Ôi BlackBerry!

Hồi đầu năm nay, Tổng Giám đốc BlackBerry, ông Thorsten Heins đã rất lạc quan khi giới thiệu những mẫu điện thoại mới mà ông tin sẽ tạo nên một tương lai sáng sủa cho hãng sản xuất điện thoại thông minh Canada này.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã tạo ra một giá trị cực kỳ lớn. Hãy chờ xem”, ông nói.

Niềm lạc quan của ông chỉ là hảo huyền người tiêu dùng đã hoàn toàn hờ hững với các thiết bị mới như chiếc Z10 và Q10 cao cấp. Giá cổ phiếu của BlackBerry đã tụt dốc không phanh kể từ đó. Cách đây 3 tháng, các nhà đầu tư đã định giá BlackBerry ở mức 8,2 tỉ USD nhưng trong phiên giao dịch kết thúc vào ngày 9.8, vốn hóa thị trường của BlackBerry chỉ chưa tới 3 tỉ USD.

Giám đốc Điều hành BlackBerry Thorsten Heins giới thiệu BlackBerry Z10 tại New York vào ngày 30.1.2013.

Sự thất bại trong việc tung ra các thiết bị mới cùng với việc giá cổ phiếu liên tục sụt giảm và lượng khách hàng cũng giảm là một bằng chứng cho thấy Công ty đã đi đến bước đường cùng. Và ngày 12.8, BlackBerry cho biết Hội đồng Quản trị đã thành lập một ủy ban đặc biệt và thuê Ngân hàng JP Morgan Chase xem xét đánh giá các lựa chọn chiến lược trong đó có việc bán công ty, thành lập liên doanh hoặc hợp tác.

Sau tuyên bố bán công ty của BlackBerry, giá cổ phiếu đã tăng 10,5% lên 10,78 USD/cổ phiếu, đưa công ty đạt mức vốn hóa thị trường 5,65 tỉ USD.

Vì đâu đến nỗi?

Điều gì đã xảy ra với một công ty từng đi tiên phong trong ngành smartphone? Chỉ có thể trách BlackBerry đã quá chậm chân trong việc thích ứng với thị hiếu thay đổi của người sử dụng.

BlackBerry đã tạo ra ngành smartphone khi tung ra chiếc BlackBerry đầu tiên vào năm 1999, cho phép các nhà điều hành doanh nghiệp vốn luôn bận rộn có thể nhận và gửi mail (không dây) một cách dễ dàng. Không lâu sau đó, các mẫu BlackBerry Curve, Pearl và Bold ra đời với các đặc tính mới như camera, càng khiến cho thương hiệu BlackBerry nổi như cồn.

Thế nhưng năm 2007, chiếc iPhone của Apple xuất hiện và mọi thứ đã thay đổi. Ban đầu, BlackBerry vẫn còn dựa vào mối dây bền chặt với khách hàng doanh nghiệp và đặc tính an ninh cao của thiết bị như một lợi thế trước sự tấn công của iPhone. Nhưng điều đó đã không có tác dụng. Apple lôi cuốn người sử dụng vào cơn sốt smartphone với các thiết bị có nhiều đặc tính như chơi game, nghe nhạc, xem video. Cơn sốt iPhone lại được tiếp sức bằng sự bành trướng mạnh của Wi-Fi và các mạng di động khác.

Sự thất bại trong việc tung ra các thiết bị mới cùng với việc giá cổ phiếu liên tục sụt giảm và lượng khách hàng cũng giảm là một bằng chứng cho thấy Công ty đã đi đến bước đường cùng.

Không chỉ bị Apple cạnh tranh, BlackBerrry còn bị cạnh tranh mạnh mẽ từ Google với hệ điều hành di động Android cho phép người sử dụng cá nhân hóa thiết bị và từ đó ngày càng làm thay đổi cách con người sử dụng điện thoại.

Khi Apple tung ra iPad, BlackBerry đáp trả bằng máy tính bảng PlayBook, nhưng sản phẩm lại là một thất bại nặng nề, cho thấy BlackBerry đã bị bỏ lại đằng sau khá xa. BlackBerry chống chọi bằng nỗ lực cuối cùng: tung ra hệ điều hành BlackBerry 10 và 3 thiết bị mới vào đầu năm nay. Các mẫu điện thoại này đã nhận được một số đánh giá tích cực. Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Carolina Milanesi, chuyên gia phân tích tại Gartner, là “quá ít ỏi và đã quá trễ”. “Mọi người bây giờ hoàn toàn có thể chọn thiết bị mà họ muốn dùng trong công việc và họ không hề muốn chiếc BlackBerry”, bà nói.

Ngay cả nhóm khách hàng doanh nghiệp, BlackBerry cũng không còn giữ nỗi. Công ty đã mất các khách hàng doanh nghiệp quan trọng như Halliburton và Home Depot. Gần đây, BlackBerry đã mất dần nhóm khách hàng chính phủ, vốn là mảng Công ty từng chiếm lĩnh. Năm ngoái, Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ cho biết sẽ thay BlackBerry bằng các sản phẩm của Apple.

Theo hãng nghiên cứu IDC, thị phần của BlackBerry đã giảm từ mức xấp xỉ 50% tại Mỹ xuống còn chưa tới 3%. Xét trên toàn cầu, thị phần smartphone của BlackBerry chỉ còn 2,9% trong quý II năm nay, so với 4,9% của cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần smartphone của BlackBerry đã giảm mạnh trong những năm qua Nguồn: IDC - Đơn vị: %

Ai mua?

Mặc dù mảng thiết bị sa sút mạnh, nhưng Công ty vẫn sở hữu một số tài sản có giá trị. Theo ước tính của giới phân tích, mảng bản quyền của Công ty trị giá khoảng 2 tỉ USD. Mảng mạng lưới phần mềm an ninh từ lâu được xem là chuẩn vàng trong ngành và đây là tài sản được nhiều doanh nghiệp thèm khát. Công ty vẫn còn khoảng 3 tỉ USD tiền mặt và một số khoản đầu tư ngắn hạn và không hề mắc nợ.

Thế nhưng, mức phí BlackBerry thu về từ mảng phần mềm đang gặp áp lực lớn vì Apple và những công ty khác cũng đang chen chân vào thị trường thiết bị cho doanh nghiệp. Hơn nữa, số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của BlackBerry đã giảm 4 triệu xuống còn 72 triệu trong quý kết thúc vào ngày 1.6.2013.

Tuy vậy, BlackBerry vẫn được đánh giá là một doanh nghiệp đáng để mua. Trong số những công ty dòm ngó BlackBerry vào năm ngoái có quỹ Silver Lake, nhưng các cuộc đàm phán không đi đến đâu. Silver Lake hiện bận rộn với vụ mua lại Dell với giá 24,8 tỉ USD. Cách đây hơn 1 năm, Microsoft cũng đặt vấn đề với BlackBerry nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

Một nhóm người mua tiềm năng khác là các nhà sản xuất điện thoại châu Á như Samsung, HTC và Lenovo. Nhưng họ có thể sẽ gặp trở ngại từ Chính phủ Canada, vốn đã nói rất rõ rằng sẽ theo dõi sát sao những người mua từ nước ngoài (Microsoft, Samsung, HTC và Lenovo đều từ chối bình luận về vấn đề này).

Vẫn còn một người mua tiềm năng là Fairfax Financial Holdings, cổ đông lớn nhất của BlackBerry đang nắm giữ gần 10% cổ phần. Thứ Hai tuần qua, Prem Watsa, Tổng Giám đốc của Fairfax Financial Holdings, đã rời khỏi Hội đồng Quản trị của BlackBerry với lý do là “ngại sẽ có những mâu thuẫn về lợi ích nảy sinh trong quá trình bán BlackBerry”. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể ông sẽ mua lại BlackBerry (Watsa và BlackBerry đều từ chối bình luận về vấn đề này).

Theo các nguồn tin, Fairfax đang đàm phán với một số công ty để cùng mua lại BlackBerry. Đồng thời, Fairfax cũng muốn đưa Công ty rời sàn chứng khoán để tránh khỏi ánh mắt dòm ngó của dư luận khi Công ty tái thiết các dòng sản phẩm smartphone và mảng dịch vụ

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư