Ông chủ Lenovo lại nuôi mộng bá vương

Yang nổi tiếng là người mua lại các doanh nghiệp không có lãi và khiến chúng trở thành có lãi.

Trong 2 thập kỷ đầu tiên, Lenovo là cái tên hầu như chẳng ai biết ngoài người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2005, khi hãng máy tính Trung Quốc này mua lại bộ phận máy tính cá nhân (PC) của IBM, đưa Lenovo bước vào hàng ngũ những nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới. Năm ngoái Lenovo đã qua mặt Dell và HP trở thành nhà sản xuất PC số 1 toàn cầu. Yang Yuanqing, ông chủ của Lenovo, chính là người đã làm nên điều đó.

Giờ đây, ông lại muốn nuốt chửng 2 gã khổng lồ khác. Chỉ trong tuần cuối của tháng 1.2013, Yang đã ký 2 hợp đồng thương vụ lớn nhất trong lịch sử của nhà sản xuất máy tính này: bỏ ra tổng cộng hơn 5 tỉ USD để mua bộ phận thiết bị di động Motorola Mobility của Google và bộ phận máy chủ cấp thấp của IBM . “Chúng tôi muốn trở thành một người chơi toàn cầu. Bạn phải là một người chơi toàn cầu mới có được chỗ đứng toàn cầu”, Yang nói.

Yang đang đặt cược rằng việc tiến quân mạnh mẽ vào Bắc Mỹ sẽ giúp ông có được quy mô để cạnh tranh tốt hơn với Apple và Samsung Electronics trong lĩnh vực điện thoại thông minh và với Dell và HP trong lĩnh vực máy chủ. Lần này, liệu Yang có thể lặp lại thành công ngày trước?

Yang Yuanqing, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị hãng máy tính Lenovo.

Nhà lãnh đạo toàn cầu

Sinh ra tại tỉnh An Huy (Trung Quốc), Yang tốt nghiệp bằng cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Giao thông Thượng Hải và bằng thạc sĩ khoa học máy tính của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Năm 1989, Yang gia nhập Lenovo với vị trí nhân viên kinh doanh. Ông đã nhanh chóng leo lên các vị trí cấp cao và dẫn đầu bộ phận PC vào năm 1994 khi chỉ mới 30 tuổi, rồi trở thành Tổng Giám đốc (CEO) của Lenovo vào năm 2001, thay cho nhà sáng lập Liu Chuanzhi.

Tháng 12.2004, Yang đã làm rung chuyển cả thế giới kinh doanh và đưa Lenovo lên vũ đài quốc tế khi tuyên bố mua lại bộ phận PC của tập đoàn Mỹ IBM với giá 1,25 tỉ USD. Thương vụ này đã giúp Lenovo đạt sự tăng trưởng thần tốc với doanh số bán tăng gấp 10 lần đạt xấp xỉ 34 tỉ USD, có mặt tại hơn 160 quốc gia và sản xuất tại 4 châu lục với lực lượng lao động gần 46.000 người.

Yang đã rời khỏi vị trí CEO vào năm 2005 và giữ chức Chủ tịch trong 4 năm. Trong suốt thời gian này, ông tập trung vào việc vạch chiến lược xây dựng Lenovo trở thành một thương hiệu toàn cầu. Năm 2009, đối mặt với một Lenovo đang chật vật trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, Yang đã quay trở lại lèo lái Lenovo với vị trí CEO, còn Liu Chuanzhi thì giữ chức Chủ tịch. Với cuộc khủng hoảng trước mắt, Yang đã vạch ra chiến lược “Phòng thủ và Tấn công”: bảo vệ những thế mạnh của Công ty tại thị trường Trung Quốc và trong lĩnh vực thương mại, đồng thời khai thác các cơ hội tăng trưởng mới ở các thị trường mới nổi và thị trường tiêu dùng toàn cầu.

Việc ông thực hiện thành công chiến lược Phòng thủ và Tấn công đã giúp Lenovo tăng hơn gấp đôi doanh thu và thị phần toàn cầu và tạo ra mức lợi nhuận kỷ lục cao hơn mức trung bình của ngành trong gần 5 năm tiếp theo. Năm 2010, Lenovo đã đạt mức tăng doanh thu 30%, lên tới 21,6 tỉ USD trong khi lãi ròng tăng tới 112%, lên 273 triệu USD.

Với cuộc lội ngược dòng thành công của Lenovo, Chuanzhi đã từ chức vào năm 2011 và Yang đã trở thành CEO kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến nay. Kể từ đó, Lenovo đã đường hoàng gia nhập danh sách 500 công ty toàn cầu của Fortune Global 500, leo lên vị trí 329 trong năm 2013 và cùng năm đó đã trở thành hãng sản xuất PC lớn số 1 thế giới, bỏ lại các đối thủ hùng mạnh một thời như Dell, HP.

Dùng kinh nghiệm từ vụ sáp nhập IBM trong việc xây dựng một văn hóa toàn cầu, Yang đã tiếp tục phát triển Công ty qua con đường thâu tóm. Ông đã mua lại hãng phần mềm đám mây Stoneware ở Mỹ, tập đoàn hàng điện tử tiêu dùng CCE ở Brazil, ký hợp đồng hợp tác chiến lược toàn cầu với EMC, một tập đoàn đa quốc gia Mỹ sản xuất phần mềm và phần cứng về quản lý thông tin và lưu trữ dữ liệu số, liên doanh với NEC tại Nhật, thâu tóm Medion tại châu Âu và liên doanh với Compal ở Trung Quốc.

Yang thực hiện thành công quá trình sáp nhập và bành trướng toàn cầu là nhờ phát triển tính đa văn hóa như một thế mạnh, khi ông thiết lập chỗ đứng vững chắc hơn cho Lenovo tại từng thị trường quan trọng nơi mà Công ty hoạt động. Ông không chỉ đầu tư vào mảng kinh doanh và phân phối như một tập đoàn đa quốc gia, mà còn đầu tư vào sản xuất nội địa, nghiên cứu và phát triển và các hoạt động mang lại giá trị cao khác. Sự phát triển toàn cầu với tính địa phương sâu sắc đã đưa Lenovo trở thành cái mà Yang gọi là công ty “toàn cầu – địa phương”, khi ông đặt các cơ sở kinh doanh có tầm quan trọng về mặt chiến lược của mình ở khắp nơi trên thế giới.

Doanh thu của Lenovo luôn tăng mạnh qua từng năm

Trong quá trình này, Yang đã xây dựng một mô hình lãnh đạo đa dạng hóa tượng trưng cho mạng lưới toàn cầu và tham vọng toàn cầu của Công ty với dàn lãnh đạo “đa quốc tịch”.

Khi Lenovo mua lại mảng PC của IBM, Yang nói chỉ được vài từ tiếng Anh. Để buộc mình và nhân viên phải học nó, Yang đã đưa tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ chính thức trong Công ty và chuyển cả gia đình sang sống ở Bắc Carolina để làm việc chặt chẽ với các nhà điều hành PC của IBM. Tiếng Anh của ông đã tốt lên thấy rõ kể từ đó và giờ Yang hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh tại các buổi họp mặt với giới phân tích và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ông cũng thực hiện marketing ra quốc tế trong những năm qua, khi tung ra những chiến dịch quảng bá sử dụng các ngôi sao thể thao và người nổi tiếng. Chẳng hạn, năm 2012, Công ty đã ký hợp đồng tài trợ 3 năm với liên đoàn bóng bầu dục Mỹ NFL, cho phép Công ty sử dụng các thương hiệu của NFL trong chiến dịch marketing của mình. Lenovo cũng thuê ngôi sao bóng rổ Mỹ Kobe Bryant quảng bá smartphone tại châu Á và mời diễn viên Hollywood Ashton Kutcher trong chiến dịch marketing gần đây nhất tại Mỹ.

“Yuanqing đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo toàn cầu, đưa Lenovo nhảy vọt lên vị trí dẫn đầu bằng việc phát triển một chiến lược toàn cầu, xây dựng một đội ngũ nhà lãnh đạo đa dạng và có cái nhìn khác biệt đối với nhiều vấn đề công nghệ mà cộng đồng thế giới đang đối mặt”, John Thornton, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện nghiên cứu Brookings Institution (Mỹ), nhận xét.

Ván bài mới

Thương vụ mua lại Motorola với giá 2,91 tỉ USD là nỗ lực gần đây nhất của Yang nhằm đưa Lenovo ra thế giới. Ở Motorola, Yang sẽ đối mặt với một nhiệm vụ tương tự như khi mua lại mảng PC của IBM. Doanh số bán quý III/2013 của Motorola đã giảm khoảng 1/3, thậm chí cả khi Hãng tung ra chiếc Moto X, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên được ra mắt dưới sự dẫn dắt của Google. Lenovo đã chiếm 4,7% thị trường điện thoại thông minh thế giới trong quý III, theo IDC. Motorola chiếm chỉ 1,7% lượng hàng bán ra trong cùng thời kỳ, theo Strategy Analytics.

Motorola lại đang làm ăn thua lỗ: lỗ ròng của công ty này đã tăng lên mức 928 triệu USD năm ngoái so với 616 triệu USD năm 2012, theo Lenovo. Nỗ lực vực dậy công ty này đối với Yang sẽ càng khó hơn bởi một thương vụ lớn khác mà ông vừa thực hiện: mua lại bộ phận máy chủ cấp thấp của IBM với giá 2,3 tỉ USD. Năng lực quản lý của Lenovo sẽ bị dàn trải khi Công ty đồng thời thực hiện sáp nhập 2 doanh nghiệp trong 2 lĩnh vực khác nhau. “Tôi ngạc nhiên khi Lenovo đi một bước rủi ro như vậy. Công ty sẽ khó mà nuốt trôi được”, Alberto Moel, chuyên gia phân tích tại Sanford C. Bernstein, nhận xét.

Nhưng Yang từng chứng minh rằng các nhà phân tích đã sai. Khi Lenovo mua lại bộ phận PC của IBM vào năm 2005, bộ phận này cũng sống rất chật vật. Lúc đó, nhiều nhà phân tích cho rằng Lenovo sẽ không thể hoàn tất việc sáp nhập, vì quy mô của nó lớn hơn rất nhiều so với bộ phận PC của công ty Trung Quốc này. Yang nhớ lại: “Một số người còn nói giống như một con rắn cố nuốt một con voi vậy”.

Thành tích này là lý do khiến không ít chuyên gia phân tích tin rằng lần này, Yang sẽ lại thành công. “Chúng tôi tin Yang có thể biến Motorola trở thành một công ty sinh lợi trong thời gian 2 năm. Yang nổi tiếng là người mua lại các doanh nghiệp không có lãi và khiến chúng trở thành có lãi”, Ricky Lai, một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông thuộc Guotai Junan Securities, nhận xét.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Fortune sau khi công bố thương vụ mua lại Motorola Mobility, Yang cho biết ông rất tự tin có thể lặp lại thành công. “Sứ mệnh của chúng tôi là qua mặt họ (Apple và Samsung)”, ông nói.

Theo dữ liệu được hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC công bố vào cuối tháng 1.2014, Lenovo hiện là thương hiệu điện thoại thông minh đứng thứ tư thế giới. Thị phần của Công ty trong quý IV/2013 là 4,9%, tăng từ mức 4,1% cùng kỳ năm 2012. Con số này là nhỏ bé so với 28,8% của Samsung và 17,9% của Apple. Thế nhưng, lượng hàng bán ra của Lenovo đã tăng gần 50% trong quý này. Và Công ty hoàn toàn có thể tiến xa hơn thế với việc mua lại Motorola Mobility.

Các nhà đầu tư cũng rất tin vào triển vọng của Lenovo dưới sự dẫn dắt của Yang khi họ đẩy cao giá cổ phiếu của Công ty tới 53% trong 6 tháng qua, cao hơn cả mức tăng 10% của Apple. “Đừng đánh giá thấp Lenovo. Lenovo có thể lặp lại thành công trong mảng PC, đặc biệt là ở phân khúc thấp của điện thoại thông minh”, Mark A. Moskowitz, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng JPMorgan Chase, nhận xét.

Bên cạnh việc tấn công mạnh hơn vào mảng thiết bị di động, Yang còn tiếp tục đa dạng hóa Công ty với nhiều sản phẩm mới và thị trường mới. Máy chủ là một trong số đó. Gerry Smith, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách bộ phận máy chủ của Lenovo Americas Group, nhận xét: “Công ty cũng nhìn thấy cơ hội trong mảng máy chủ, vốn có biên lợi nhuận gấp đôi các mảng hiện tại của Lenovo, cao hơn nhiều so với mảng PC”.

Thị trường máy chủ toàn cầu đã đạt 51,3 tỉ USD vào năm 2012, nhưng chỉ bằng 25% thị trường PC. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của điện toán đám mây đang làm gia tăng nhu cầu đối với máy chủ ở các trung tâm dữ liệu. Sau khi thâu tóm mảng máy chủ cấp thấp của IBM, Lenovo sẽ là thương hiệu máy chủ lớn thứ ba, tăng từ vị trí thứ 6 với 14% thị trường. Hiện tại, thị phần của Công ty trong mảng này chưa tới 2%. Máy chủ được xác định sẽ mang lại nguồn thu lớn cho Công ty trong tương lai. Theo các chuyên gia phân tích do Bloomberg khảo sát, lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 tới của Lenovo sẽ tăng 27%, đạt 803 triệu USD, trong khi doanh số bán tăng 12%, đạt 38 tỉ USD.

Hồi cuối tháng 1.2014, Yang tuyên bố sẽ tái cấu trúc Công ty vào 4 mảng chính: PC, di động, máy chủ và lưu trữ dữ liệu và dịch vụ đám mây. Cơ cấu mới này, theo ông, sẽ giúp Lenovo “đi nhanh hơn, tập trung hơn và hiệu quả hơn”.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư