Quảng cáo trên di động và 3 nhân tố được lòng doanh nghiệp

3 năm liên tiếp từ 2011- 2013 đều được các chuyên gia quảng cáo nhận định là năm của mobile marketing. Vậy nhân tố nào khiến quảng cáo di động lại được lòng cả marketers lẫn doanh nghiệp đến vậy?

Targeting tốt hơn hay quảng cáo “đúng người, đúng lúc”

Điện thoại di động là vật dụng mang tính cá nhân. Với PC hay laptop, chủ nhân có thể chia sẻ để người khác dùng chung nhưng thông thường với điện thoại thì không. Rất nhiều thông tin cá nhân chỉ được người dùng chia sẻ trên di động. Chính vì thế, dữ liệu về nhân khẩu học hay tâm lý học theo thông số của di động được đánh giá là tốt hơn hẳn.

Cùng với sự phát triển của các mạng xã hội, hệ thống quản lí dữ liệu khách hàng (CRM) được nâng lên một tầm cao mới. Việc khớp các dữ liệu như số di động và địa chỉ email để tìm hiểu các hành vi người dùng trên Internet đưa lại dữ liệu có độ tin cậy cao hơn trước rất nhiều.

Bên cạnh vấn đề nắm bắt thông tin người dùng một cách chính xác, cách thức phân chia nhân tố targeting trên di động cũng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Ngoài các tiêu chí như giới tính, độ tuổi, vùng miền hay tỉnh thành sinh sống, giờ đây, doanh nghiệp quảng cáo trên di động có thể chọn lựa đối tượng mục tiêu chi tiết đến cả hệ điều hành, dòng máy, kích cỡ màn hình, và nhà cung cấp dịch vụ mạng.

Báo cáo tỷ lệ giữa các hệ điều hành trong một chiến dịch mobide ads

Lấy ví dụ, một phần mềm hay ứng dụng được phát triển dành riêng cho Iphone với hệ điều hành iOS, muốn chào hàng đến nhóm khách hàng mục tiêu này thì khả năng chọn đối tượng theo hệ điều hành sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí quảng cáo. Thêm vào đó, các chiến dịch có nhiều tiêu chí để phân chia đối tượng mục tiêu được chứng minh là có khả năng sinh lợi từ quảng cáo và mang lại tỉ lệ hoàn vốn đầu tư (ROI) lên đến trên 5%.

Đa dạng nhiều hình thức quảng cáo

Với sức mạnh sáng tạo sản phẩm như vũ bão, quảng cáo di động ngày càng phong phú về hình thức và chuyên nghiệp về thiết kế. Một số định dạng mobile ads trên thị trường có thể kể tên như Inline, PopUp, CatFish, Sponsored Post, CPA, quảng cáo trên mobile app,…

PopUp là định dạng quảng cáo dành cho những khách hàng muốn gây sốc, gây thu hút sự chú ý ngay lập tức khi họ mở trang. Quảng cáo PopUp hiển thị hoàn toàn trên màn hình điện thoại và gây ấn tượng mạnh với người xem bởi hiệu ứng về hình ảnh phong phú. Đây là sự lựa chọn thích hợp cho những nhãn hàng mong muốn độc giả tiếp nhận thông điệp trực tiếp về sản phẩm mới hoặc những chương trình khuyến mại đang nóng.

Trong khi đó, CatFish là hình thức quảng cáo được đánh giá cao trên thế giới và cả tại Việt Nam. Đặc điểm nổi trội của CatFish là khả năng “bắt dính” vào màn hình di động. Khi màn hình có dịch chuyển, quảng cáo vẫn đảm bảo độ hiển thị và thu hút đối với độc giả.

Một mẫu quảng cáo Pop Up trên phiên bản mobile của Dân Trí

Một định dạng quảng cáo phổ biến trên các website của Internet cũng được mang vào di động, đó là Banner Ads. Loại hình này có thể xuất hiện trên trang chủ hoặc các trang chuyên mục với sự đa dạng về kích cỡ, phù hợp nhiều loại màn hình. Đây là định dạng quảng cáo phù hợp khi doanh nghiệp muốn xây dựng và duy trì nhận thức thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Hình ảnh có thể xuất hiện đều đặn ở những vị trí dễ dàng nhận được sự chú ý của độc giả.

Các định dạng mobile ads ngày càng được sáng tạo, cải tiến và có những bước vươn xa, chứ không hề gói gọn trong những quảng cáo nghèo nàn, kém thu hút “trên một chiếc điện thoại bé tí tẹo” như lầm tưởng một số marketer trước đây.

Đo lường rõ ràng, tối ưu hóa lợi nhuận

Với quảng cáo trên di động, doanh nghiệp có rất nhiều chỉ số để có thể đo kiểm kết quả, biết được dòng tiền đổ vào quảng cáo của mình đã giúp doanh nghiệp sinh lời ra sao.

Các chỉ số đo kiểm có thể kể tới như lượt views, lượt clicks hay số tương tác của độc giả với quảng cáo. Ngoài ra, các hình thức trả tiền theo hiệu quả quảng cáo cũng giúp doanh nghiệp “định vị” được chi phí đã bỏ ra của mình so với hiệu quả thu về. Ba hình thức thanh toán phổ biến thường dùng như:

+ CPC (cost per click): trả tiền theo số click vào quảng cáo

+ CPM (cost per impression): trả tiền theo mỗi 1000 lượt hiển thị của quảng cáo

+ CPA (cost per action): trả tiền cho mỗi một hành động mục tiêu mà công chúng thực hiện như tải và cài đặt một ứng dụng hoặc mua hàng hay đăng ký dùng thử sản phẩm,…

Demo của một quảng cáo CatFish (trong hình là phần màu đỏ dưới chân màn hình mobile)

Trong ba phương thức trên, CPA đang là hướng đi yêu thích của nhiều doanh nghiệp bởi hình thức này có khả năng đo lường ROI dễ dàng và có tính chất kích doanh thu, kích sản lượng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các báo cáo chiến dịch real-time xuất ra từ hệ thống mobile ads ngày nay còn thể hiện thông tin chi tiết đến từng hệ điều hành, loại máy, nhà mạng, tỉnh thành, giới tính,… của người xem, người click vào quảng cáo. Advertiser có thể điều chỉnh chiến dịch và hiểu rõ hơn công chúng của mình. Đây là điều mà các hình thức quảng cáo truyền thống như báo in, truyền hình,… khó lòng thực hiện được.

Chốt lại, có thể thấy sự chuyển biến chóng mặt của quảng cáo trên di động trong một khoảng thời gian ngắn là nhân tố khiến loại hình này ngày càng được nhiều doanh nghiệp và marketers lựa chọn. Với tốc độ cải tiến và không ngừng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, mobile ads tiếp tục khẳng định chỗ đứng trong ngành công nghiệp quảng cáo.

Nguồn AdTimes