Thị trường fastfood Việt Nam đang bùng nổ

Tổng Giám đốc vận hành Dairy Queen toàn cầu (hãng kem có hơn 6.300 cửa hàng trên thế giới), Jean Champagne đánh giá thị trường thức ăn nhanh Việt Nam trong giai đoạn bùng nổ và sẽ tăng trưởng nhanh 5-10 năm tới.

* Tại sao Dairy Queen (DQ) đến Việt Nam thời điểm này? Ông nhận xét gì về thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam?

Chúng tôi đến Việt Nam vì đây là thị trường đầy tiềm năng với 50% dân số ở độ tuổi dưới 35 và sự trỗi dậy mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Sự phát triển của thị trường fast food tỷ lệ thuận với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Vì vậy, Việt Nam là ứng viên tốt nhất hiện nay vì với nền tảng này, thị trường tại đây rất hấp dẫn.

Tôi cũng quan sát, theo dõi thị trường fast food Việt Nam 5 năm qua và nhận thấy mọi thứ đang trong thời kỳ bùng nổ. Tôi tin rằng thị trường này sẽ có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong vòng 5-10 năm tới.

DQ đến Việt Nam còn vì lý do nữa là chúng tôi đã tìm được đối tác nhượng quyền uy tín tại Việt Nam là QSR. Chúng tôi có kế hoạch mở 60 cửa hàng DQ trong vòng 5 năm tới. Mô hình các cửa hàng cũng sẽ rất đa dạng.

Tổng giám đốc vận hành Dairy Queen toàn cầu, Jean Champagne nhận xét thị trường fast food Việt Nam đang trong thời kỳ bùng nổ. Ảnh: QSR

Tôi tin rằng con số 60 cửa hàng trong 5 năm tại một thị trường mới nổi như Việt Nam là không nhiều. Chúng tôi có đối tác nhượng quyền am hiểu thị trường bản địa nên sẽ tìm được mặt bằng thuận lợi.

* Hàng loạt thương hiệu thức ăn nhanh đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm. Ông có nghĩ Dairy Queen đến muộn?

Tôi không cho là DQ vào thị trường này muộn. Đôi khi đến quá sớm lại là một trở ngại vì có thể thất bại do chưa hiểu rõ thị trường. Những đối thủ đã đến trước và có vị trí rất tốt tại Việt Nam nhưng DQ sẵn sàng tham gia cùng với họ. Người tiêu dùng Việt Nam đã được thử rất nhiều sản phẩm: gà, burger, kem... khác nhau nên khi họ dùng thử sản phẩm của chúng tôi họ sẽ nhận ra sự khác biệt rõ rệt.

Năm 2014, thương hiệu kem DQ sẽ tròn 75 tuổi có mặt trên thị trường toàn cầu. Chất lượng của sản phẩm cũng đã không ngừng được cải tiến trong suốt thời gian qua. Việt Nam sẽ là thị trường thứ 22 của chúng tôi trên toàn cầu khi tháng 1/2014 DQ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.

* DQ có gì khác biệt gì so với những sản phẩm khác?

Tại 22 thị trường khác nhau, thành công của DQ là thực đơn phong phú và khá đồng nhất. Vì thế, sản phẩm tại Việt Nam cũng tương tự như kem DQ tại Thái Lan, Trung Quốc, Canada hay Mỹ. Điểm khác biệt của DQ so với những thương hiệu kem khác chính là dòng kem Blizzard cho chính DQ sáng tạo và đăng ký độc quyền. Sự độc đáo của loại kem này là pha trộn kem tươi và bánh hoặc kẹo với nhau.

Chất lượng của nguyên liệu làm kem của chúng tôi cũng ổn định với tiêu chuẩn cao. Chúng tôi có những đối tác là các thương hiệu hàng đầu đã đi cùng nhau hàng chục năm qua như Kit Kat, Oreo... Kem DQ tự hào về độ dẻo, đặc và luôn đạt chất lượng cao. Chúng tôi thậm chí có câu khẩu hiệu độc đáo là hãy úp ngược kem xuống, nếu kem đổ thì khách hàng sẽ được phục vụ miễn phí. Thông điệp chúng tôi mang đến cho khách hàng là bầu không khí vui vẻ cùng với bạn bè, gia đình.

* DQ nhắm đến phân khúc khách hàng nào tại Việt Nam?

Chúng tôi nhắm đến trẻ em và thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 đến dưới 25, đặc biệt là phái nữ. Giá cả tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng thị trường. Có thể giá kem tại Việt Nam sẽ rẻ hơn tại Mỹ nhưng xấp xỉ với Thái Lan. Chúng tôi sẽ đưa ra mức giá cả hợp lý với thu nhập và khả năng chi tiêu của thị trường Việt Nam.

* Theo ông, thách thức lớn nhất của DQ tại Việt Nam là gì?

Tại Việt Nam, thách thức lớn nhất là tìm mặt bằng thật tốt để mở chuỗi cửa hàng. Dĩ nhiên, một thách thức thường trực là không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như tìm cách thích ứng với khẩu vị của người Việt Nam. DQ có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu (R&D) mạnh rất linh hoạt trong việc tạo ra các sản phẩm phù hợp với người bản địa. Một thử thách tiếp theo là tìm được đội ngũ nhân viên từ cấp quản lý đến cấp cửa hàng có năng lực.

* Ông có e ngại suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, tác động không tốt đến thị trường thức ăn nhanh, trong có có DQ?

Tôi không lo lắng và cũng không nghĩ rằng suy thoái kinh tế tác động quá nhiều đến nhu cầu thưởng thức fast food, đặc biệt là kem. Hơn nữa, khủng hoảng cũng không thể diễn ra mãi mãi. Thậm chí thời điểm khó khăn lại là cơ hội định vị các thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cẩn trọng với điều này.

Trên thực tế, thành công của ngành fast food phụ thuộc rất nhiều vào tầng lớp trung lưu, những đối tượng mới nổi lên trong giai đoạn khủng hoảng. Tôi lấy ví dụ tại Trung Quốc, giai đoạn 1991-2005 DQ chỉ mở được hơn 70 cửa hàng do tầng lớp trung lưu chưa nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, khi thị trường này vươn lên với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, chúng tôi đã có 564 cửa hàng.

* Theo ông, vì sao một số thương hiệu fast food không thành công khi đến thị trường mới?

Điều mà tôi có thể quan sát được là họ đã cố gắng đi quá nhanh nhưng lại không có được một đối tác nhượng quyền phù hợp. Tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến thị trường không thể hấp thụ kịp sẽ tạo nên không ít khó khăn. Điều quan trọng nhất là phải tìm được thị phần thông qua mức độ tăng trưởng đều đặn. Kế đến là thời điểm xuất hiện. Đôi khi một thương hiệu đến thị trường mới quá sớm cũng dễ dẫn đến thất bại do người tiêu dùng chưa sẵn sàng đón nhận sản phẩm. Điều này từng xảy ra đối với các đối thủ ngành kem.

Tôi có lợi thế là đã từng theo dõi các thị trường mới nổi: Mexico, Trung Quốc, Thái Lan và bây giờ là Việt Nam. Tôi rút ra công thức chung mang đến thành công cho các thị trường này là chọn được đối tác nhượng quyền uy tín, mặt bằng thuận lợi, giá cả hợp lý và sản phẩm có chất lượng cao (trong đó có yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm).

* Ông đã bén duyên cùng DQ ra sao?

Từ khi còn là một cậu bé, bố mẹ tôi đã làm nhượng quyền cho DQ. Cô dì, chú bác của tôi đều tham gia vào việc kinh doanh này. Từ năm 13 tuổi tôi đã phụ giúp gia đình kinh doanh kem DQ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm ngành ngân hàng một thời gian ngắn thì từ bỏ vì không có nhiều thử thách. Từ đó, tôi bắt đầu làm việc cho DQ. Năm 2001, tôi vận hành hệ thống của DQ tại Canada. Năm 2006, tôi phụ trách vận hành thị trường DQ toàn cầu bên ngoài nước Mỹ. Tôi gần như làm việc cho DQ cả cuộc đời.

* Cảm nhận của ông khi thử qua món ăn Việt Nam?

Hồi tháng 6 tôi đến TP HCM cùng con trai và đi xuống các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó tôi đã thưởng thức nhiều món nướng vỉa hè, chúng rất ngon. Tại Canada, tôi nhận thấy các món phở, bún, mì của người Việt cực kỳ nổi tiếng và tăng trưởng rất nhanh. Đến TP HCM lần này, tôi có thử qua món cơm niêu, một món ăn độc đáo.

Nguồn VnExpress