Sự thật về nước tăng lực: caffein pha nước đường

Nhãn hiệu nước tăng lực toàn là thứ dữ: bò húc, bò vàng, tê giác, sư tử... Thanh thiếu niên ghiền, bác tài thích, bợm nhậu khoái (pha vào rượu). Chỉ có chuyên viên dinh dưỡng là ngán.

Nước tăng lực được là nước giải khát chứa chất kích thích, chủ yếu là caffeine. Nhưng không phải nước giải khát nào có caffeine đều là nước tăng lực, chẳng hạn nước ngọt Pepsi, Coke, Cola... chứa lượng caffeine ít hơn vài lần so với nước tăng lực. Hai chất trong nước tăng lực bị "chiếu tướng" nhiều nhất là caffeine và đường.

Caffeine là chất kích thích thần kinh, vô hiệu hóa adenosine chống lại cơn buồn ngủ và đẩy mạnh hoạt động của adrenalin gây hưng phấn. Lượng caffeine cao có thể làm tăng huyết áp, hồi hộp và đi tiểu nhiều. Một lon nước tăng lực (250ml) có khoảng 80mg caffeine, nhiều gấp rưỡi ly càphê. Chất caffeine không chỉ có trong hạt càphê mà còn có nhiều trong hạt cola, cacao, lá trà...

Đường trong nước tăng lực là đường ăn (sucrose) hoặc dùng chung với xirô bắp cao fructose (HFCS). Đường là chất duy nhất trong nước tăng lực sinh năng lượng (cung cấp calo).

Các thứ khác trong nước tăng lực có thể là (tuỳ hãng): taurin, cholin, inositol, các vitamin nhóm B... Mấy thứ này có đầy trong thực phẩm ăn hàng ngày (thịt, cá, rau, củ...) Trong nước tăng lực thứ này là hàng kiểng, chưng chơi cho biết (ai kiểm mà biết?) Không có bằng chứng gì cho thấy những chất này phát huy tính "tăng lực" cả.

Thí dụ một thứ chơi cho biết. Chất taurin là niềm tự hào của nước tăng lực, mới đây đã được "Con bò húc" báo cáo về lợi ích của nước tăng lực rằng, taurin tốt cho tim và làm giảm mỏi cơ. Lời khai này đã bị Uỷ ban châu Âu (European Commission) bác bỏ vì thiếu chứng cớ khoa học.

Huyền thoại tăng lực của bác tài

Các bác tài chạy xe đường dài coi tà tà vậy chứ làm việc rất căng, cường độ tập trung cao, hai tay hai chân phối hợp như robot. Sau mấy tiếng lái xe, mệt cái đầu mỏi cái chân, cần đồ ngọt cấp nhanh năng lượng (nhất là cho não). Đường tiếp năng lượng cái rẹt, chứ không thủng thỉnh (nhưng dai sức) mất cả mấy tiếng đồng hồ như cơm gạo. Nước tăng lực ngọt... xé họng là vì thế. Một lon nước tăng lực (250ml) chứa 30g đường, trong khi khuyến cáo chỉ nên dùng 20g đường mỗi ngày.

Còn chống buồn ngủ? Uống cả 2 – 3 ly cà phê không tác dụng nên phải xài tới nước tăng lực mới phê. Chẳng phải thần dược gì cả đâu, uống phải càphê dỏm thì làm gì có caffeine trong đó. Ăn vài thanh sôcôla, uống vài tách trà đậm thử xem có phê không (tác dụng của caffeine).

Về mặt dinh dưỡng, đường là loại "củi" rẻ tiền nhất cung cấp năng lượng. Nhưng năng lượng đâu phải là tất cả, nên cơ thể mới phải cần đến củi "chất lượng cao" như thịt cá, chất béo... để có thêm những chất dinh dưỡng cần thiết khác.

Tóm lại, thần dược nước tăng lực chỉ là đường và caffeine. Đâu có khác gì ly càphê đen (thứ thiệt) nhiều đường. Có ngon thì bỏ đường ra xem tăng lực đi tới đâu? Không có đường lấy thứ gì sinh năng lượng? Vậy mà có vài hãng cũng "ngon" thiệt, đã chào hàng nước tăng lực ăn kiêng (diet version), bỏ đường ra, thay bằng đường hoá học, tăng thêm hàm lượng caffeine cho... mạnh mẽ hơn. Bán được bao nhiêu rồi, quý ngài?

Mấy tay nhậu còn nổi hứng pha nước tăng lực vào rượu cho khó say dễ uống (thống kê cho thấy 56% dân nhậu bên Tây cũng khoái chơi kiểu này). Đúng là dễ uống thiệt, nhưng rượu tới đâu không biết, say hồi nào không hay.

Người bị tiểu đường, cao huyết áp, ăn kiêng giảm béo coi như kẹt với nước tăng lực rồi. Trẻ em, tuổi teen không nên uống thường xuyên, quá một lon/ngày. Phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú cũng được khuyên không nên uống.

Mấy bác tài nếu thích cứ giữ lấy huyền thoại về nước tăng lực, nhưng bổ béo phải phân minh. Ly sinh tố hay chai nước cốt trái cây bộ không sướng hơn sao?

Nguồn Chiến lược Marketing