Sứ giả thương hiệu - Phần 3

Chương trình hành trình tiếp thị Việt Nam do báo Tuổi Trẻ khởi xướng đã đi được một chặng đường khá gian nan. Trong buổi thảo luận giữa các chuyên gia tiếp thị bàn về hướng đi và các ý tưởng cho chương trình, chúng tôi cũng ghi nhận được một số nội dung có liên quan đến khái niệm Sứ giả Thương hiệu cho một thương hiệu quan trọng nhất của tất cả các thương hiệu, đó là thương hiệu đất nước Việt Nam.

Mỗi Sinh viên là một Sứ giả

Chương trình hành trình tiếp thị thương hiệu Việt Nam cũng phát động mỗi người làm một sứ giá để tiếp thị hình ảnh đất nước. Tuy nhiên lời kêu gọi này chưa nêu được những giải pháp cụ thể bằng những ý tưởng khả thi. Trong số nhiều ý kiến đóng góp, có ý kiến đề xuất “mỗi sinh viên du học” là một sứ giá tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Ý kiến này được khá nhiều chuyên gia ủng hộ vì những lý do rất dễ hiểu. Sinh viên du học là người có tri thức và ngoại ngữ, hơn nữa lại có dịp sống ở một quốc gia nơi lưu trú trong suốt quá trình mấy năm liên tiếp. Bằng kiến thức, kỹ năng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn sinh viên này cần được chuẩn bị chu đáo bằng một “hành trang” bao gồm các tài liệu hướng dẫn, cẩm nang và các sản phẩm văn hóa tiêu biểu của đất nước.

Các hoạt động văn hóa gần đây do các nhóm sinh viên chủ động thực hiện vừa là hoạt động mang tính cộng đồng nhưng đồng thời một số sự kiện do sinh viên du học tổ chức cũng đã gây tiếng vang nhất định đối với giới truyền thông ở các nước sở tại. Tuy nhiên hoạt động này chưa mang tính hệ thống và mức độ chuyên nghiệp còn rất thấp. Chương trình hành trình tiếp thị Việt Nam nắm bắt ý tưởng này có thể có một kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực hơn dành cho các bạn sinh viên trước khi lên đường mang chuông đi đánh xứ người.

Giải thưởng Sứ giả Thương hiệu Việt.

Bên cạnh nỗ lực cá nhân, cần thiết phải có một giải thưởng tôn vinh các sứ giả thương hiệu. Những người đã âm thầm hành động vì mục đích cho thế giới cảm nhận và yêu mến hình ảnh đất nước Việt Nam, kể cả những nhà doanh nghiệp nỗ lực không ngừng nghỉ mang sản phẩm Việt Nam đi mở thị trường các nước chứ không cam chịu ngồi nhà chờ khách hàng đến mua. Một doanh nhân trẻ của Sài Gòn đang quảng bá phát triên chuỗi cửa hàng Phở; một chuyên gia công nghệ thông tin xây dựng trang web quảng bá hình ảnh đất nước; một cô hoa hậu, một người nước ngoài yêu mến đất nước Việt Nam … tất cả họ đều cần được tôn vinh bằng giải thưởng “sứ giá Việt Nam”. Giải thưởng này cũng cần phải được nhà nước công nhận nằm trong hệ thống khen thưởng chính thức của chính phủ, bên cạnh những giải thưởng tôn vinh các anh hùng lao động.

Tham gia đồng hành với chương trình hành trình tiếp thị Việt Nam, chúng tôi cũng kỳ vọng càng ngày càng có nhiều hơn nữa những Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Kymdan… phối hợp năng động bền bỉ với chương trình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” mang những “quả chuông vàng” thương hiệu Việt Nam đi chinh phục xứ người xóa tan nỗi niềm tự tin dân tộc và thúc đẩy sự phát triển chung nâng tầm vị thế của quốc gia.

Mỗi nhân viên trong công ty là một Sứ giả Thương hiệu.

Trong nhận thức marketing toàn diện cho doanh nghiệp Việt Nam, có một điều rất bình thường tưởng chừng như tất cả các nhà doanh nghiệp đều nhận rõ, đó là vai trò sứ giả tiếp thị của tất cả các thành viên trong công ty. Việc tuyên truyền ý thức của mọi thành viên khi hành xử trước cộng đồng ở mọi lúc và mọi nơi đối về nhiệm vụ xây dựng hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trước cộng đồng là một việc làm hết sức cần thiết. Thương hiệu không chỉ được xây dựng bằng những hình ảnh quảng cáo bóng bẩy hoặc những khẩu hiệu xúc tích đầy ý nghĩa, mà thương hiệu còn được cảm nhận rất hiệu quả trực tiếp từ mối quan hệ nhân viên và những người xung quanh mà họ có cơ hội tiếp xúc hàng ngày. Sự ngưỡng mộ của cộng đồng đối với nhân viên của một doanh nghiệp đôi khi lại là nguyên nhân chính của sự gắn kết “thương hiệu & khách hàng”.

Để làm được điều này cần có cả một tầm nhìn và chiến lược đối với internal marketing (tiếp thị từ bên trong doanh nghiêp) với hệ thống các giải pháp được xây dựng toàn diện và nghiêm túc, cùng với nỗ lực hết sức mình và lòng trân trọng thật sự của các thành viên trong ban lãnh đạo đối với từng nhân viên. Trong đó yếu tố dân chủ được thấu hiểu và khai thác triệt để. Trong trường hợp này chúng tôi không thể không nhắc đến FPT, công ty đã khai thác yếu tố dân chủ và tinh thần chủ động sáng tạo như một nền văn hóa doanh nghiệp, tác động đến tư tưởng và tình cảm của tất cả các thành viên, biến họ trở thành những sứ giả trung thành của thương hiệu FPT khi ứng xử một cách đầy tự hào trước cộng đồng trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày.

Như vậy có thể xem “mức độ hài lòng” của nhân viên trong một doanh nghiệp là thước đo mức độ thành công bền vững của doanh nghiệp đó.

Để tạm đúc kết nội dung cho loạt bài liên quan đến khái niệm “sứ giả thương hiệu”, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng thương hiệu ngày nay không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản trị hoặc pháp lý khô khan mà nó thật sự rất sống động, đa dạng và hết sức gần gũi. Để hiểu và vận dụng phương pháp tư duy thương hiệu vào thực tế đa dạng của cuộc sống không nhất thiết phải có một trình độ hiểu biết thật cao siêu. Điều mà chúng ta cần hơn là một tư duy đúng và luôn luôn cởi mở khi tiếp cận thực tiễn cuộc sống. Sứ giả thương hiệu cũng là một trong những đề tài tuy có vẻ mới mẻ về ngôn từ nhưng ý thức thì không có gì quá xa lạ với chúng ta.

>> Mời bạn xem lại phần 2 tại đây.

Nguồn Võ Văn Quang