McDonald's thâm nhập thị trường Việt Nam

Trong khi báo chí nước ngoài ấn tượng với kế hoạch mỗi ngày mở một cửa hàng tại Trung Quốc trong vòng 3 năm tới của McDonald’s, thì thị trường Việt Nam vẫn trống trơn cửa hàng mang thương hiệu này. Dù đã đến thăm dò vài lần để tìm hiểu môi trường đầu tư, nhưng McDonald’s vẫn chưa chốt được ngày giờ chính thức vào Việt Nam.

Tuần qua, lãnh đạo cao cấp của McDonald’s lại đến Việt Nam, nhưng vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng hơn. “Chúng tôi đang thông qua một số nhà cung cấp dịch vụ tại khu vực châu Á để tìm đối tác nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Dự kiến, khoảng 2 năm tới, McDonald’s sẽ chính thức vào Việt Nam. Địa điểm đầu tiên chúng tôi sẽ tới là TP.HCM, với 1-2 nhà hàng, sau đó đến Hà Nội, về lâu dài có thể là 100 cửa hàng”, đại diện lãnh đạo cấp cao McDonald’s nói.

Cần phải nhắc lại là, McDonald’s đã mở rộng kinh doanh ở 119 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và hầu hết đều theo mô hình nhượng quyền thương mại. Yếu tố quan trọng giúp McDonald’s nhanh chóng bành trướng ra thị trường toàn cầu là chiến lược xuất khẩu mô hình quản lý kinh doanh đã được phát triển và thử nghiệm tại thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, để dễ dàng tiếp cận tốt hơn nhu cầu và thị hiếu của khách hàng trên từng thị trường, McDonald’s đã đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu thị trường. Dựa vào những nghiên cứu đó, tại mỗi quốc gia đặt chân đến, McDonald’s có tài điều chỉnh sản phẩm của mình cho phù hợp với văn hóa tiêu dùng.

Chẳng hạn, tại Malaysia, Singapore và Thái Lan, McDonald’s cung cấp thêm sản phẩm đồ uống với hương vị sầu riêng. Các nhà hàng ở Brazil bán kèm các loại nước giải khát làm từ trái gura hay dâu rừng Amazon. Ở Ấn Độ, thịt bò và thịt lợn được thay bằng thịt cừu để phục vụ các giáo dân có tập quán ăn kiêng. Tại Việt Nam, McDonald’s dự kiến sẽ đưa ra 2-3 món phù hợp với khẩu vị địa phương.

Như vậy, cùng với Starbucks Coffee và The Johnny Rockets, việc McDonald’s chuẩn bị vào Việt Nam hứa hẹn sẽ có sự phân chia lại miếng bánh thị phần giữa các “đại gia” đồ ăn nhanh thế giới. Trong đó, ai sẽ trở thành “kẻ phá bĩnh” ghê gớm nhất thì chỉ thời gian mới có câu trả lời.

Song bất kỳ kẻ mạnh nào cũng có điểm yếu. McDonald’s gặp nhiều rào cản trong việc kìm kiếm và thiết lập mạng lưới cung cấp sản phẩm đầu vào đạt tiêu chuẩn cho các nhà hàng của mình. Ở các thị trường mới, việc đáp ứng được các điều kiện khắt khe về quản lý chất lượng cũng như vận hành của McDonald’s là không dễ dàng với các nhà cung ứng hiện có.

Các nhà cung ứng sản phẩm sẽ phải bỏ ra một khoản đầu tư không nhỏ để tái cơ cấu nhằm thích nghi với những đòi hỏi của phía McDonald’s.

Liên quan đến vấn đề đào tạo cán bộ, nhân viên, giống như ở các thị trường khác, khi chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam, McDonald’s cũng muốn đưa phái đoàn chuyên viên của mình từ các thị trường chính đến đào tạo và trang bị đầy đủ kỹ năng, giúp các nhà quản lý, nhân viên có thể tiếp quản nhiệm vụ điều hành những nhà hàng nhượng quyền.

Ngoài ra, McDonald’s còn muốn kết hợp với các bộ, ban, ngành của Việt Nam trong việc đào tạo kỹ năng quản lý cho các cán bộ liên quan trong lĩnh vực này.

Nguồn Bản sắc Thương hiệu