Gameshow Việt nỗ lực sống sót trước ‘bão’ truyền hình thực tế

Dẫu cán cân nghiêng về truyền hình thực tế, các gameshow vẫn giữ một vị trí nhất định trong lòng khán giả.

Năm 1996, gameshow SV 96 do MC Lại Văn Sâm dẫn dắt ra đời và tạo nên cú hích lớn trong thời điểm khán giả Việt đang "đói" các hình thức giải trí. Thời ấy, cổ động viên đến trường quay đông đến nỗi khán phòng không chứa hết, nhà tổ chức phải bố trí màn hình TV 300 inches đặt trên sân Hàng Đẫy để phục vụ khán giả bên ngoài. "Thừa thắng xông lên", một loạt gameshow Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Ở nhà chủ nhật, Ai là triệu phú, Hành trình văn hóa... ra đời và cũng liên tiếp "thắng lớn", tạo nên thương hiệu lừng lẫy cho VTV trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình giải trí.

Năm 2006, sự xuất hiện của chương trình Phụ nữ thế kỷ 21 đã mở ra một khái niệm mới, dẫu còn mơ hồ về "truyền hình thực tế". Đến nay, có khoảng vài chục chương trình truyền hình thực tế lớn nhỏ thay phiên nhau "chiếm sóng". Nhìn vào lịch phát sóng giờ vàng của các đài lớn nhất như VTV3, HTV7, có thể thấy sự "thống trị" của truyền hình thực tế: Thứ 6 là Cuộc đua kỳ thú, Thứ 7 có Thử thách cùng bước nhảy (HTV) và The Voice Kids (VTV), Chủ nhật là The Voice, Đồ Rê Mí…

Các gameshow đã hoàn toàn mất khán giả trung thành trong cuộc đua khốc liệt này.


SV96, gameshow đầu tiên của VTV3 do Lại Văn Sâm dẫn dắt.

Có nhiều lý do để gameshow "bại trận" trước truyền hình thực tế

Bên cạnh những điểm yếu ai cũng nhận ra như thiếu kịch tính, thiếu tính tương tác... Người chơi trong các gameshow đa phần thụ động trong một kịch bản được lặp đi lặp lại, quen thuộc tới mức MC không cần nêu luật chơi thì ai cũng thuộc làu. Chẳng hạn như gameshow Chung sức, việc đội A hay đội B thắng không có gì để khán giả chờ đợi, tò mò. Gameshow giống một bữa ăn dọn sẵn, khẩu vị phù hợp cho mọi nhà nhưng không bắt mắt, nhiều gia vị bằng những món ngon của truyền hình thực tế. Khán giả cũng thụ động xem, giải trí theo những gì diễn ra trong mỗi kỳ phát sóng mà không háo hức dõi theo diến tiến, hoặc có tác động vào kết quả của cuộc chơi thông qua hình thức bầu chọn.

Bên cạnh đó còn có những lý do khách quan mà chỉ "người trong cuộc" mới hiểu, như vòng đời của một gameshow là một điển hình. Ở nước ngoài, thông thường một gameshow có vòng đời khoảng ba năm. Đó là khoảng thời gian vừa đủ để khán giả bắt đầu cảm thấy nhàm chán với một format lặp đi lặp lại. Nhưng ở Việt Nam, nhiều chương trình có tuổi thọ dài hơn. Ở nhà chủ nhật có tuổi đời chín năm, Hành trình văn hóa, Vườn cổ tích cũng trụ sóng đến bảy - tám năm... Đến tận bây giờ, nhiều gameshow thuộc hàng "kỳ cựu" như Chiếc nón kỳ diệu vẫn tiếp tục lên sóng sau 11 năm ra mắt. Dù có thay đổi format thì chuyện "rượu mới bình cũ" cũng ít nhiều làm giảm đi độ hot của chương trình.

Quan trọng nhất vẫn là công cụ để truyền tải nội dung, mà ở đây là các kênh truyền hình. Dù thích hay không, khán giả vẫn có thói quen tìm chương trình giải trí trên các kênh lớn mang tầm quốc gia, hơn là các kênh truyền hình cáp của tư nhân.

Hiện tại, đi đầu trong lĩnh vực chương trình truyền hình là Cát Tiên Sa với những show phát sóng vào giờ vàng trên VTV3 vào tối thứ bảy, chủ nhật. Tối thứ sáu là giờ của BHD. Ngay cả một "ông lớn" trong ngành truyền thông là Đông Tây cũng không "chen chân" vào được, đành tìm đến một thị trường nhỏ hơn là HTV7 với các chương trình Tôi là người chiến thắng, Thử thách cùng bước nhảy...

Bán đi "giờ vàng", các gameshow của nhà đài đã hoàn toàn "trắng tay" ngay trên sân nhà. Chương trình nội phần lớn đều bị đẩy về các khung giờ rating thấp, một số chuyển sang VTV6, VTV9... không được khán giả quan tâm nhiều. Báo chí cũng sẽ không hào hứng khai thác khi sức hút của người xem không lớn. Hệ quả là gameshow khó cạnh tranh về hiệu ứng truyền thông và độ phủ sóng dẫu có nội dung hấp dẫn.


Chương trình Giọng hát Việt nhí phát sóng trên VTV3 từ 21h-23h. Sau khi chương trình này kết thúc, cuộc thi Ngôi sao thiết kế thời trang sẽ lên sóng thay thế.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều gameshow mới vẫn liên tiếp ra đời

Rút kinh nghiệm từ "bài học xương máu" của nhà VTV, các kênh truyền hình tư nhân với tuổi đời trẻ hơn đã cố gắng thay đổi theo thị hiếu của khán giả để tiếp tục tồn tại trước sức ép quá mạnh của truyền hình thực tế.

Tận dụng lại "con át chủ bài" của truyền hình thực tế là ngôi sao giải trí, gần đây, các gameshow mới ra như Tôi dám hát của YanTV, 2!Idol của Yeah1... ít nhiều tạo được sức hút với khán giả trẻ. Tôi dám hát cũng mang môtuýp là một gameshow ca hát, cũng có sao nhưng không chú trọng vào tài năng hay tính chất thi thố. Nghệ sĩ tham gia không cạnh tranh ở giọng hát mà là khả năng chịu đựng và vượt qua những nỗi sợ hãi của bản thân, từ gián, chuột, ếch, rắn, độ cao, tiếng ồn...

Không còn thụ động như các gameshow trước đây, các sao cũng có sự tương tác và "chịu chơi" hết mình để chiều lòng khán giả. Cách họ hỗ trợ nhiệt tình cho một người chơi bình thường và sẵn sàng lăn xả, chịu đau, chịu bị vấy bẩn... là những ví dụ.

Các gameshow mới cũng cho thấy tính giáo dục và nhân văn nhẹ nhàng bên cạnh tính giải trí. Mới ra đời được vài tháng nhưng gameshow Vì bạn xứng đáng đã lấy khá nhiều nước mắt của khán giả truyền hình. Đây là trò chơi đầu tiên mà chiến thắng không mang lại phần thưởng cho người chơi, nó dành cho một người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không có bất cứ món quà nào nhưng người chơi đều khao khát giành chiến thắng vì một người xa lạ.


Vân Trang khóc thét khi phải hát trong tình trạng rắn quấn quanh cổ trong gameshow "Tôi dám hát".

"Đặc sản" của truyền hình thực tế là scandal và chiêu trò. Gameshow cũng có chiêu trò, nhưng nó dừng lại ở mức độ giải trí, gây chú ý chứ không nhằm mục đích tạo scandal.

Nếu 2!Idol ăn khách bởi cách khai thác triệt để các yếu tố gây tò mò như Thủy Tiên với màn thay tã cấp tốc cho búp bê, thì Tôi dám hát làm khán giả hồi hộp với những yếu tố đẩy cảm xúc lên cao trào. Khán giả bất giờ khi gặp một Trịnh Thăng Bình rất điển trai bỏ mặc bạn nữ cùng chơi vì quá sợ rắn.

Tạm rời xa ánh hào quang của sân khấu, họ thể hiện cảm xúc như một người bình thường. Điều này khiến khán giả vẫn tò mò, thích thú nhưng đỡ mệt mỏi và ngán ngẩm hơn khi chứng kiến những scandal ra đời từ truyền hình thực tế.

Để giải bài toán về kênh phát sóng, anh Nguyễn Thanh Tùng (Tùng Leo), trưởng ban biên tập YanTV chia sẻ: "Không dễ để 'bắt' khán giả thay đổi thói quen xem trọng kênh truyền hình lớn. Chúng tôi cũng phải bắt kịp thời thế bằng cách thuê sóng VTV6 bên cạnh kênh nhà. Thay vì hướng đến đối tượng khán giả đại trà như truyền hình thực tế, chúng tôi xác định khách hàng mục tiêu là khán giả trẻ".

Anh Tùng lạc quan cho rằng, chương trình của mình có thể không được quá nhiều người biết đến nhưng khi đã yêu thích, họ sẽ là những khán giả trung thành. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận, việc thực hiện các gameshow đòi hỏi nhà sản xuất phải cố gắng tìm ý tưởng và đầu tư lớn. Có như vậy, dù có phát trên kênh truyền hình tư thì các gameshow mới có được chỗ đứng riêng giữa cơn bão truyền hình thực tế.

Nguồn VnExpress