Microsoft sắp hoàn tất vụ thâu tóm mảng điện thoại của Nokia

Theo báo New York Times, "người khổng lồ" phần mềm Microsoft đang tiến gần tới thương vụ trị giá 7,2 tỷ USD về việc thâu tóm bộ phận kinh doanh thiết bị và dịch vụ di động của "đại gia" di động Nokia.

Báo trên dẫn nguồn tin từ Microsoft, tập đoàn có trụ sở chính tại Redmond, tiểu bang Washington (Mỹ) cho hay họ đã nhận được sự đồng ý vô điều kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ về thỏa thuận này. Trong một tuyên bố của mình, Microsoft nói rằng họ rất hài lòng khi được Bộ Tư pháp Mỹ chấp thuận và đang trông đợi tới ngày "khi các đối tác trong Nokia trở thành thành viên trong gia đình Microsoft".

Như vậy là một trong hai rào chắn lớn đối với Microsoft trong việc thâu tóm một phần kinh doanh quan trọng của Nokia đã được dỡ bỏ. Hiện, thương vụ này còn cần nhận được sự cho phép từ Liên minh châu Âu (EU). Hãng tin Reuters từng đưa ra dự báo, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc liệu vụ sáp nhập này có vi phạm luật chống độc quyền của EU trong ngày mai (4/12).


Việc Microsoft mua bộ phận thiết bị và dịch vụ di động của Nokia với giá trị lên tới 7,2 tỷ USD (trong đó có 2,1 tỷ USD cho các bằng sáng chế) vốn được xem là một trong những sự kiện chấn động làng công nghệ thế giới trong năm nay. Sự kiện này được "người khổng lồ" phần mềm công bố hồi tháng 9 vừa qua. Theo kế hoạch, thương vụ này sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm 2014 tới.

Ông Steve Ballmer, Giám đốc điều hành đương nhiệm của Microsoft, từng nhận định, thương vụ này là một bước đi quan trọng để hướng đến tương lai, mang lại lợi ích cho toàn bộ nhân viên, cổ đông cũng như khách hàng của cả hai công ty. Trên thực tế, những thông tin liên quan tới việc Microsoft thâu tóm một phần kinh doanh của hãng điện thoại di động Phần Lan đã xuất hiện từ khá lâu trước đó.

Từ năm 2011, Nokia và Microsoft đã cùng hợp tác trong việc phát triển hệ điều hành di động Windows Phone cho các mẫu điện thoại dòng Lumia của Nokia. Giám đốc đương nhiệm của Nokia, Stephen Elop, cũng từng là một lãnh đạo cấp cao của Microsoft. Khi ông này chuyển sang làm việc cho Nokia, đã nhiều tin đồn nói rằng Elop chuyển sang đây chủ yếu là nhằm tìm hiểu và định giá Nokia.

Kể từ thời điểm Stephen Elop lên nắm quyền Giám đốc điều hành Nokia, mối quan hệ giữa Microsoft và Nokia đã trở nên thân thiết hơn bao giờ hết, khi hãng điện thoại Phần Lan quyết định từ bỏ nền tảng di động từng gắn bó Symbian để chuyển sang hệ điều hành Windows Phone của Microsoft còn đang tìm đường đi trên thị trường smartphone, thay vì chọn Android lúc này đã phát triển mạnh mẽ.

Dự kiến, khi thương vụ thâu tóm thành công, Stephen Elop sẽ từ chức khỏi vị trí giám đốc điều hành Nokia để chuyển về làm việc tại Microsoft, với vai trò Phó chủ tịch phụ trách thiết bị và dịch vụ, cũng chính là bộ phận mà Microsoft vừa thâu tóm lại của Nokia. Động thái này cũng làm rộ lên tin đồn về việc Microsoft mở đường để Elop tiếp quản chiếc ghế Giám đốc điều hành Microsoft từ Ballmer.

Trong khi đó, Chủ tịch của Nokia Rito Siilasmaa sẽ trở thành giám đốc điều hành tạm quyền tại Nokia, trong khi công ty sẽ tìm kiếm một người thay thế vị trí Stephen Elop. Cùng với Stephen Elop, nhiều lãnh đạo cao cấp khác của Nokia cũng sẽ chuyển sang làm việc cho tập đoàn Microsoft, trong đó bao gồm Jo Harlow, Juha Putkiranta, Timo Toikkanen và Chris Weber cùng với 32.000 nhân viên.

Theo hãng tin BBC, Microsoft là một trong những thương hiệu lớn nhất trong làng công nghệ đã gặp nhiều khó khăn, khi khách hàng sử dụng máy tính cá nhân và laptop truyền thống có xu hướng chuyển sang smartphone và máy tính bảng. "Người khổng lồ" trong lĩnh vực phần mềm này đã chịu nhiều chỉ trích vì sự chậm chạp trong việc thích nghi với một thị trường di động đang phát triển nhanh chóng.

Còn Nokia Nokia từng là một trong những tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực di động, nhưng doanh thu của hãng này đã trượt đến 24% trong quý 2/2013 so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng đã bán được 53,7 triệu điện thoại trong quý 2, thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu từ dòng điện thoại Lumia, vốn đang sử dụng hệ điều hành của Microsoft, lại tăng lên trong khoảng thời gian này.

Ông Manoj Menon, Giám đốc điều hành Hãng tư vấn Frost & Sullivan, nhận định thương vụ giữa hai công ty này sẽ giúp "đạt được sự kết hợp chặt chẽ hơn" giữa phần cứng và hệ điều hành, giúp Microsoft có được một chiến lược hiệu quả hơn để cạnh tranh trên thị trường di động. Microsoft cũng đã đồng ý sử dụng thương hiệu Nokia trên những sản phẩm hiện tại của hãng trong vòng 10 năm tới.

Nguồn VN Economy