Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ vi phạm đạo đức trong hoạt động quảng cáo

Thông điệp thì quá lớn, đóng góp chưa tương xứng?

Xung quanh câu chuyện Clip quảng cáo của mỳ Gấu đỏ quảng cáo trên VTV và ngay sau khi được đăng tải trên mạng Internet, đoạn clip quảng cáo mang tên Gấu đỏ - ký ức yêu thương đã gây xôn xao cộng đồng cư dân mạng.

Đã có rất nhiều các ý kiến tranh luận, trái chiều nhau được đưa ra xung quanh việc sử dụng hình ảnh các nhân vật trong đoạn clip cũng như khoản tiền được trích ra đóng góp giúp đỡ các trẻ em bị bệnh hiểm nghèo từ việc mua mỗi gói mỳ Gấu đỏ...

Mới đây, độc giả còn được một phen sửng sốt khi phát hiện ra: Mỳ Gấu đỏ đã thuê 'diễn viên' để mua nước mắt của khách hàng, không ít người đã phát hoảng khi biết được sự thật về bé Tuấn trong đoạn Clip không phải là một đứa trẻ bị ung thư mà chỉ là một diễn viên đóng thế...

Không chỉ vậy, mới đây, trong một điều tra của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu thập được thông tin: Bệnh nhân được mỳ Gấu đỏ tài trợ 100% vẫn phải nộp 5.000.000đ viện phí?

Không chỉ dừng lại ở đó, những tranh cãi nảy lửa xoay quanh nội dung clip quảng cáo của nhãn hàng Mỳ gấu đỏ - gắn kết yêu thương còn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong lĩnh vực makerting, quảng cáo.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc làm của mỳ Gấu đỏ không sai trái hay vi phạm luật nào cả, nhưng mỳ Gấu đỏ không nên chọn cách làm quảng cáo cho nhãn hàng như nội dung trong clip này.

Mỳ Gấu đỏ làm từ thiện không đúng chức năng

Theo điều 2 của nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, “Việc vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng”.

Điều 17 của nghị định này cũng nêu rõ tổ chức được phép kêu gọi vận động, đóng góp là “Các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương”. Như vậy doanh nghiệp có quảng cáo này không đủ chức năng kêu gọi vận động đóng góp.

(Nguồn: nghị định số 64/2008/NĐ-CP)

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, chuyên gia marketing, giảng viên trường Đại học Hà Nội đã có những đánh giá rất cụ thể về nội dung trong Clip quảng cáo mỳ Gấu đỏ trên lĩnh vực marketing - quảng cáo.

Nếu xét về góc độ tích cực thì mỳ gấu đỏ cũng là một doanh nghiệp có trách nhiệm cho cộng đồng. Mặc cách làm và số tiền trích ra cho công tác từ thiện theo như nhiều người đánh giá là chưa tưng xứng nhưng tối thiểu nhãn hàng cũng có trách nhiệm với cộng đồng.

Tuy nhiên, 10 đồng đó được trích ra từ túi của khách hàng hay lợi nhuận của doanh nghiệp thì còn rất mịt mờ, nhiều người cho rằng, ở đây mỳ Gấu đỏ mới chỉ kêu gọi cộng đồng ăn mỳ Gấu đỏ còn chưa thấy doanh nghiệp trích số tiền nào trong một gói mỳ để làm từ thiện giúp đỡ các cháu nhỏ?

“Theo quan điểm cá nhân tôi, đúng là mỳ Gấu đỏ đưa ra thông điệp: ăn một gói mỳ là bạn đã góp 10 đồng cho bệnh nhân ung thư, thông điệp đó đã đánh mạnh vào lòng trắc ẩn của khách hàng nhưng cuối cùng chỉ quyên góp 10 đồng.

Có thể nói với thông điệp thì quá lớn nhưng đóng góp thì có phần chưa tương xứng với sự kêu gọi đó...mà có chăng chỉ là sự kêu gọi để nhằm bán được nhiều sản phẩm?”._Ông Tuấn Anh đánh giá.

Ông Tuấn Anh đưa ra giải pháp: Giả sử, mỳ Gấu đỏ không bán giá giá 3.500 đồng/gói mà họ bán giá 3.600 đồng/gói và góp 110 đồng vào quỹ ủng hộ thì chắc chắn họ không bị dư luận đem ra bàn tán và các diễn đàn mạng sẽ không "ném đá" như hiện nay...

Ông Tuấn Anh cho biết thêm: Nếu tôi là giám đốc marketing của mỳ Gấu đỏ, tôi sẽ làm cách khác, tôi sẽ định vị lại thương hiệu, doanh nghiệp vẫn giữ nguyên xi phần lãi nhưng vẫn đóng góp được nhiều.

Mỳ gấu đỏ có thể tạo thương hiệu cho mình cùng với phân khúc như mỳ tôm Omachi chẳng hạn. Bán giá cao hơn và mỗi gói góp từ 50 đến 100 đồng vào ủng hộ bệnh nhi và rất rõ ràng rành mạch trong việc kêu gọi.

Nguồn Báo Giáo Dục