Nhìn sức chi tiêu tính lại sản xuất, kinh doanh

Hầu hết người tiêu dùng cho biết, họ cảm thấy dễ chịu khi mua sắm trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua hơn những năm trước do giá nhiều mặt hàng thiết yếu không tăng so với những ngày thường.

Vài loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến có tăng giá vào tuần cận tết nhưng ở mức tăng thấp. Thế nhưng, không vì giá cả tương đối bình ổn mà sức mua tăng. Ra tết, sức mua càng kém đi. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu lo.

Chưa lạc quan với sức mua

Không cố gắng lạc quan như báo cáo của các cơ quan chức năng, tiểu thương ở chợ khẳng định sức mua đã yếu suốt từ hai năm qua và cho đến đầu năm 2014 chưa thấy dấu hiệu khả quan.

Ngay cả dịp Tết Giáp Ngọ – thời điểm tiểu thương bán được hàng nhiều nhất thì sức mua so với tết năm trước cũng giảm 10 – 15% dù giá cả phần lớn mặt hàng ổn định suốt cả tháng trước đó, thậm chí một số mặt hàng được cho là có nhu cầu cao ngày tết đã giảm giá bất ngờ như thịt, đường, bánh tráng, quýt hồng, rau củ quả, quần áo…

Các hệ thống siêu thị ở TP.HCM cũng nhìn thấy tốc độ tiêu thụ hàng hóa không mấy khả quan, nên đã tung ra chương trình khuyến mãi sâu trước tết sớm hơn mọi năm 10-15 ngày để thu hút khách mua sắm. Lạc quan nhất là hệ thống bán lẻ Saigon Co.op.

Tổng doanh số bán hàng trong dịp tết đạt tương đương 3.500 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số cao điểm kỷ lục đạt mức 190 tỉ đồng/ngày, xuất kho đỉnh điểm đạt hơn 100 container/ngày và thống kê cho thấy lượt khách đến mua sắm trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op ở mức 100.000 lượt khách/ngày. Tổng số chuyến bán hàng lưu động đã thực hiện trong mùa tết là 250 chuyến, tăng hơn 100 chuyến so với kế hoạch.

Do chưa phát triển nhanh các điểm bán và bán hàng lưu động cho vùng sâu, vùng xa như Saigon Co.op nên các hệ thống siêu thị khác cho biết sức mua chậm, không bằng năm trước.

Các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau củ quả, trái cây, bánh tráng, đồ nguội… chỉ tăng hơn ngày thường vài mươi phần trăm, trong khi các mặt hàng “ăn chơi” như mứt, bánh, bia, lạp xưởng… không hút hàng như mọi năm. Thậm chí sát tết, nhiều mặt hàng phải giảm giá để tiêu thụ nhanh do không thể tồn kho như thủy hải sản, thịt tươi, bông, trái cây…

Đến hai ngày 29 và 30 tết, người tiêu dùng còn có thể mua thịt đùi heo giá chỉ 76.000 đồng/kg, ba rọi 84.000 đồng/kg, thịt cốt lết 80.000 đồng/kg, nạc đùi 84.000 đồng/kg… ở các siêu thị và các chợ.

Đường Biên Hòa sau mấy ngày cháy hàng đầu tháng 1, người tiêu dùng hơi lo giá đường bị đẩy lên, nhưng lập tức nguồn đường Giang Húa (Long An), đường Ngọc Bích (Đồng Tháp), đường La Ngà (Biên Hòa) thâm nhập thị trường TP.HCM dồi dào đã kéo giá đường từ 20.000 đồng/kg xuống 17.000 đồng/kg. Mặc dù giá đường hạ nhưng tiêu thụ ít hơn năm ngoái. Nhiều tiểu thương đã lỗ nặng xoài, dưa hấu và quýt hồng vì dự báo sai nhu cầu tiêu thụ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1-2014 tăng 0,69% so với tháng 12-2013, là mức tăng thấp nhất của tháng 1 kể từ năm 2009.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1-2014 tăng 0,69% so với tháng 12-2013, là mức tăng thấp nhất của tháng 1 kể từ năm 2009. Không phủ nhận hiệu ứng của chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM và một số tỉnh, thành đã giúp kiềm giữ giá nên không xảy ra việc tăng giá đột biến, nhưng không vì thế mà sức mua phục hồi.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng chỉ 2,7% so với tháng 12/2013 và loại trừ yếu tố giá thì so cùng kỳ năm trước chỉ tăng 7,2%.

Tháng được cho là nhu cầu mua sắm, chi tiêu cho du lịch, vui chơi giải trí cao mà doanh thu chỉ tăng như thế thì theo nhà bán lẻ lẫn nhà sản xuất họ thật không dám nghĩ đến viễn cảnh sáng sủa về tiêu thụ hàng hóa trong năm 2014.

Hướng đến sự bền vững

Tiếp xúc hằng ngày, lắng nghe trực tiếp người tiêu dùng, ông Đoàn Văn Bảo – tiểu thương chợ Rạch Ông (Q.8, TP.HCM) – nhận định người tiêu dùng năm nay sẽ chọn mua hàng giá thấp nhiều hơn, nên cùng một mặt hàng thì ông sẽ lấy thêm hàng của các cơ sở nhỏ vì giá linh hoạt dễ bán hơn.

Từ đó ông cũng mong các công ty lớn nên nhìn nhận lại tình hình thị trường, xem lại giá bởi tiểu thương có thể sẽ chọn hàng giá cả vừa phải để tăng sức mua hơn là chọn mức chiết khấu cao mà không bán chạy hàng. Mặt khác, cung cấp hàng cho kênh chợ, doanh nghiệp cũng nên coi trọng việc cùng tiểu thương chăm sóc khách hàng.

Ngoài doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vẫn hy vọng tăng trưởng, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước đều dự báo rất khiêm tốn mức tăng trưởng.Bản thân từng doanh nghiệp đã thấy kinh doanh ngày một khó khăn, nên đang cố gắng tính toán lại cơ cấu sản phẩm.

Bà Ngô Thị Báu, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX-TM Nguyên Tâm (FOCI) cho biết việc bán hàng online của công ty đang tiến triển tốt nên tiếp tục phát huy kênh tiêu thụ này, đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng qua cách chuyển phát nhanh mà khách hàng không phải trả thêm chi phí giao hàng.

Theo bà Báu, giá cả sản phẩm chuyển đến tận nơi cho khách hàng và giá bán tại cửa hàng không khác nhau, công ty không tăng chi phí bởi thay vì phải thuê nhân viên bán hàng trực tiếp, chi phí hằng tháng cho cửa hàng thì dùng khoản này vào chi phí giao hàng khi bán hàng online. Công ty cũng sẽ thúc đẩy hoạt động bán sỉ, đưa hàng đi khắp các tỉnh, thành, thông qua kênh truyền thống lẫn siêu thị, trung tâm thương mại.

Công ty TNHH Vạn Thiên Sa chú ý hơn đến dòng sản phẩm chăn-ra giá trung bình và cũng chọn tăng các phương thức quảng bá bán hàng qua mạng. Là nhà cung cấp thịt heo, thịt gà chế biến cho các hệ thống siêu thị, Nhà máy Thực phẩm chế biến Đồng Nai đang cố gắng phối hợp với các hệ thống siêu thị đưa các nhà chăn nuôi vào tham gia chương trình bình ổn để có giá thịt ổn định, giữ sức mua. Cái khó để thực hiện việc này là giá thức ăn chăn nuôi, cả ba nhà chăn nuôi, nhà máy chế biến và nhà bán lẻ đều trông chờ sự “ra tay” kiềm giữ giá của nhà nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Co.opmart cho rằng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 các chỉ số kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, hầu hết doanh nghiệp đều kỳ vọng cơ hội sẽ được mở ra trong năm nay. Tuy nhiên, năm 2014 dự báo khó khăn sẽ chưa thể qua ngay nên các doanh nghiệp vẫn phải tính toán và cân nhắc rất nhiều trước khi đầu tư.

Đầu tư phải theo hướng dài hơi, chấp nhận thời gian chờ đợi và xác định các dự án phải chấp nhận đến ba năm mới hòa vốn thay vì một hai năm như trước kia.

Đối với Saigon Co.op, xu hướng đầu tư kinh doanh năm 2014 sẽ theo hướng bền vững hơn, chứ không theo kiểu “bộc phát” như các năm trước. Hai đặc điểm quan trọng của các dự án đầu tư mới là “đón đầu và dài hạn”. Đó là đầu tư phải theo hướng dài hơi, chấp nhận thời gian chờ đợi và xác định các dự án phải chấp nhận đến ba năm mới hòa vốn thay vì một hai năm như trước kia.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cơ hội làm ăn của năm 2014 không có. Ông Nguyễn Ngọc Hòa dẫn chứng từ kết quả hoạt động kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opmart cho thấy thời gian qua nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng ổn định. Qua theo dõi, các nhà cung cấp những mặt hàng thiết yếu hiện vẫn còn dư địa phát triển rất lớn, dù có thời điểm lượng hàng bán ra của họ bị chững lại.

“Nếu những doanh nghiệp nào sản xuất theo hướng phát triển bền vững, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, mẫu mã kiểu dáng đẹp… cơ hội phát triển vẫn rất lớn. Nhất là mảng thức ăn dành cho trẻ em, người lớn tuổi, thực phẩm chay… vẫn còn để ngỏ chờ thêm người đầu tư.

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm này không còn tập trung ở các thành phố lớn truyền thống mà đã lan rộng ra ở khắp các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng… Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới” – ông Hòa nhận định.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn