Chiến lược marketing cho startup: Giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp

Công thức cơ bản nhất cho sự thành công của doanh nghiệp là có một sản phẩm tốt kèm theo một chiến lược marketing hiệu quả.

Rõ ràng, ngoài xây dựng chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì khởi nghiệp cần đầu tư làm marketing. Vậy chiến lược marketing sẽ được thực hiện như thế nào trong từng giai đoạn phát triển?

Ở trong phần 1, bài viết sẽ đề cập đến những chiến lược cho giai đoạn đầu tiên khi bắt đẩu khởi nghiệp. Đây là giai đoạn có thể sản phẩm chưa thực sự hoàn thiện để phù hợp với thị trường nên khởi nghiệp cần lắng nghe phản hồi từ khách hàng trước khi đưa ra các quyết định. Hãy chú ý những vấn đề sau:

1. Thực hiện viral marketing

Viral marketing là làm marketing nội dung để thông tin được lan truyền từ người này sang người khác. Đây là cách làm ít tốn kém trong khi hiệu quả của nó mang lại không hề thua kém so với những phương pháp marketing đắt tiền. Những startup công nghệ trên thế giới đã từng thành công với các làm này có thể kể đến như Dropbox, Snapchat, Eventbrite v.v..

Sự thành công của viral marketing phụ thuộc vào thời gian và "hệ số lan truyền", hệ số này được tính bằng số người xem mới được tạo ra từ số người xem cũ. Nếu "hệ số lan truyền" lớn hơn 1 tức là chiến dịch đang được lan tỏa đi, nếu nó giảm xuống dưới 1 tức là chiến dịch có nguy cơ thất bại.

Ngoài ra, khởi nghiệp cần tiến hành một cuộc khảo sát đối với những khách hàng đã sử dụng. Nội dung cuộc khảo sát là thang điểm từ 1 - 10 đánh giá mức độ khách hàng thực sự muốn giới thiệu lại sản phẩm đến bạn bè. Nếu nhận được kết quả từ 9 điểm trở lên, cơ hội tăng trưởng và làm viral marketing thành công là rất lớn.

2. Tăng tỷ lệ chuyển đổi CRO

CRO được viết tắt của từ Conversion Rate Optimization: tạm dịch là tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi. Nói đơn giản hơn đó tỷ lệ chuyển đổi từ một người bình thường trở thành khách hàng tiềm năng. Nếu tỷ lên này cao, có nghĩa là thông điệp marketing và sản phẩm có chất lượng tốt, ngược lại, cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể từ khách hàng bằng những cách sau:

* Tích hợp công cụ hỗ trợ trực tuyến vào website

* Tạo cuộc khảo sát về ý kiến khách hàng trên website

* Tham khảo ý kiến khách hàng trên các diễn đàn mạng

* Hỏi ý kiến trực tiếp của một số khách hàng cụ thể

Ngoài ra, thay đổi theo hướng tích cực những trải nghiệm người dùng khi dùng sản phẩm như thay đổi giao diện, màu sắc, tính năng v.v..cũng làm tăng tỷ lệ CRO. Trước khi quyết định, cần có kế hoạch thử nghiệm và đánh giá hiệu quả mỗi phương án.

3. Làm quảng cáo Facebook

Trong giai đoạn này, cần tìm lượng độc giả phù hợp với sản phẩm. Giải pháp đầu tiên cần nghĩ tới đó là quảng cáo trên Facebook. Trong công cụ quảng cáo tùy chỉnh trên Facebook có đầy đủ lựa chọn về nhân khẩu học như độ tuổi, quốc gia, vị trí địa lý v.v.. thậm chí, khởi nghiệp có thể lựa chọn nguồn độc giả từ một số page có liên quan nhất định. Sau mỗi chiến dịch, hãy đo tỷ lệ CRO nói trên để đánh giá sự thành công và có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.

4. Tham khảo ý kiến khách hàng mọi lúc

Ý kiến từ khách hàng, đặc biệt là những người đã sử dụng qua sản phẩm dịch vụ là rất quan trọng. Khởi nghiệp cần tìm mọi cách để lấy được phản hồi từ khách hàng. Bằng cách nào ? Không nên chỉ sử dụng một biểu mẫu trên website vì sẽ không ai bỏ thời gian để làm việc đó. Hãy tổ chức một event nhỏ, tặng quà ngẫu nhiên cho khách hàng tham gia.

Việc làm này tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trọng từng giai đoạn phát triển sản phẩm, lắng nghe và cải thiện liên tục là cách làm đúng đắn nhất

5. Chú ý khi thay đổi sản phẩm

Sau khi ghi nhận phản hồi từ khách hàng, khởi nghiệp viên nên cân nhắc tiến hành thay đổi và nâng cấp sản phẩm. Nhưng lưu ý, mỗi thay đổi dù nhỏ nên được trải qua thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi. Hãy thử những cải tiến trên một phạm vi nhỏ người dùng và đánh giá sự thay đổi phản ứng người dùng đối với từng phương án.

Phương án nào nhận được phản ứng tích cực nhất từ người dùng sẽ được lựa chọn để áp dụng lên sản phẩm, dịch vụ.

6. Thực hiện "Vòng tròn vàng"

Vòng tròn vàng là mô hình mà khởi nghiệp phải trả lời lần lượt có 3 câu hỏi quan trọng : Tại sao ? Cái gì ? Bằng cách nào (Why ? What ? How). Trước mỗi quyết định, hãy tìm lý do tại sao lại làm điều đó. Đây là điều quan trọng nhất trước khi nghĩ đến việc xác định làm điều đó như thế nào. Mô hình này được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp nước ngoài và khởi nghiệp tại Việt Nam nên học hỏi bởi tính hiệu quả mà nó mang lại.

7. Sự khác biệt trong chiến lược marketing

Hàng ngày, có hàng nghìn chiến dịch marketing của các doanh nghiệp tung ra trên thị trường, nếu làm marketing với nội dung không hấp dẫn, chiến dịch của khởi nghiệp sẽ gặp thất bại ngay khi không thể nổi bật. Có một quy luật nhỏ trong việc ghi nhớ của khách hàng, đó là những gì độc đáo, khác lạ đầu tiên sẽ được ghi nhớ, cho dù người làm sau có bắt chước thì hiệu quả cũng không còn. Vậy, khởi nghiệp hãy tìm cho mình những chiến lược độc đáo, hấp dẫn, khác biệt nhất để thương hiệu có thể in sâu vào tiềm thức của những khách hàng tiềm năng.

Nguồn Chiến lược Marketing