Masan bắt đầu mạo hiểm?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San - Masan Group (MSN) đã có quyết định điều chuyển ông Madhur Maini, Tổng Giám đốc Điều hành MSN, sang vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Masan Consumer Holdings, một thành viên mới ra đời của MSN và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Masan Resources.

Việc thay đổi vị trí của nhà lãnh đạo chủ chốt Madhur cho thấy MSN đang có những thay đổi quan trọng về mặt chiến lược. Đồng thời, sự ra đời của Masan Consumer Ventures cũng cho thấy Tập đoàn đang chuẩn bị một bước chuyển đổi lớn trong ngành hàng tiêu dùng. Liệu Masan có tạo ra được những đột phá với cơ cấu mới như đã làm với Masan Consumer?


Nước cờ Masan Consumer Holdings

Theo kế hoạch được công bố hồi tuần rồi, MSN cho biết sẽ chuẩn bị thành lập Masan Consumer Holdings (MCH). Đây sẽ là công ty mẹ quản lý hai công ty con gồm công ty hiện hữu là Masan Consumer (MC) và công ty mới Masan Consumer Ventures (MCV).

Ông Madhur Maini, Tổng Giám đốc Điều hành MSN, sẽ đảm nhận vai trò mới là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MCH và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Masan Resources. Đồng thời, ông vẫn là thành viên Hội đồng Quản trị của MSN. Madhur là nhân vật chủ chốt chịu trách nhiệm chỉ đạo thành lập và phát triển MCH với tầm nhìn là xây dựng nền tảng ngành hàng tiêu dùng sâu rộng hơn.

MC từng là quân cờ chính của MSN. Hàng loạt thành tích ấn tượng của MSN trước đây hầu hết đều mang dấu ấn của MC. Nhưng việc cơ cấu lại con át chủ bài MC lần này cho thấy dường như MSN cảm thấy chiếc áo hiện tại của mình - MC trở nên chật chội. Giải thích về việc tái cấu trúc này, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Điều hành tạm thời của MSN, cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục cải thiện nền tảng hoạt động của mình để đón làn sóng tăng trưởng tiếp theo”.

Việc thay áo mới lúc này là một quyết định hợp lý của MSN vì giúp Tập đoàn tạo thêm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhiều hứa hẹn.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam hiện bằng 63% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang rất cao, đạt đến 23%, theo một nghiên cứu mang tên “Grocery Report 2012” của Nielsen. Tỉ lệ này vượt qua cả những thị trường lớn trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc. Rõ ràng, ngành FMCG ở Việt Nam đang là điểm sáng nhất trong số các thị trường mới nổi tại châu Á, khu vực hiện đóng vai trò là động lực tăng trưởng của thế giới.

Hiện tại, MC vẫn giữ các mảng chủ đạo với những sản phẩm đã làm nên tên tuổi của Công ty như nước mắm (Chin-su, Nam Ngư), nước tương (Chin-su, Tam Thái Tử), mì ăn liền (Omachi, Kokomi), cà phê (Vinacafé, Wake Up) và nước khoáng đóng chai (Vĩnh Hảo). Còn MCV sẽ nắm giữ cổ phần của Proconco và công ty Bia Phú Yên (thương vụ mua gần đây).

Tham vọng lớn

Việc thay đổi “trụ cột” Madhur cho thấy MSN đang có tham vọng mới và chấp nhận mạo hiểm nhiều hơn.

Tên tuổi của ông Madhur gắn liền với MSN qua những thương vụ đình đám trong suốt nhiệm kỳ 5 năm. Ông đã giúp MSN huy động hơn 1,5 tỉ USD từ thị trường vốn quốc tế và mua lại thành công các doanh nghiệp hàng tiêu dùng hàng đầu trong nước. Bất chợt, ông Madhur được giao trọng trách điều hành MCH. Dường như vai trò mới này không mấy phù hợp với sở trường của ông Madhur. Tuy nhiên, nếu xét kỹ sẽ thấy đằng sau sự sắp xếp này là tham vọng lớn hơn của MSN: tăng trưởng từ hai phía.


Việc đưa ông Madhur phụ trách MCH cùng với Masan Resources cho thấy Masan đang quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra dòng tiền. Đó là tập trung tạo ra dòng tiền ổn định từ mỏ Núi Pháo và tăng cường đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng có cơ hội tăng trưởng cao của MCH.

Hiện nay, nhà máy Núi Pháo đang ở giai đoạn hoạt động thử nghiệm và Công ty sẽ có được khoản doanh thu đầu tiên vào cuối năm 2013. MSN vừa cho biết Công ty Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo sẽ cùng với Tập đoàn H.C. Starck lập liên doanh để tinh luyện vonfram từ mỏ này. H.C. Starck là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất kim loại công nghệ cao.

Ngoài ra, nếu trước đây MC chiếm lĩnh thị trường nhờ vào các sản phẩm nước chấm và mì ăn liền thì nay có thể đưa thêm cà phê và nước uống đóng chai vào danh mục sản phẩm thông qua các công ty mới mua lại là Vinacafé Biên Hòa và Vĩnh Hảo. Đây là những ngành hàng hứa hẹn còn nhiều tiềm năng cho MSN nhằm phục vụ thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.

Có thể thấy Madhur đang giữ vai trò quan trọng khi nắm trong tay hai mũi nhọn tạo ra nguồn tiền chính cho MSN. Rất có thể nguồn tiền dồi dào này một phần giúp phục vụ tham vọng lớn của Masan thông qua MCV. Theo Giám đốc một công ty tư vấn doanh nghiệp (không muốn nêu tên), sẽ không bất ngờ khi MCV lấn sang các lĩnh vực mới như y tế, dược, bán lẻ…

MSN từng thành công với nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nay lại muốn lấn sang các lĩnh vực liên quan. “Miễn là có liên quan đến ngành hàng tiêu dùng và có nhiều tiềm năng thì họ đều có thể nhảy vào”, vị Giám đốc trên nói thêm.

Thế nhưng, tham vọng lớn của MSN cũng có những rủi ro nhất định. Tuy thuộc các lĩnh vực có liên quan, nhưng các ngành hàng khác nhau đòi hỏi kinh nghiệm quản lý khác nhau. Đây là rào cản đầu tiên. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của thị trường có thể không như kỳ vọng của Tập đoàn. Bởi vậy, khả năng thành công trong cuộc chơi MCH sẽ vẫn là một ẩn số chờ MSN giải đáp, mà trách nhiệm chính thuộc về ông Madhur.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư