Grant Thornton Việt Nam thông báo kết quả Khảo sát Ngành dịch vụ Khách sạn năm 2014

Grant Thornton Việt Nam đã thông báo kết quả của chương trình Khảo sát Ngành dịch vụ Khách sạn năm 2014. Cuộc khảo sát năm nay đánh dấu sự thành công của 11 năm liên tiếp Grant Thornton thực hiện chương trình khảo sát toàn diện duy nhất này về các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam.

Tiếp nối xu hướng các năm trước, năm 2013 tiếp tục là một năm thành công của của ngành du lịch Việt Nam. Trong năm 2013, Việt Nam đón 7.572.352 lượt khách quốc tế, tăng 10,6% so với năm 2012. Con số này vượt xa số lượng dự kiến là 7,2 triệu lượt khách cho năm 2013. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn 3 đến 5-Sao giảm 2,9% so với năm 2012, xuống mức 75,3%.

Theo khảo sát, RevPAR, một chỉ số chính của ngành để đo lường lợi nhuận và việc sử dụng phòng, đã giảm nhẹ trong năm 2013 (0,4%), từ 54,44 USD trong năm 2012 xuống còn 54,22 USD trong năm 2013. Nguyên nhân là do sự sụt giảm của giá phòng bình quân (2,7%) bên cạnh sự tăng trưởng của công suất thuê phòng bình quân là 2,4%. Sự sụt giảm của RevPAR bình quân còn do sự suy giảm mạnh của RevPAR của các khách sạn 3-Sao (14,6%).

Các khách sạn được phân tích theo các phân loại: Xếp hạng sao, quy mô khách sạn và vùng miền của khách sạn. Nhìn chung trong năm 2013, giá phòng bình quân giảm ở tất cả các hạng sao, trong đó 5-Sao giảm đáng kể (5,5%), theo sau là 4-Sao và 3-Sao giảm tương ứng là 4,7% và 3,1%. Khi phân tích theo Xếp hạng sao, kết quả cho thấy các khách sạn 4-Sao và 5-Sao có kết quả hoạt động tốt với công suất thuê phòng bình quân tăng trưởng 3,6% và 4,7%, trong khi đó chỉ số này của khách sạn 3-Sao giảm 8,1%. Sự thay đổi đáng kể này có thể một phần do sự thay đổi về cơ cấu các khách sạn tham gia khảo sát năm nay.

Về khía cạnh doanh thu và chi phí, do thành phần các khách sạn tham gia năm nay bao gồm nhiều khách sạn có hoạt động dịch vụ nhà hàng nổi trội, tỷ lệ doanh thu nhà hàng trên tổng doanh thu trong năm 2013 tăng 1,7%. Năm 2013 cũng cho thấy là một năm hoạt động hiệu quả của các khách sạn cao cấp, với chỉ số EBITDA tăng mạnh 5,8% so với năm 2012, đạt 34,0%. Kết quả khả quan này là do những thay đổi trong cơ cấu chi phí liên quan bao gồm chi phí quản lý, chi phí các bộ phận và định phí, giảm tương ứng 1,1%, 1,3%, và 1,7%.

Về Mục đích lưu trú, khách du lịch cá nhân và khách du lịch theo đoàn tiếp tục là các nhóm khách lớn nhất với tỷ lệ tương ứng là 35,3% và 31,1%. Ngược lại, tỷ lệ khách thương nhân giảm 5,3% trong năm 2013. Tỷ lệ khách dự hội nghị đã tăng 2,2% so với năm 2012, đây là một dấu hiệu phát triển tích cực vì Việt Nam đang được xem là một điểm đến du lịch MICE (Họp, ưu đãi, hội nghị, và triển lãm) ở châu Á.

Tỷ lệ đặt phòng thông qua các đại lý du lịch và các nhà điều hành tour đã tăng trở lại sau sự suy giảm trong năm trước, mức tăng là 1,6%, lên 47,3% trong năm 2013. Kênh đặt phòng này vẫn là kênh được ưa thích nhất cho tất cả các loại khách sạn ở tất cả các vùng miền. Đặt phòng trực tiếp với khách sạn tiếp tục giảm thêm 3% trong năm 2013, tuy nhiên, hình thức đặt phòng này vẫn duy trì vị trí phổ biến thứ hai, chiếm 25,8%.

Khi đề cập đến các khái niệm nhận thức về môi trường trong các khách sạn tại Việt Nam, 72% khách sạn tham gia khảo sát đánh giá nhận thức của khách sạn trên mức trung bình, từ tốt đến rất tốt (tương ứng xếp hạng từ 6-10), bao gồm cả ba phân hạng khách sạn tại cả ba miền, trong đó các khách sạn 5-Sao, tập trung chủ yếu ở miền Nam, xếp hạng nhận thức về môi trường và trách nhiệm cao nhất với tỷ lệ 78,9%, tăng 15,7% so với kết quả khảo sát năm 2013. Chỉ có khoảng 7% khách sạn trả lời nhận thức về môi trường là chưa đầy đủ, dưới mức trung bình (tương ứng xếp hạng 1-4), chủ yếu là các khách sạn 4-Sao, đa phần từ khu vực miền Trung và Cao Nguyên.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư