Từ chuyện “Tous les jours”

1. Ở thành phố Hồ Chí Minh có một số hiệu bánh ngọt mang tên “Tous les jours”. Nhìn biển hiệu này, ai cũng nghĩ rằng đây là những hiệu bánh ngọt của Pháp. Và thực sự thì các loại bánh ngọt được bày bán trong này cũng hoàn toàn mang phong vị châu Âu. Và người tiêu dùng đinh ninh rằng, vào đây mua bánh là trăm phần trăm bánh xuất xứ từ Pháp, hoặc làm theo kiểu Pháp.

Năm 2010, tôi đi sang Hàn Quốc và thấy ở đây cũng có nhiều hiệu bánh mang tên “Tous les jours”. Trong lòng tôi thầm thán phục sự “bành trướng” của các loại bánh ngọt châu Âu sang xứ Hàn. Nhưng rồi trong một buổi làm việc với một hãng hàng không thuộc một tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc thì tôi mới ngã ngửa người ra rằng, các hiệu bánh mang tên “Tous les jours” lại là của Hàn Quốc 100%.

Chúng tôi hỏi chuyện ông Tổng giám đốc công ty truyền thông rằng: Tại sao lại lấy tên Pháp để đặt cho bánh ngọt của Hàn Quốc? Ông cười mà rằng: “Từ xưa đến nay nói đến các loại bánh ngọt thì người ta chỉ nói đến bánh ngọt châu Âu chứ chẳng ai nói đến bánh ngọt của châu Á cả, mà nước Pháp là nơi làm bánh ngọt nổi tiếng nhất thế giới. Chính vì vậy, khi chúng tôi quyết định mở cửa hàng kinh doanh bánh ngọt, tất nhiên là theo phong cách châu Âu thì chúng tôi đã phải nghĩ đến một cái tên để người mua nghĩ ngay rằng đó là bánh của Pháp. Vậy là chúng tôi nghĩ ra cái tên “Tous les jours”.

Theo tiếng Pháp dịch ra thì câu này có nghĩa là “ngày lại ngày” hoặc “luôn luôn”, nhưng chúng tôi thì lại cho nó cái nghĩa rằng “luôn luôn tươi mới”. Có nghĩa là bánh của chúng tôi luôn luôn tươi mới, không có tồn kho và khách mua bánh của chúng tôi thường được nhận bánh ngay sau khi mới ra lò, còn nóng hôi hổi”.

Quả là những suy nghĩ rất thực tế và có phần “láu cá”. Nhưng làm kinh doanh mà không biết “láu cá”, không có trí sáng tạo và biết chộp lấy cái mới, thì đúng là đừng nên làm kinh doanh.

Tôi lại hỏi, tại sao một tập đoàn công nghiệp như vậy mà lại đi làm truyền thông, kinh doanh rạp chiếu phim, chương trình truyền hình, xuất bản tạp chí, sản xuất phim truyện và rồi lại làm cả bánh ngọt nữa. Ông có vẻ ngạc nhiên và nói: “Vậy có điều khoản nào của pháp luật lại cấm các tập đoàn công nghiệp không được làm truyền thông và kinh doanh bánh ngọt. Vấn đề là, kinh doanh hay sản xuất thì bất cứ cái gì làm ra tiền cũng phải làm. Không nên phân biệt nghề đó là sang hay hèn”

2. Anh là Tổng giám đốc một Tổng công ty dịch vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Một lần nói chuyện, anh bảo, tổng công ty anh phải bươn chải làm đủ mọi thứ để kiếm tiền nuôi nhau và để có tích lũy, phát triển. Rồi anh lại bảo, cũng có một số ngành nghề đơn vị đang làm thì không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của không ít cán bộ, công nhân viên, bởi họ cho rằng, công việc ấy lãi không nhiều mà xem ra chẳng danh giá gì. Nhưng anh có quan điểm hoàn toàn khác.

Anh bảo: “Tôi đang mặc comple, thắt cravat sang trọng như thế này, nhưng nếu như có ai bảo tôi rằng, ông hãy hót cho tôi đống phân, đống rác kia đi, tôi sẽ trả tiền cho ông. Tôi sẽ làm ngay. Tất nhiên giá tiền để trả cho một ông tổng giám đốc là tôi sẽ khác với giá tiền của một người lao động phổ thông. Làm dịch vụ phải là thế, cái gì ra tiền cho tập thể thì phải lao vào mà làm, đừng có sĩ diện”.

3. Trong một buổi khác, tôi gặp Tổng giám đốc cũng của một tổng công ty dịch vụ kỹ thuật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nói chuyện làm ăn, anh cho rằng, nghề làm dịch vụ là phải đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng. Nhiều khi chỉ thay một con bu-lông trong một cỗ máy mà số tiền chi phí bỏ ra đắt hơn nhiều lần so với giá trị thật của con bu-lông đó. Nhưng tốn kém mấy cũng phải làm, vì đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là uy tín của đơn vị và phải biết gây dựng lòng tin từ chuyện nhỏ đó.

Theo anh, đức tính quan trọng của người lãnh đạo ở một công ty dịch vụ thì đừng có sĩ diện, lên mặt ta đây với khách hàng và coi thường những đòi hỏi của khách dù là rất vặt vãnh. Rồi anh kể chuyện, trong một lần đi công tác ở Dung Quất, nói về nghề dịch vụ, anh bảo một người Tổng giám đốc một đơn vị thành viên là: “Nếu bây giờ ông thuê tôi cõng, tôi sẵn sàng vứt comple ra và cõng ông ngay. Vấn đề là, một tổng giám đốc cõng một tổng giám đốc thì giá là bao nhiêu?!”.

4. Một số tờ báo mạng đưa tin, một công ty kinh doanh bất động sản cũng vào loại có tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh, do kinh tế suy giảm, nhà cửa không bán được, nên bà tổng giám đốc nghĩ ra một chiêu mới, đó là mở quán nhậu hải sản trên vỉa hè vào buổi tối. Và khi hết giờ làm việc thì từ tổng giám đốc cho tới nhân viên đều phục vụ khách. Tổng giám đốc đích thân đi bưng bê đồ ăn thức uống phục vụ khách. Lúc đầu mọi người có vẻ e ngại. Nhưng khi thấy tổng giám đốc lăn vào làm và phục vụ khách cực kỳ chu đáo thì mọi người đã noi theo. Và công việc kinh doanh rất có hiệu quả.

Những câu chuyện trong làm kinh tế kể trên khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về một kiểu tư duy mới trong làm ăn kinh tế, mà loại tư duy này người Việt Nam ta bấy lâu nay hầu như không có.

Phải thừa nhận một điều rằng, người Việt Nam mình có một tính không hay, đó là tính sĩ diện hão. Rồi thấy người ta giàu thì khó chịu, đố kỵ, ghen ghét; nhưng thấy người ta nghèo thì lại khinh thường. Và những người khoác áo công quyền thì khi có chút quyền lực lại chỉ thích hành người khác. Chính vì vậy, rất nhiều người coi thường những ngành nghề mang tính dịch vụ.

Còn nhớ thời bao cấp ngày xưa, những cô nhân viên bán gạo, bán thịt, bán rau… mặt luôn “vác” lên trời và coi khách hàng không là “cái đinh” gì cả. Từ khi chúng ta bắt đầu vào công cuộc đổi mới, xóa bỏ bao cấp thì cái thói khinh người có từ thời ấy đã bớt dần đi. Nhưng vẫn còn rất nhiều nơi, những người làm dịch vụ không ý thức được mình đang làm cái gì, vị trí của mình ra sao. Vì thế họ rất sợ lời cảm ơn, lời xin lỗi, hay nói tóm lại là họ cảm thấy ngại ngùng khi cần phải làm vừa lòng người khác.

Chính cái tính sĩ diện hão của người Việt đã làm cho rất nhiều ngành nghề dịch vụ của chúng ta không phát triển được, bởi lẽ không ai chịu nổi cái lối phục vụ khách hàng bằng nét mặt “đâm lê”. Cái tính sĩ diện, coi khách hàng như kẻ đi xin có rất nhiều ở những công chức làm tại các cơ quan hành chính… Khi phải giải quyết cho ai việc gì, họ coi như một sự “ban ơn” và tự cho mình quyền ban phát. Chẳng thế mà bấy lâu nay, người ta cứ gọi việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân là thứ thủ tục lấy “hành… là chính”.

Đúng là nếu không thay đổi được quan điểm phục vụ, quan điểm về cách kinh doanh, thì rõ ràng nền kinh tế còn lâu mới có sức bật và tất nhiên, còn lâu khách hàng mới được coi là “thượng đế” thực sự.

Nguồn Lanta Brand