Vị cứu tinh của Kodak

Sau những nỗ lực tái cấu trúc, Kodak cuối cùng đã thoát khỏi phá sản vào tháng 9.2013. Thế nhưng, hãng sản xuất phim chụp ảnh nổi tiếng một thời này vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ. Để đưa Kodak nhanh chóng trở lại đường đua, giữa tháng 3.2014, Hội đồng Quản trị Kodak đã chấp nhận để cho Jeffery J. Clarke trở thành Tổng Giám đốc (CEO) thay cho Antonio Perez, người cầm cương tại Kodak từ năm 2005, với hiệu lực tức thì. Jeffrey Clarke là ai? Liệu ông có thể làm được điều mà người tiền nhiệm vẫn chưa làm được?

Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Kodak, ông James V. Continenza, cho biết: “Jeff là người thích hợp để đưa Kodak tiến lên phía trước. Thế mạnh và kinh nghiệm của ông trong lĩnh vực công nghệ, khả năng đưa doanh nghiệp lội ngược dòng, hiểu biết về tài chính, điều hành và kinh nghiệm làm ăn quốc tế - sự kết hợp của những điều này chính xác là điều mà chúng tôi cần ở người dẫn dắt Kodak”.

Clarke, 53 tuổi, được mô tả là một doanh nhân thông minh và có óc phân tích, biết cách tương tác với mọi người ở mọi cấp độ. Ông cũng được đánh giá là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp bẩm sinh được đào tạo bài bản và có cả sự nhạy cảm trong kinh doanh (Clarke tốt nghiệp ngành kinh tế học ở Đại học SUNY Geneseo (Mỹ) và lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh ở Đại học Northeastern University).

Ông Jeffery J. Clarke, Tổng Giám đốc mới của Kodak.

Cựu Chủ tịch của SUNY Geneseo, ông Christopher Dahl, cho biết lần đầu tiên ông gặp Clarke là vào đầu thập niên 2000. “Tôi biết ông ấy là một doanh nhân thành công và là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất thông minh. Nhưng tôi bị ấn tượng nhất là ở óc phán đoán nhanh nhạy cũng như khả năng của ông ấy trong việc phân tích và hiểu rõ nhiều loại vấn đề khác nhau”, ông nói.

Clarke đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo ở các công ty công nghệ truyền thống như Giám đốc Điều hành ở hãng phần mềm doanh nghiệp CA Technology, Phó Chủ tịch Bộ phận toàn cầu của hãng máy tính HP, Giám đốc Tài chính của Compaq Computer. Ông cũng từng lèo lái các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến như Travelport và Orbitz. “Nền tảng của ông ấy rất phù hợp với Kodak, vì nó là một ngành kinh doanh truyền thống đang tìm đến những phương thức mới để tăng trưởng”, Dahl nói.

Không chỉ vậy, Dahl cho rằng: “Trải nghiệm kinh doanh của Jeff cho ông ấy kiến thức văn hóa sâu rộng. Thời gian giữ chức CEO tại Travelport, một công ty công nghệ du lịch của Mỹ, chẳng hạn, đã cho ông kiến thức rộng về châu Á, châu Âu và nhiều khu vực khác ngoài châu Mỹ”.

Trong quá trình làm Phó Chủ tịch Bộ phận toàn cầu của HP, ông đã giúp HP sáp nhập thành công Compaq vào Công ty. Ở Travelport, ông chính là nhạc trưởng của thương vụ bán Travelport cho tập đoàn đầu tư Blackstone Group với giá 4,3 tỉ USD vào năm 2006.

Ông cũng là người đã đưa Orbitz, công ty chuyên thực hiện các giao dịch trực tuyến về vé máy bay và các dịch vụ trực tuyến khác, lên sàn thành công vào năm 2007. Hiện tại, Clarke vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Orbitz. Clarke cũng đang điều hành Augusta Columbia Capital, một công ty đầu tư chuyên đầu tư vào các hãng công nghệ. Đây là công ty ông đồng sáng lập vào năm 2012.

Liệu Kodak sẽ khởi sắc dưới sự dẫn dắt của Clarke? Theo đánh giá của Clarke, Kodak có một cơ hội tốt để tăng trưởng. “Tôi nghĩ Kodak có nền tảng toàn cầu tốt. Công ty có khả năng cải tiến, khả năng tạo ra sản phẩm mới. Tôi đã trải qua 11 năm tại thung lũng Silicon. Nhiều trong số những công ty mới thành lập ở đây sẽ muốn có được một nhãn hàng, một mạng lưới phân phối mạnh như Kodak. Có một cơ hội lớn cho Kodak trong lĩnh vực in”, ông nói.

Doanh thu hằng quý của Kodak đang giảm xuống

Một thuận lợi cho Clarke là bộ máy hoạt động của Kodak đã phần nào tinh gọn hơn sau nỗ lực tái cấu trúc, đưa Công ty thoát khỏi phá sản của người tiền nhiệm Antonio Perez. Dưới thời của Perez, Kodak đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên, cắt bỏ hoàn toàn mảng máy ảnh, phim cuộn và dịch vụ ảnh cho người tiêu dùng, bán đi các bản quyền kỹ thuật số, đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất để tập trung vào mảng in thương mại phục vụ khách hàng doanh nghiệp. Giờ Kodak định vị mình là một công ty công nghệ in, chuyên về in phun và in bao bì cũng như sử dụng các quy trình liên quan đến in để sản xuất các sản phẩm như phim mỏng cảm ứng.

Mặc dù vẫn còn thua lỗ nhưng tình hình tài chính của Kodak đã khả quan hơn. Kodak đã lỗ 21 triệu USD trong quý III/2013 với mức doanh thu 198 triệu USD (Kodak sẽ báo cáo lợi nhuận quý IV/2013 vào ngày 25.3). Con số này là một sự cải thiện so với mức lỗ lên tới 312 triệu USD của cùng kỳ năm 2012.

Hiện tại, định hướng chiến lược của Kodak vẫn chưa được Clarke tiết lộ cụ thể. Nhưng với lý lịch “sặc mùi” công nghệ của ông, có thể ông sẽ đưa Kodak tiến sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Clarke cho biết sẽ tiếp tục đưa Kodak trở thành “công ty đi đầu trong lĩnh vực công nghệ B2B (giao dịch thương mại doanh nghiệp)”.

Ông cũng cho biết sẽ đẩy mạnh tăng trưởng của Kodak bằng việc tận dụng sự chuyển giao từ công nghệ analog sang in kỹ thuật số trên các thị trường trong đó có Trung Quốc và Brazil. “Một trong những điều thu hút tôi đến với Kodak là sự hiện diện toàn cầu của Công ty. Chúng tôi đang nhìn vào các thị trường mới nổi như một động lực quan trọng tạo ra tăng trưởng của Công ty”, Clarke nói.

Thế nhưng, có vẻ như nhà đầu tư không mấy tin tưởng. Sau khi tên CEO mới được xướng lên, giá cổ phiếu Kodak đã giảm 3,1% còn chỉ 26,39 USD trong phiên giao dịch buổi sáng tại New York. Tính ra, kể từ đầu năm 2014 đến nay, giá cổ phiếu Kodak đã giảm hơn 24%. Rõ ràng, nhà đầu tư đang mất dần kiên nhẫn. Vì thế, Clarke phải sớm đưa Kodak có lãi trở lại. Dahl, SUNY Geneseo, tin rằng Clarke sẽ làm được điều này. Dahl cho rằng Clarke nhận công việc ở Kodak một phần là vì ông ấy luôn đam mê thách thức. “Ông ấy là kiểu doanh nhân muốn làm một cuộc lội ngược dòng ở các công ty gặp các vấn đề như Kodak”.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư