[Nhật ký sáng tạo] Đứng dậy mau, bồ tèo!

Giang Beo, một cây viết mới mang đến Nhật kí sáng tạo những góc nhìn của một copywriter nữ mới toe, ngây ngô và khờ dại.

Xin chúc mừng! Bạn đã trở thành sinh viên thời kỳ cuối!

Điều này có nghĩa, nhà trường đã hết chữ cho bạn, thầy cô cũng chai mặt bạn rồi. Chuẩn bị chuyển lên ”tuyến trên” để “thăng hoa” thôi.

“Tuyến trên” là gì ấy hả? Là trường đời, là một công ty quảng cáo thật sự, là nơi bạn sẽ giáp mặt và trải nghiệm những giai thoại trước giờ chỉ nghe truyền miệng. Bạn sẽ được sờ tận tay day tận mặt chuyện tình (hình) trong một công ty quảng cáo nó tròn méo ra sao.

Bạn hỏi thăm xa gần để biết đường đi nước bước, ở đó ‘thổ địa’ là ai, có tuyệt chiêu gì không, gái có xinh không, trai thẳng hay cong…rồi bạn xúng xính và phong độ đến phỏng vấn, và được chấp thuận, và về nhà hồi hộp lẫn phấn khích đợi ngày đi làm đầu tiên. Chắc chắn rằng tâm trạng của bạn nêm đậm đà ‘hy vọng’. Chứ sao!

Chả gì thì bạn cũng được bạn bè xung quanh khen là sáng tạo, là ‘khùng’, là ‘quái’, là ‘lắm chước nhiều chiêu’. Chả gì thì những ý tưởng của bạn khi đi học thường được đánh giá cao. Chả gì thì sức học của bạn cũng không đến nỗi tệ. Bạn hay nhìn những quảng cáo quanh mình, nghĩ ra ý tưởng của riêng mình rồi cười hí hi vì tự đắc. Nòi tóm lại, bạn háo hức được viện Pasteur kiểm nghiệm và chứng nhận bạn yêu quảng cáo và quảng cáo cũng yêu bạn.

Bạn mơ đến ngày năng lực của mình được thừa nhận. Bạn tưởng tượng cảm giác tung hoa phấp phới khi ý tưởng của mình được lựa chọn. Bạn hình dung ra cảnh người thân và bạn bè xung quanh trầm trồ về một đoạn quảng cáo nào đó mới tung ra và bạn thì mỉm cười khiêm tốn “Ừ, lúc nghĩ ra ý tưởng đó hơi cực. Nhưng mà mấy bồ thích thì tốt quá”.

Rồi ngày đó cũng đến. Bạn bước vào công ty, đi chào hỏi mọi người, nhận một góc làm việc be bé và được giao những công việc xinh xinh mà bạn luôn làm hết mình, dù đó là dịch thuật, tìm kiếm thông tin hình ảnh hay sửa lỗi chính tả. Bạn khoái chí tận hưởng không khí làm việc độc đáo mà khó thể tìm thấy ở đâu khác, nơi mọi người tự nhiên và tự hào bộc lộ cái khùng của mình, rồi thì đi làm trễ, rồi thì ăn mặc thoải mái. Nói chung, 89% mọi việc giống như bạn tưởng tượng.

“Một vài chi tiết trên quảng cáo sẽ không giống với sản phẩm thật” 11% còn lại là những buổi brainstorm.

Brainstorm, bạn mong đợi mãi. Cơ hội của bạn. Phút giây bạn toả sáng. Lần đầu tiên được gọi vào brainstorm cùng mọi người, bạn hồi hộp chẳng kém bước vào phòng thi. Bạn ngồi xuống và sẵn sàng tạo nên kỳ tích.

Chẳng có gì xảy ra cả.

Đầu óc bạn trống rỗng. Những ý tưởng thì hoặc rất ngớ ngẩn hoặc rất cò con so với những ý tưởng đại bàng của các bậc cao nhân. Bạn lắng nghe là chính trong khi cật lực chạy đua với não của chính mình. Cuối cùng thì bạn cũng bắt đầu ‘xẹt’ ra một vài ý tưởng, rồi bị dập tắt, bởi người này hay người khác, lúc này hay lúc khác, round này hay round khác. Rốt cuộc, bạn chủ yếu chỉ viết lách như thợ viết hay cắt ghép hình ảnh như thợ phụ tiệm chụp hình. Một buổi brainstorm đầu tiên, bạn tự trấn an mình những lần sau sẽ khác. Rồi hai buổi, ba buổi, bạn như pin yếu phải được sạc đầy bằng chiến thắng, mà những chiến tích đó không gì khác hơn là những ý tưởng của bạn được lựa chọn. Bạn mệt mỏi, bạn hoài nghi, và những giọng nói bắt đầu thì thào bên tai bạn.


Tôi chẳng sáng tạo gì cả! Tôi không sáng tạo như tôi nghĩ! Tôi bất tài! Tôi chọn nhầm nghề…

Nếu bạn đã nghĩ như vậy thì, tốt thôi, đúng là như thế đấy, và sẽ chẳng có ai an ủi bạn cả. Bởi vì, bạn suy nghĩ như thế nào, bạn sẽ thành ra thế nấy. Bạn nghĩ mình sáng tạo và tràn ngập ý tưởng, thì bạn sẽ thật sự có ý tưởng. Ngược lại, nếu bạn cứ khoan sâu vào những suy nghĩ tiêu cực thì bi quan sẽ phun lên. Hãy tin tưởng bản thân, tin rằng bạn sẽ làm được, tin rằng bạn có sức mạnh của riêng mình. Phớt lờ những phê bình và chỉ trích trong đầu bạn đi. Đây có câu nói hay hay của một người sáng tạo lập dị từ rất xưa, xin tặng bạn.

“Nếu bạn nghe thấy những lời thỏ thẻ trong đầu mình rằng “Cưng à, cưng không thể vẽ được đâu”, thì bằng mọi giá, hãy vẽ đi, và giọng nói đó sẽ tắt đài ngay tắp lự” (Van Gogh, dịch ra tiếng Việt theo văn phong bình dân).

Hãy thay từ ‘vẽ’ bằng ‘tìm ra ý tưởng’ nhé.

Ý tưởng của tôi dở ẹc! Họ không chọn ý tưởng của tôi! Ý tưởng của người ta hay hơn tôi!

- Ủa, đã bảo bạn phải tin vào chính mình cơ mà.
- Nhưng nếu ý tưởng của tôi dở thật sự thì sao?
- Thì nghĩ ra cái khác!

“Tôi không thất bại! Tôi đã tìm ra mười nghìn giải pháp chưa hiệu quả, chớ giỡn!” (Thomas Edison)

Bạn phải hiểu rằng, ý tưởng không phải chuyện một cộng một bằng hai, không có đúng hoặc sai. Việc một ý tưởng được lựa chọn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, kể cả yếu tố con người, mà con người thì thường cảm tính và ít công bằng. Ví dụ giám đốc sáng tạo của bạn thích những ý tưởng vui nhộn thông minh, còn gu của khách hàng thì lãng mạn và cổ điển. Ý tưởng của bạn không được chọn không có nghĩa rằng bạn sai hay bạn ‘có vấn đề’.

Hãy nhớ một điều, ý tưởng là vô số, không phải một, mười hay hai mươi. Bạn đưa ra một ý tưởng và bị loại, phải tin rằng bạn còn những ý tưởng khác và có thể nghĩ ra ngay lập tức. Nếu ý tưởng của bạn được chọn, đừng bao giờ, đừng bao giờ ôm khư khư như một chiếc huy chương và tự đắc nghĩ rằng đã đủ rồi. Bởi vì khi được trình bày với Account hoặc khách hàng, ý tưởng đó rất có thể bị giết chết. Không có thời gian cho phút mặc niệm gì cả, hãy đứng bật dậy và nghĩ ra một loạt ý tưởng mới. Khi hỏi những vị giám đốc sáng tạo rằng ý tưởng của họ có hay bị loại bỏ không, tất cả đều nói rất thản nhiên “Có chứ sao không, bị hoài”. Tuy thái độ của họ khác nhau, người thì suy nghĩ “Được lắm! Tôi sẽ cho mấy người thấy tôi làm được gì!”, người thì hiền hoà hơn “Mỗi lần một ý tưởng bị loại bỏ là một cơ hội mới để những ý tưởng hay hơn ra đời”, nhưng điểm chung là họ đều đứng bật dậy sau thất bại. Làm việc trong ngành quảng cáo, bạn phải quen với việc ý tưởng bị giết hàng ngày, nhưng bạn không được sợ, không được nản, mà phải đứng dậy và đi tiếp.

Nhưng giả dụ như bạn không làm được như thế, thì sao?

Người ơi, người ở hay về?

Yêu nhau, không hợp rồi chia tay, chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Nhưng trước khi bạn quay lưng, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

“Mình đã đến đúng nơi cần đến chưa?”
Không như thời xa xưa khi quảng cáo chỉ bao gồm TV, báo, panô ngoài trời và radio, quảng cáo thời nay có năm bảy đường và bản chất công việc cũng rất khác nhau. Đồng ý rằng nếu bạn sáng tạo thì bạn nên có ý tưởng cho bất kỳ lĩnh vực gì, nhưng hãy tự hỏi đó có phải là những việc bạn yêu thích hay không. Ví dụ bạn thích nghĩ ý tưởng cho quảng cáo truyền hình và quảng cáo báo chí, nhưng bạn đang làm việc ở một công ty chuyên về digital, nơi mà những ý tưởng đều phải quy về website, Facebook, apps hay games, thì chuyện bạn dần mất đam mê cũng là dễ hiểu. Hãy nhớ xem mình thích làm những thể loại quảng cáo gì và xem bạn đến đúng chỗ chưa.

“Mình đã gặp đúng người cần gặp chưa?”
Cho là bạn đã tìm được công ty đúng lĩnh vực, nhưng liệu gu của bạn và công ty có phù hợp? Mỗi công ty quảng cáo có một style riêng, một khách hàng riêng, và những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến ý tưởng của bạn. Ví dụ, ý tưởng của bạn phóng khoáng, tươi vui, nhưng công ty quảng cáo nơi bạn làm việc chỉ khuyến khích những ý tưởng an toàn, trầm lặng, và những người làm việc chung với bạn cũng thế, thì bạn nên tìm một nơi khác. Thích nghi là một điều tốt, nhưng bạn phải tự hỏi ở môi trường đó minh học được gì, mình có thích những bài học đó hay không. Đây là những câu hỏi khó cho bất cứ ai, nhưng bạn còn trẻ, bạn nên lắng nghe trái tim mình và làm điều mình yêu thích nhất thay vì vừa chịu đựng vừa mơ mộng. Làm công việc mình yêu thích, bạn chắc chắn vẫn phải vất vả, nhưng cảm giác như khi bạn cùng người yêu đi dưới mưa hay ngồi tám chuyện đến hai ba giờ sáng. Mệt không? Mệt. Muốn làm thế nữa không? Sẵn sàng.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng, không được để trái tim mình xám lại. Bạn chưa có những thành tựu rực rỡ để ghi nhớ, bạn chưa phải những nhân vật kỳ cựu từng trải qua thời hoàng kim rồi tuột dốc nhưng vẫn tiếp tục đứng lên, bạn chưa chứng kiến những ý tưởng nhàu nhĩ và mệt mỏi qua nhiều can thiệp để cuối cùng không còn nhận ra hồn phách ban đầu, thì bạn không được phép bỏ cuộc. Bạn đã yêu quảng cáo từ rất lâu và vài tháng thử thách không xứng đáng để bạn thay đổi. Khuyên bạn tìm đọc quyển sách “Một nửa của 13 là 8”, đọc chậm rãi, từ từ, và đọc lại khi bạn xuống tinh thần, có tác dụng rất tốt, ít nhất là đối với tác giả bài viết này.

Chúc bạn một kỳ thực tập xuất hết sắc.

Nguồn Tôi Yêu Marketing