Rao bán doanh nghiệp: Tỷ đô có dễ?

“Giậu đổ bìm leo” - những tin đồn vừa cho thấy sự quan tâm của dư luận về số phận của các thương hiệu Việt, vừa cho thấy sức nóng của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời điểm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ thâu tóm từ các đối thủ lớn nước ngoài.

Tân Hiệp Phát: Tin đồn tỷ đô

Trong hơn 4 năm qua, Tân Hiệp Phát luôn là cái tên được “săn mua” nhiều nhất. Dĩ nhiên, trong làn sóng M&A cao trào hiện nay, cái tên này lại được đưa ra để “định giá”.

“Mọi hoạt động của Tân Hiệp Phát vẫn bình thường, chỉ có điều, có nhiều đối tác đến khiến chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra! Nhưng như vậy chúng tôi cũng thấy đường hướng của mình là đúng”, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, đã trả lời như vậy khi được hỏi về tin đồn: “Tân Hiệp Phát đang rao bán với giá 1 tỷ USD, có đối tác trả một nửa giá này rồi nhưng đã bị từ chối”.

Tuy nhiên, bà Phương không phủ nhận việc Tân Hiệp Phát lâu nay vẫn là đối tượng “tìm mua” của “hầu hết các thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới”. “Thời điểm năm 2008 khi làn sóng M&A đang phát triển cũng như việc các công ty đua nhau lên sàn, nhiều nhà sản xuất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tiếp cận lãnh đạo Tân Hiệp Phát và đặt vấn đề mua thương hiệu này”, bà Phương cho biết.

Hiện Tân Hiệp Phát có tới 10.000 nhân viên, là thương hiệu hàng đầu ngành hàng nước giải khát, hệ thống phân phối phủ rộng khắp cả nước cùng 40 mặt hàng với sản phẩm chủ lực là trà và nước tăng lực. Vậy nếu bán, Tân Hiệp Phát sẽ được định giá là bao nhiêu, con số 1 tỷ USD liệu là cao hay thấp? Tân Hiệp Phát sẽ chọn phương án “bán” nào, bán trọn hay chỉ gọi thêm vốn?

Công ty Nghiên cứu thị trường ACNielsen đánh giá Tân Hiệp Phát là công ty lớn nhất thị trường với các sản phẩm trà đóng chai, nước tăng lực và bia. Công ty này thường không công bố doanh số nhưng nếu dự tính của Nielsen về thị phần 24% của toàn bộ thị trường đồ uống nhẹ trị giá 2,2 tỷ USD là đúng, thì doanh số của Tân Hiệp Phát vào khoảng 500 triệu USD. Con số này chưa bao gồm bia và sản xuất chai nhựa PET bán cho các công ty khác, vốn chiếm 10% tổng doanh số của Tân Hiệp Phát.

“Việc Tân Hiệp Phát có bán với giá 1 tỷ USD hay không sẽ tùy thuộc vào sự gặp nhau giữa bên bán và bên mua. Tiếp cận theo phương pháp thị trường, nếu giá 1 tỷ USD đủ để làm bên bán thỏa mãn và hài lòng bên mua thì không đắt; nếu không ai mua với giá này thì sẽ đắt và ngược lại nhiều người muốn mua thì sẽ rẻ.

Hiện tại, Tân Hiệp Phát đang đẩy mạnh đầu tư để củng cố vững chắc hơn nữa vị trí dẫn đầu ngành hàng nước giải khát. Dù công suất nhà máy hiện tại ở Bình Dương đã đạt 1 tỷ lít/năm nhưng Tân Hiệp Phát vẫn mở thêm hai nhà máy mới ở miền Trung và miền Bắc với vốn đầu tư 200 triệu USD. Tháng 5 vừa qua, nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đã khởi công xây dựng, có diện tích 23ha với công suất thiết kế 600 triệu lít/năm, đầu tư mới 100% toàn bộ các dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại nhất từ châu Âu. Dự kiến, vào tháng 12/2013, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sơ bộ 3 dây chuyền sản xuất. Nhà máy thứ hai đặt ở Hà Nam, có diện tích 15ha, dự kiến khởi công vào tháng 10 năm nay.

Xét về giá trị nội tại thì cần phải ước tính dòng tiền tương lai, và điều này tùy thuộc rất nhiều vào dự báo viễn cảnh tương lai của Tân Hiệp Phát về lợi thế cạnh tranh, viễn cảnh thị trường và các yếu tố liên quan”, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Masso Consulting, phân tích về khả năng định giá mua Tân Hiệp Phát.

Phân tích trường hợp của Tân Hiệp Phát có thể nhìn nhận lại thương vụ bán Phở 24. Giới kinh doanh gần như chỉ biết đến giao dịch M&A giữa Highlands Coffee và Phở 24 khi nó kết thúc với việc 100% vốn cổ phần Phở 24 thuộc về Highlands Coffee. Giả định giá giao dịch đúng là hơn 20 triệu USD như lời đồn đại trong giới đầu tư tài chính thì cũng khó đánh giá mức này là cao hay thấp.

Tùy vào động cơ và chiến lược của bên mua mà giá trị tích hợp lớn hay nhỏ. Nếu chủ sở hữu mới khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của họ ở Philippines và dùng nó khai thác thị trường thế giới, khi đó dòng tiền tương lai sẽ rất lớn và con số 20 triệu USD có thể được coi là không hề đắt.

Mặc dù vậy, bà Phương đã phủ nhận việc rao bán Tân Hiệp Phát. “Mục đích của chúng tôi không phải là để thoái vốn. Hoài bão của chúng tôi là xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng mời đối tác nào nếu họ có thể đóng góp trong việc phát triển, tạo thêm cho sự phát triển bền vững của tổ chức”, bà Uyên Phương khẳng định. Cùng với việc đầu tư mở rộng sản xuất, Tân Hiệp Phát cũng đã có kế hoạch niêm yết nhưng thời điểm nào thì chưa thể tiết lộ.

Thủ thuật rao bán

Như một thủ thuật bán hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam dù hoạt động tốt nhưng vẫn rao bán hoặc tìm kiếm đối tác sang nhượng cổ phần vì cho rằng đây là thời điểm các nhà đầu tư “có tâm lý sẽ mua được giá hời”.

Cách đây vài năm, các thương vụ mua bán thương hiệu của Việt Nam đã diễn ra. Tiêu biểu có thương vụ Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S với giá 5 triệu USD; Colgate mua lại thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan với giá 3 triệu USD...

Từ đó đến nay, mỗi năm có tới hàng ngàn DN cổ phần hóa hoặc có nhu cầu thay đổi về quyền sở hữu, cơ cấu lại vốn, đã kéo theo nhu cầu về định giá thương hiệu. Các “tin đồn” liên quan đến việc mua bán các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Masan, Vinamilk... vì thế đang bùng phát kèm theo hàng loạt vụ mua bán có thực như Phở 24, Highlands Coffee, Tribeco hay Diana...

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Masan Group (MSN ) đã huy động được hơn 1 tỷ USD vốn (cả vốn vay và vốn cổ phần), chủ yếu từ các định chế tài chính - một kỷ lục đối với các DN tư nhân trong nước.

Danh sách các đối tác của Masan có: BankInvest, Quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital rót thêm 9 triệu USD vào Masan Food, TPG (Texas Pacific Group), House Foods, Mount Kellet và Richard Chandler Corporation, thậm chí có các khoản vay từ IFC và Goldman Sachs. Sự kiện của Masan cho thấy khả năng “rao bán” thương hiệu Việt với giá tỷ USD là hoàn toàn có thể.

Thực tế, nhu cầu về mua bán, nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh đang ngày càng gia tăng. Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Masso Consulting, có rất nhiều động cơ để người chủ muốn bán DN 100%.

Có thể quy mô DN đã quá lớn, vượt quá tầm kiểm soát và quản trị của gia đình, nên bán trước khi xảy ra khủng hoảng; cũng có thể chủ DN đã mệt mỏi vì lý do sức khỏe, hoặc không có người kế thừa, hoặc không còn cảm hứng điều hành, hoặc sức ép tài chính, hoặc cần một số tiền lớn để nghỉ hưu hoặc kinh doanh lĩnh vực khác...

Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là các vụ mua bán nở rộ trong thời điểm hiện nay cho thấy, hoặc các DN Việt Nam đã đuối sức trong khó khăn, hoặc các nhà đầu tư quốc tế cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để mua rẻ hoặc thâu tóm các thương hiệu tốt của Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2011, Viễn Thông A bán 30% cổ phần cho DTMobile, một thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ thiết bị viễn thông Nhật Bản. Việc mua bán này giúp cho Viễn Thông A có được một lực đẩy lớn để phát triển.

Tuy nhiên, dường như các cuộc mua bán vẫn không dừng lại. Thời gian gần đây, Viễn Thông A liên tục gặp gỡ các đối tác khác và trở thành thương hiệu được “săn mua” nhiều trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ. Theo bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, với mạng lưới hơn 70 siêu thị và trung tâm bảo hành trên toàn quốc, Viễn Thông A không phát triển đa ngành hay đầu tư dàn trải nên nhu cầu tài chính của Viễn Thông A không bức bách.

Bà cho biết, Viễn Thông A đang chào đón các đối tác thấy được tiềm năng của Viễn Thông A và sẵn sàng nhượng lại cổ phần để có thể mở rộng DN này. “Tuy nhiên, cần lưu ý là chúng tôi mua bán chứ chắc chắn không sáp nhập”, bà Vy khẳng định.

Với trường hợp nhượng 30% cổ phần cho TDMobile trong năm 2011, TDMobile có tham gia vào HĐQT cũng như Ban giám đốc của Viễn Thông A. Thấy được tiềm năng từ Viễn Thông A, nhiều thông tin đưa ra cho thấy TDMobile đã có ý định mở rộng hợp tác, mua thêm cổ phần nhưng Viễn Thông A vẫn còn để ngỏ lời đề nghị này.

Bà Hoàng Ngọc Vy chia sẻ: “Mỗi cổ đông của Viễn Thông A có một giá trị khác nhau. Chúng tôi đang tìm kiếm và thương lượng để có cổ đông mới nếu xét thấy phù hợp với chiến lược phát triển của Viễn Thông A”.

Trong khi thị trường mua bán đang phát triển thì dịch vụ định giá thương hiệu ở Việt Nam còn hạn chế, phần lớn các DN có nhu cầu đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc định giá thương hiệu như thế nào cho hợp lý. Bởi vì có quá ít tổ chức làm dịch vụ thẩm định giá có đủ uy tín và năng lực thực hiện định giá thương hiệu, nhất là định giá các thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường.

Đặc biệt, hành lang pháp lý cho các DN định giá thương hiệu còn thiếu và chưa đầy đủ. Vì thế mới có chuyện cùng một Tân Hiệp Phát mà có tới hai giá “mua”, chênh nhau nửa tỷ USD! Trong khi đó, Tân Hiệp Phát có kế hoạch tài chính rất bài bản thông qua việc thuê các nhà quản lý nước ngoài như Giám đốc Thương mại William Doheny, cựu quản lý của Coca-Cola, và Giám đốc Tài chính Peter Davies từng làm việc cho Công ty Kiểm toán hàng đầu Deloitte.

Công ty Eden được thành lập vào năm 1989 và cổ phần năm 2005, trong đó có 20% vốn của Tổâng công ty Du lịch Sài Gòn. Eden hiện nay tập trung đầu tư nhiều cho các dự án bất động sản du lịch tại Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu và Bình Thuận; dự án nhà ở có Thảo Điền Villa, Bình Trưng Đông và Khu dân cư Bình Chánh 7,5ha.

Eden Group vừa nhận một “chào mua” từ một quỹ đầu tư của Hồng Kông nhưng theo bà Huỳnh Kim Đoan, Phó tổng giám đốc Eden Group, trước khi bán, Eden Group phải xúc tiến hàng loạt công tác chuẩn bị: pháp lý các dự án, kiểm toán theo chuẩn quốc tế, và tái cấu trúc nhân sự hệ thống nội bộ...

Theo luật sư Trương Nhật Quang, Văn phòng luật Công ty YKVN, thị trường M&A Việt Nam mới phát triển trong 4 năm qua, đi từ đầu tư của nước ngoài nên số lượng các công ty tư vấn kiểm toán hay bán chiến lược công ty cũng chưa nhiều. Chỉ có khoảng 4, 5 công ty có thể thực hiện những vụ M&A phức tạp trên thị trường.Các giao dịch từ 50 triệu USD chắc chắn phải cần cái nhìn nghiêm túc của nhà tư vấn. Các đối tác tư vấn có uy tín thì ngay bản thân họ đã làm tăng giá trị DN.

“Xu hướng bán công ty, thương hiệu Việt cho nước ngoài trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng là một cảnh báo tốt với giới doanh nhân Việt Nam. Họ cần phải tư duy lại về vai trò của mình với DN, cần xác định rõ động cơ kinh doanh kiếm tiền hay tự hào dân tộc, hay cả hai? Sáng lập, chủ sở hữu hay điều hành, hay kết hợp? Người Việt vốn thường xuất thân là kinh tế gia đình, nên việc định vị các yếu tố này thường không rõ ràng và vì thế thường có cảm giác đánh mất công ty khi bán DN. Đã đến lúc họ cần định vị lại vai trò của cá nhân đối với DN trong một nền kinh tế thị trường và tách biệt sở hữu điều hành là việc hết sức bình thường”, ông Thẳng đặt vấn đề.

Nguồn Chiến lược Marketing