Thức ăn nhanh phòng bị từ xa

Theo một số nguồn tin chưa chính thức, trong thời gian đầu, Starbucks sẽ liên doanh với đối tác Việt Nam để nghe ngóng tình hình thay vì nhượng quyền thương hiệu như họ vẫn làm. Sự hiện diện của họ tại Việt Nam sẽ là mối đe dọa đối với các đối thủ như The Coffee Bean & Tea Leaf, Gloria Jean’s Coffees, Highlands Coffee, Trung Nguyên...

Chuẩn bị đối mặt

Trước thông tin Starbucks sắp vào Việt Nam, các chuỗi thức ăn nhanh khác đã có kế hoạch gia tăng thị phần tại đây trong năm nay. Theo đó, chuỗi bánh mì kẹp thịt Subway sẽ mở thêm 2 cửa hàng vào tháng 10 và tháng 12.2012 tại quận 1 và quận 7, Bùi Lê Bích Trâm, Giám đốc Tiếp thị của Subway, cho biết.

Tham gia thị trường Việt Nam từ 1.4.2011 theo hình thức bán hợp đồng nhượng quyền gốc cho Công ty IFB Holdings, đến nay, Subway đã có 3 cửa hàng tại quận 1. Vốn đầu tư mỗi cửa hàng từ 300.000-350.000 USD. Theo cô Trâm, sau khi vượt ngưỡng thử thách 5 cửa hàng do IFB Holdings quy định, Subway sẽ có thể tự đầu tư bàn ghế, giấy gói bánh mì, giấy dán tường... Khi đó, họ sẽ giảm được chi phí do không phải nhập khẩu 100% theo quy định.

“Sau khi vượt ngưỡng 5 cửa hàng, chúng tôi sẽ bán nhượng quyền tại Việt Nam nhằm mở thêm 10 cửa hàng trong năm 2013. Khi đó, chúng tôi có thể kinh doanh có lãi”, Trâm cho biết.

Một chuỗi thức ăn nhanh khác của Mỹ là The Coffee Bean & Tea Leaf cũng có những động thái gia tăng vị thế trước nguy cơ bị đối thủ mới soán thị phần. Thương hiệu này được IFB Holdings sở hữu 100% tại Việt Nam với 9 cửa hàng tại các vị trí trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM. Theo kế hoạch, Công ty sẽ bắt đầu phương án bán nhượng quyền từ năm 2013 nhằm nâng sự hiện diện của chuỗi tại Việt Nam lên 20 cửa hàng.

Lắm thách thức

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2011, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh Việt Nam ước đạt 870 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu vẫn thuộc về các thương hiệu ngoại như KFC (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc), Jollibee (Philippines)...

Dân số xấp xỉ 90 triệu người với khoảng trên 65% ở độ tuổi dưới 35, Việt Nam vẫn là thị trường màu mỡ đối với các chuỗi thức ăn nhanh. Vì vậy, làn sóng các thương hiệu của Mỹ đang gia tăng sự hiện diện tại đây cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các thách thức từ thị trường không phải là ít.

Trước hết, khó khăn đầu tiên vẫn là vấn đề mặt bằng. Mới vài tháng trước, cửa hàng Gloria Jean’s Coffees ở góc Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp đã phải đóng cửa vì không thể tiếp tục kham nổi giá thuê. Năm 2011, bà Nguyễn Phi Vân, Giám đốc Tiếp thị của thương hiệu này cho biết: “Giá thuê khoảng hơn 400 triệu đồng/tháng và chúng tôi đã có lãi sau chỉ 1 năm hoạt động”.

Bên cạnh đó, biến động nhân sự cũng là vấn đề đặt ra đối với các chuỗi thức ăn nhanh. Đơn cử là trường hợp của cô Trâm từ Công ty Việt Thái, chủ sở hữu chuỗi Highland Coffee đã nhảy sang Subway. Tân quản lý hoạt động chuỗi Starbucks trong tương lai cũng vừa được săn từ một thương hiệu cà phê khá phổ biến tại Việt Nam.

Sau cùng là thách thức trong việc địa phương hóa khẩu vị. Ông Phạm Việt Anh, chuyên gia tư vấn thương hiệu của Left Brain Connectors, cho rằng thực hiện được điều này là không hề đơn giản. Nguyên do là khẩu vị thường gắn liền với văn hóa của từng vùng miền ở Việt Nam, rất khó để có thể hiểu được tường tận.

Một trong những thương hiệu ngoại biết chú trọng và đã thành công về vấn đề này là KFC. Ngay từ khi vào Việt Nam năm 1997, KFC đã thực hiện các cuộc nghiên cứu về những phản ứng của khách hàng về các loại gà đem rán để có thể chọn ra thực đơn hợp khẩu vị người Việt.

Nguồn Lanta Brand