Sáng tạo hay tụt hậu?

Một khi có sách lược đầu tư đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên cuộc cách mạng về công nghiệp sáng tạo.

Sau 4 năm kể từ thời điểm Hội Đồng Anh đưa khái niệm công nghiệp sáng tạo (CNST) vào Việt Nam, thông qua sự kiện “Thành phố Sáng tạo” đến nay, đây vẫn là một khái niệm rất lạ lẫm ở Việt Nam.

Vẫn còn rào cản và khoảng trống

Rào cản lớn nhất cho CNST phát triển đến từ khoảng trống trong nhận thức và kiến thức về ngành này. Theo Hội đồng Anh, CNST là thuật ngữ được sử dụng để gọi tên các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng kỹ năng, tài năng và sức sáng tạo của cá nhân con người, trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, được hình thành từ việc bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vậy để các sáng tạo ngày càng nhiều hơn, mang lại giá trị cao hơn thì đòi hỏi phải có một sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành trong một hệ thống, quy trình khoa học và được hỗ trợ bởi những chính sách cụ thể của chính phủ, được bảo vệ bởi luật pháp. Hệ thống này chúng ta gọi nó là công nghiệp. Như thế, việc đầu tiên để tiến tới thiết lập bản đồ CNST và hoạch định các chính sách hỗ trợ phát triển những ngành này là phải xây dựng được nhận thức đúng cho xã hội về vai trò của kinh tế sáng tạo và giá trị của các ngành CNST.


Một rào cản không nhỏ khác, chính là thiếu chính sách phát triển CNST. Tại châu Á, tuy khởi động muộn hơn các quốc gia châu Âu, nhưng các thành phố sáng tạo cũng đã được hình thành trong những năm 2001 – 2006 tại những thành phố lớn như: Yokohama (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc). Ngay cả những nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã đi đầu và có sự đầu tư rất lớn, bài bản cho CNST, đặc biệt Indonesia có hẳn Bộ Du lịch và Công nghiệp Sáng tạo chuyên trách phát triển lĩnh vực này. Nhưng nghịch lý thay, ở Việt Nam lại chưa có một chính sách, chiến lược tầm cỡ quốc gia nào được đưa ra. Chính vì thiếu vai trò nhạc trưởng nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các chương trình CNST bó hẹp trong phạm vi ngành mình. Còn các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội đang tự “lần mò” nghiên cứu và cũng làm CNST theo cách cát cứ địa phương. Mặc dù TP.HCM đã có được chương trình Sáng tạo Sài Gòn (Creative Saigon) từ năm 2010, nhưng đến nay chương trình đã phải tạm dừng vô thời hạn chỉ vì sự thay đổi lãnh đạo của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC). Một thành phố dẫn đầu các xu hướng kinh tế như TP.HCM mà còn gặp nhiều khó khăn đến thế trong phát triển CNST thì thật khó để các địa phương khác có thể tiến nhanh được.

Một rào cản khác liên quan đến hệ thống luật pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa biết cách bảo vệ các sáng tạo của mình, nhưng ngược lại thì bản thân khung pháp luật của ta chưa hoàn thiện. Dù đã có Luật về Sở hữu trí tuệ, nhưng các cơ quan quản lý chưa tạo được cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà sáng tạo liên hệ làm việc khi có các tranh chấp hay bị vi phạm bản quyền sáng tạo.

… nhưng còn đó khát vọng và niềm tin

Việt Nam mới đạt ngưỡng 90 triệu dân số vào ngày 1/11/2013 và đây đang là giai đoạn chúng ta có tỷ lệ vàng về dân số, đó chính là một lợi thế lớn về nguồn nhân lực để phát triển CNST. Người Việt Nam có tố chất và tiềm năng sáng tạo cao, chỉ cần chúng ta đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo với những phương pháp tiên tiến của thế giới là chúng ta sẽ có được một nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, đa dạng, chúng ta chưa định vị được rõ ràng bản sắc chứ không phải các giá trị văn hóa của chúng ta mất đi đâu. Việt Nam đang được đánh giá là trung tâm cơ hội mới của thế giới bởi những ưu việt trong giao thoa của địa lý, văn hóa, ngôn ngữ. Nhưng chúng ta vẫn đang ngụp lặn ở đáy các bảng xếp hạng của thế giới ở hầu hết các chỉ số. Một phần tình trạng này là do tư duy “gia công nô dịch” của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa được cởi trói. Khi chúng ta dám cạnh tranh ở những phân khúc cao hơn, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn và có được vị thế cao hơn trên thế giới. Và sáng tạo chính là đẳng cấp sản phẩm cao nhất mà chúng ta cần hướng đến cùng với định vị toàn cầu, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Chiến lược của FPT nhấn mạnh.

Xu hướng toàn cầu hóa và Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư trọng điểm về CNST của Anh quốc và một số quốc gia có nền CNST phát triển khác. Đó là cơ hội và thuận lời không thể tốt hơn để những người đi sau như chúng ta thực hiện bước “nhảy vọt” của mình.

"Sáng tạo chính là đẳng cấp sản phẩm cao nhất mà chúng ta cần hướng đến cùng với định vị toàn cầu"

Việt Nam dù mới chỉ bắt đầu có các hoạt động tiến tới quy hoạch nền CNST, nhưng tín hiệu đáng mừng chính là các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành sáng tạo đã tự quy tụ nhau lại để thành lập nên Câu lạc bộ Doanh Nhân Sáng Tạo (VCE Club). Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB thì phương pháp hành động của CLB là “đi từ dưới lên”, bằng chính các hoạt động thiết thực của các doanh nghiệp sáng tạo để chứng minh tính khả thi, cần thiết phải có một chiến lược quốc gia cho CNST và phải thiết lập được bản đồ quy hoạch cho các ngành CNST Việt Nam.

Hành động thiết thực

Ngày 28/10 vừa qua, Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội (HTPC) và công ty LeBros đã phối hợp cùng Hội đồng Anh và CLB Doanh Nhân Sáng Tạo tổ chức hội thảo mang tên “Creative Hanoi Summit”. Sự kiện này được nhìn nhận như một “Hội nghị thượng đỉnh” đầu tiên về công nghiệp sáng tạo (CNST) tại Hà Nội và có thể là cả Việt Nam.

Nguồn Doanh Nhân Online