Hạt nêm, bột canh: Đậm phần ngoại, lạt phần nội

Thị trường hạt nêm hiện chỉ còn ba đối thủ lớn Knorr (Unilever), Maggi (Nestlé), Aji-Ngon (Ajinomoto) cạnh tranh và thống lĩnh.

Ngoại khuấy hạt nêm

Tham gia thị trường từ năm 2004, nhưng đến năm 2009, hạt nêm Chinsu chỉ đóng góp 1,4% trong cơ cấu doanh thu của Masan Food và chiếm chưa đến 5% thị phần. Vì vậy, năm 2009, hạt nêm Chinsu đã quyết định rút khỏi "sân chơi" này.

Tuy nhiên, doanh thu không phải là lý do chính mà theo các chuyên gia marketing là do chiến lược quảng cáo "gậy ông đập lưng ông" của Chinsu khiến người tiêu dùng không còn niềm tin và thiện cảm với thương hiệu này.

Dù không công bố con số cụ thể, nhưng cả ba công ty Unilever, Ajinomoto, Nestlé đều cho biết, những năm qua dù kinh tế khó khăn nhưng hạt nêm vẫn mang lại doanh thu ổn định và mức tăng trưởng khả quan.

Ông Lê Văn Vinh, Giám đốc Điều hành Ngành hàng thực phẩm Công ty Unilever, cho rằng: "Hạt nêm là một ngành hàng ổn định, sự cạnh tranh tuy gay gắt nhưng lành mạnh vì các DN liên tục cải tiến để cho ra sản phẩm mới. Vì vậy, tiềm năng của hạt nêm không nằm ở kích thước của thị trường mà nằm ở khả năng phát triển ngành hàng đó của mỗi DN".

Thực tế thị phần của ba thương hiệu này nếu tính trung bình đều ở mức xấp xỉ nhau. Có những thương hiệu mạnh ở thị trường này nhưng lại yếu ở thị trường khác. Chẳng hạn, theo đánh giá của Kantar Worldpanel Brand Footprint 2013, thương hiệu Maggi được chọn mua nhiều nhất trên thế giới.

Cụ thể, mức mua hàng và tần suất mua của người dùng với thương hiệu này là 1.580 điểm, Knorr 1.290 điểm và Ajinomoto 980 điểm. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, theo đánh giá của số đông người tiêu dùng, Knorr mạnh ở TP.HCM, nhưng Aji-Ngon lại được thị trường ở các tỉnh ưa chuộng, và Maggi vẫn đang theo sát Aji-Ngon.

Song song với cuộc đua thị phần, cả ba thương hiệu này còn mạnh tay quảng cáo để tăng sự nhận diện thương hiệu thông qua các spot quảng cáo trên truyền hình vào các "giờ vàng", kể cả len vào các chương trình tài trợ ca nhạc, game show...

Ông Vinh cho biết: "Để phát triển ngành hàng, chúng tôi không chỉ có những spot quảng cáo sản phẩm đơn thuần mà còn đầu tư vào các chương trình hướng dẫn sử dụng sản phẩm, khơi dậy nhu cầu ăn ngon của mỗi gia đình như tài trợ cho các chương trình có nội dung liên quan đến cuộc thi hoặc dạy chế biến món ăn".

Song, cạnh tranh sản phẩm vẫn là "trận chiến" nóng nhất. Gần như một thương hiệu vừa công bố chiến lược mới, thì ngay sau đó các thương hiệu khác cũng có những chiến lược đua theo.

Đơn cử, tháng 7/2013, Ajinomoto công bố cải tiến chất lượng cho hạt nêm Aji -Ngon bằng việc đầu tư 3 triệu USD vào phân xưởng chiết xuất nước hầm xương và thịt, đồng thời cải tiến bao bì.

Aji-ngon

Ông Hiroharu Motohashi, Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, giới thiệu sản phẩm hạt nêm Aji-ngon mới

Với chiến lược này, ông Hiroharu Motohashi, Tổng giám đốc Ajinomoto Việt Nam, tự tin sản phẩm của Công ty sẽ nhanh chóng tăng thị phần vì là công ty đầu tiên đầu tư dây chuyền chiết xuất nước hầm các loại xương ống, xương sườn, thịt nạc vai và thịt nạc đùi heo.

Trong khi đó, Nestlé cũng kịp ra mắt hạt nêm Maggi 3 ngọt bổ sung vi chất sắt với hai loại heo và gà. Unilever cũng không chậm chân khi công bố đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng trong chương trình Bổ sung vi chất dinh dưỡng quốc gia và trung tuần tháng 8/2013 sẽ chính thức ra mắt sản phẩm Knorr bổ sung vitamin A.

Nội hớt bột canh

Thị trường gia vị Việt Nam phát triển nhanh, trên 50%/năm, nên thu hút rất nhiều thương hiệu tham gia.

Tuy nhiên, trước ba DN nước ngoài có bề dày thương hiệu, nội lực lẫn tài chính, hầu như các DN nội muốn chen chân vào lĩnh vực sản xuất hạt nêm đều rất e dè và đa số chỉ dừng ở bột canh, bột nêm.

Những nhãn hiệu bột nêm gia vị khác, xét về năng lực sản xuất thì các nhà máy như Vifon, Vissan, Miliket... có quy mô tương đương Unilever hay Nestlé. Tuy nhiên, các sản phẩm nội đều thất thế trước các đối thủ nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Công ty Thực phẩm Việt Hương:

"Cái khó nhất khi các DN trong nước tham gia lĩnh vực này là thương hiệu. Trên thị trường hiện nay, hầu như nói đến hạt nêm, người tiêu dùng chỉ biết đến Knorr, Aji-Ngon và Maggi. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng rất khó, đòi hỏi thời gian rất lâu".

Đại diện của nhiều siêu thị thì cho rằng, kinh doanh các sản phẩm gia vị phụ thuộc vào khuyến mãi và quảng cáo.

"Cái khó nhất khi các DN trong nước tham gia lĩnh vực này là thương hiệu. Việc thay đổi thói quen tiêu dùng rất khó, đòi hỏi thời gian rất lâu."

Đầu năm 2013, Việt Hương cũng đã ra mắt bột nêm nhưng đã ngưng sản xuất vì sau thời gian bán thăm dò, người tiêu dùng không mặn mà đón nhận.

Hơn nữa, theo các chuyên gia trong ngành, công nghệ sản xuất bột canh chỉ đơn giản là công nghệ trộn, trong khi sản xuất hạt nêm đòi hỏi dây chuyền và công nghệ cao hơn để sấy và tạo hạt.

Chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất cũng khá cao, đơn cử đầu tư một máy sấy tầng sôi công suất 500 kg đến một tấn/ngày cũng hơn một tỷ đồng. Song, đó là bài tính của các DN nhỏ, còn các DN lớn như Acecook còn phải tính toán về nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Văn Hùng, đại diện Acecook Việt Nam, cho biết: "Trước đây, Acecook Việt Nam cũng đã sản xuất bột canh nhưng doanh thu không đáng kể nên đã ngưng và đang xem xét kế hoạch sản xuất hạt nêm. Tuy nhiên, nếu Acecook sản xuất hạt nêm thì vẫn không có lợi thế về nguồn nguyên liệu so với các DN lớn đang kinh doanh nên chúng tôi vẫn phải cân nhắc".

Nguồn Dùng hàng Việt