VietjetAir: Hiện thực hóa “giấc mơ bay”

Một nhầm lẫn đáng tiếc của VietjetAir đang khiến hãng hàng không này bị đưa vào diện “giám sát đặc biệt”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhờ có VietjetAir, cạnh tranh hàng không mới thật sự mở và người dân mới thật sự có… giấc mơ bay.

Theo lộ trình, các nước trong khu vực ASEAN sẽ thực hiện việc "mở cửa bầu trời" vào năm 2015, theo đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không không chỉ diễn ra mạnh mẽ trong nội địa mỗi nước mà còn là giữa các quốc gia với nhau. Với lợi thế về ví trí địa lý chiến lược trong khu vực và tiềm năng phát triển của ngành du lịch… VN đang được Hiệp hội Hàng không quốc tế đánh giá sẽ là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Nhưng câu chuyện về cách ứng xử với VietjetAir lại khiến nhiều người… lo.

Những bước tiến nhanh chóng của Vietjet Air như thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường hàng không. Người dân đã có thêm sự lựa chọn vì sự độc quyền bị phá bỏ. Dù chịu nhiều sức ép cạnh tranh nhưng những chuyến bay giá rẻ vẫn cứ bay ngày một nhiều.

Luồng sinh khí mới

Trong nhiều năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không VN đã thực sự bùng nổ khi liên tiếp các hãng hàng không tư nhân và nhà nước ganh đua giành giật thị phần trong cuộc chiến cạnh tranh về giá. Trong viễn cảnh đó, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi giá vé hàng không liên tục giảm qua các năm, có những thời điểm giá giảm sâu tới mức không tưởng và hoàn toàn cạnh tranh với các loại hình vận tải khác như đường thủy, đường bộ, đường sắt… Đặc biệt, năm 2013 đánh dấu là năm cao điểm về thu hút khách nội địa khi tăng trưởng đạt mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 21,5% so với năm 2012. Chủ yếu trong số này tăng ở phân khúc giá rẻ với sự đóng góp mạnh mẽ từ 2 hãng hàng không là VietJetAir (VJA) và JetsTarAir (JTA). Trong nhiều thời điểm, giá vé các hãng này chỉ còn trên dưới 1.000.000 đ/lượt, có lúc xuống thấp còn 500.000đ/lượt cho vé máy bay thông thường chặng Hà Nội – TP HCM. Vào mùa vắng khách, để lấp đầy các hàng ghế trống, các hãng đã liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá khiến nhiều chặng giá vé chỉ còn 99 đồng/lượt, thậm chí có lúc còn 0 đồng/lượt.

Còn nhớ những năm 2007 – 2009, Trãi Thiên Cargo chưa “bay” được chuyến nào đã “thăng thiên”, Air Mekong xin tạm ngừng bay để tái cơ cấu trong nỗi tuyệt vọng. Jetstar Pacific sống sót qua cơn nước lửa nhưng không còn là mình, phải nương nhờ vào Vietnam Airlines (VNA) để chỉ lưu lại cái tên. Nếu như, không có một VietjetAir xuất hiện. VietjetAir trẻ người nhưng không non dạ trong một cuộc cạnh tranh vào thị trường hàng không vô cùng khó khăn. Thực tế đã chứng minh, việc DN tư nhân cạnh tranh với DN nhà nước thì lợi thế không thể chia đều cho cả hai bên. Thế nhưng, những bước tiến nhanh chóng của Vietjet Air như thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường hàng không. Người dân đã có thêm sự lựa chọn vì sự độc quyền bị phá bỏ. Dù chịu nhiều sức ép cạnh tranh nhưng những chuyến bay giá rẻ chở khách “xách túi nilông” (theo cách nói của Bộ trưởng Đinh La Thăng) vẫn cứ bay ngày một nhiều. Các Cty du lịch lữ hành "sướng rơn" vì có một đối tác sẵn sàng ký hợp đồng chở khách đoàn với giá linh hoạt và phù hợp. Lợi ích của việc phá bỏ độc quyền trước hết là người dân được hưởng, sau đó là hình ảnh của một quốc gia trên bản đồ hàng không quốc tế.

Sức ép từ việc cạnh tranh đã tạo ra mặt bằng giá mới, tạo thêm nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là về giá vé và chất lượng dịch vụ.

Sự có mặt của VietjetAir cũng có tác động tích cực đến VNA. Với sự xuất hiện của các hãng tư nhân giá rẻ, VNA không thể đứng ngoài cuộc chơi, đã linh hoạt đưa ra cả chục mức giá khác nhau. Ngoài ra, để giữ chân khách hàng, VNA đã chủ động bán vé theo hướng kích cầu, bán với giá ưu đãi mùa thấp điểm, tạo chương trình riêng cho từng thị trường, từng đường bay, triển khai nhiều sản phẩm mới đa dạng và linh hoạt hơn… nhằm tiếp cận nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Nhờ vậy, thị trường đã có sự dịch chuyển đáng kể một lượng khách hàng chuyển từ các loại hình vận tải khác sang đi máy bay.

Hãy để cơ hội cho tất cả

Theo đánh giá từ các tổ chức quốc tế, mặc dù đã có sự tăng đột biến khách nội địa nhưng VN vẫn là quốc gia có lượng hành khách nội địa đi máy bay trên tổng số dân số ở mức thấp so với thế giới. Thị trường hàng không thế giới nói chung và VN nói riêng được cho là tiếp tục tăng trưởng đột biến về lượng hành khách. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi ngày càng có các hãng hàng không giá rẻ ra đời. Dù còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng cơ hội đang ngày càng nhiều hơn với ngành hàng không VN. Sức ép từ việc cạnh tranh đã tạo ra mặt bằng giá mới, tạo thêm nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là về giá vé và chất lượng dịch vụ. Theo cam kết, “Bầu trời mở ASEAN” sẽ xóa bỏ các giới hạn và quy định về lượng khách cũng như kiểm soát giá nhằm tăng sự cạnh tranh và đưa ra nhiều lựa chọn đi lại, điều sẽ đem lại lợi ích cho hành khách ở các nước thành viên.

Sức ép từ việc cạnh tranh đã tạo ra mặt bằng giá mới, tạo thêm nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là về giá vé và chất lượng dịch vụ.

Trước nhu cầu sử dụng hàng không nội địa luôn tăng trưởng với tốc độ 2 con số trong nhiều năm qua, nhiều hãng máy bay lớn đã xem VN là một thị trường “béo bở”. Hiệp hội Hàng không quốc tế dự tính chỉ trong nay mai, VN sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới về chở hành khách và chở hàng quốc tế và tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới về chở khách nội địa. Chính vì vậy, trong năm tới khi “Bầu trời mở ASEAN” được khởi động, hàng không VN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều hãng hàng không giá rẻ đến từ nhiều quốc gia vốn giàu kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế. Trong khi các hãng hàng không VN dù đã giảm giá vé xuống mức không thể giảm thêm thì giá vé máy bay tại VN vẫn được đánh giá còn cao so với các nước khác trong khu vực. Do vậy, các hãng hàng không VN cần đạt đến một sự thống nhất hơn để nâng cao hiệu quả kinh doanh, chủ động giải quyết các bài toán về chi phí đầu vào cũng như chi phí về dịch vụ (do phải thuê hầu hết các dịch vụ nên các chi phí này hiện đang chiếm tới 80% giá vé máy bay).

Trở lại chuyện của Vietjet Air, thật không may cho Vietjet Air khi sự cố chở nhầm hành khách xảy ra. Thế nhưng, Vietjet Air ngay lập tức bị giám sát đặc biệt. Thiết nghĩ, giám sát đặc biệt nên làm nếu thấy cần thiết về đảm bảo an toàn và để giúp cho hãng máy bay này hoạt động tốt hơn. Vấn đề đặt ra là ngành giao thông và Cục Hàng không VN có hỗ trợ cho Vietjet Air đủ lực để nhận thêm máy bay phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Hãy nhìn cuộc cạnh tranh với một cái nhìn tích cực, sẽ thấy sự ra đời của một hãng hàng không tư nhân không chỉ có lợi cho cả đôi bên mà có lợi cho toàn xã hội.

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp