Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Bức xúc quảng cáo hạt nêm

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, khi xem quảng cáo của một số hãng bột nêm hiện nay, người tiêu dùng thực tế đang bị đánh lừa cảm giác là “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, nhưng thực tế các thành phần này ghi trên bao bì chỉ chưa quá 2%.

Với tỷ lệ này, vị ngọt của bột nêm có thực sự là do thịt với xương, hay do 98% các chất điều vị khác. “Là một người quản lý, nhưng cũng là một người tiêu dùng, tôi cũng cảm thấy rất bức xúc trước những quảng cáo không trung thực và đúng bản chất”, ông Phú nhấn mạnh.

Hạt nêm xương thịt 3 miền không ghi rõ tỷ lệ thành phần

Cũng theo ông Phú, chính việc quảng cáo không trung thực hiện nay đã đánh lừa rất nhiều người tiêu dùng. Theo quy định, các quảng cáo trước khi phát trên truyền hình phải được kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng hiện nay việc kiểm soát này rất khó vì mỗi ngày có tới hàng loạt các công ty, nhãn hàng, sản phẩm được phát trên truyền hình.

Việc quảng cáo không trung thực, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà sản xuất, nhà đài khi phát chương trình cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

“Theo tôi, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Bộ Thông tin Truyền thông phải có những hình thức xử phạt thật nghiêm các trường hợp vi phạm. Vì quảng cáo sai, tức là lừa người tiêu dùng. Quan điểm của tôi là quảng cáo phải trung thực và đúng luật”, ông Phú cho biết.

Đối với việc kiểm soát hàng vào siêu thị, theo ông Phú, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn mặt hàng được nhập về và bày bán, vì vậy siêu thị chỉ có thể kiểm soát chất lượng thông qua các giấy tờ đăng ký chất lượng.

“Việc ghi thành phần cụ thể trên nhãn mác hay quảng cáo quá lên thì siêu thị không kiểm soát được.

Siêu thị không bóc được gói bột nêm ra để kiểm nghiệm, mà chỉ căn cứ trên giấy chứng nhận, hàm lượng thành phần theo đúng như giấy kiểm định.

Chỉ trong trường hợp gói bột nêm bị rách, nát, ẩm ướt hay hết hạn sử dụng thì siêu thị mới trả lại cho nhà sản xuất”, ông Phú nói.

Lý giải nguyên nhân nhiều nhà sản xuất vẫn tung hỏa mù quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú cho biết, mặc dù Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã có hiệu lực, nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trong khi đó, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước thì quá bất cập. Nhiều sản phẩm quảng cáo không đúng, nhưng chưa bị cơ quan nào phanh phui ra.

Nhà nước hiện nay cũng quản lý quá nhiều mặt hàng, vì vậy không thể kiểm soát được, riêng thị trường bột nêm, mì chính đã có tới hàng trăm nhãn hàng và loại sản phẩm.

“Lực bất tòng tâm, vì vậy chỉ khi nào, người tiêu dùng có phản ánh thì cơ quan nhà nước mới vào cuộc. Theo tôi, chế tài xử phạt hiện nay cũng đang quá nhẹ. Ở các nước khác nếu vi phạm có thể sẽ bị bỏ tù, nhưng ở Việt Nam thì cùng lắm là phạt mấy triệu đồng, số tiền với doanh nghiệp không là vấn đề gì”, ông Phú chia sẻ.

Ngoài ra, hiện nay việc quản lý các mặt hàng cũng đang hết sức chồng chéo, chỉ riêng về an toàn vệ sinh thực phẩm đã có tới 3 Bộ cũng chịu trách nhiệm và vì thế khi xảy ra sự cố không ai sẽ chịu trách nhiệm cụ thể.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có đưa ra nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý đối với an toàn thực phẩm là theo quá trình, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quá trình sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt) đến sản phẩm tươi, sống (sơ chế, đông lạnh). Bộ Y tế quản lý quá trình sản xuất hàng tiêu dùng (Thực phẩm chế biến sẵn để ăn ngay và thực phẩm bao gói sẵn).

Nhưng Luật an toàn thực phẩm lại phân trách nhiệm cho 3 Bộ (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương) theo nhóm sản phẩm (theo thành phần cấu tạo chính) và xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn, món ăn và hàng nhập khẩu.

Vì thế đã tạo ra sự chồng chéo về quản lý tại các cửa khẩu và tạo ra nhiều cửa quan trong quản lý công bố hợp quy. Hệ quả này là sự phân công trách nhiệm không thống nhất trong Luật an toàn thực phẩm với nguyên tắc phân công trách nhiệm trong Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và cũng trái với nguyên tắc, chủ trương điều hành của chính phủ là “mỗi Bộ chịu trách nhiệm một lĩnh vực”.

Ngoài ra, theo ông Phú, cũng như các lĩnh vực khác, chúng ta không thiếu văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, nhưng vấn đề là khâu tổ chức thực hiện rất yếu, nên mới có tình trạng các nhãn hàng đua nhau quảng cáo quá lên, thổi phồng sự thật và người tiêu dùng thì bị đánh lừa.

Người tiêu dùng dè dặt với bột nêm

Theo khảo sát của phóng viên tại một số siêu thị, cửa hàng, đại lý có bày bán các loại bột nêm, người tiêu dùng đã thận trọng và dè chừng hơn trong việc lựa chọn loại gia vị này cho bữa ăn hàng ngày.

Chị Hiền (Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay, nhà chị thường sử dụng bột nêm để thay thế cho các gia vị khác vì thấy quảng cáo là được làm từ xương và thịt nên chị cảm thấy rất an tâm.

Nhưng từ khi đọc thông tin trên báo và xem lại thành phần trên bao bì thì thấy thịt và xương chỉ có 2%. Nghi ngờ vị ngọt của bột nêm là do các chất điều vị khác, nên gia đình nhà chị không sử dụng nữa, mà chuyển về dùng các gia vị thông thường như muối, mắm, mì chính để chế biến món ăn.

Còn theo cô Hằng, chủ một cửa hàng thực phẩm ở chợ Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) thì khoảng nửa tháng trở lại đây, lượng người hỏi mua các loại bột nêm giảm hẳn. Trước đây, mỗi ngày cửa hàng của cô bán ít nhất cũng vài chục gói, chủ yếu là của hãng Knorr, nhưng giờ mỗi ngày chỉ có vài ba khách hỏi mua. Đặc biệt, nhiều người hỏi mua rồi xem nhãn mác, bao bì xong lại quyết định không lấy nữa.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội, theo phản ánh của các nhân viên trực quầy hàng, thì lượng người mua các loại bột nêm cũng giảm từ 5 – 10% so với tháng trước.

Nguồn CafeBiz