Tìm chiến lược truyền thông hiệu quả cho doanh nghiệp

Tại hội thảo, diễn giả Jason Lusk đã chỉ ra tính thiết yếu của tiếp thị truyền thông xã hội và thảo luận những cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp.

Diễn giả buổi hội thảo là ông Jason Lusk - nguyên Phó chủ tịch Công ty Quảng cáo độc lập lớn thứ 2 Hoa Kỳ - công ty Cramer - Krasselt và hiện là Chuyên gia thương hiệu & Truyền thông người Mỹ.

Ông Jason Lusk đã đứng ra thành lập các nhóm Social Media & Digital aanalytics đầu tiên của Cramer - Krasselt. Ông cũng phụ trách khách hàng Social media lớn nhất của công ty là Bombardier Recreational Products, trưởng các chiến dịch social media cho các thương hiệu bao gồm xe trượt tuyết Ski-Doo, động cơ thuyền Evinrude và xe địa hình Can-Am.

Mặc dù chưa đến giờ diễn ra Hội thảo nhưng đã có đông đảo khách mời tới tham dự

"Social Media Marketing" (Tiếp thị truyền thông xã hội) với sức mạnh của nó hiện đã trở thành một xu thế khách quan và không thể đảo ngược trên cả thế giới và ở Việt Nam. Có đến 82% người Việt Nam đang sử dụng Internet đã có mặt trên các mạng xã hội và tốc độ phát triển Smartphone ở nước ta thuộc hàng thứ hai trên thế giới. Các mạng xã hội chưa bao giờ phổ biến như hiện nay và đây chính là thị trường đầy tiềm năng để những người làm truyền thông và tiếp thị khai thác.

Đúng 14h, chương trình chính thức được diễn ra.

Tới tham dự chương trình có sự hiện diện của: Ông Trần Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam; Ông Đỗ Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện quảng cáo Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Vũ Tiến – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong. Cùng đông đảo lãnh đạo, giám đốc marketing của các doanh nghiệp.

Về phía diễn giả có ông Jason Lusk - nguyên Phó chủ tịch Công ty Quảng cáo độc lập lớn thứ 2 Hoa Kỳ - công ty Cramer - Krasselt và hiện là Chuyên gia thương hiệu & Truyền thông người Mỹ.

Ông Đỗ Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện quảng cáo Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện quảng cáo Việt Nam cho biết năm 2013 tổng doanh thu toàn ngành quảng cáo trên thế giới là 472 tỷ USD. Năm 2013 cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng khi có những cuộc sáp nhập của các tập đoàn hàng đầu thế giới và thị trường quảng cáo đã có những tập đoàn lớn trên thế giới.

Một vấn đề thay đổi rất lớn đang diễn ra trong lĩnh vực truyền thông xã hội đó là Internet đã vượt qua sự tồn tại vị trí thứ hai 40 năm nay của báo giấy. Theo tôi, trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam cũng không tránh khỏi xu hướng này.

“Vậy, chúng ta làm gì để đón cơ hội này trước sự thay đổi lớn lao này?” - ông Đỗ Kim Dũng đặt câu hỏi. Ông cho biết, hội thảo hôm nay là hội thảo đầu tiền về lĩnh vực truyền thông xã hội. Hội thảo sẽ mang đến cái nhìn khách quan về social media và xu hướng tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt và định hướng chiến lược trong thời gian sắp tới.

Tiếp thị truyền thông xã hội: Vì sao Việt Nam chưa 'cập bến'

Chia sẻ tại Hội thảo về việc làm thế nào để có một kênh truyền thông xã hội hiệu quả, ông Jason Lusk - nguyên Phó chủ tịch Công ty Quảng cáo độc lập lớn thứ 2 Hoa Kỳ - công ty Cramer - Krasselt và hiện là Chuyên gia thương hiệu & Truyền thông người Mỹ cho biết: Hiện tại trên thế giới có đến 58% người làm marketing sử dụng chiến dịch truyền thông xã hội. Vì vậy, vai trò của social media ngày càng quan trọng hơn. Thực tế đã chứng minh, trong số tất cả các công cụ marketing đang được sử dụng thì tốc độ của Social Media đang được đánh giá là nhanh nhất, hoàn thiện nhất. Những năm gần đây, vai trò của quảng cáo truyền thống như truyền hình, báo giấy đang ngày càng trở lên ít quan trọng hơn và social media ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, con số 58% người trên thế giới đang sử dụng công cụ này nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều đang sử dụng hiệu quả. Vậy, marketing truyền thông xã hội với đẳng cấp quốc tế là gì? Đó không đơn thuần là có một tài khoản Facebook. Nếu bạn chỉ làm social media qua một trang Facebook thì chắn chắn không hiệu quả bởi các đối thủ của bạn cũng có thể đang sử dụng chiến thuật này và bạn không thể gây được ấn tượng cho khách hàng nếu không có công cụ truyền thông đặc biệt nổi trọi.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới “đa màn hình”. Có nghĩa là chúng ta không chỉ xem ti vi, xem truyền hình mà còn có những phương tiện khác như các smartphone thông minh. Vì vậy, một người làm marketing thông minh sẽ biết cách đưa sản phẩm của mình truyền thông ở các phương tiện hiện đại này” - ông Jason Lusk nói.

Ông Jason Lusk - nguyên Phó chủ tịch Công ty Quảng cáo độc lập lớn thứ 2 Hoa Kỳ - công ty Cramer - Krasselt và hiện là Chuyên gia thương hiệu & Truyền thông người Mỹ

Sự thật là nếu bạn biết cách sử dụng social media thì nó sẽ có tác động đến tất cả các kênh phương tiện khác. Chủ đề chính hôm nay là marketing qua truyền thông xã hội, tuy nhiên, ông Jason Lusk cho biết sẽ tập trung vào nội dung tích hợp socail media vào các kênh truyền thông khác. “Nếu thực hiện được sự tích hợp này thì bạn có thể biến 2+2= 5 và đạt hiệu quả cực kỳ cao” – ông Jason Lusk nhấn mạnh.

Ông cho biết một số chiến dịch của những nhãn hiệu rất lớn đã thành công với việc tích hợp social media. Giải thưởng Cannes Lions là nơi tích hợp các truyền thông quảng cáo lớn nhất thế giới. Ông dẫn chứng về chiến dịch truyền thông “Vì sự vĩ đại dành cho bạn” của nike để trở thành một thương hiệu giày nổi tiếng trên thế giới, chiến dịch thay đổi nhãn hàng quảng cáo của CocaCola ở Úc, chiến dịch truyền thông của xe mini tại Anh và chiến dịch của Bộ Du lịch Philippines trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của tất cả người dân trong nước để gửi tới mọi người thông điệp “Cuộc sống tươi đẹp hơn tại Philippin”.

Tại Việt Nam, những người làm marketing cũng đã sẵn sàng cho truyền thông xã hội. Việt Nam có 12,5 triệu người đang sử dụng Facebook. Thị trường Việt Nam cũng chính là thị trường phát triển nhanh nhất của Facebook ở toàn Châu Á. Đa số người sử dụng Facebook là người trẻ, có học vấn cao, muốn tìm trải nghiệm mới trên những nhãn hàng. Vì vậy, đây chính là đối tượng mà các công ty đang nhắm đến.

Nếu nhìn vào Danh sách gia nhập Spikes Asia 2013 trong đó là danh sách các nước đến từ Đông Nam Á cho thấy, so với các nước láng giềng trong khu vực thì Việt Nam còn rất ít chiến dịch được gia nhập. Tại Việt Nam có sự xuất hiện của các chiến dịch: Close up, nước tăng lực, hãng Sam Sung, Pepsi, sữa tắm Unilever. Trong số này chỉ có nước tăng lực là thuộc Tân Hiệp phát của Việt Nam, còn lại là các hãng của nước ngoài vào Việt Nam. Chiến dịch close up – “Hãy để tình yêu dẫn lối" được đánh giá là chiến dịch mang đẳng cấp thế giới. Cùng với đó chiến dịch "Tìm người Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ" của AXE Apollo được thực hiện tại 62 thị trường của AXE cũng được đánh giá cao. Thông thông điệp này thực sự đã chạm đến niềm tự hào dân tộc của giới trẻ Việt Nam bởi ai cũng muốn là người thứ hai được bay vào vũ trụ.

Tại sao ở Việt Nam việc sử dụng social media còn chưa được ứng dụng nhiều? Ông Jason Lusk nêu ra 3 lý do: Thứ nhất, Việt Nam còn thiếu hụt trong đào tạo. Chúng ta chưa có nhiều các chương trình đào tạo cũng như những nhân sự đã tốt nghiệp qua trường đào tạo về social media trên thế giới. Trong khi đó những thông tin về social media hầu hết ở trên mạng lại bằng tiếng anh vì thế việc có thông tin này phổ thông là bị hạn chế.

Thứ hai, các lãnh đạo, giám đốc các thương hiệu ở Việt Nam khi nói về social media đều lo lắng họ không biết làm cách nào để đo về tỷ lệ hoàn vốn (ROI) của doanh nghiệp. Và trong khi báo chí và ti vi còn đang rất phổ biến thì họ không ngần ngại đưa tất cả thông tin lên trên đó. Theo thống kê, năm 2013, 1 người Việt Nam dành 130p/ngày để xem tivi, con số này số này với người sử dụng internet là 128p.

Nhưng các nhà làm marketing luôn chú ý khách hàng của mình đang dùng phương tiện gì và hiện nay là phương tiện truyền thông xã hội. Do vậy, vấn đề socail media phải được đặc biệt chú trọng.

Rào cản cuối cùng đó là Việt Nam có quá ít agency chất lượng, có chuyên môn cao về social media. Không phải công ty nào ở Việt Nam cũng có thể chi trả cho các agency trên thế giới để xây dựng chiến dịch social media cho doanh nghiệp của mình.

Đông đảo các đại biểu chăm chú theo dõi phần thuyết trình của ông Jason Lusk

Đâu là giải pháp?

Làm thế nào để các công ty dù lớn hay nhỏ ở Việt Nam đều có thể xây dựng được chiến lược marketing mang tầm cỡ thế giới và đưa được hiệu quả có thật vào thực tế. Ông Jason Lusk đã đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, cần xây dựng mạng lưới gồm các chuyên gia theo từng lĩnh vực marketing. Nếu bạn đến từ một công ty truyền thông lớn, bạn có thể thuê agency media và trả tiền cho các chiến dịch truyền thông của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đến từ một công ty nhỏ hơn, bạn phải tìm được tài năng trong chính công ty của mình để có thể xây dựng được chiến lược marketing hiệu quả.

Thứ hai, sau khi tìm được chuyên gia xây dựng chiến dịch cho mình, bạn cần phải xây dựng để làm sao họ có thể làm việc cùng nhau hiệu quả nhất. Cuối cùng, bạn sẽ phải thực hiện như thế nào để có được chiến lược marketing hiệu quả.

Theo ông Jason Lusk, trước khi tìm được nhiều chuyên gia để xây dựng chiến lược của mình, bạn phải làm “bài tập về nhà”, nghĩa là phải kêu gọi được toàn thể nhân viên của mình đưa ra được ý tưởng trước. Nhân viên của chính công ty bạn sẽ phải tìm ra đối tượng khách hàng, ngân sách, định vị thương hiệu… Sau khi tổng hợp được, bạn sẽ đưa ra giả thuyết cho chiến dịch. Giả thuyết này sẽ giúp các bạn hiểu được chiến dịch sắp tới nên được xây dựng trên những kênh nào.

Để xây dựng được nhóm chuyên gia tốt, bạn cần mời một chuyên gia từ chính lĩnh vực cần thực hiện chiến dịch để tham gia vào đội ngũ của mình. Tùy thuộc vào công ty lớn hay nhỏ mà số lượng chuyên gia có thể ít hay nhiều. Điều đặc biệt quan trọng, đó là cần phải phân công thực hiện công việc rõ ràng cho tất cả các chuyên gia. Có một quy trình thực hiện dự án rõ ràng. Đặt ra những quy định chung, nếu có được sự đồng thuận của các chuyên gia thì đó là kết quả tốt nhất.

Để đưa ra được một chiến lược truyền thông thực sự hiệu quả, mỗi chuyên gia trong đội ngũ của bạn cần phải viết một bản tóm tắt khác nhau. Với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn cần phải có đủ khả năng để hiểu hết các tóm tắt và đưa ra lựa chọn tìm ra kênh nào để xây dựng chiến dịch.Khi làm việc với nhiều chuyên gia, bạn phải yêu cầu tất cả các chuyên gia phải phát triển và đề xuất ý tưởng cho chiến dịch. Các chuyên gia phụ trách sáng tạo sẽ chịu trách nhiệm mảng sáng tạo. Chuyên gia truyền thông xã hội chịu trách nhiệm truyền thông xã hội. Các chuyên gia cần phải thống nhất để có một nền tảng thực hiện chiến dịch hiệu quả.

Theo ông Jason Lusk, có 3 cách để đo hiệu quả của chiến dịch truyền thông xã hội. Cách 1: ống dẫn kỹ thuật. Cách này chỉ áp dụng khi xác định được một hành động kỹ thuật sẽ có giá trị đo lường được cho doanh nghiệp. Cách này sẽ đo được doanh số thương mại điện tử, số khách hàng thu hút được. Cách 2: bảng điểm. Cách này được bắt đầu với mục tiêu kinh doanh của công ty bạn. Cách 3: hướng tới vệc đo tỷ lệ hoàn vốn trên social CRM của doanh nghiệp.

Trao đổi giữa diễn giả với khách mời tại giờ giải lao

Hỏi: Hiện nay trên Facebook đang có rất nhiều người dùng, nhiều thông tin được chia sẻ. Vậy làm thế nào để có thể tạo ra được sự khác biệt?

Một bạn đặt câu hỏi

Ông Jason Lusk trả lời:

Chỉ làm truyền thông trên 1 trang Facebook cho công ty của bạn thôi thì không đủ. Mới đây, đã có rất nhiều chuyên gia dự đoán về “cái chết” của Facebook vì có quá nhiều thông tin, khách hàng ở Facebook, dẫn đến việc Facebook hiện đang khá lộn xộn. Chính Facebook cũng có chiến lược riêng của mình, đó là việc càng ngày càng làm cho các nhãn hàng của mình gặp khó khăn hơn để có thể đưa được nhiều thông tin đến cho khách hàng.

Cách đây 2 năm Facebook đã thay đổi công thức trên web của mình. Theo đó, khi bạn gửi ra nhãn hàng, chỉ có 16% người trên Facebook có thể tìm thấy. Và, cách đây 2 -3 tháng, Facebook đã thay đổi con số này xuống còn 7-8%. Đây là một thông tin tốt cho Facebook vì những người dùng Facebook sẽ nhìn thấy trên “tường” của mình là người thân, bạn bè chứ không phải là nhãn hàng quảng cáo.

Từ đó, ông cũng đưa ra 2 giải pháp cho vấn đề này: thứ nhất chính là FB muốn các công ty quảng cáo trên facebook. Như vậy, với những người làm marketing thì họ ko thể miễn phí nữa mà phải trả tiền để quảng bá thông tin. Thứ hai, doanh nghiệp phải phát triển nội dung dịch vụ gây hứng thú với khách hàng của mình. Nếu trên facebook chỉ up những thông tin về nhãn hàng, quảng cáo thì bạn mắc một sai lầm lớn. Mọi người khi sử dụng facebook thì mục tiêu đầu tiên là thư giãn, mang tính giải trí cao.

Hỏi: Làm thế nào để tiếp cận doanh nghiệp và thuyết phục những doanh nghiệp này sử dụng dịch vụ socail media trong khi phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân sách dành cho truyền thông ít ỏi.

Ông Jason Lusk trả lời:

Cách tiếp cận đầu tiên bạn phải thể hiện được kết quả qua chiến dịch marketing của mình qua chỉ số ROI. Có như vậy mới thành cơ sở để thuyết phục khách hàng đầu tư vào loại hình quảng cáo này. Thứ hai, bạn phải có chiến dịch ‘mưa dầm thấm lâu’ nhằm tác động tới khách hàng để họ cảm nhận và có cảm hứng với công cụ truyền thông này.

Ngay cả khi bạn bắt đầu rất khiêm tốn với ngân sách ít hơn thì bạn vẫn nghĩ xem kế hoạch là gì, làm thế nào để thu hút khách hàng, và có mục tiêu cụ thể từng bước một. Bạn phải lắng nghe những đáp hồi từ khách hàng trên các phương tiện thông tin để có chiến lược cho mình.

Hỏi: Ngoài việc thực hiện lời khuyên 10 tháng, ông có lời khuyên, gợi ý nào cho các doanh nghiệp Việt Nam khi làm truyền thông xã hội?

Ông Jason Lusk trả lời:

Tôi nghĩ trong lời khuyên 10 tháng mà tôi đã đưa ra bạn không nên bỏ đi một bước nào. Tuy nhiên, mỗi bước bạn có thể rút ngắn hơn tùy thuộc vào ngành kinh doanh của bạn. Bên cạnh đó, với các chuyên gia, bạn cũng có thể linh hoạt mời khoảng 2-3 người thì việc lên chiến dịch sẽ nhanh hơn là 10-15 người.

Hỏi: Làm sao để các trang thương mại điện tử non trẻ có thể cạnh tranh được với các trang thương mại điện tử lớn, thưa ông?

Ông Jason Lusk trả lời:

Tôi nghĩ thử thách đối với website của bạn hiện tại là nhãn hiệu và ranking chứ không phải thử thách về truyền thông xã hội. Nhưng đó cũng là một thử thách rất thú vị.

Với bạn bây giờ, cần phải hiểu đối tượng khách hàng tiềm năng, từ đó đưa ra các giải pháp sáng tạo có thể cạnh tranh được với các đối thủ lớn.

Hỏi: Như chuyên gia đã nói, một số doanh nghiệp nhỏ có thể làm Social media tốt nhất nhưng phải có chuyên gia. Với doanh nghiệp nhỏ như vậy thì họ lấy kinh phí ở đâu để trả cho chuyên gia và những chuyên gia này thì phải tìm ở đâu?

Ông Jason Lusk trả lời:

Nếu như bạn không thuê chuyên gia, hoặc chưa đủ kinh phí để thuê chuyên gia thì có một bắt đầu nhỏ là các bạn nên lập một trang facebook. Từ trang này, doanh nghiệp sẽ lắng nghe khách hàng, xem họ có xu hướng gì mới, thích gì và không thích gì… Mỗi ngày doanh nghiệp hãy đưa ra một chủ đề, một nhãn hàng của công ty để khách hàng comment, nhằm một phần tăng lượng khách hàng với dịch vụ nhãn hiệu của bạn.

Và tôi cũng được biết là ở Việt Nam, chi phí để đăng thông tin trên facebook là rất thấp. Do đó, đây cũng là cơ hội mà doanh nghiệp các bạn nên tận dụng trong khi chưa có đủ kinh phí để thực hiện lớn hơn.

Hỏi: Trong ngành dược phẩm, có một số sản phẩm dùng để chữa các bệnh như phụ khoa, sinh lý... Tại Việt Nam, nếu truyền thông theo kiểu social media thì có thể làm được không?

Ông Jason Lusk trả lời:

Tất nhiên là có thể làm được. Tôi nghĩ, với những các bệnh “nhạy cảm” bạn nên học tập theo các truyền thông của bao cao su. Yếu tố mà họ đề cập đến đó là sự hài hước. Nhờ có sự hài hước mà bạn có thể quảng cáo cho nhãn hàng của mình mà không cần phải nói ra đó là nhãn hàng gì, trị bệnh gì.

Về truyền thông xã hội, bạn có thể để cho các khách hàng của mình lên Facebook để nói rằng: "Tôi đã sử dụng nhãn hàng này rồi và hiệu quả rất tốt". Như vậy sẽ hay hơn cách nói: "Tôi bị bệnh này và phải dùng thuốc này".

Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về truyền hình internet, mạng xã hội. Facebook xuất hiện thì Diễn đàn có chết không. Nếu tiếp tục tồn tại Diễn đàn thì giữa Facebook và Diễn đàn giúp ích gì cho nhau?

Ông Jason Lusk trả lời:

Hiệu quả trên truyền hình, facebook khác nhau như thế nào thì phụ thuộc vào từng nhãn hàng. Đối với nhãn hàng tiêu dùng thì cả hai loại hình này được tồn tại như nhau. Đối với doanh nghiệp của bạn nên lựa chọn và so sánh giữa truyền hình và social media thì phương tiện nào đưa sản phẩm tới người tiêu dùng nhiều nhất và chi phí thấp nhất thì sử dụng. Thường thì social media xã hội rẻ hơn quảng cáo truyền thống và tôi cho rằng chúng ta nên tích hợp hai loại này với nhau để đạt hiệu quả cao nhất và đưa sản phẩm tới khách hàng nhiều nhất.

Nếu sản phẩm công ty có giá trị sử dụng cao như ô tô, tàu thuyền thì social media tốt hơn và tiếp cận nhiều người hơn. Vì, khi người ta đi mua ô tô sẽ lên mạng tìm hiểu nhiều hơn đi mua một chai nước tăng lực, do đó, thông tin ở mạng xã hội sẽ được cập nhật nhiều hơn.

Với trang Forum (Diễn đàn) đã có từ lâu đời và có lượng member nhất định. Nhưng nếu doanh nghiệp bắt đầu sử dụng thì nên dùng facebook hơn vì nó đơn giản và dễ dàng hơn. Mặc dù facebook đang là trang nổi tiếng hơn về quảng cáo trên mạng nhưngForum chưa hẳn là một trang đã chết.

Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp