“Cuộc chiến” giữa Big Mac và bánh mì

Nhân sự kiện tập đoàn thức ăn nhanh khổng lồ McDonald's của Mỹ khai trương cửa hàng đầu tiên ở TPHCM hôm 8.2, tờ New York Times của Mỹ đã có bài viết phân tích hiện tượng các thương hiệu nước ngoài ngày càng có mặt nhiều ở Việt Nam (VN).

Cuộc cạnh tranh đồ ăn nhanh tại VN bắt đầu gay gắt

Khi Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Thị Mỹ Hảo bắt đầu hẹn hò, hai người đã có những khác biệt về sở thích ăn uống. Hoàng Anh chuộng các loại thức ăn nhanh của "tây", trong khi Hảo chỉ thích các món thuần Việt và nhiều món ăn miền Bắc. Dù không dùng đồ ăn nhanh hằng ngày như bạn trai, nhưng cô không hoàn toàn nói không với đồ ăn nhanh. "Đôi khi, tôi muốn thử một cái gì đó khác biệt".

Thái độ của Hảo, cùng với sở thích ẩm thực của những người bạn, khiến VN trở thành điểm hấp dẫn cho các thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới coi VN là một trong những thị trường tiêu dùng cuối cùng ở Châu Á có tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện McDonald's đến VN chứng tỏ các tập đoàn quốc tế đặt hy vọng vào chi tiêu của tầng lớp trung lưu - vốn đang ngày càng được mở rộng ở VN. Nhiều thanh niên VN hào hứng với ẩm thực và văn hóa nước ngoài, thích bánh mì kebab và K-pop.

Theo các chuyên gia - với sự xuất hiện của McDonald's, cuộc cạnh tranh các thương hiệu đồ ăn nhanh tại VN sẽ càng gay gắt. Đối thủ trực tiếp của McDonald's tại Mỹ như Burger King và KFC đều đã hoạt động ở VN. KFC vào VN từ năm 1997, hai năm sau khi VN bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Nhưng đến tận 2010, các thương hiệu của Mỹ mới xâm nhập thị trường VN một cách nghiêm túc.

Một thương hiệu lớn khác của Mỹ - càphê Starbucks - đến nay đã có 3 cửa hàng tại TPHCM, sau khi ra mắt lần đầu vào tháng 2 năm ngoái. Theo một số thống kê, hai nhãn hiệu thức ăn nhanh lớn nhất ở VN hiện là Lotteria - một công ty của Hàn Quốc và KFC.

Các chuyên gia tư vấn cho hay, điều không tránh khỏi là sẽ có nhiều thương hiệu Mỹ tiếp tục vào thị trường VN, một khi nền kinh tế hấp dẫn hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của VN tăng từ 1.000USD trong năm 2008 lên 1.550USD trong năm 2012, tỉ lệ lạm phát ổn định. Ông Ralf Matthaes - Giám đốc điều hành TNS Global (Công ty tư vấn nghiên cứu thị trường của Anh) tại VN và khu vực Mêkông - cho biết, VN có dân số lớn, trong khi chính phủ ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu nước ngoài xâm nhập thị trường.

Tìm cách thay đổi để phù hợp khẩu vị người Việt

Các chuyên gia ngành công nghiệp thực phẩm nói rằng, McDonald's và các thương hiệu đồ ăn nhanh khác của Mỹ quảng cáo hình ảnh của mình ở Châu Á như là một sự lựa chọn của giới trung lưu, chứ không phải của người nghèo. Chiến lược quảng cáocủa họ ở VN cũng không ngoại lệ. Một bữa ăn xoàng ở Burger King trên phố Lò Đúc (Hà Nội) cũng khoảng 65.000 đồng, gấp 2 lầngiá một bát phở mà chị Nguyễn Thị Hằng Nga bán ở quán đối diện. Chị Nga cho hay, đồ ăn nhanh có thể ngon, nhưng nhìn chung tương đối đắt so với những người VN bình thường.

Một báo cáo năm 2012 của hãng dự báo thị trường Euromonitor International cho biết, ngành công nghiệp dịch vụ ăn uống của VN sẽ tăng từ 383 triệu USD trong năm 2010 lên mức 670 triệu USD trong năm 2015. Tuy nhiên, các thông số chính xác của đồ ăn nhanh không được nêu rõ trong báo cáo. Mặc dù thị trường đồ ăn nhanh ở VN còn xa mới bão hòa, song các công ty đa quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức khi mở rộng hoạt động tại đây. Một trong các trở ngại là chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ, hoặc khó khăn khi thiết lập mạng lưới phân phối thực phẩm và trữ đông lạnh ở những thành phố hạng hai. Một số công ty quốc tế nhận ra rằng, họ phải tìm cách thay đổi sản phẩm của mình để phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Trở lại với Nguyễn Hoàng Anh, anh nói hoan nghênh các thương hiệu Mỹ vào VN, bởi anh không thích đồ ăn Việt, vì có quá nhiều hương vị hỗn hợp. Nhưng Mỹ Hảo - bạn gái anh - lắc đầu và cho biết, thói quen chuộng đồ ăn nhanh của người yêu khiến mẹ cô thất vọng.

Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong tháng 3 tới. Giám đốc điều hành tập đoàn Tos Chirathivat cho biết, quyết định mở rộng kinh doanh vào VN được đưa ra sau sự ra mắt thành công của các cửa hàng SuperSports, Crocs và New Balance tại thị trường VN, thông qua mạng lưới phân phối của các công ty con. Việc cấp phép thương hiệu cho các đối tác VN đã nhấn mạnh tiềm năng của thị trường 90 triệu dân, trong đó hơn 60% thuộc về lực lượng lao động với sức mua cao. Dự kiến, Central Group sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại TPHCM vào cuối năm 2014. Hai chuỗi siêu thị này dự kiến sẽ cần khoảng 1.000 nhân viên.

Nguồn Chiến lược Marketing