Thời cơ vàng: làm sao tiếp thị thành công?

Việt Nam đã bước thẳng vào cuộc hội nhập kinh tế thế giới một cách thực thụ. Hàng rào thuế quan từ từ được gỡ bỏ. Hàng ngoại vào, hàng Việt ra trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cuộc trò chuyện giữa Thế Giới Tiếp Thị với các doanh nhân đưa ra những gợi ý cho bài toán kinh tế ngày càng khó này, không chỉ gói gọn trong chuyện tiếp thị…

Trong mấy năm qua, kinh tế thế giới dần khôi phục, Việt Nam cũng đang trong chiều hướng đó, nhưng còn chậm. Lãi suất ngân hàng và lạm phát đã dần ổn định. Một loạt hệ quả từ bất động sản, đầu tư ngoài ngành vẫn là bài toán nhức đầu. Chứng khoán mặc dù đã ấm lên nhưng vẫn còn rất dè dặt. Khi TPP được ký kết, Việt Nam có lợi thế rất nhiều ở góc độ xuất hàng ra thế giới, vì khối TPP hiện chiếm 40% GDP toàn thế giới. Rủi ro ở đây nằm trong năng lực tổ chức, năng lực con người, để tiếp nhận thách thức đó, khi những “con cá mập” chọn Việt Nam là nơi xuất hàng ra thế giới. Có thể thấy năng lực tiếp nhận hội nhập của chúng ta còn yếu, những tháng cuối năm 2013 và đầu 2014, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước không tăng bao nhiêu, trong khi FDI xuất khẩu tăng đáng kể.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Để nắm bắt cơ hội này, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp Việt Nam phải có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về luật chơi quốc tế, những đàm phán của Nhà nước về hội nhập. Các kênh truyền thông chính là cơ hội để nâng tầm hiểu biết của chúng ta. Tiếp theo là đánh giá lại năng lực của mình. Trước đây, chúng ta thường chỉ quan tâm tới năng lực tài chính, nhưng giờ thì năng lực tổ chức mới là yếu tố quyết định để giúp chúng ta tái cấu trúc, tiếp nhận rủi ro và phản ứng kịp thời. “Đừng chết vì thiếu hiểu biết!” – doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định.

Ông Trai cũng phân tích thêm: “Nhìn lại điều hành vĩ mô, Nhà nước đang chủ trương cổ phần hoá nhanh nhất hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh, biểu hiện rõ quyết tâm vươn đến kinh tế thị trường. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng hợp với sự mong đợi của doanh nghiệp. Nhà nước đừng bao giờ dùng biện pháp hành chính để bảo hộ mậu dịch, ngược lại doanh nghiệp cũng đừng bao giờ mong Nhà nước dùng biện pháp hành chính để bảo vệ kinh doanh. Hàng Trung Quốc ai cũng kêu ca nhập siêu, nhưng có một bằng chứng không thể chối cãi: hàng họ rẻ! Tại sao chúng ta không tập trung sức để làm cho doanh nghiệp mạnh lên, tạo vị thế cạnh tranh tốt nhất bằng cách nâng chất lượng thay vì tập trung chống hàng Trung Quốc? Đã hội nhập làm sao cứ “cấm” hoài được? Vừa đi ra ngoài làm ăn lại vừa thủ thế trông chờ biện pháp hành chính cứng ngắc để bảo vệ cạnh tranh thì không thể lớn được”.

Những cơ hội mới

Những ngày đầu năm, ngồi cùng các chuyên viên của bộ Khoa học và công nghệ để rà soát lại hồ sơ của những doanh nghiệp được đề xuất nhận bằng khen của bộ trưởng Nguyễn Quân vì sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, chúng tôi phát hiện ra điểm thú vị: hồ sơ nào cũng bắt đầu bằng hạng mục “đầu tư cho đổi mới sáng tạo” và kết thúc với hạng mục “hiệu quả của đổi mới sáng tạo”. Tất nhiên, đó là để phù hợp với tiêu chí của việc khen thưởng, nhưng việc đầu tư của các doanh nghiệp, dù ngành nghề nào, thị trường nào, cũng không đi ngoài ba yếu tố: thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp, thị trường; chủ động làm mới nội bộ và nhân sự của mình và không ngại khó khăn để “đeo” cho kịp các công nghệ mới của thế giới. Nói vui như ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan, “chạy theo công nghệ mà có rớt dép thì cũng lượm lên chạy tiếp”. Điểm thú vị khác, là trong phần kết luận, hầu như doanh nghiệp nào cũng tự nhận: trong sự suy giảm và khó khăn chung, công ty vẫn còn trụ vững và có phát triển nhẹ.

Chúng tôi hỏi bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), vậy năm nay, ngoài đổi mới sáng tạo thì đâu là điểm quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm, bà đáp: “Là chuỗi cung ứng”. Bà giải thích: “Không phải là một lý thuyết suông, cũng không phải là chuyện kêu gọi doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau vì một lý tưởng chung nữa.

Bây giờ, quan tâm, thấu hiểu và tìm ra chỗ đứng của mình trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từ trong nước ra tới toàn cầu là điều mang tính chất sống còn của các doanh nghiệp”.

Như vậy, cơ hội sẽ mở ra rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ, chuyên ngành và nắm được kẽ hở của thị trường. Bây giờ các doanh nghiệp lớn, lâu năm, đang gặp khó, họ sẽ không thể ôm hết mọi việc vào trong người mình được, thì giải pháp sử dụng nguồn lực bên ngoài là hiệu quả nhất. Muốn vậy, các doanh nghiệp nhỏ cần chứng minh được khả năng “nhọn” và “chuyên” của mình thì sẽ tận hưởng những cơ hội mà thị trường đang mang lại. Tiếp theo đó, sẽ là chuyện cùng nhau chia sẻ các nguồn tài nguyên. Chẳng hạn chuyện công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ dù sao cũng đã làm ăn lâu năm, có văn phòng, mối mang ở Campuchia, Indonesia… hết rồi, sao không nghĩ với cùng mạng lưới khách hàng này, tìm cách bán thêm món gì đó trong số hằng hà sa số những thành tựu ngành nông nghiệp của chúng ta? Chẳng hạn Co.opmart luôn mong muốn cải thiện dịch vụ của mình thông qua việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm nông sản, thì mình hoàn toàn có thể làm giúp họ những câu chuyện kết nối và quản trị nguồn hàng hoá để tạo ra giá trị gia tăng mới…

Doanh nhân Đỗ Duy Thái tin tưởng: “Định hướng của Chính phủ năm 2015 đang mở ra nhiều hy vọng, bài nói chuyện của Thủ tướng nhân dịp đầu năm đã thắp lại niềm hy vọng, để doanh nghiệp hồ hởi hơn. Doanh nghiệp sống bằng hy vọng. Myanmar khi chính sách thay đổi lập tức dân chúng lạc quan, hăng hái, không khí nhà nhà kinh doanh như Việt Nam thời mở cửa. Vấn đề còn lại là giải pháp thực hiện hiệu quả như Chính phủ mong muốn hay không? Điều đó phụ thuộc vào công việc giám sát có tốt không. Ước mong có môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch của doanh nghiệp có chuyển biến dù nhỏ cũng khích lệ doanh nghiệp có sức sống trở lại”.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị