IBM loạng choạng

IBM được nhắc đến như một gã khổng lồ biết chuyển mình kịp thời, nhưng… vẫn còn loạng choạng.

Ngày nay, câu chuyện lội ngược dòng thần kỳ của IBM sang lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ có biên lợi nhuận cao hơn đã bị lu mờ bởi sự sa sút trong mảng phần cứng. Đã vậy, các thị trường mới nổi đang tăng trưởng nhanh, vốn đóng góp tăng trưởng phần lớn doanh thu của IBM trong những năm qua, giờ cũng đang chững lại, hầu như không cho thấy sự tăng trưởng nào trong 6 quý vừa qua.

Chuyển mình thần tốc

International Business Machines (IBM) từng được xem là câu chuyện lội ngược dòng ngoạn mục nhất trong lịch sử của ngành công nghệ. Khoảng thập niên 1960 – 1970, IBM đã trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới nhờ vào dòng máy tính cỡ lớn gọi là mainframe. Nhưng vào những năm 1980, máy tính cá nhân và máy chủ server đã dần thống lĩnh thị trường, khiến mainframe bị thất sủng. IBM bắt đầu chới với. Lúc đó, Tổng Giám đốc Louis Gerstner đã nhanh chóng ổn định hoạt động và tái cấu trúc tập đoàn theo hướng tập trung vào mảng tích hợp hệ thống và các dịch vụ đi kèm. Đến thời của Tổng Giám đốc Sam Palmisano, ông đã đưa IBM lên một nấc thang cao hơn khi dẫn dắt tập đoàn tiến vào các thị trường mới có biên lợi nhuận cao như siêu máy tính và phân tích, trở thành nhà cung cấp các dịch vụ công nghệ lớn nhất thế giới. Năm 2011, doanh thu của IBM đã vượt 107 tỉ USD.


Các quý tới sẽ tiếp tục rất khó khăn đối với IBM khi niềm tin đối với tập đoàn đang ở mức rất thấp.

Sự chuyển mình thần tốc của IBM đã đưa tập đoàn này trở thành con cưng của nhà đầu tư và giới phân tích. Trong 5 năm qua IBM đã tăng được lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) trung bình 16%/năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình 4% của thị trường trong cùng thời kỳ – theo hãng môi giới Cantor Fitzgerald. Suốt giai đoạn khủng hoảng, trong khi hầu hết công ty công nghệ chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh thì IBM đã tăng EPS tới 23% trong năm 2008 và 13% năm 2009.

Chững lại

Nhưng ngày nay, câu chuyện lội ngược dòng thần kỳ của IBM sang lĩnh vực phần mềm và các dịch vụ có biên lợi nhuận cao hơn đã bị lu mờ bởi sự sa sút trong mảng phần cứng. Ngày 16/10 vừa qua, ban lãnh đạo IBM thừa nhận, doanh số bán đã giảm trong quý thứ 6 liên tiếp và bộ phận phần cứng của tập đoàn đã bị thua lỗ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tập đoàn đã lỗ 713 triệu USD trong mảng phần cứng, so với mức lãi 253 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán của bộ phận phần cứng đã giảm tới 17% trong quý III vừa qua. Đã vậy, các thị trường mới nổi đang tăng trưởng nhanh, vốn đóng góp tăng trưởng phần lớn doanh thu của IBM trong những năm qua, giờ cũng đang chững lại. Bộ phận các thị trường mới nổi hầu như không cho thấy sự tăng trưởng nào trong 6 quý vừa qua. Trong quý III vừa rồi, doanh số bán của các thị trường mới nổi đã giảm 9%. Trong đó, doanh số bán tại thị trường Trung Quốc giảm tới hơn 20%. Cổ phiếu của tập đoàn vốn có sức ảnh hưởng lớn thứ 2 trong số 30 thành viên thuộc chỉ số công nghiệp Dow Jones, đã giảm 6% vào ngày 17/6 và trên đà giảm từ đầu năm đến nay so với mức tăng 20% của thị trường.

Suốt giai đoạn khủng hoảng, trong khi hầu hết công ty công nghệ chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh thì IBM đã tăng EPS tới 23% trong năm 2008 và 13% năm 2009.

“Thay đổi mô hình của bộ phận phần cứng bấy lâu nay là một thách thức của IBM. Giờ đây, bộ phận các thị trường tăng trưởng cũng bất ngờ đi xuống”, Chris Ambrose, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu thị trường Gartner nhận xét.

Ginni Rometty, người đảm nhiệm vị trí CEO thay cho Palmisano hồi tháng 1/2012, cũng thấy rõ thách thức này của IBM. “Chúng tôi đang bắt tay hành động để cải thiện hoạt động tại bộ phận các thị trường mới nổi và bộ phận phần cứng, vốn đang hoạt động kém hiệu quả”, bà nói.

Để giải quyết những thách thức nói trên, IBM đang cố thoát khỏi mảng phần cứng và bành trướng mạnh hơn vào các lĩnh vực có liên quan đến phần mềm có biên lợi nhuận cao hơn. IBM đã tìm cách bán đi một phần của bộ phận máy chủ cho Lenovo Group (Công ty Trung Quốc này từng mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM vào năm 2005), nhưng cuộc thương lượng đã đi vào bế tắc vào đầu tháng 5 do không thỏa thuận được giá cả – theo một nguồn tin thân cận với vụ việc tiết lộ vào thời điểm đó. IBM đã bán thành công mảng dịch vụ khách hàng cho Synnex với giá 505 triệu USD vào hồi tháng 9.

Hy vọng từ đám mây

Trước đó vào tháng 7, IBM đã trả gần 2 tỉ USD mua lại SoftLayer Technologies – một nhà cung cấp các giải pháp điện toán đám mây, để có thể cạnh tranh với các đối thủ như Amazon.com. Các dịch vụ điện toán đám mây là mảng được IBM kỳ vọng bù đắp được cho sự sa sút ở bộ phận phần cứng và một số mảng khác. Nhưng mặc dù IBM đã kiếm được hơn 1 tỉ USD doanh thu từ bộ phận các dịch vụ điện toán đám mây trong quý III/2013, con số này chẳng là gì so với tổng doanh thu quý III gần 24 tỉ USD. Nghĩa là IBM cần phải đẩy nhanh cuộc tiến quân vào điện toán đám mây để gia tăng mạnh doanh thu ở mảng này. Giữa lúc đó, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) lại đang tiến hành cuộc điều tra đối với tình hình tài chính của bộ phận các dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn này.

Quả là khó chồng thêm khó. Thế nhưng, mặc cho những thách thức này, giữa tháng 10/2013 IBM tuyên bố vẫn giữ nguyên mục tiêu EPS đặt ra đến năm 2015 là 20 USD/cổ phiếu, tăng từ mức 15,25 USD/cổ phiếu của năm 2012. Hồi cuối tháng 4 IBM cho biết, sẽ bỏ ra thêm 5 tỉ USD để mua lại cổ phiếu quỹ. Như vậy, số tiền bỏ ra mua lại cổ phiếu quỹ đã được nâng lên con số 11,2 tỉ USD. Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ giúp làm gia tăng EPS của IBM. Thế nhưng, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và giới phân tích vào năng lực tạo ra lợi nhuận của IBM sẽ là chuyện không dễ. “Chúng ta không thể phớt lờ kết quả kém cỏi dù là trong ngắn hạn này, cũng như những mối hoài nghi về năng lực tạo ra lợi nhuận trong tương lai của IBM”, chuyên gia phân tích Steve Milunovich thuộc Ngân hàng Thụy Sĩ UBS nhận xét. Ông đã hạ bậc cổ phiếu IBM từ mức “nên mua” xuống mức khuyến nghị “trung lập” và giảm dự đoán giá cổ phiếu từ 235 USD xuống còn 186 USD/cổ phiếu (cổ phiếu IBM được giao dịch ở mức 174,83 USD/cổ phiếu vào ngày 17/6).

“Thông thường chúng ta sẽ chờ xem, sau kết quả kém lạc quan này doanh nghiệp có làm được cuộc quay đầu hay không? Nhưng lần này có quá nhiều câu hỏi và mối nghi ngờ đặt ra cho IBM. Các quý tới sẽ tiếp tục rất khó khăn đối với IBM và niềm tin đối với tập đoàn này hiện đang ở mức rất thấp”, ông Milunovich nói thêm.

Nguồn Doanh Nhân Online