“Được và Mất” từ Young Marketers mùa thứ 1

Tháng 4/2013, sinh viên đam mê Marketing tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có cơ hội mở mang kiến thức cũng như định hướng bản thân với Young Marketers mùa thứ nhất. Nay Young Marketers đang chuẩn bị “tái xuất” với phiên bản mùa hai cùng diện mạo hoàn toàn mới. Nhưng trước khi đến với mùa 2 đầy hấp dẫn, hãy cùng nhìn lại chặng đường “được và mất” từ Young Marketers mùa 1.

Cuộc thi nào cũng mong muốn mang đến những điều “được” cho thí sinh cũng như xã hội, và Young Marketers cũng không phải ngoại lệ. Tuy chỉ diễn ra trong 6 tuần, nhưng cuộc thi vẫn tự hào vì những cái “được” mà khi nhắc tới, các bạn sinh viên và những người theo dõi đều phải “nhấn like”.

Được trải nghiệm thực tế

Đây là điểm khác biệt nổi bật của hành trình Young Marketers. Với mong muốn mang đến cho sinh viên nhiều điều hơn sách vở, để khi ra trường, trở thành những marketers chuyên nghiệp, các bạn sẽ không vấp phải nhiều bỡ ngỡ và giật mình vì “thực chẳng như mơ”.


Từ những đề bài xoay quanh các thương hiệu quen thuộc và gần gũi với sinh viên, các bạn sẽ dễ dàng hiểu được những “tâm sự thầm kín” của khách hàng mục tiêu chứ không phải những suy nghĩ xa vời vợi, cũng như tự tay giải quyết những “bài toán marketing” khó nhằn mà các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới còn phải đau đầu. Khi bắt tay vào từ khảo sát đến phân tích, rồi từ tìm kiếm ý tưởng đến lên kế hoạch triển khai ý tưởng, sinh viên mới chính thức trải nghiệm công việc của một marketer thật sự. Các bạn bất ngờ khi khám phá rằng marketing không chỉ là trò chơi sáng tạo, vì ngoài Magic (tư duy sáng tạo) thì các bạn cần phải có Logic (tư duy hợp lý) để giải được những bài toán marketing một cách vững chắc, làm rung động trái tim của người tiêu dùng khó tính, khó hiểu và khó chiều.

Được hệ thống hóa kiến thức marketing

Nếu ở những cuộc thi khác, thí sinh chỉ đơn giản là thi thố với vốn marketing sẵn có và những gì mình học được ở trường lớp. Thì ở Young Marketers, với sứ mệnh “đào tạo vững từ tận gốc rễ”, ngoài việc nổ lực chứng tỏ bản thân, thí sinh còn được “cấp vốn” một cách bài bản những kiến thức marketing và xâu chuỗi những thứ mình đã biết hoặc chưa biết lại với nhau. Có thí sinh chia sẻ: “Trước khi đến với Young Marketers, mình đọc rất nhiều sách và tham khảo nhiều chiến dịch marketing thành công, mình rất tự tin với kiến thức marketing sẵn có. Nhưng khi tham gia cuộc thi, mình nhận ra kiến thức mình tích góp rất rời rạc, và nhờ các khóa đào tạo, nhờ sự hướng dẫn của ban cố vấn và ban giám khảo, mình đã có thể xâu chuỗi những kiến thức ấy lại với nhau. Mình thật sự bất ngờ vì khi được hệ thống hóa, mình cảm thấy vững hơn trong cách tư duy và suy luận marketing. Mà việc hệ thống hóa này thì sách vở không đáp ứng được, chỉ có những anh chị marketer giàu kinh nghiệm mới tích góp và truyền lại cho chúng mình chính xác nhất và cập nhật nhất thôi.”


Thầy Nguyễn Thanh Tân (đại diện học viện BMG) đang hệ thống hóa kiến thức marketing cho các thí sinh

Đồng hành cùng sứ mệnh đào tạo ấy, Young Marketers luôn tập trung đầu tư vào việc tìm kiếm đội ngũ ban cố vấn và ban giám khảo là những tiền bối marketer nổi tiếng trong ngành, đến từ những thương hiệu và những công ty lớn. Tiêu biểu như anh Nguyễn Đình Toàn – được biết đến là người thổi hồn cho OMO Việt Nam với thông điệp “Dirt is good”, đã từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ phận Marketing của nhiều tập đoàn lớn như Unilever, Philip Morris, Masan food,… Bên cạnh đó, không thể không kể đến chị Đặng Thu Hà, chị cũng từng giữ vị trí giám đốc trong bộ phận Marketing của nhiều công ty: Unilever, Masan food,… Và nhiều anh chị marketer nổi bật khác đã đóng góp nhiệt huyết và kiến thức cũng như kinh nghiệm, tạo thành đội ngũ cố vấn uy tín mà chỉ Young Marketers mới có được.


Anh Nguyễn Đình Toàn nhận xét và định hướng cho từng nhóm thí sinh.

Được thách thức bản thân

Với áp lực vô hình từ những nhóm bạn cùng thi đến những đề bài hóc búa và thời gian hạn hẹp, các thí sinh của Young Marketers đều đồng ý rằng mình đã có được một cơ hội thách thức bản thân. Đến với cuộc thi, các thí sinh có thêm động lực để tìm tòi và tiếp thu những kiến thức marketing bài bản, sau đó nổ lực áp dụng những gì học được vào bài thi.


Không ít áp lực đến từ những bạn cùng thi, từ những đề thi hóc búa, và cả ban giám khảo khó tính, các thí sinh đã được thử thách bản thân, từ đó trưởng thành hơn.

Thách thức hơn nữa là ở yêu cầu cao của ban giám khảo dành cho các thí sinh. Với những gì các bạn học được, ban giám khảo không xem các bạn như những sinh viên thuyết trình ý tưởng, mà là những marketer thật sự đang đứng trước những giám đốc thương hiệu, giám đốc marketing để bảo vệ “đứa con tinh thần” của mình. Cuộc thi mong đợi nhiều ở các kế hoạch tính thực tế và tính khả thi, tính logic và khả năng hiểu thấu thị trường. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và thách thức không ngừng, các nhóm thi dường như chủ động hơn trong việc tìm kiếm kiến thức, thông tin và sự cố vấn, chứ không chỉ đợi sự trợ giúp từ phía ban tổ chức. Và trong thời gian 6 tuần liên tục thách thức bản thân, các thí sinh bước ra từ Young Marketers đã thật sự trưởng thành.

Có được thì phải có mất, sau Young Marketers mùa thứ nhất, các thí sinh thừa nhận mình đã đánh mất rất nhiều điều.

Mất đi sự rụt rè

Nhờ sự gần gũi và hỗ trợ không ngừng của ban tổ chức Young Marketers, các thí sinh đã tự tin và cởi mở hơn sau từng vòng thi mỗi khi có thắc mắc, hoặc cần chia sẻ. Và quan trọng hơn cả, sự tự tin được lộ rõ ở vòng chung kết đã khiến tất cả ban giám khảo, ban tổ chức và khán giả có mặt tại hội trường ngày hôm đó không khỏi bất ngờ và thích thú. Ngoài những bài thuyết trình lưu loát, tự tin và sống động, các bạn còn thổi hồn vào bài thi với những câu nói hài hước, những vở kịch ứng biến bất ngờ, hay đáng nhớ nhất là bài hát của nhóm G.A.Y viết riêng cho nhãn hàng mà các bạn thuyết trình, được trình bày với giọng hát truyền cảm hứng của bạn Nguyễn Phú Cường, thành viên của nhóm.


Nhóm G.A.Y cùng phần thuyết trình rất tự tin và ấn tượng.

Mất giới hạn bản thân

Trước khi đến với Young Marketers, mỗi thí sinh đều tự đặt ra một giới hạn cho bản thân, là mình chỉ có thể làm như thế, thành quả cũng chỉ đến thế, không thể hơn được. Nhưng trong và sau cuộc thi, thí sinh được truyền cảm hứng và nền tảng để không ngừng vượt qua giới hạn bản thân. Dù là giới hạn mới thiết lập hôm nay, nhưng chỉ một ngày sau, thậm thí chỉ một giờ sau, các bạn đã vượt qua chính mình và đạt tới một mức giới hạn mới. Điều này không chỉ khiến các bạn cảm thấy tự hào, mà còn là động lực lớn giúp thí sinh không ngừng vươn lên và chiến đấu với chính mình, dù là trong cuộc thi, hoặc trong cuộc sống.

Mất tấm bản đồ rối rắm

10 sinh viên Việt Nam, có đến 8 bạn chưa tìm được định hướng cho mình, đặc biệt là sinh viên sắp ra trường. Các bạn sở hữu trên tay tấm bản đồ rối rắm với quá nhiều đường đi chồng chéo đến nỗi các bạn không rõ mình đang ở đâu và phải đi đường nào. Hiểu được điều đó, Young Marketers đã “cướp” đi tấm bản đồ rối rắm kia, gián tiếp hoặc trực tiếp giúp các bạn xác định giá trị bản thân. Với giá trị ấy, các bạn nằm ở đâu trên tấm bản đồ kia, và với kinh nghiệm dày dặn của đội ngũ cố vấn uy tín, định hướng cho các thí sinh một hướng đi phù hợp. Từ đó, các thí sinh sẽ gặp ít bỡ ngỡ và khó khăn hơn trong hành trình tìm kiếm đam mê thật sự của mình, và thành công cũng sẽ mỉm cười với các bạn sớm hơn. Đó chính là động lực, là sứ mệnh mà Young Marketers luôn theo đuổi.


Bước ra từ Young Marketers, các thí sinh đã tìm thấy chính mình và định hướng riêng cho mình.

Cùng nhìn lại những “được và mất” từ mùa đầu, đây không chỉ là hành trang cho các bạn thí sinh – cho thế hệ marketer trẻ đầy tiềm năng của nước nhà, mà cũng là động lực cho ban tổ chức của hành trình Young Marketers. Ở mùa 2, Young Marketers sẽ không ngừng nổ lực để mang đến nhiều hơn nữa những “được”, những “mất” cho các tiềm năng marketer tương lai, cũng như cho nền marketing Việt Nam, và rộng hơn, là tương lai của ngành truyền thông-tiếp thị thế giới.

Nguồn Young Marketers