Người nước ngoài đặc biệt nhất sàn chứng khoán VN

Madhur Maini - CEO Masan Group sở hữu 2 điểm đặc biệt trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam: Là người nước ngoài đầu tiên và cũng là nhân vật duy nhất không phải cổ đông sáng lập.

"Tôi muốn tạo ra một tiếng vang trong vũ trụ"

"Từ bóng tối đến bình minh" là tiêu đề bức thư mà Madhur Maini - CEO Masan gửi nhân viên của mình vào tháng 7/2012. Lúc đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn ở trong thời kỳ khủng hoảng với tăng trưởng suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều sa sút, thị trường chứng khoán lao dốc…

Tuy nhiên, tập đoàn Việt Nam mà Madhur Maini làm tổng giám đốc là ngoại lệ với tăng trưởng luôn ở mức cao và liên tục tiếp nhận những nguồn vốn cổ phần khổng lồ từ nước ngoài (lên tới cả tỷ USD) – điều làm rất nhiều chuyên gia kinh tế ngạc nhiên.

Bất chấp những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, CEO Masan nhận định: “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, động lực tăng trưởng then chốt vẫn là các ngành gắn liền với tiêu dùng, bất chấp tình hình toàn cầu biến đổi ra sao”

Người đặc biệt ở Masan - Madhur Maini.

Trước đó, trong đại hội cổ đông của Masan vào tháng 4/2012, CEO của tập đoàn này có một bản thuyết trình đặc biệt và được chia sẻ khá nhiều trên Internet. Thay vì giới thiệu tóm tắt thông tin cụ thể, nhà lãnh đạo Masan bắt đầu mỗi slide quan trọng bằng một câu trích dẫn mang đậm tính triết học hay phát ngôn của một nhân vật nổi tiếng về hội họa, giả tưởng trong phim...

Bắt đầu chủ đề về mô hình kinh doanh của Masan, Madhur Maini lấy câu trích dẫn từ nhân vật hư cấu trong bộ phim Karate Kid (1984) – ông Miyagi (một bậc thầy karate): “Người nào có thể bắt ruồi bằng đũa, có thể làm bất cứ việc gì”. Còn trong phần nói về tầm nhìn chiến lược, lãnh đạo người Ấn Độ trích dẫn câu nói của Steve Jobs – đồng sáng lập Apple: “Tôi muốn tạo ra một tiếng vang trong vũ trụ”.

Và 4 mục tiêu cho Masan mà vị CEO này trình bày thể hiện rõ “tiếng vang” mà ông và những đồng nghiệp của mình muốn tạo dựng: Vốn hóa thị trường đạt 10% GDP của Việt Nam trước năm 2020; Đứng số 1 trong mỗi ngành hoạt động; 1 tỷ USD doanh thu hợp nhất trước 2015; Là nơi quy tụ năng lực số 1 về nhân tài ở Việt Nam. Đến nay, các mục tiêu đầy tham vọng này đang trên đường tới đích.

Một điểm dễ thấy về hình ảnh của Masan là hơn 90% các gia đình tại Việt Nam đang sử dụng ít nhất 1 sản phẩm hàng tiêu dùng của công ty này và tập đoàn này vẫn trên đường mở rộng đế chế của mình “ngoài vòng 1 mét kể từ chiếc bàn ăn trong nhà bếp” với những sản phẩm đồ uống như cà phê (thương vụ mua Vinacafé Biên Hòa), nước khoáng (thương hiệu Vĩnh Hảo)…

Người đặc biệt

Bất chấp những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, CEO Masan nhận định: “Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, động lực tăng trưởng then chốt vẫn là các ngành gắn liền với tiêu dùng, bất chấp tình hình toàn cầu biến đổi ra sao”

Nếu nhìn vào chức danh mới của Madhur Maini (Chủ tịch Masan Consumer Holdings - MCH) nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc ông nằm trong nhóm cổ đông sáng lập. Trên thực tế, Madhur Maini (Ấn Độ) gia nhập Masan vào năm 2008 với vị trí CEO và là người đến sau; những cổ đông sáng lập của “công ty mạnh và sáng trên dải đất hình chữ S” (giải thích về tên Masan của Chủ tịch HĐQT) đều là người Việt Nam.

CEO Masan từng làm việc nhiều năm ở vị trí quản lý cao cấp cho những tập đoàn tài chính lớn của nước ngoài như Merrill Lynch, Deutsche Bank tại New York, Singapore, Hong Kong… Năm 2013, tên của Madhur Maini đột ngột nhảy vào danh sách 20 nhân vật giàu nhất sàn chứng khoán làm nhiều người ngạc nhiên.

Thông thường, những cá nhân nằm trong nhóm giàu nhất tính theo giá trị cổ phiếu thường là người sáng lập công ty hoặc các thành viên gia đình họ chứ chưa có tiền lệ về một người “đến sau”. Chỉ tính riêng cổ phiếu phải công khai ở Masan, Madhur Maini có tài sản trị giá gần 28 triệu USD (khoảng 544 tỷ đồng).

Trả lời báo chí về việc Madhur Maini có số tài sản cổ phiếu rất lớn dù không phải là sáng lập viên, một thành viên tập đoàn này cho biết: “Triết lý của Masan là 'Công ty là của chúng ta'. Bạn hãy tạo ra giá trị gia tăng vượt trội cho công ty và bạn sẽ sở hữu một phần thành quả. Chúng tôi tin rằng, điều đó sẽ giúp Masan trở nên hùng cường và trở thành nơi thu hút nhân tài số 1 tại Việt Nam”.

Do vậy, việc một cá nhân nào đó dù không phải là sáng lập viên nhưng đạt được thành quả lớn không có gì đặc biệt. “Lúc nào chúng tôi cũng coi Masan vẫn là một 'Start-up' và luôn thổi bùng văn hóa khởi tạo, tinh thần khởi nghiệp. Vì thế, ai vào công ty cũng được coi là những người sáng lập trong từng giai đoạn cụ thể”, ông này chia sẻ.

“Sự thống nhất giữa các mặt đối lập”

Một lãnh đạo cấp cao của Masan Consumer (công ty con của tập đoàn) cho biết: Cũng như các nhân sự cấp cao khác thuộc HĐQT và ban điều hành, Madhur luôn tập trung vào xây dựng kinh doanh nên gần như không tiếp xúc với giới truyền thông Việt Nam. Vì vậy, thông tin về CEO Masan chủ yếu là từ cáo bạch, thư gửi nhân viên và những phát biểu tại đại hội cổ đông.

Bộ tam tại Masan: Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch), Hồ Hùng Anh (Phó chủ tịch), Madhur Maini (CEO).

Ông này tiết lộ: “CEO và Chủ tịch HĐQT Masan có vẻ như trái ngược nhau về cách suy nghĩ và hành động mà vẫn trở thành một cặp bài trùng. Madhur suy nghĩ hệ thống nhưng hành động với cảm xúc; trong khi đó, anh Quang thì ngược lại”. Trả lời Zing.vn về chuyện tính cách trái ngược mà vẫn hòa hợp, Chủ tịch HĐQT của Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Chúng tôi có thể không giống nhau về cách nghĩ, cách làm nhưng lại có cùng mục tiêu, tầm nhìn và sự chia sẻ sâu sắc niềm tin về các giá trị nền tảng. Đó là sự thống nhất giữa các mặt đối lập.

Nếu một công ty chỉ gồm những người suy nghĩ giống nhau thì nơi đó khó có sự đột phá, nhưng một tập thể với những con người tài năng và tư duy khác biệt, họ sẽ luôn bổ sung cho nhau và là nền tảng cho một chiến lược cũng như sự thực thi hoàn hảo”. Còn CEO Masan chia sẻ: “Tôi tự hào vì chúng tôi đã xây dựng được một môi trường làm việc trong đó mọi người được khuyến khích mơ ước như những nghệ sĩ và suy nghĩ như những nhà khoa học để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Vì sao có “người đặc biệt” - Madhur Maini?

Tại Việt Nam, nhiều công ty, ngân hàng cũng tuyển mộ CEO là người nước ngoài nhưng hiếm nơi nào có nhân sự thành công như Madhur Maini. Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TPHCM bình luận, cá nhân tài năng cần có một môi trường phù hợp mới phát triển được hết khả năng và thành công lớn. “Các ông chủ ở Việt Nam thường thích làm theo ý mình và coi CEO chỉ là người làm thuê: ‘Anh nhận đủ tiền lương và làm theo ý của tôi’ là đường hướng phổ biến.

Kể từ khi có CEO nước ngoài, Masan trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về thu hút vốn ngoại, với việc huy động thành công tới 1,4 tỷ USD trong vòng hơn 3 năm (2009 - 2012) – một kỷ lục mà chưa công ty trong nước nào có được.

Điều này khiến cho CEO giỏi cũng khó phát triển, nó tương tự như đặt Mark Zuckerberg (CEO Facebook) hay Bill Gates (Microsoft) vào điều hành một công ty nhà nước Việt Nam”. Thêm vào đó, việc thuê những người không giống với tư duy của nhà sáng lập, đồng thời tưởng thưởng xứng đáng cho sự khác biệt, tài năng của họ là điều không dễ làm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều công ty khó tạo ra tăng trưởng đột phá. “Môi trường nào sẽ có con người ấy”, cựu tổng giám đốc ngân hàng nhận định.

Trong khi đó, tại Masan, ngoài triết lý “Công ty là của chúng ta”, những nhà lãnh đạo công ty này còn bổ sung thêm khái niệm “tư bản hóa tài năng cá nhân”. “Nói dễ hiểu hơn, nếu bạn cùng đội ngũ của mình tạo ra giá trị mới cho công ty hay xã hội, đó là một loại cổ phần đặc biệt có thể quy đổi tương đương ra tư bản. Chúng tôi mong muốn huy động được thêm thật nhiều loại cổ phần đặc biệt này vào tập đoàn để Masan có thể tăng trưởng và phát triển mạnh hơn”, thành viên tập đoàn này chia sẻ.

Những thương vụ M&A đình đám Kể từ khi có CEO nước ngoài, Masan trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về thu hút vốn ngoại, với việc huy động thành công tới 1,4 tỷ USD trong vòng hơn 3 năm (2009 - 2012) – một kỷ lục mà chưa công ty trong nước nào có được. Chưa hết, Masan cũng là tập đoàn nhận được khoản đầu tư lớn nhất Việt Nam của một quỹ đầu tư nước ngoài: với lần đầu là 159 triệu USD (2011) và lần kế tiếp là 200 triệu USD (đầu năm 2013).

Từ cuối năm 2009 đến nay, vốn hóa của Masan tăng từ gần 1 tỷ USD lên hơn 3 tỷ USD… Trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập (M&A), bên cạnh nhiều thương vụ đình đám với tổ chức trong nước (Vinacafé, nước suối khoáng Vĩnh Hảo), Masan cũng là tổ chức Việt Nam duy nhất đi mua lại các công ty nước ngoài có thị phần lớn ở Việt Nam như cám Con Cò (từ Proconco – doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần ở Việt Nam về thức ăn chăn nuôi), mỏ đa kim Núi Pháo (từ Dragon Capital, trị giá hàng trăm triệu USD).

Nguồn Zing News