cho ra những cái gì mới mẻ và anh cũng cho rằng có thể bạn sẽ hối tiếc nếu chọn đi du học ngay sau khi ra trường. Thường thì lời khuyên đi du học sẽ dành cho những bạn đã đi làm 4 đến 5 năm, bản thân anh cũng lấy bằng master sau 5 năm đi làm.

Kết thúc buổi đầu tiên của chương trình CMO Career 2014 – Bản Đồ Ngành Marketing, chúng tôi rất vui khi có thể đón nhận những câu hỏi và phản hồi tích cực của các bạn dành cho chương trình. Xin cám ơn và hẹn gặp lại bạn tại bài tường thuật nội dung buổi hai của chúng tôi với chủ đề PR agency và Event agency.

Nguồn CMO Forum