Bùi Quang Ngọc nói chuyện toàn cầu hóa

Là doanh nghiệp tỉ USD, Tập đoàn FPT đặt sứ mệnh vươn tầm quốc tế là một trong những chiến lược cốt lõi của mình. Sau không ít thất bại, con đường ra biển lớn đang dần rộng mở đối với công ty công nghệ này.

Năm 1998, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công nghệ FPT, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trương Gia Bình công bố rằng, giai đoạn phát triển đầu đã kết thúc và FPT sẽ chuyển sang giai đoạn hai là toàn cầu hóa và dịch chuyển trọng tâm sang lĩnh vực xuất khẩu phần mềm.

Tuy nhiên, trong những năm từ 1998 - 2000, mỗi bước xuất ngoại của FPT đều mang tính chất “ném đá dò đường”. Đến năm 2000, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Công ty đã kinh doanh không hiệu quả ở thị trường nước ngoài. Lý do là thương hiệu còn nhỏ, nguồn lực yếu, mối quan hệ hạn hẹp và sau cùng là kinh nghiệm quốc tế ít ỏi. Hậu quả là văn phòng FPT ở Ấn Độ (thành lập tháng 11.1999) và Mỹ (tháng 1.2000) không thể mang về được hợp đồng nào như dự kiến và đành phải “tan” sau gần một năm hoạt động.

Chính thất bại này đã giúp FPT tích lũy được nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai với quy mô bài bản hơn sau đó vài năm.

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT

Chiến lược cốt lõi đối với làn sóng toàn cầu hóa thứ hai của FPT mang tên “Ông Bụt - Cô Tấm”. Trong đó, FPT đóng vai Cô Tấm, chịu trách nhiệm cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ chất lượng cao. Còn Ông Bụt là những đối tác nước ngoài làm cầu nối FPT với khách hàng.

Năm qua, doanh thu tại 14 quốc gia của FPT đã vươn tới con số hơn 130 triệu USD. “Chiến lược Ông Bụt - Cô Tấm đang giúp chúng tôi hướng tới mục tiêu 2 năm nữa sẽ đạt doanh thu toàn cầu hóa từ 350 - 400 triệu USD với tổng số 10.000 nhân lực tham gia”, ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng Giám đốc FPT phụ trách Toàn cầu hóa, cho biết.

Để đạt mục tiêu doanh thu thì nguồn vốn cho toàn cầu hóa là một vấn đề lớn đối với FPT. Họ sẽ làm điều đó như thế nào?

Đại hội cổ đông 2014 vừa qua của FPT đã quyết định mức chia cổ tức 55%, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013. Ngoài 30% cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông FPT sẽ được nhận thêm 25% bằng cổ phiếu, tương đương sẽ phát hành thêm khoảng 69 triệu cổ phiếu nữa, giá trị phát hành theo mệnh giá dự kiến khoảng 690 tỉ đồng. Từ đó, FPT có thể tận dụng nguồn vốn để tái đầu tư, bao gồm cho cả mục tiêu toàn cầu hóa.

Mới đây, trong chuyến công tác tại Mỹ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã có cuộc tiếp xúc với Chính Chu, nhà quản lý quỹ gốc Việt tại Phố Wall. Ông Chu hiện giữ chức Giám đốc Điều hành cao cấp và là đồng Chủ tịch Ủy ban đầu tư vốn cổ phần của Tập đoàn Blackstone, hiện quản lý khoảng 210 tỉ USD.

Từ trái qua: ông Hoàng Nam Tiến, Chính Chu, Trương Gia Bình

Vẫn chưa rõ lý do hai vị sếp của FPT tới gặp Chính Chu và Blackstone là nhằm mục đích gì. Nhưng nhiều người cũng đang bàn ra tán vào về khả năng vị tỉ phú gốc Việt này cùng Blackstone có thể sẽ giúp FPT huy động vốn hoặc tư vấn thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại thị trường Mỹ trong thời gian tới. Trong chuyến đi này, ông Bình và ông Tiến còn ghé qua trụ sở của IBM và Boeing.

Nhân dịp FPT vừa chốt thành công thương vụ M&A đầu tiên ở nước ngoài với đối tác RWE IT Slovakia. NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, về những thông tin liên quan cùng chiến lược M&A của FPT trong thời gian tới.

* Vì sao FPT chọn RWE IT Slovakia để chốt thương vụ M&A đầu tiên mà không phải là một đối tác nào khác ở Mỹ, Nhật hay Singapore?

FPT sẽ luôn đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa sang thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu, Singapore. Trong đó, M&A là một trong những giải pháp quan trọng để FPT thực hiện mục tiêu này.

Chúng tôi tìm kiếm cơ hội M&A với các đối tác trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin có năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia tư vấn mà FPT còn thiếu hoặc có cơ sở dữ liệu khách hàng phù hợp với mục tiêu của FPT. Và cơ hội đầu tiên đã đến với FPT từ thị trường Đông Âu.

5 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn FPT đạt 12.230 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

* RWE IT Slovakia và FPT có thể bổ sung cho nhau?

Thương vụ này trước hết đem lại cho FPT hợp đồng cung cấp dịch vụ dài hạn cho Tập đoàn RWE trị giá nhiều chục triệu USD. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có ngay một đội ngũ 400 chuyên gia người nước ngoài am hiểu các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP và giải pháp “Smart Home”. Chính những năng lực này sẽ thay đổi vị thế của FPT tại thị trường châu Âu và tạo cơ hội lớn cho chúng tôi có thể tham gia sâu hơn vào lĩnh vực hạ tầng gồm điện, nước, gas… với các khách hàng lớn tại thị trường các nước phát triển.

Ngược lại, RWE kỳ vọng với việc cùng lúc sử dụng nguồn lực tại châu Âu và Việt Nam, FPT sẽ cung cấp cho họ những dịch vụ công nghệ thông tin với chất lượng cao và mức chi phí hợp lý.

* FPT kỳ vọng gì từ hiệu quả kinh doanh của thương vụ này, thưa ông?

RWE IT Slovakia là công ty công nghệ thông tin trực thuộc Tập đoàn RWE chuyên cung cấp điện, gas tại thị trường châu Âu với quy mô doanh thu 70 tỉ USD cùng mức chi tiêu cho công nghệ thông tin hằng năm lên tới 1 tỉ USD. Với thương vụ này, FPT sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể cho Tập đoàn RWE với hợp đồng dài hạn và kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu khoảng 80 triệu USD sau 5 năm.

* Vai trò của M&A đối với chiến lược toàn cầu hóa của FPT trong 3 năm tới?

Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu toàn cầu hóa tăng trưởng bình quân đạt gần 40% trong 3 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, FPT xác định sẽ phát triển theo cả hai hướng là tự thân (organic growth) và thông qua M&A (inorganic growth) với tầm quan trọng như nhau.

Kết thúc 5 tháng đầu năm nay, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 12.230 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ toàn cầu hóa đạt 1.100 tỉ đồng (khoảng 50 triệu USD), tăng 19%.

* Số vốn dự kiến FPT sẽ dành cho các vụ M&A trong và ngoài nước thời gian tới?

Trong vòng 3 năm tới, FPT sẽ dành khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho các thương vụ M&A. Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội M&A, đặc biệt là từ thị trường nước ngoài.

Giá trị của một thương vụ M&A phụ thuộc vào việc đàm phán giữa hai bên, do đó, khó có thể đưa ra con số trung bình của một thương vụ M&A. Hiện chúng tôi kỳ vọng mỗi năm FPT có thể thực hiện thành công hai thương vụ M&A.

* FPT sẽ xoay xở nguồn vốn cho mục tiêu M&A như thế nào?

Mỗi năm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn sinh ra rất tốt, cộng thêm nguồn lợi nhuận để lại cũng lớn. Do vậy, FPT chưa cần huy động vốn từ các nguồn khác. Hiện chúng tôi thực hiện làm dịch vụ phần mềm trong nước sau đó cung cấp cho các đối tác nước ngoài hoặc triển khai tại trụ sở của đối tác/khách hàng. Bên cạnh đó, do đặc thù chung của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT không phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà chủ yếu là nguồn nhân lực. Do đó, không cần đến số vốn đầu tư quá lớn cho các thương vụ M&A tại nước ngoài.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư