Tự sự của một người làm PR - Ngày 21

Chương 5 - Quan hệ chính phủ

Tôi biết Thượng nghị sĩ Billy Micke của tiểu bang Oklahoma lần đầu tiên năm 1995, khi ông, Thượng nghị sĩ Larry Dickerson (nay đã mất), Kevin Chambers, giám đốc bộ phận đầu tư và thương mại của Bộ thương mại tiểu bang Oklahoma (người sau này trở thành “sếp” trực tiếp của tôi) tìm cách sang Việt Nam ngay sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ. Là cựu lính thủy đánh bộ, tham chiến ở Đà Nẵng cuối những năm sáu mươi, ông là người điển hình của thế hệ người Mỹ cảm thấy mình có mặc cảm tội lỗi với Việt Nam và luôn mong muốn có thể làm một chút gì đó cho quan hệ giữa hai nước. Sau những chuyến đi đầu tiên sang Việt Nam, ông nhận tôi làm con nuôi và trong nhiều năm, là “sức mạnh chính trị” đằng sau văn phòng chúng tôi, đảm bảo chúng tôi nhận được đầy đủ ủng hộ về tài chính hay nhân lực cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại vùng ASEAN

Trong thời gian tôi ở Oklahoma, ông và cố thượng nghị sĩ Larry Dickerson có thói quen cứ mỗi tối thứ sáu lại cho lái xe chở tôi tới một quán rượu nhỏ, ngồi ăn tối cùng với hai ông và một số chính trị gia khác. “Con trai”- ông hay nói “Hãy quan sát cách lão già của con thỏa thuận làm ăn” (“cut the deal”). Và thế là tôi ngồi đó trong một gian phòng nồng nặc mùi khói xì-gà, mùi thức ăn, rượu mạnh và quan sát các tay hoạt động hậu trường chạy lăng xăng qua lại các bàn, xun xoe trả tiền ăn uống và thì thầm về những điều kiện, phản-điều kiện, phản-phản-điều kiện rồi đập tay thỏa thuận về những điều luật mà họ sẽ trình ra quốc hội của tiểu bang trong phiên họp tới. Trong những bữa ăn đó, tôi đã nhìn thấy những xa lộ bị nắn lại cho đi qua những vùng đất đã được bạn bè của các chính trị gia mua trước, những khoản tiền vay của chính phủ liên bang được trao cho những công ty hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh gì, những điều luật cải tổ hệ thống giáo dục tiểu bang bị “giết” từ trong trứng đơn giản vì người bảo trợ nó chỉ là “đồ trẻ ranh” dám thách thức quyền lợi của các chính trị gia thuộc cánh hẩu (“ good old boy school”). “Chính trị là con đĩ, con trai” - ông cười cười bảo tôi - “nó ngủ với bất cứ ai trả tiền cho nó”. Ông quả thực là người đã mở mắt cho tôi thấy, ngay cả ở một quốc gia được coi là “dân chủ hạng nhất” và có một nền tảng về tam quyền phân lập, kiềm chế nhau được coi là tốt nhất như Mỹ, chính trị thực ra chỉ là trò chơi của những nhóm quyền lợi. “Một trăm thượng nghĩ sĩ và hơn bốn trăm hạ nghị sĩ ở Washington D.C chỉ làm một việc thôi, đó là chia tiền”-ông giễu cợt nói “đừng có để ý đến những lời hoa mỹ của họ, họ chỉ có một mong ước duy nhất mà thôi- chia tiền”.

Tuy ông chỉ là lãnh tụ phe đa số của thượng viện Oklahoma (tiểu bang), nhưng trong những năm đó, đoàn nghị sĩ của tiểu bang Oklahoma tại Washington D.C lại là một trong những đoàn nghị sĩ bảo thủ và có quyền lực nhất, với Thượng nghị sĩ Don Nickle đang giữ chức trợ lý của lãnh tụ phe đa số (Mjority Whip), còn Hạ nghị sĩ J.C Watt đang là chủ tịch hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa. Tại Washington D.C, các chuyên gia vận động hành lang bạn ông giới thiệu cho tôi thế giới của giới chính trị gia, nơi các quyết định chính trị cũng chỉ là “cut the deal” như tôi đã từng thấy ở Oklahoma, tất nhiên với qui mô và độ phức tạp hơn nhiều.

Tại Mỹ, vận động hành lang là một nghề nghiệp hoàn toàn hợp pháp. Trên danh nghĩa, nó là hoạt động nhằm giải thích với các chính trị gia (nhà lập pháp) và một số cơ quan hành pháp quan điểm hay mục tiêu hoạt động của một tổ chức, một nhóm quyền lợi hay một công ty, một tập đoàn, để từ đó các chính trị gia hay cơ quan lập pháp cân nhắc khi đưa ra các đạo luật hay quyết định có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, nhóm quyền lợi hay tập đoàn mà nó đại diện. Trên thực tế, nó không loại trừ những hoạt động nằm trong “vùng xám” của đạo đức nghề nghiệp để “cut the deal”- mặc cả và thỏa thuận về mọi thứ, mọi vấn đề để phân chia quyền lợi. Vận động hành lang là thế giới của “cánh hẩu” (“good old boy system”), nơi những người vận động hành lang thành công nhất chính là những chính trị gia đã về hưu, cựu chánh văn phòng của họ, cựu quan chức của chính quyền hành pháp, họ hàng của những người kể trên, sau đó mới tới các công ty vận động hành lang và các công ty quan hệ công chúng. Tuy bị kiểm soát gắt gao, nhưng các chuyên gia vận động hành lang không từ một thủ đoạn gì để đạt được ân huệ của các chính trị gia và những người họ muốn gây ảnh hưởng: từ việc trực tiếp đóng tiền hay tổ chức các sự kiện quyên tiền cho vận động tranh cử, biếu tặng các tác phẩm nghệ thuật khó định giá, tặng thẻ ở các câu lạc bộ thuyền buồm hay golf, tổ chức các chuyến đi công tác mà thực tế là đi du lịch đắt tiền cho đến các hình thức tinh vi hơn như nhận thân nhân vào làm việc ở công ty mình (thực tế là chỉ nhận lương chứ không làm việc gì cả), tài trợ học bổng cho con cái của họ hay cung cấp công việc cho những công ty mà họ hàng họ sở hữu. (Ông Frank Keeting, thống đốc của bang Oklahoma, đã suýt được đưa vào danh sách ứng cử viên cho chức vụ Phó Tổng thống rôi Tổng chưởng lý của chính quyền Bush (con), cho tới khi người ta phanh phui vụ một công ty tài trợ học bổng trị giá hàng trăm ngàn đô-la cho con trai của ông. Sau khi về hưu, hiện nay ông là chủ tịch của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ, một tổ chức vận động hành lang cho giới chủ ngân hàng ở Mỹ).

Đó là tại Mỹ. Còn tại Trung Quốc, bất cứ ai muốn tìm hiểu mối liên hệ giữa “quan trường” và “thương trường”, tôi khuyên nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết “Sỹ đồ phong lưu”. Thông qua câu chuyện về anh thanh niên Dương Phàm, con rơi của một quan chức cao cấp thuộc “thái tử đảng”- tầng lớp con cái của các ủy viên bộ chính trị đầy quyền lực của Trung quốc- từng bước được bố và ông nội đưa dần lên nấc thang quyền lực của chính quyền Trung quốc, cuốn tiểu thuyết này phơi bày cuộc đấu tranh khốc liệt của các nhóm lợi ích, sự liên kết chặt chẽ của giới tham quan Trung Quốc với các công ty và tập đoàn nhà nước cũng như tư nhân, sự xa hoa lãng phí và tệ nạn tham nhũng ở mọi cấp mọi nơi trong xã hội Trung Quốc. Một anh bạn của tôi sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết đã tấm tắc “sao mà thủ lại giống thủ, xôi lại giống xôi thế này!”. Quả vậy, bạn có thể biết được rất nhiều điều đang và sẽ xảy ra ở Việt Nam khi nhìn vào tấm gương Trung Quốc!

Nguồn Ogilvy T&A