Thị trường bánh kẹo Tết, hàng Việt thắng thế

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô cho biết: Thị trường bánh kẹo Tết năm nay có một xu hướng tiêu dùng rõ ràng hơn những năm trước, đó là người tiêu dùng (NTD) quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm trong nước do chất lượng không thua kém hàng ngoại, mẫu mã sang trọng và giá cả hợp lý.

Nắm bắt được tâm lý tiêu dùng, năm nay các DN sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Việt đã tập trung đầu tư, cải tiến bao bì, mẫu mã và tăng sản lượng cung ứng ra thị trường so với Tết năm ngoái. Như Công ty Bibica, xác định tiêu chí đầu tư mạnh vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm, quyết tâm giành thế cân bằng so với các sản phẩm ngoại nhập. Thay vì có nhiều sản phẩm như trước đây (hơn 60 loại), năm nay, Bibica chắt lọc lại những dòng sản phẩm hiệu quả nhất đã được khách hàng ưa chuộng.


Bánh, kẹo, mứt của các doanh nghiệp trong nước sản xuất được ưu tiên trong hệ thống siêu thị.

Với bộ sản phẩm Goody và Palomino, Bibica xác định đây là bộ sản phẩm chính để cạnh tranh với các loại bánh cao cấp ngoại nhập có thương hiệu vì lợi thế của bộ sản phẩm này là chất lượng tốt nhưng giá thấp hơn hàng ngoại 20-25%. Bibica dự kiến đưa ra thị trường Tết 1.250 tấn bánh kẹo và socola các loại (tăng 10% so với năm ngoái) với hơn 40 sản phẩm.

Về giá cả, có khoảng 30% sản phẩm của Bibica giữ nguyên giá thành như năm 2013, còn lại có mức tăng từ 5-10%; Công ty Kinh Đô dự kiến đưa ra thị trường Tết 4.500 tấn bánh kẹo các loại (tăng 20% sản lượng) với 4 nhóm sản phẩm chính: bộ quà Tết 2014 An Khang Thịnh Vượng; bộ sản phẩm Cosy Tết; các sản phẩm kẹo Koko Choco, bánh AFC, bánh bông lan Solite, khoai tây Slide, snack Pocky… Đặc biệt, dòng sản phẩm cookies thượng hạng Korento được sản xuất từ nguồn nguyên liệu cao cấp nhập khẩu châu Âu.

Ông Nguyễn Xuân Lâm cho biết: “Kinh Đô sẽ mở rộng kênh phân phối từ thành thị đến nông thôn để NTD không phải mua những sản phẩm bánh kẹo ngoại lập lờ, kém chất lượng”. Trong hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó TGĐ Saigon Co.op cho biết, năm nay, siêu thị tiếp tục ưu tiên sử dụng các loại bánh kẹo nội. Đặc biệt, với chương trình “Giỏ quà Tết thuần Việt”, sẽ có 100% sản phẩm bánh kẹo là thương hiệu nội địa.

Tuy nhiên, mặc dù bánh, kẹo, mứt mang thương hiệu Việt đang có lợi thế hơn sản phẩm ngoại nhập nhưng các doanh nghiệp vẫn còn lo ngại. Đó là tình trạng một số doanh nghiệp trong nước mua bánh xá (bánh không có bao bì, nhãn mác, cân ký hoặc đóng trong bao lớn) từ Malaysia về Việt Nam. Loại bánh này không rõ chất lượng, nguồn gốc, sau khi nhập về Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ đóng gói lại với xuất xứ Malaysia và bán ra với giá rẻ hơn bánh ngoại nhập chính ngạch. Một dạng khác, đó là bánh ngoại nhập nhưng hạn sử dụng gần hết, được các doanh nghiệp trong nước nhập về, thay mới bao bì với hạn sử dụng mới và đưa ra bán với giá rẻ hơn 20-40%.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Tình trạng bánh, kẹo, mứt cận date, hết date từ Trung Quốc tuồn về rồi xé lẻ, đóng gói lại thành sản phẩm mới được các đối tượng thực hiện hết sức tinh vi, rất khó phát hiện. Hiện nay, các mặt hàng cung ứng cho thị trường Tết từ các nơi đổ về TP Hồ Chí Minh nhiều qua cửa khẩu, sân bay… Vì vậy, cần phải có sự phối hợp của các lực lượng liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng vào thị trường nội địa chứ không riêng một ngành nào. Hiện, các đội QLTT đang tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ… để xác minh tính hợp pháp của nguồn hàng”.

Nguồn Dùng hàng Việt