Thách thức của Big Data

Không giống như Việt Nam, ở Singapore rất hiếm gặp những người ghi vé hoặc giữ xe. Thành phố này sử dụng hệ thống giữ xe tự động thông qua các con chíp cài trên xe. Khi đi qua một cây cột cảm ứng với con chíp, cửa tự động mở cho xe đi qua.

Không dừng lại ở những chiếc vé xe hơi, công nghệ này còn được áp dụng phổ biến ở hầu như mọi lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến y tế lẫn giáo dục và có thể được tìm thấy không chỉ ở những khu vực công cộng mà ở các tòa nhà của doanh nghiệp tư nhân.

Những tiện ích nhỏ này mang lại nhiều lợi ích rõ ràng và thiết thực cho cư dân. Trên thực tế, Singapore đang có tham vọng trở thành một đô thị thông minh với nhiều tiện ích cao cấp, nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế thông qua việc tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí.

Tất cả những loại tiện ích này đều có một điểm chung, đó là chúng đang tạo ra các dữ liệu điện tử. Những dữ liệu này thường được người ta biết đến với tên gọi phổ biến hơn là Big Data.

Công nghệ đã đi sâu vào đời sống người dân Singapore.

Tiềm năng của Big Data rõ ràng là không thể phủ nhận với lượng thông tin thô ngày càng khổng lồ của nó. Nhưng ít ai biết được, dữ liệu càng lớn đồng nghĩa với thách thức lớn hơn. Đó là nhu cầu về các trung tâm lưu trữ dữ liệu có khả nãng xử lý lượng thông tin cực lớn.

Đúng theo nghĩa đen, các trung tâm lưu trữ dữ liệu chính là những nhà kho. Nhưng thay vì chứa nguyên liệu hay hàng hóa, chúng lại chứa những cỗ máy lưu trữ các dãy số nhị phân.

Để xây dựng những nhà kho như thế, Singapore phải đánh đổi bằng đất đai, năng lượng và môi trường. Các trung tâm dữ liệu này gần như hoạt động 24/24. Tính trung bình, các trung tâm dữ liệu trên thế giới sử dụng đến 30 tỉ watts điện/năm, ngang với sản lượng của 30 nhà máy điện nguyên tử, theo hãng nghiên cứu công nghệ Gartner.

Một thách thức khác không kém phần quan trọng là vấn đề môi trường. Nghiên cứu của Gartner cho thấy, lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đóng góp từ 2-3% trong tổng mức ô nhiễm mỗi năm trên toàn cầu. Trong 2 năm tới, mức này được dự kiến sẽ tăng gấp đôi.

Nãng lượng và ô nhiễm chính là 2 thách thức rõ ràng nhất mà những thành phố công nghệ như Singapore phải đối mặt. Để giải bài toán khó, chính quyền nước này đã áp đặt mức tiêu chuẩn xanh đối với các trung tâm dữ liệu. Những tiêu chuẩn này khuyến khích doanh nghiệp cải thiện hệ thống lưu trữ sao cho ít hao tốn tài nguyên nhất. Một trung tâm dữ liệu xanh có thể giảm tới 30% chi phí năng lượng so với trước, theo dự tính của Singapore.

Ví dụ như Genpact, một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với doanh thu lên đến 2 tỉ USD vào năm 2012. Ông Shyamashis Brahma, Phó Chủ tịch khối Hạ tầng và Logistic ở Genpact, cho biết kể từ khi thiết lập lại trung tâm dữ liệu, công ty này đã tiết kiệm đến 50% diện tích kho bãi, cải thiện 25% công suất phát điện, 75% thời gian bảo trì thiết bị và lượng khí thải CO2 giảm tương đương 10 năm so với trước kia.

Theo Genpact, giải pháp quản lý nãng lượng của Schneider Electrics chính là yếu tố quyết định ở các trung tâm dữ liệu xanh.

Ðể dễ hình dung, có thể ví một trung tâm dữ liệu bao gồm 4 lớp, lớp bên ngoài sẽ phục vụ cho lớp bên trong. Những công ty như Schneider Electrics hoạt động ở lớp ngoài cùng và cung cấp năng lượng cho lớp thứ 3, chính là các công ty công nghệ phục vụ lưu trữ dữ liệu trực tiếp như HP hay IBM. Lớp thứ hai là những công ty bán sản phẩm dịch vụ nhờ vào việc phân tích dữ liệu, phục vụ cho lớp trong cùng: người tiêu dùng.

Schneider Electrics cũng không hề xa lạ với Việt Nam. Công ty này cung cấp sản phẩm thiết bị điện như cầu dao, ổ cắm, công tắc, bộ lưu điện và có nhà máy sản xuất ở Biên Hòa.

Ông Pankaj Sharma, Phó Chủ tịch Ðông Nam Á Schneider Electrics.

“Hiện giờ năng lực đáp ứng cho nhu cầu dữ liệu ở Việt Nam đang dư thừa”, ông Pankaj Sharma, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á của Schneider Electrics, đánh giá về nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Việt Nam.

Thực tế, trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đã qua giai đoạn bùng nổ. Vào năm 2008, khi nền kinh tế đang tăng trưởng thì hệ thống dữ liệu cũng xuất hiện nhiều do nhu cầu từ các ngân hàng. Nhưng kinh tế suy thoái khiến cho dữ liệu tăng trưởng không như kỳ vọng.

Thế nhưng, khi nhìn về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, ông Pankaj tỏ rõ sự tin tưởng và khẳng định mạnh mẽ về sự bùng nổ mới của làn sóng dữ liệu tiếp theo. Đó là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ từ số lượng các thiết bị kết nối interrnet và thế hệ người dùng trẻ.

Tại Việt Nam, Schneider Electrics đang thực hiện chiến lược “one-stop shop”. Cụ thể, Công ty sẽ cung cấp mọi dòng sản phẩm cho bất kỳ người tiêu dùng dù là cá nhân hay công ty. Ðầu tháng 6 vừa qua, Công ty đã đưa vào khai thác một nhà máy mới ở Khu Công nghiệp AMATA (Biên Hòa, Đồng Nai).

Big Data rõ ràng có một thách thức cực lớn, đó là khả năng xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu. Doanh nghiệp Việt Nam đón đầu làn sóng Big Data sẽ phải chú ý hơn đến vấn đề này.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư