Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo quá lố

Quảng cáo quá sự thật và sai nội dung đăng ký đã kiểm duyệt là tình trạng mà Cục An toàn thực phẩm vừa phát hiện sau khi kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng trên cả nước.

Báo cáo tại hội thảo về quản lý và định hướng thực phẩm chức năng được Bộ Y tế tổ chức trưa 30/11 tại TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục phó An toàn thực phẩm cho biết, trong số 98 cơ sở bị kiểm tra, có đến 47 cơ sở vi phạm và lỗi chủ yếu thuộc về nội dung quảng cáo sản phẩm.

Theo ông Phong, nhiều cơ sở quảng cáo nhưng không đăng ký kiểm duyệt nội dung, số khác có đăng ký nhưng khi quảng cáo thì phần nội dung đều nói quá công dụng của sản phẩm. "Điều này khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm", ông Phong nói.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học cho rằng, khi quảng cáo trực tiếp đến người tiêu dùng, có hai vấn đề quan trọng cần chú ý. Một là, thông điệp đó phải trung thực khách quan, không được nói lố những gì mà sản phẩm có. Hai là, ngôn ngữ của thông điệp phải phù hợp với trình độ của người bình thường. Điều này hiện nay các mẫu quảng cáo thực phẩm chứng năng còn mắc phải.


Người dân cần có kiến thức đúng về thực phẩm chức năng trước khi chọn mua. Ảnh minh họa: Foodnagivator

Ông Truyền cũng lưu ý, ngôn ngữ quảng cáo không nên là ngôn ngữ nói với thầy thuốc mà phải là nói với người tiêu dùng. Gần đây có hiện tượng các mẫu quảng cáo làm người tiêu dùng phân tâm vì không hiểu được thông điệp ấy nói gì nên dẫn đến dùng sai. "Theo tôi, chỉ tính trung thực của nhà sản xuất thôi chưa đủ, mà nhà quản lý với cơ quan truyền thông phải kiểm duyệt nội dung quảng cáo để đưa đến cho người tiêu dùng những thông điệp chính xác nhất", ông Truyền nêu quan điểm.

Còn Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng thì cho rằng, việc “bùng nổ” thực phẩm chức năng với hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn nhỏ khác nhau đã khiến thị trường ngày càng phong phú nhưng cũng khó kiểm soát.

Bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng làm ăn chính đáng vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng và sự cả tin của họ vào những lời quảng cáo "có cánh". Đặc biệt là đánh vào tâm lý người bệnh để bán hàng với giá cao, gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng dẫn chứng về vụ việc hàng trăm thùng thực phẩm chức năng ghi xuất xứ từ Mỹ nhưng thực tế lại sản xuất ở Hải Dương, vụ hơn 3.780 lọ dạng viên nang xuất xứ Trung Quốc nhưng sau khi nhập về lại dán nhãn sản xuất tại Mỹ. Hay việc nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai.

Ngoài quảng cáo, giá thực phẩm chức năng hiện bị người tiêu dùng phản ánh là quá cao cũng được nhiều đại biểu tham gia hội thảo đề cập đến. Cục phó An toàn thực phẩm thừa nhận, dù không thể tính toán để biết giá bán ra so với giá trị thật của sản phẩm chênh lệch bao nhiêu, song so với mức thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam thì giá thực phẩm chức năng hiện nay là cao.

Theo ông Phong, không giống như thuốc (vốn được nhà nước quản lý theo khung), giá thực phẩm chức năng được doanh nghiệp tự công bố theo quy luật cạnh tranh. Chính vì thế việc doanh nghiệp đưa giá bao nhiêu là quyền của họ. Vấn đề là người tiêu dùng khi có nhu cầu thì phải tìm hiểu thật kỹ. Vì vậy, để tránh mất tiền oan, Cục phó An toàn thực phẩm cho rằng người tiêu dùng chỉ nên mua những loại đúng với nhu cầu nâng cao sức khỏe của mình. Tránh trường hợp nghe truyền tai bảo "bổ lắm" là cứ đi mua mà không biết hiệu quả.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì cho rằng, ngoài việc người tiêu dùng cần trang bị kiến thức đúng về thực phẩm chức năng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra chống hàng giả và ngăn chặn hiện tượng biến tướng của phương thức bán hàng đa cấp (quảng cáo lố, nâng giá trên trời) đối với mặt hàng này.

"Thực phẩm chức năng không thể thay thuốc để chữa bệnh", Tiến sĩ Trần Quang Trung, Cục trưởng An toàn thực phẩm nhấn mạnh và cho biết thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

Thực phẩm chức năng xuất hiện khoảng 12 năm trước và chủ yếu là hàng nhập khẩu), sau này sản xuất trong nước dần phát triển và hiện chiếm khoảng 60% thị trường. Việc hiểu chưa đúng, sản xuất không đúng, tiêu dùng không đúng đã dẫn có nơi "thần thánh hoá", có nơi lại tẩy chay thực phẩm chức năng. Cả hai suy nghĩ này đều là những quan niệm sai.

Tại Việt Nam, thực phẩm chức năng tồn tại trên cơ sở người dân có nhu cầu và nhà sản xuất quảng cáo công dụng sản phẩm. Hiện vẫn chưa có cơ quan hữu quan nào đứng ra tư vấn cho người tiêu dùng.

Nguồn VnExpress