Masan Sự chấm dứt của “triều đại” Madhur Maini?

Phải chăng những ông chủ của Masan đã ngụy trang một cách hết sức khéo léo cho lộ trình “phế truất” Madhur Maini bằng việc đưa ông vào vị trí Chủ tịch Masan Consumer Holdings?

Bất cứ động thái nào liên quan đến nhân sự cấp cao tại Tập đoàn Masan (Masan Group) và các công ty thành viên của nó (gồm nhánh hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings – MCH – phía dưới là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures và nhánh khai thác chế biến khoáng sản Masan Resources) đều thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như cổ đông nắm giữ cổ phiếu của Masan Group (mã: MSN). Kể từ khi bố trí Madhur Maini vào vị trí Chủ tịch MCH hồi tháng 7/2013, Masan hoàn toàn im hơi lặng tiếng về vai trò của ông này trong việc dẫn dắt thực thi chiến lược tại MCH. Vậy nên giờ đây thị trường đang bán tín bán nghi rằng, triều đại của Madhur Maini tại Masan đã chấm dứt. Cần nhớ rằng, Madhur Maini là Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Masan Group từ năm 2008 với những thành tích ấn tượng.

Vị thuyền trưởng tài ba…

Với cương vị là thuyền trưởng chịu trách nhiệm về tài chính của Masan, Madhur Maini cho thấy, ông là một trong những CEO ngoại hiếm hoi được trao quyền gần như tuyệt đối trong một doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam.

Khó có lý do thuyết phục nào để nghi ngờ về một cuộc “tước vũ khí” bằng bàn tay bọc nhung đối với Madhur Maini, khi Masan Group tuyên bố, ông đảm nhận chức danh Chủ tịch MCH, đồng thời bàn giao lại vị trí CEO Masan Group cho Chủ tịch tập đoàn Nguyễn Đăng Quang. Tại thời điểm công bố sự thay đổi này, Masan Group đã có một bước đi được đánh giá là khôn ngoan, khi đồng thời thông báo việc thành lập MCH cùng một viễn cảnh đầy hấp dẫn của nó. Nên nhớ, lúc ấy dù mới chào đời (7/2013) MCH đã nắm trong tay tới 77% cổ phần của Masan Consumer – công ty có giá trị lên tới trên 2 tỷ USD và hoạt động bền vững với mức tăng trưởng bình quân khoảng 20% mỗi năm. Ngoài ra, MCH còn sở hữu 100% cổ phần trong công ty con mới thành lập là Masan Consumer Ventures (MCV) và 100% cổ phần của Masan Beer (được biết đến qua vụ mua lại Bia Phú Yên hồi năm ngoái). Tóm lại, về danh nghĩa đúng là chiếc ghế Chủ tịch MCH đồng nghĩa với quyền lực bao trùm của nhà lãnh đạo người Ấn Độ này.

Trước khi cập bến Masan năm 2008, ông Maini đã trải qua hơn 14 năm làm việc cho ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) và Deutsche Bank (Đức). Ông cũng từng tham gia vào quá trình tạo lập nền móng cho một số định chế tài chính ở Thái Lan và Malaysia. Một dấu ấn lớn của ông tại Masan là việc khéo léo kết hợp những yếu tố đa văn hóa trong quản trị, bao gồm tiềm lực tài chính hùng hậu trong đó có nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư ngoại mà ông kêu gọi được; công nghệ và chuyên môn quốc tế, cộng với kinh nghiệm bản địa. Điều quan trọng là tầm nhìn của Madhur Maini đối với các ngành hàng mà Masan Group tiên phong đầu tư, không lao vào dự án trái ngành đã giúp Masan gia tăng nhanh chóng mức vốn hóa từ 1 tỷ USD cuối năm 2009 lên 3 tỷ USD vào tháng 7/2013.

Khả năng dàn xếp những thương vụ huy động vốn lớn của Madhur Maini cũng rất ấn tượng. Theo báo cáo tài chính năm 2012 của Masan, chỉ trong vòng 5 năm (2009-2013) tập đoàn gọi được tổng cộng 1,5 tỷ USD. Lấy ví dụ, một khoản vay là 175 triệu USD từ JP Morgan Chase Bank được một tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới bảo lãnh vào tháng 7/2013. Tất cả những cột mốc lớn của Masan đều có dấu ấn quan trọng của doanh nhân người Ấn Độ này. Với cương vị là thuyền trưởng chịu trách nhiệm về tài chính của Masan, Madhur Maini cho thấy, ông là một trong những CEO ngoại hiếm hoi được trao quyền gần như tuyệt đối trong một doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam.

… Nhưng đang mất dạng?

Động thái chuyển giao chức vụ CEO Masan Group từ Madhur Maini sang ông Nguyễn Đăng Quang thoạt nghe có vẻ rất hợp lý: doanh nhân người Ấn Độ đã hoàn thành sứ mệnh to lớn của mình với Masan Group, giờ là lúc ông sẽ ngồi vào một chiếc ghế mới. Lý do mà Masan đưa ra cũng khó có thể “lọt tai” hơn, đó là ông Maini sẽ dẫn dắt hoạt động của MCH, vạch và giám sát việc thực thi chiến lược của công ty mới đầy sức mạnh này.

Với “vũ khí” Masan Consumer và “hỏa lực” Vinacafé Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo trong tay, tấm khiên chắn là sự ủng hộ từ các cổ đông sáng lập Masan, sức mạnh tổng hợp gồm nguồn vốn, chuyên môn, công nghệ quốc tế kết hợp tri thức địa phương của MCH, có lẽ Madhur Maini đã hội đủ các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Tuy vậy, dần dần giới quan sát trong ngành tiêu dùng bắt đầu lờ mờ nhận thấy một số dấu hiệu lạ trong nội bộ Masan.

Đầu tiên là sau khi MCH ra đời, người ta hầu như không thấy công ty này nhắc đến Madhur Maini như một vị tướng mặt trận nữa. Nó cũng tương tự như sự chìm nghỉm rồi ra đi trong lặng lẽ của một số CEO người nước ngoài tại các doanh nghiệp trong nước khác. Thứ hai, theo một nguồn tin chưa kiểm chứng từ giới phân tích tài chính, đã vài tháng nay ông Maini không ở Việt Nam mà ra nước ngoài với lý do bận việc gia đình. “Điều này nghe khá kỳ lạ với một người nắm giữ vị trí then chốt trong một doanh nghiệp hoạt động không ngừng như Masan”, nguồn tin trên bình luận. Thứ ba, một giả thiết được đặt ra là vai trò của Madhur Maini đang ngày càng mờ nhạt hơn, một cách có chủ ý, đặc biệt sau khi Masan mời ông Seokhee Won về làm CEO của Masan Consumer. Ông Won đảm nhiệm vị trí CEO, thay ông Trương Công Thắng mới xin nghỉ, cũng vì lý do cá nhân.

Còn nhớ vào tháng 7/2013 khi Masan mới công bố chức danh Chủ tịch MCH của Madhur Maini, ông Trương Công Thắng được coi là cánh tay phải của Maini với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu dùng.

Liệu đây có phải là sự “thay máu” hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của MCH hay không, mặc dù có thể ông Thắng rời Masan là vì có dự án kinh doanh riêng? Đặc biệt, sự xuất hiện của ông Seokhee Won đã tạo ra “bộ tứ” mới trong hàng ngũ lãnh đạo Masan Group: Nguyễn Đăng Quang (CEO) và 3 Phó Tổng giám đốc gồm Nguyễn Thiều Nam, Michael Hung Nguyen, Seokhee Won.

Vậy thì Madhur Maini ở đâu? Sẽ là vội vàng nếu khẳng định Madhur Maini bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và cổ đông hoàn toàn có thể căn cứ vào những dấu hiệu nói trên để tạm giả định rằng, ban lãnh đạo Masan đã tính toán kỹ cho cuộc chuyển giao quyền lực một cách ít ồn ào nhất. Phải chăng “triều đại” Madhur Maini đã chấm dứt?

Nguồn Doanh Nhân Online