Sữa bán chạy vì người Việt đang 'lùn nhất khu vực'

Sữa càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt. Bởi vậy dù kinh tế suy thoái trong giai đoạn 2008-2013, doanh số sữa năm 2013 đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2008.

Sáng kiến "thúc đẩy chiều cao"

Theo nhận định của Euromonitor, các chương trình thúc đẩy chiều cao trung bình của người Việt mà chính phủ Việt Nam thực hiện, bằng cách khuyến khích tiêu thụ sữa, đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của các loại sản phẩm sữa ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo báo cáo từ Euromonitor, doanh số của các sản phẩm sữa, gồm sữa nguyên chất, sữa pha hương liệu, sữa bột và các sản phẩm thay thế sữa, đã tăng từ 8 nghìn tỷ đồng (379 triệu USD/274 triệu EUR) năm 2008 lên 23,1 nghìn tỷ đồng (1,1 tỷ USD/790 triệu EUR) vào năm 2013.

Trong giai đoạn này, "một số sáng kiến nhằm tăng chiều cao trung bình của người dân Việt Nam" đã được đưa ra và triển khai rộng rãi, Euromonitor cho biết.

Chiều cao bình quân của người Việt hiện đang ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Thông tin từ Uỷ Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em cho thấy Chiều Cao và thể lực của người Việt Nam còn hạn chế, Chiều Cao trung bình, cân nặng và sức bền còn thấp so với chuẩn quốc tế. Theo đó, so với chuẩn quốc tế nên chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn).

Thông qua đề án "Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011-2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/4/2011, mục tiêu đặt ra là cải thiện chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam từ mức 163,7 cm hiện nay lên 167 cm (năm 2020) và 168,5 cm (năm 2030) và chiều cao của nữ thanh niên sẽ tăng từ 153 cm lên 156 cm (năm 2020) và 157,5 cm (năm 2030).

Vinamilk, đơn vị đang dẫn đầu thị trường sữa tại Việt Nam chia sẻ với Euromonitor rằng: "Để hỗ trợ chương trình này, các nhà sản xuất trong ngành sữa cũng đã tiến hành nhiều chiến dịch quảng cáo, như cung cấp sữa cho trẻ em nông thôn và các chương trình khuyến mại khác, không chỉ giúp tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu, mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng".

Uống sữa không còn là việc riêng của con nít

Ở Việt Nam, việc uống sữa vốn chỉ được xem là việc của trẻ con. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng đã được mở rộng, "gây sự chú ý" đến cả những người trưởng thành và người cao tuổi, Euromonitor cho biết.

Tăng trưởng doanh thu của Vinamilk trong giai đoạn 2006-2013.

Điều này có được một phần do sự nâng cao trong nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của sữa đối với sức khỏe, phần nữa là do các sản phẩm sữa "được đa dạng hóa cả về kích thước lẫn giá cả", báo cáo Euromonitor cho hay.

Sữa nguyên chất là sản phẩm tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 2008-2013. Theo đó, doanh số sữa bò đã tăng từ 4,76 nghìn tỷ đồng (223 triệu USD/161 triệu EUR) năm 2008, lên mức 14,4 nghìn tỷ đồng (683 triệu USD/494 triệu EUR) năm 2013.

Doanh số của sữa pha hương liệu cũng tăng đáng kể, từ 1,24 nghìn tỷ đồng (59 triệu USD/43 triệu EUR) lên 4 nghìn tỷ đồng (190 triệu USD/137 triệu EUR) trong giai đoạn từ 2008-2013.

Nhu cầu về sữa bột, sữa uống pha hương liệu và các sản phẩm thay thế sữa như sữa đậu nành, ngày càng tăng trưởng và mở rộng, với mức tăng hơn 100% trong giai đoạn 2008-2013.

Tiềm năng của một thị trường "trứng nước"

Dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng mức độ tiêu thụ sữa tại Việt Nam vẫn còn "khá thấp so với các quốc gia khác ở châu Á". Đây vẫn là "giai đoạn trứng nước" sơ khai của thị trường các sản phẩm sữa tại Việt Nam, đồng nghĩa rằng thị trường vẫn đang có "tiềm năng rất lớn", Euromonitor nhận định.

Thông tin từ Uỷ Ban Dân số - Gia đình và Trẻ em cho thấy Chiều Cao và thể lực của người Việt Nam còn hạn chế, Chiều Cao trung bình, cân nặng và sức bền còn thấp so với chuẩn quốc tế.

Euromonitor dự đoán danh mục các sản phẩm sữa uống tại Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hàng năm (CAGR) đạt 6% về giá trị.

"Thực tế, những người tiêu dùng trẻ tuổi có khả năng giữ ổn định nhu cầu dành cho các sản phẩm sữa uống, trong khi các thế hệ khác dần nâng cao nhận thức về lợi ích của sữa đối với sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi. Điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này trong giai đoạn tới", báo cáo viết.

"Hơn nữa, những nỗ lực của chính phủ và các nhà sản xuất trong việc kích cầu cũng là một yếu tố hỗ trợ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường".

Nguồn Chiến lược Marketing