Thuốc Việt lột xác

Ngành dược Việt Nam hiện có khoảng 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, trong đó 100 công ty sản xuất tân dược và 78 doanh nghiệp sản xuất Đông dược. Ngoài ra còn có khoảng 300 cơ sở sản xuất Đông dược và thực phẩm chức năng nhỏ lẻ. Suốt hai thập kỷ phát triển, dấu ấn đậm nét nhất mà các doanh nghiệp trong ngành để lại chính là sự lột xác mạnh mẽ từ những công ty nhà nước bó buộc trong cơ chế bao cấp trở thành công ty cổ phần năng động trong quản trị và điều hành kinh doanh.

Đi đầu phải kể đến 13 công ty dược phẩm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là Dược Hậu Giang, Imexpharm, Domesco, Dược Cửu Long, Pharmedic, S.P.M (chuyên về tân dược), Traphaco, Dược OPC và Dược Phong Phú (Đông dược), cùng với 4 doanh nghiệp chuyên phân phối là Vimedimex, Ladopharm, Dược Hà Tây và Dược Bến Tre.

Bên cạnh khối nội, nhóm doanh nghiệp vốn nước ngoài cũng đã và đang mang lại làn gió mới cho ngành sản xuất dược trong nước. Tiêu biểu như Sanofi Aventis hay United Pharma, đều là những công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc hiện đại tại Việt Nam. Chính tiềm năng phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây của ngành dược đã biến lĩnh vực kinh doanh này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất cả trong lẫn ngoài nước.

Việt Nam được thừa hưởng một nền đông dược có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng mãi đến ngày hôm nay ngành dược trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Business Monitor Index cho thấy mức tiêu thụ dược phẩm tại Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng 16% vào năm ngoái. Với giá trị ước tính đạt khoảng 3,3 tỉ USD, hiện tại chi tiêu cho dược phẩm của người Việt chiếm khoảng 2% GDP.

Xét về tiềm năng, tính đến cuối năm 2013, mức tiêu thụ thuốc trên đầu người Việt mới chỉ khoảng 35 USD/năm. Con số này còn rất thấp nếu đem so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan (khoảng 70 USD/năm) hay Singapore (khoảng 150 USD/năm). Có thể nói, đây chính là cơ hội cho ngành dược khi thu nhập và mức chi tiêu của người dân được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.

Những ngày đầu tháng 6.2014, GlobalData, một công ty chuyên làm các nghiên cứu chuyên sâu về ngành dược phẩm và năng lượng trên quy mô toàn cầu, cũng đưa ra một dự báo vô cùng ấn tượng về thị trường dược phẩm Việt Nam. Theo đó, trong vòng 6 năm tới, giá trị của thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt khoảng 8 tỉ USD, nghĩa là nhảy vọt gần 2,5 lần so với hiện tại.

Nếu so sánh con số này với mục tiêu thuốc nội phải đáp ứng được 80% nhu cầu thị trường vào năm 2020 do Chính phủ đưa ra, các doanh nghiệp dược Việt Nam sẽ có thể hưởng được tám trên mười phần, tương đương khoảng 6,4 tỉ USD. Những doanh nghiệp nào sẽ chiếm được phần lớn trong miếng bánh hấp dẫn đó?

Điểm mặt anh tài

Tháng 11 cuối năm ngoái, Dược Hậu Giang, công ty dược lớn nhất Việt Nam, đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm mới để tăng gấp đôi công suất thiết kế lên hơn 9 tỉ đơn vị sản phẩm một năm. Cùng lúc đó, Imexpharm, một công ty dược có hệ thống nhà máy vào loại hiện đại nhất nước, cũng đã xây xong nhà máy thuốc tiêm penicillin mới tại tỉnh Bình Dương. Những động thái tăng tốc mở rộng quy mô gần đây của các công ty dược Việt Nam đang cho thấy những bước khởi động kỹ càng trước cuộc đua sắp tới.

Doanh thu & lợi nhuận của 3 công ty dược niêm yết lớn nhất Việt Nam

Đầu tiên là Dược Hậu Giang. Thắng trên cả mặt trận sản xuất lẫn phân phối, Dược Hậu Giang đang là doanh nghiệp đầu ngành xét về cả quy mô vốn hóa lẫn khả năng sinh lời. Tập trung vào nhóm những sản phẩm thuốc bình dân, dễ sản xuất, kết hợp với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, các nhà máy của Dược Hậu Giang đang chạy hết công suất. Đạt được lợi thế về quy mô chính là chìa khóa để công ty này có mức biên lợi nhuận đáng mơ ước. Trong suốt 5 năm qua, bình quân Dược Hậu Giang thu được 1 đồng lợi nhuận trên mỗi 2 đồng doanh thu kiếm được, nếu chưa trừ chi phí hoạt động.

Do chiến lược sản phẩm đánh chủ yếu vào kênh OTC (hiệu thuốc nhỏ bán dược phẩm không cần toa bác sĩ), Dược Hậu Giang phải đầu tư nhiều cho chi phí bán hàng và marketing. Bất chấp điều đó, biên lợi nhuận ròng Công ty vẫn nằm trong nhóm cao nhất ngành, từ 18-20%. Lợi nhuận cao cho phép Công ty có dòng tiền ổn định và dồi dào để tái đầu tư. Sự ra đời của nhà máy mới tăng gấp đôi công suất là minh chứng rõ nét cho chiến lược duy trì vị thế của Dược Hậu Giang.

Hoạt động kinh doanh hiệu quả của Dược Hậu Giang còn được phản ánh rõ nét qua tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tỉ lệ lợi nhuận thu được trên mỗi đồng tài sản. Không cần sử dụng nhiều đòn bẩy, tỉ suất ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của công ty này liên tục trên 30% trong vòng 5 năm qua. Đó là kết quả của một biên lợi nhuận ấn tượng cùng một mức thu nhập cao trên mỗi đồng tài sản bỏ ra. Dữ liệu lịch sử cho thấy, trung bình trong 3 năm qua, trên mỗi 100 đồng tài sản, Dược Hậu Giang có thể tạo ra được tới hơn 20 đồng lợi nhuận cho cổ đông.

Cùng với một bộ máy quản trị được đánh giá là minh bạch và hiệu quả, những con số tài chính đang củng cố niềm tin cho nhà đầu tư về một công ty dẫn đầu ngành dược với hiệu quả kinh doanh ấn tượng. Nhiều năm liền, báo cáo thường niên của Dược Hậu Giang luôn được giải báo cáo thường niên tốt nhất trên sàn chứng khoán. Cũng từ lâu lắm rồi, người ta không thấy cổ phiếu DHG hở “room”.

Nếu như ở phía Nam, Dược Hậu Giang đang là bá chủ thì Traphaco lại thống lĩnh thị trường miền Bắc. Cả hai đều là những doanh nghiệp chọn cách đánh bao phủ thị trường và thực sự chiếm lĩnh được những phân khúc chủ đạo. Trong khi Dược Hậu Giang chọn nhắm vào nhóm sản phẩm kháng sinh, giảm đau và hô hấp với chất lượng hợp lý và giá thành rẻ hơn rất nhiều so với thuốc ngoại, thì Traphaco lại tập trung vào nhóm các sản phẩm thuốc mang dáng dấp của thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên.

Mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân.

“Nếu như cách đây chừng 5 năm, Traphaco vẫn là công ty dược phẩm quy mô thường thường bậc trung với doanh thu hằng năm xoay quanh mức 700 tỉ đồng, thì sự ra đời của Hoạt Huyết Dưỡng Não và Boganic đã thực sự khai thông mạch máu lợi nhuận cho chúng tôi”, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco so sánh một cách thú vị.

Tận dụng nguồn nguyên liệu cây đinh lăng sẵn có, nhà máy dược phẩm công nghệ cao Traphaco CNC đã cho ra đời Hoạt Huyết Dưỡng Não, mang dấu ấn của một bài thuốc cổ truyền trị các chứng đau đầu, giảm trí nhớ rất hay gặp ở người trung niên. Tương tự, Boganic, một sản phẩm giúp giải độc gan cho người uống rượu bia nhiều đã trở nên rất thành công ở Việt Nam, một quốc gia có lượng tiêu thụ bia trên đầu người vào loại cao nhất châu Á.

Nhờ chiến lược khôn ngoan khi biết chọn một phân khúc Đông dược vốn vô cùng tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ, Traphaco đã thực sự bứt phá để trở thành công ty dược phẩm lớn thứ hai trên thị trường hiện nay với doanh thu năm ngoái đạt gần 1.700 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần con số của 5 năm về trước. Đóng góp phần lớn trong số đó chính là những “sản phẩm xanh”.

Xét về mặt tăng trưởng và hiệu quả hoạt động, Traphaco cũng không thua kém gì người dẫn đầu Dược Hậu Giang. Thực tế, tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận trong 5 năm qua của Traphaco là cao nhất ngành, đạt khoảng 35%. Chiến lược gia tăng tỉ trọng của hàng tự sản xuất với biên nhuận hấp dẫn đã thực sự hiệu quả khi biên lợi nhuận ròng sau thuế đã liên tục được cải thiện qua các năm và hiện đạt khoảng 10%.

Mặc dù không đạt được mức tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) ấn tượng như Dược Hậu Giang, mức ROE khoảng 26% vào năm ngoái của Traphaco vẫn vô cùng hấp dẫn. Tính trung bình 3 năm trở lại đây, mức ROE của Traphaco luôn duy trì ổn định ở mức trung bình 25% và liên tục nhiều năm liền được công ty chứng khoán TVS đánh giá là 1 trong 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất thị trường.

Sự xuất hiện dày đặc của những mẩu quảng cáo các sản phẩm Đông dược trên ti vi mỗi tối cho thấy môi trường cạnh tranh đang trong phân khúc này ngày càng gay gắt. Đặc tính dễ sản xuất, dễ sao chép và dễ bán khiến phân khúc Đông dược trở thành một miếng bánh ngon thu hút rất nhiều người chơi mới. Trong bối cảnh đó, Traphaco trong những năm gần đây đã bắt đầu chủ động tìm chiến lược mở rộng thị phần mới thông qua M&A.

Mua lại những công ty thiết bị y tế tại các tỉnh thành trọng điểm như Thái Nguyên ở khu vực phía Bắc, Đắk Lắk ở khu vực Tây Nguyên hay Quảng Trị ở khu vực Trung Trung bộ, Traphaco đang thể hiện tham vọng thiết lập một mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, tạo đòn bẩy để gia tăng vị thế trong ngành.

Tỉ suất ROE của các doanh nghiệp dược phẩm trên sàn

Không hoành tráng như Dược Hậu Giang hay Traphaco, nhưng Domesco lại thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường ở góc độ hợp tác với cổ đông chiến lược nước ngoài. Dù không phải là công ty dược phẩm đầu tiên của Việt Nam hợp tác với khối ngoại, nhưng Domesco là công ty cổ phần niêm yết lớn nhất hiện nay có cổ đông chiến lược là một tập đoàn dược phẩm nước ngoài nắm gần 46% sở hữu. Theo đó, Domesco được dự báo sẽ là nhà sản xuất chính cho tập đoàn dược phẩm CFR Pharmaceutical SA đến từ Chile.

Trước Domesco, một vài công ty dược Việt Nam cũng đã hợp tác với những tập đoàn dược phẩm lớn của thế giới dưới hình thức sản xuất nhượng quyền. Chẳng hạn, Imexpharm đã định vị mình như nhà sản xuất nhượng quyền hàng đầu cho Sandoz hay BD Pharma và Innotech của Pháp. Một công ty dược khác là Pymepharco cũng đã hợp tác với tập đoàn dược phẩm STADA Arzmeimittel AG của Đức từ các đây gần 10 năm.

Chiến lược của những tập đoàn ngoại như CFR Pharmaceutical AG trong tương lai như thế nào vẫn cần thời gian để trả lời, nhưng sự hợp tác trước mắt đã cho thấy sự cải thiện trong hiệu quả hoạt động và quản trị chi phí của Domesco. Năm 2013, các chỉ số về tăng trưởng cũng như khả năng sinh lời của Domesco đều được cải thiện. Chỉ số ROE đã tăng từ mức 15% trong năm 2012 lên gần 18% trong năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng có mức tăng ấn tượng gần 20% trong cùng thời gian này.

“Trước mắt, CFR Pharmaceutical AG bằng danh tiếng và mối quan hệ của mình có thể giúp Domesco chọn được những đối tác tốt trong việc mua nguyên liệu và xuất khẩu một số sản phẩm sang thị trường Nam Mỹ. Nhìn dài hạn hơn, đối tác này cũng đang lên kế hoạch về việc xây dựng một nhà máy sản xuất thuốc trị ung thư tại Việt Nam”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hóa của Domesco lạc quan cho biết.

Một thị trường 90 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.900 USD/năm, trong khi mức chi tiêu cho dược phẩm mới chỉ khoảng 35 USD/năm đang là bệ phóng rất lớn cho ngành dược Việt Nam. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn những rào cản chưa thể dỡ bỏ trong một sớm một chiều.

Những bài toán khó giải

Một thị trường 90 triệu dân với mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 1.900 USD/năm, trong khi mức chi tiêu cho dược phẩm mới chỉ khoảng 35 USD/năm đang là bệ phóng rất lớn cho ngành dược Việt Nam.

Trong chuỗi giá trị của ngành dược, Việt Nam mới chỉ có thể sản xuất được thuốc generic (thuốc bào chế theo công thức đã hết thời hạn bảo hộ) và vẫn đang phải nhập khẩu 90% nguyên liệu. Trừ một số công ty sản xuất Đông dược như Traphaco có thể chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu, các công ty sản xuất tân dược luôn bị động trước diễn biến thất thường của giá nguyên liệu.

Không chỉ có vậy, trở ngại khi lựa chọn nguồn nguyên liệu với giá cả hợp lý để sản xuất thuốc đạt hiệu quả điều trị cũng là điều mà các công ty dược luôn phải cân nhắc. Hiện nay, gần 70% kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu tân dược vào Việt Nam đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi 90% nguồn nguyên liệu Đông dược sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Cục quản lý Dược Bộ Y Tế.

Một vấn đề khác mà các công ty dược nội đang phải đối mặt chính là nguồn vốn. Chi phí cho nghiên cứu và phát triển đang là trở ngại không nhỏ khi nguồn lực để nghiên cứu cho ra đời một loại thuốc mới là rất lớn. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp dược Việt Nam buộc phải tận dụng được công nghệ sản xuất của nước ngoài thông qua hoạt động sản xuất nhượng quyền và hợp tác với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, nguy cơ trở thành “sân sau” và bị khối ngoại thâu tóm vẫn là rủi ro mà các công ty dược trong nước phải e ngại.

Kế đến là vấn đề phân phối. Ngành dược Việt Nam lâu nay đã phải đối mặt với ma trận tầng tầng lớp lớp phân phối, khiến giá thuốc đội lên gấp nhiều lần trước khi đến được tay người bệnh. Các chuyên gia trong ngành đều nhận định rằng tăng trưởng của thị trường trong những năm tới cần phụ thuộc nhiều hơn vào việc gia tăng sản lượng tiêu thụ thay vì tăng giá.

“Mức thu nhập cao hơn của người dân sẽ không đồng nghĩa với việc họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho hóa đơn tiền thuốc. Ngược lại, khi nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe tăng lên, người tiêu dùng sẽ khôn ngoan hơn khi lựa chọn các sản phẩm đúng chất lượng với giá thành hợp lý”, một chuyên gia (không tiện nêu tên) nhận xét.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là chính sách của Chính phủ đối với ngành dược. Chia sẻ với với NCĐT, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Traphaco, cho rằng chính sách đấu thầu thuốc vào kênh bệnh viện cần hợp lý hơn để khuyến khích các doanh nghiệp dược nội đầu tư mở rộng sản xuất và cải tiến chất lượng. Quả thật, từ khi thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế ra đời, khối doanh nghiệp dược lớn như Traphaco, Dược Hậu Giang hay Imexpharm đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với thuốc giá rẻ nhập khẩu từ Bangladesh, Ấn Độ hay Trung Quốc.

“Quá trình lựa chọn nhà thầu cần những tiêu chuẩn phân loại chi tiết hơn và nên xét đến các yếu tố về chất lượng nguồn nguyên liệu, thương hiệu và cả bề dày của sản phẩm trong thị trường”, bà Thuận đề xuất.

Câu hỏi cấp bách nhất mà những nhà sản xuất thuốc nội địa đang đối mặt lúc này không phải là liệu thị trường dược phẩm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng hay không, mà là bằng cách nào họ có thể vượt qua những trở ngại để nắm bắt được cơ hội quý báu này.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư