Thị trường có bao giờ đầy?

Các doanh nghiệp luôn muốn tìm hướng để phát triển chiến lược đại dương xanh (Blue Ocean Strategy), bởi vì đó là nới mà các DN không có đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh, chỉ có mình là chủ của vùng đất màu mỡ đó. Tuy nhiên không dễ để các DN tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên vẫn còn những cách đi khác.

Nếu ta xem thị trường là một chiếc bình thì những sản phẩm đầu tiên là những viên đá, tiếp đến là sỏi, sau sỏi là đến cát. Các bạn nghĩ là chiếc bình đã đầy, không bởi vì chúng ta còn có thể đổ nước vào để lấp đầy các kẻ hở. Có hai ngành có thể làm minh chứng điển hình nhất cho chiếc bình này.

Công nghệ

Năm 1946, chiếc máy tính đầu tiên đã ra đời, với mục đích tính toán quỹ đạo của tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, kích thước của nó rất khổng lồ, gần như hệ thống máy móc phải để đầy trong một căn phòng.

Đến năm 1981, máy tính các nhân (PC) của IBM ra đời, với 1 màn hình, 1 bàn phím đã mở đầu cho những cuộc đổ bộ của PC dành cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cũng trong năm này, chiếc laptop đầu tiên ra đời nhằm giải quyết sự cơ động cho công việc, đặc biệt là trong quân sự và hàng không. Năm 1985, NASA đã đem chiếc laptop vào không gian trên tàu con thoi Discovery.

Bạn thử nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu các phi hành gia đem theo những chiếc PC cồng kềnh vào không gian? Chắc phải cột CPU sau lưng, giắt bàn phím trước bụng, nhét chuột trong túi quần và một tay cầm màn hình.

Laptop được ví như những viên đá đầu tiên đặt vào chiếc bình kia. Với sự phát triển tiến bộ như vậy, có phải laptop đã chất đầy chiếc bình của mình?

Phải laptop đã nắm giữ vị trí số một của mình rất lâu cho đến 5 năm trở lại đây. Mọi công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại bắt đầu xuất hiện và phát triển với một tốc độ nhanh không tưởng. Đến mức phát kiến tuyệt vời như laptop cũng phải lép vế vì sự ra đời của máy tính bảng iPad. ""Những viên sỏi" iPad bây giờ nhiều và phổ biến đến mức ở chốn công cộng và nơi nào có trẻ em là nơi đó có iPad.

Máy tính bảng (tablet) chính là một thiết bị lai giữa laptop với điện thoại di động (mobile). Khi chiếc bình đã gần đầy, người ta bắt đầu đổ cát vào lấp những kẽ hở giữa những viên đá và những viên sỏi.

Vậy có thể bỏ tiếp sản phẩm gì vào giữa hai ngách laptop – tablet và tablet – mobile?

Sự ra đời của dòng Samsung Galaxy Note từng bị chế giễu là lố bịch, kệch cỡm với màn hình quá khổ cho đến khi doanh thu của nó đạt mức đủ cho các hãng còn lại phải giật mình.

Sự thành công của Galaxy Note được thể hiện qua con số 50 triệu thiết bị bán ra trong vòng 2 năm, tính đến tháng 10/2013. Phablet (phone + tablet: Điện thoại lai máy tính bảng) là câu trả lời "đẹp" cho cặp tablet – mobile.

Thế còn laptop – tablet? Hiện giờ chưa có thiết bị nào cho thị trường này. Thậm chí, giữa tablet và phablet, liệu còn kẽ hở nào cho "nước" chảy qua hay không? Nhu cầu của con người là vô tận và các nhà thiết kế, nhà nghiên cứu được trả lương để vẽ ra nhu cầu nhằm moi tiền người tiêu dùng. Mấy ai có iPad và chỉ có iPad mà không có laptop và mobile? Nó ra đời như một phân khúc hoàn toàn mới và người tiêu dùng phải móc thêm hầu bao cho sản phẩm lai này. Phablet thì khác, người ta có thể sở hữu phablet và bỏ qua mobile.

Có sản phẩm nào lai giữa laptop và tablet? Có đấy! Thứ nhất là ultrabook; thứ hai là máy tính bảng Surface của Microsoft. Vì sao ultrabook và Surface ra đời? Chúng có những ưu điểm mà laptop không có: tính di động cao hơn, "ngủ" và khởi động lại trong vòng 2 giây, hệt như tablet chỉ cần bật/tắt màn hình để sử dụng. Nó còn được trang bị bàn phím lẫn màn hình cảm ứng. Dù tablet có cảm ứng nhạy và màn hình rộng, nhưng khi cần soạn thảo văn bản hay dùng ứng dụng văn phòng thì bàn phím cứng của ultrabook luôn được lựa chọn.

Giải khát

Thoạt đầu, Pepsi hay Coca Cola chỉ xuất hiện trên thị trường với 2 sản phẩm là Pepsi Cola và Coca Cola. Nhưng nhu cầu của mỗi chúng ta là không chỉ nạp nước đường suốt ngày. Vì vậy, 2 hãng trên đã nghiên cứu hành vi và thói quen uống nước của một người trong suốt 24 giờ mỗi ngày. Để từ đó, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm nước tinh khiết Aquafina, Dasani.

Thế nhưng chiếc bình thị trường dường như vẫn còn chỗ cho các sản phẩm có gas khác như 7Up, Sting, Sprite. Và để giải khát với thời gian kéo dài hơn, nước không gas như Twister, Splash dường như được ưu tiên hơn.

Chưa dừng lại đó, thêm đủ loại khác tiếp tục được chêm vào bình. Nước dành cho cơ thể các chất cần thiết sau vận động thì có 7UP Revive, Powerade, NOS và gần đây là Mountain Dew; những sản phẩm mang hơi hướng tốt cho sức khỏe thì có Oolong Tea+, Real Leaf...

Như vậy, bằng chính các sản phẩm của mình, Pepsi và Coca Cola đã tự lấp đầy chiếc bình thị trường. Và liệu sẽ có thêm sự xuất hiện của sản phẩm nào đóng vai trò "cát" hay "nước" trong chiếc bình giải khát này nữa hay không?

Có một người nói rằng, kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh là ngành "bất tử". Chỉ có làm không tốt thì người kinh doanh mới sẽ "tử nạn" trước đối thủ chứ con người còn sống thì còn phải ăn uống. Nên dù có đổ nước vào tràn ngập bình thì ngay bản thân của nước cũng chứa những bọt khí trong nó. Thị trường không bao giờ đầy.

Nguồn Chiến lược Marketing