Người tình mới của Facebook

Tổng Giám đốc (CEO) Facebook Mark Zuckerberg vừa làm thế giới sửng sốt khi thực hiện một trong những thương vụ lớn nhất của làng công nghệ: mua lại ứng dụng nhắn tin miễn phí WhatsApp với giá 19 tỉ USD. Theo thông báo phát đi ngày 19.2.2014, WhatsApp được thanh toán bằng 12 tỉ USD cổ phiếu Facebook, 4 tỉ USD tiền mặt cộng với 3 tỉ USD cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng.

Đây là khoản tiền khổng lồ đối với một công ty thành lập cách đây 5 năm trong trào lưu phát triển ứng dụng di động và hiện mới chỉ có 55 nhân viên. Qua đó, WhatsApp được thừa nhận là ứng dụng OTT thành công nhất so với Viber, Line, Kakao Talk...

Chặng đường thuyết phục CEO Jan Koum bán WhatsApp trầm bổng như một câu chuyện tình. Mùa xuân năm 2012, Zuckerberg đã gọi cho Koum lần đầu tiên. Một tháng sau, họ gặp nhau trong một quán cà phê ở Los Altos và Zuckerberg thể hiện mong muốn sáp nhập song Koum từ chối. Tuy vậy, cả hai vẫn giữ liên lạc, thường xuyên đi ăn tối và giải trí với nhau. Đến ngày 9.2.2014, Zuckerberg thuyết phục Koum trong một bữa tối tại nhà rằng: chúng ta hãy cùng nhau kết nối thế giới. Suy nghĩ vài ngày, đến đúng ngày Valentine, Koum đã tới nhà Zuckerberg để nói lời đồng ý.

Một khi Facebook đã có ứng dụng như WhatsApp trong tay, các ứng dụng tương tự có thể sẽ đến hồi cáo chung.

Tại sao là WhatsApp?

WhatsApp hiện có hơn 450 triệu thành viên mỗi tháng và đang tăng thêm trung bình 1 triệu người dùng mới mỗi ngày. Họ cũng khẳng định đã xử lý trung bình 54 tỉ tin nhắn gửi và nhận mỗi ngày. Zuckerberg tin tưởng vào tương lai của WhatsApp vì ứng dụng này có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Instagram, Skype, Gmail và hơn cả chính Facebook. Có tới 70% trong số 450 triệu người dùng WhatsApp đang sử dụng ứng dụng này hằng ngày (tỉ lệ của Facebook là 62%).

”Không ai trong lịch sử đã làm được điều như thế. WhatsApp đang trong hành trình kết nối một tỉ người với nhau. Dịch vụ nào đạt được mốc này đều có giá trị rất lớn”, Zuckerberg cho biết.

WhatsApp được thành lập vào năm 2009 bởi các kỹ sư từng làm việc cho Yahoo! là Jan Koum và Brian Acton. Đây là một ứng dụng nhắn tin di động nhanh, đơn giản và đẹp mắt. Trong khi thị trường nhắn tin di động thế giới bị phân chia cho nhiều dịch vụ cạnh tranh lẫn nhau, WhatsApp vẫn giành được thị phần đáng kể. Đây là một trong những ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất, đang đe dọa đến hoạt động kinh doanh của chính Facebook khi mà Facebook Messenger đang theo sau ở khoảng cách rất xa. Vì lý do trên, Facebook hoặc phải đầu hàng đối thủ này, hoặc phải thâu tóm nó trước khi dịch vụ nhắn tin này bành trướng thêm. Và họ đã chọn cách thứ hai: vụ mua lại chấm dứt lập tức nguy cơ đó và biến nó thành lợi thế cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Zuckerberg khẳng định đó không phải là một vụ thâu tóm bình thường mà là một sự hợp tác. Ứng dụng nhắn tin này sẽ hỗ trợ cho dịch vụ chat hiện tại của Facebook. Và cũng như nhiều chuyên gia và doanh nhân công nghệ khác, Zuckerberg tin tưởng rằng dịch vụ tin nhắn, đặc biệt trên điện thoại thông minh, đang đi đúng hướng và sẽ thống trị thế giới công nghệ.

WhatsApp cho phép người dùng gửi tin nhắn, tranh ảnh, video cho bạn bè khắp nơi và miễn phí. Khác với iMessage của Apple, vốn chỉ cho người dùng iOS chat với nhau, WhatsApp có thể sử dụng ở các nền tảng điện thoại khác nhau, từ iPhone, BlackBerry cho tới Nokia. “WhatsApp là ứng dụng phổ biến duy nhất mà chúng tôi từng thấy có được tỉ lệ người dùng trung thành cao hơn Facebook”, Zuckerberg phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau khi thông báo mua lại WhatsApp.

Với tính tiện dụng và 450 triệu người dùng như vậy (Zuckerberg tin tưởng sẽ sớm đạt con số 1 tỉ người dùng), nếu WhatsApp tính chuyện thu phí người dùng ở mức tối thiểu, Facebook cũng có thể thu lợi một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, ông chủ trẻ có vẻ chưa tính tới chuyện đó.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp người dùng chia sẻ bất kỳ nội dung nào với bất kỳ người dùng nào mà họ muốn. WhatsApp sẽ giúp chúng tôi tiếp tục phát triển dịch vụ để được người dùng trên khắp thế giới yêu mến”, Zuckerberg nói.

Nhưng cái giá 19 tỉ USD liệu có hớ? Có vẻ như là không. Theo phân tích của chuyên trang công nghệ CNET, WhatsApp có quy mô lớn hơn cũng như tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả đối thủ gần nhất của Facebook là mạng tiểu blog Twitter, trong khi giá trị vốn hóa thị trường của Twitter lại cao hơn WhatsApp.

Cơn sốt OTT

Trước thương vụ khổng lồ này, Facebook cũng từng đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỉ USD nhưng bị từ chối. Và chỉ cách đây ít ngày, đại gia thương mại điện tử Nhật Rakuten cũng đã tỏ rõ tham vọng hướng tới khách hàng tiềm năng đang sử dụng dịch vụ miễn phí trên điện thoại di động (OTT) khi bỏ ra 900 triệu USD để mua Viber, một doanh nghiệp nhắn tin vừa hoạt động được 2 năm. Không chỉ là bước đệm cho Rakuten tiến vào thị trường viễn thông, thương vụ với Viber được Hiroshi Mikitani, Tổng Giám đốc của Rakuten, gọi là “chiến lược hoàn toàn mới để nâng Rakuten lên một vị thế khác”.

Viber từng hoạt động đơn thuần với dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet và gần đây mới kiếm được doanh thu từ việc bán sticker (các hình vui nhộn, biểu cảm trong ứng dụng) và gọi điện tới máy tính để bàn có tính phí.

Đầu tư vào một doanh nghiệp như vậy có thể là mạo hiểm. Tuy nhiên, đây lại là phương án khả dụng nhất mà Rakuten có để bước chân vào viễn thông, đồng thời cạnh tranh với Line, một ứng dụng tương tự Viber đang rất thành công và dẫn đầu thị trường Nhật. Để phục vụ cho mục đích của mình, Rakuten cần những nền tảng như Line, Viber hay WhatsApp. Có Viber trong tay, ông Mikitani tin rằng OTT này có tiềm năng trở thành nền tảng hỗ trợ game. Và ông cho biết sẽ dùng nó để phân phối nội dung, trò chơi bằng cách đưa vào hệ sinh thái dịch vụ internet, tương tác với khách hàng.

Facebook có một cộng đồng lớn hơn Rakuten gấp nhiều lần và do đó cơ hội khi cộng hưởng sức mạnh với WhatsApp có thể sẽ lớn hơn và đa dạng hơn nhiều. Ngược lại, nó cũng làm cho những vụ sáp nhập như Rakuten mua Viber giảm bớt hiệu quả, trong khi lại ngăn chặn được các kỳ phùng địch thủ của Facebook như Google, Microsoft hay Yahoo! có cơ hội lấn lướt mình.

Viber và WhatsApp đã tạo nên cơn sốt OTT ngay đầu năm 2014, năm được dự báo là khởi sắc đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, nhất là phần mềm và ứng dụng. Có thể các ứng dụng khác như Line của Nhật cũng sẽ hưởng lợi và có giá hơn trong cơn sốt này. Nhưng cũng không ngoại trừ, khi những ông lớn cỡ Facebook đã có ứng dụng như WhatsApp trong tay, các ứng dụng tương tự có thể sẽ đến hồi cáo chung.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư