Thương hiệu lớn cho doanh nghiệp nhỏ

Xây dựng thương hiệu không chỉ để tạo cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc điểm của thị trường hiện đại là cạnh tranh mang tính toàn cầu và ngày càng khốc liệt, cạnh tranh về giá đã nhường bước cho cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ. Do vậy, xây dựng thương hiệu là việc cần phải làm.

Xây dựng thương hiệu không đồng nghĩa với quảng cáo

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trong tổng số trên 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay có 3.000 doanh nghiệp nhà nước, gần 8.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phần lớn còn lại (95-96%) là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khả năng tiếp cận thị trường bên ngoài của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn chung còn yếu. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu đã trở thành vấn đề bức thiết của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thương hiệu nhỏ với thị trường hạn hẹp ở địa phương hoặc trong nội địa thường chấp nhận đứng sau các thương hiệu toàn cầu, thương hiệu lớn với lý do chính là thiếu nguồn lực tài chính dành cho việc xây dựng thương hiệu. Nhưng xây dựng thương hiệu không hoàn toàn đồng nghĩa với quảng cáo. Hiệu quả xây dựng thương hiệu thông qua các chương trình quảng cáo với chi phí tốn kém trên các phương tiện truyền thông là không thể phủ nhận, song không phải là cách duy nhất.

Các doanh nghiệp nhỏ thường chú tâm vào chất lượng và giá thành sản phẩm. Khi đã có sản phẩm tốt và ổn định, xây dựng thương hiệu sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều. Không nhất thiết phải thành lập bộ máy làm marketing chuyên nghiệp như các doanh nghiệp lớn, vì nó không thực tế với doanh nghiệp nhỏ mà có thể tối ưu hóa nhân lực bằng việc lựa chọn cá nhân kiêm nhiệm, nhưng nhất thiết phải tự đào tạo và tự học về nhãn hiệu và làm gì để tạo ra sự khác biệt cho chính doanh nghiệp của mình. Đọc sách về thương hiệu, thậm chí xem xét công ty nào khiến bạn khâm phục và nghiên cứu chiến lược nhãn hiệu của họ để học tập, áp dụng là mức độ cao nhất của sự tự học.

Tất cả tài liệu, vật phẩm gửi ra ngoài đều có thể tạo sức mạnh cho thương hiệu. Mỗi thành viên trong doanh nghiệp đều trở thành những kênh truyền tải thông tin. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, mỗi cá nhân với Facebook, Twitter, Linked, Blog… sẽ như một “tờ báo” với tốc độ truyền tin vô cùng nhanh chóng và hiệu quả. Mỗi thành viên của doanh nghiệp như là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Đôi khi, chỉ một nhân viên có thái độ phục vụ không tốt, có phát biểu và hành vi chưa đúng cũng làm mất đi hình ảnh của cả doanh nghiệp, mất đi hình ảnh thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ.

Sự hài lòng của khách hàng là tài sản quan trọng

Một doanh nghiệp gia tăng được 5% khách hàng trung thành nhờ sự hài lòng của họ về sản phẩm, dịch vụ thì lợi nhuận sẽ tăng lên được khoảng 25 – 85%.

Không có cách quảng cáo nào hiệu quả cao với chi phí thấp bằng thông tin truyền miệng của khách hàng, người tiêu dùng. Sự lựa chọn của người tiêu dùng dựa trên uy tín của sản phẩm, uy tín và kinh nghiệm mua sắm từ trước của người giới thiệu. Vì thế, làm cho khách hàng hài lòng là một “tài sản” quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế kinh doanh cho thấy, một doanh nghiệp gia tăng được 5% khách hàng trung thành nhờ sự hài lòng của họ về sản phẩm, dịch vụ thì lợi nhuận sẽ tăng lên được khoảng 25 – 85%.

Điểm mấu chốt ở đây chính là xây dựng thương hiệu cá nhân chủ doanh nghiệp – cũng chính là thương hiệu của doanh nghiệp. Khi xây dựng một chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hãy chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân. Có một lưu ý khi chuyển hóa thương hiệu cá nhân chủ doanh nghiệp và thương hiệu doanh nghiệp đó là: hoạt động xây dựng thương hiệu cá nhân phải liên tục gắn kết với hình ảnh doanh nghiệp. Và mỗi cá nhân phải sẵn sàng cho sự chuyển dịch từ thương hiệu cá nhân sang thương hiệu doanh nghiệp để hình thành một giá trị thương hiệu tập thể.

Thương hiệu đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với sản phẩm, dịch vụ, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp mà còn đối với cả nền kinh tế quốc gia (nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ). Các chủ doanh nghiệp có thể tự nghiên cứu học tập cách thức xây dựng nhãn hiệu hoặc thuê các chuyên gia nhãn hiệu hoạch định chiến lược cho mình. Dù hiện tại doanh nghiệp còn nhỏ, nhưng sẽ có lúc lớn mạnh và xây dựng nhãn hiệu chính là vũ khí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển. Hãy để ý đến xây dựng nhãn hiệu ngay trong những công việc hàng ngày, ngay từ những ngày đầu.

Nguồn Doanh Nhân Online