"Điểm mặt" những quảng cáo "lừa" người tiêu dùng

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra “tối hậu thư” yêu cầu các tổ chức, cá nhân ngừng ngay việc quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Nhân sự kiện này, có thể điểm lại những quảng cáo bị "bóc mẽ" gian dối trong thời gian qua.

Hạt nêm “không bột ngọt”

Nhiều bà nội trợ cho rằng, mì chính không tốt cho sức khỏe và thay vì sử dụng mì chính, họ chuyển sang dùng hạt nêm với suy nghĩ rằng: hạt nêm được kết tinh từ thịt và nước hầm xương bởi ngày nào họ cũng được nghe quảng cáo "ngon từ thịt, ngọt từ xương".


Hạt nêm không bột ngọt nhưng có… mì chính

Trên hầu hết các bao bì của sản phẩm hạt nêm trên thị trường, đều có ghi rõ không bột ngọt (mì chính) nhưng lại ghi thành phần có chất điều vị (631, 627) hoặc Sodium Glutamate được ghi chú trong mục giới thiệu thành phần.

Năm 2008, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đã nhận xét nghiệm 2 mẫu hạt nêm của 2 nhãn hiệu bột nêm nổi tiếng và phổ biến trên thị trường là Knorr và Maggi. Kết quả cho thấy cả 2 mẫu hạt nêm này đều có chứa Monosodium Glutamate (tên gọi khoa học của bột ngọt) với hàm lượng: Knorr 31,3g/100g, Maggi 28,6g/100g.

Chính bởi tin tưởng vào những lời quảng cáo của các hãng sản xuất, nhiều người bị dị ứng với bột ngọt đã chuyển sang ăn hạt nêm mà không hay biết họ vẫn đang ăn bột ngọt.

"Cà phê thật" có thật từ cà phê?

Quảng cáo với slogan "cà phê chỉ làm từ cà phê" và cam kết "cà phê thật" của Vinacafe Biên Hòa đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng. Người ta tin rằng, một công ty dám "mạnh miệng" tuyên bố như vậy hẳn phải vô cùng tự tin với công nghệ sản xuất hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng chất bảo quản của mình. Tuy nhiên, đã có rất nhiều dẫn chứng nghi ngờ tính trung thực trong quảng cáo này.

Một sản phẩm của Vinacafe Biên Hòa như cà phê Wake up hương chồn, trên bao bì sản phẩm này ghi rõ thành phần có sử dụng "hương tổng hợp dùng trong thực phẩm (hương cà phê chồn)". Như vậy, nếu nói sản phẩm của Vinacafe Biên Hoà "hoàn toàn không sử dụng hương liệu tổng hợp tạo mùi cà phê và bất cứ một phụ gia nào khác" là không đúng.


Vinacafe Biên Hòa còn gây tranh cãi khi đưa ra lời khuyên phân biệt cafe thật - giả: Đổ cà phê vào nước không chìm là cà phê thật? Cơ sở khoa học nào ở thí nghiệm này?

Vinacafe còn bị "quy tội" nhập nhằng xuất xứ sản phẩm. Trong quảng cáo của Vinacafe có đoạn: "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam". Tuy nhiên, chuyên gia tại Phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra, chỉ duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó Chư Sê đăng ký hồ tiêu, Long Khánh là cao su và các sản phẩm công nghiệp...

Mì Gấu đỏ lợi dụng lòng trắc ẩn

Giữa năm 2012, dư luận xôn xao bàn tán clip quảng cáo xúc động của mỳ Gấu Đỏ bởi người ta nghĩ cậu bé Tuấn ung thư là nhân vật có thật, nhưng trên thực tế, đây chỉ là diễn viên đóng thế; và rằng mỳ Gấu đỏ đang lợi dụng lòng trắc ẩn, tình thương của cộng đồng nhằm mục đích kiếm tiền.Tuấn chỉ là diễn viên đóng thế


Tuấn chỉ là diễn viên đóng thế

Trong quảng cáo cũng có nói mỗi gói mì bạn ăn là bạn đã đóng góp 10 đồng cho trẻ em nghèo. Nghe đến câu này, người tiêu dùng không mấy ai để ý khoản tiền quyên góp được sẽ là bao nhiêu.

Người ta chỉ nghĩ rằng, ăn mì Gấu đỏ dù ít dù nhiều cũng đang đóng góp cho các bệnh nhân ung thư và chia sẻ gánh nặng cho cộng đồng. Nhưng nếu tính ra nếu mỗi ngày ăn 1 gói, bạn sẽ đóng góp được 10 đồng, vậy là để có 10.000 đồng bạn sẽ phải mất 3 năm. Nếu muốn góp 100.000 đồng, bạn phải mất 30 năm ăn mỳ liên tục. Còn khi muốn góp 1 triệu đồng, bạn phải ăn mì tới 300 năm.

Lập lờ nguồn gốc nước mắm

Khi tung ra thị trường dòng sản phẩm "nước mắm Phú Quốc Knor", Unilever quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm ở đảo Phú Quốc. Điều này đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đó là "nước mắm Phú Quốc" nổi tiếng.

“Cao tay” hơn cả Unilever, Masan Food tung ra thương hiệu nước mắm Nam Ngư cá hồi và Chinsu cá hồi, loại sản phẩm này thực chất không phải là nước mắm được làm từ cá mà được pha chế và tẩm "hương" cá. Trên sản phẩm có ghi rõ "nước mắm" có "hương cá hồi", tuy nhiên chữ cá hồi in to còn chữ hương cố tình in rất nhỏ.


Nước mắm cá hồi thật ra chỉ có hương cá hồi

Cũng chẳng mấy bà nội trợ để ý thành phần của "nước mắm" này được sử dụng "tinh chất cá cơm" chứ không phải "cá cơm" như trên các chai nước mắm truyền thống Phan Thiết, Phú Quốc hay tại nhiều làng nghề khác.

Nguồn Báo Pháp Luật