Click hay không click

Click hay không click

Internet ngày nay bắt đầu được quan tâm hơn với nhiều hình thức, phương tiện quảng cáo qua các microsite, banner trên các website, các trò chơi miễn phí, khuyến mãi câu Like trúng thưởng... nhằm lôi kéo những người hiếu kỳ.

Nào ta cùng....Likes, SEM, SEO!

Internet ngày càng trở thành phương tiện truyền thông rộng rãi nhất thế giới. Thực tế cho thấy gần đây ở các nước phát triển, Internet đã soán ngôi TV để trở thành phương tiện truyền thông số 1, nhất là đối với giới trẻ. Tại Việt Nam cách đây vài năm, do sự thâm nhập của Internet còn thấp ở mức 14% so với 97% đối với TV, Internet thực tế chưa được sử dụng như một công cụ chính trong quảng cáo. Tuy nhiên gần đây, chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy sự quan tâm nhiều hơn của brands đối với phương tiện quảng cáo này qua các microsite, banner trên các trang mạng, các trò chơi miễn phí, khuyến mãi, viral qua mạng xã hội... nhằm lôi kéo những người hiếu kỳ.

Để có thể quảng cáo hữu hiệu, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là lôi kéo được dân trên mạng Likes hoặc đăng ký trang web có quảng cáo, càng nhiều càng tốt để mẫu quảng cáo đó được truyền bá rộng rãi hơn. Từ chuyên môn gọi là “traffic”, nghĩa là mật độ giao thông trên website chỉ số lượng người đến viếng thăm website đó. Để chiêu dụ được nhiều người đến website xem quảng cáo, dân chuyên ngành quảng cáo online có rất nhiều thủ thuật hay lợi dụng sự tò mò của dân dạo web vào các công cụ sẵn có trên Internet. Thủ thuật đầu tiên và cũng thông dụng nhất phải kể đến việc đăng ký trả tiền cho các công cụ tìm kiếm (search engine - SEM) để có thể nằm trong top 10 kết quả tìm thấy. Ai cũng biết khi cần tìm thông tin muốn biết vào các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo…

Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy trang hiển diện đầu tiên với top 10 các kết quả tìm được toàn là những trang dùng mua bán và quảng cáo. Thậm chí có khi những trang top 10 này không có nội dung gì liên quan đến thông tin mà bạn cần tìm. Theo logic học mà nói, chúng ta có khuynh hướng tin tưởng những kết quả nằm ở đầu trang, vì cho rằng chúng có liên quan mật thiết nhất với thông tin chúng ta đang tìm. Do đó, chắc chắn sẽ nhấp chuột vào những website này ngay khi kết quả tìm kiếm hiện ra. Như vậy, tình cờ chúng ta đã góp phần làm tăng mật độ giao thông của website đó mà không hề hay biết.

Theo logic học mà nói, chúng ta có khuynh hướng tin tưởng những kết quả nằm ở đầu trang, vì cho rằng chúng có liên quan mật thiết nhất với thông tin chúng ta đang tìm.

Mật độ giao thông càng cao thì website đó càng phổ biến và có uy tín về mặt quảng cáo. Mật độ giao thông càng cao thì website đó tính tiền quảng cáo cũng tăng lên. Ngoài ra, còn tồn tại dạng pay-per-click, nghĩa là tiền quảng cáo được tính bằng số lần người ta nhấp chuột vào đường dẫn của website đó. Với cách tính tiền này, bạn nhấp chuột càng nhiều thì website đó càng được trả tiền nhiều. Ai thu tiền và ai trả tiền thật ra không đáng cho bạn quan tâm. Cái đáng quan tâm là thông tin bạn cần tìm đôi khi nằm ở thứ tự mấy trăm hay mấy trăm ngàn gì đấy và bạn phải mất nhiều thời gian lẫn công sức mới tìm ra. Trong khi đó, những website không liên quan cứ dồn dập thể hiện trước mắt bạn, làm bạn mất không biết bao nhiêu thời gian nhấp chuột vào, đọc sơ lược để tìm thông tin cần thiết nhưng cuối cùng chỉ thấy toàn quảng cáo. Hơn nữa, bạn dễ dàng bị lừa khi đọc những lời giới thiệu thông tin tại các website top 10 này.

Những công ty cần quảng cáo thường tìm mua nhiều từ có liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình, địa điểm của mình hoặc ngay cả những từ không liên quan đến nhưng có khả năng liên hệ xa xôi mà người tìm thông tin có thể nghĩ ra.

Thật ra các công ty này không tự làm chuyện này mà thuê các công ty chuyên tìm từ và viết lời dẫn quảng cáo trên mạng. Chắc chắn bạn sẽ sốc mạnh khi được biết là những công ty này tồn tại khắp nơi ở Ấn Độ, Lào, Phillipines, Campuchia chỉ để phục vụ cho việc tìm từ và viết lời dẫn cho các website trên mạng. Họ làm việc ba ca một ngày, nghĩa là 24/24 giờ một ngày lúc nào cũng có người ngồi trên máy tính tìm từ và viết lời dẫn cho các website. Thu nhập của nhân viên những công ty này không thấp, khoảng 15USD một giờ và số lượng nhân viên trung bình khoảng 850 nhân viên trong một công ty. Điều này đủ để chứng minh tiền quảng cáo trên mạng không phải là con số khiêm tốn.

Theo báo chí quốc tế, mỗi năm các công ty lớn và vừa bỏ ra khoảng 1 tỉ đôla cho quảng cáo trên mạng. Do đó, cho dù bạn có đánh vào từ nào để tìm đi chăng nữa thì lực lượng hùng hậu này cũng đã tiên đoán và chuẩn bị sẵn sàng để dẫn dắt bạn đến các website quảng cáo của họ.

Hơn nữa, khi kết quả tìm kiếm hiện ra và khi bạn đọc những lời dẫn thuyết minh về nội dung website, bạn thật sự đang đọc lời dẫn quảng cáo, mà đã là lời dẫn quảng cáo thì thế nào bạn cũng nhẹ dạ nhấp chuột vào. Đến đây thì nhiệm vụ của những người làm quảng cáo đã thành công tốt đẹp.

Một cách phổ biến để tăng traffic là cho chơi game trúng thưởng hay download miễn phí. Đa số ai cũng thích chùa và dĩ nhiên sẽ không ngại phiền phức gì để thoả mãn cái ham muốn miễn phí của mình. Nắm được tâm lý chung này, các website nhả ra một số game, hình ảnh, chương trình download miễn phí để lôi kéo dân Internet kết nối vào website của mình. Khi đã vào website rồi thì tha hồ mà quảng cáo và lấy thông tin người đăng nhập để tiếp tục quảng cáo về sau. Còn người thụ hưởng phần miễn đó thì bị bắt buộc xem quảng cáo và nộp thông tin cá nhân hay thông tin liên lạc của mình cho website đó một cách tự nguyện. Có những website yêu cầu bạn phải điền vào các mẫu đơn xin gia nhập với đầy đủ tên tuổi và địa chỉ liên lạc. Qua đó, họ sẽ lưu trữ được một cơ sở dữ liệu không lồ những người bị lôi kéo và có thể sử dụng cơ sở dữ liệu này để gửi thông tin quảng cáo bằng nhiều hình thức một cách vô cùng hữu hiệu mà không hề tốn kém.

Cũng có trường hợp website không yêu cầu bạn đăng nhập gì cả mà vẫn lấy được thông tin của bạn, nhờ một dạng phần mềm ăn cắp email và địa chỉ IP. Một ví dụ software dạng như thế là Magic Subcribers đang được rao bán rộng rãi trên mạng. Như vậy, chiêu thả tép bắt tôm này khá hiệu quả và chiêu dụ được không ít người ham xài hàng miễn phí. Có điều họ không biết được chính sự tự nguyện này của mình là đường dẫn cho spam mail (thư quảng cáo) với hàng ngàn quảng cáo. Hay tệ hơn nữa là tạo điều kiện cho các hacker tấn công vào máy tính của mình.

Khi đã thu lượm được thông tin của bạn, có rất nhiều cách các chuyên gia có thể sử dụng để bắt buộc bạn xem quảng cáo. Những hình thức thông dụng gồm có gửi email trực tiếp đến hộp thư của bạn để quảng cáo hay gửi các cửa sổ pop-up quảng cáo đến tận máy tính của bạn. Vì bạn tự nguyện cung cấp thông tin của mình và do thông tin này đã được đưa vào dữ liệu, hầu như không có cách nào bạn có thể tự mình thoát khoải danh sách ấy, trừ phi bạn không sử dụng địa chỉ email cũ và IP cũ nữa. Chính vì vậy, bạn nằm trong tình trạng bất khả kháng với những tấn công dồn dập của quảng cáo mà không có đường thoái lui.

Cũng có nhiều trường hợp sự dẫn dụ bắt đầu từ một website này đến một website khác. Khi đã kết nối vào một website để đọc tin tức chẳng hạn, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều các đường dẫn tới những website khác được giới thiệu dưới dạng thông tin liên quan cần đọc. Thực chất những đường link này chỉ là một cách quảng cáo mời gọi bạn lang thang đến website của công ty cần quảng cáo. Để dán những đường dẫn này trên website đó, các công ty phải trả tiền quảng cáo hẳn hoi chứ không phải tự nhiên mà có được. Cũng như trường hợp các công cụ tìm kiếm (search engine), các website thông dụng cũng cho quảng cáo dạng pay-per-click (trả tiền theo số lần nhấp chuột và đường dẫn). Mỗi lần có người trên website nhấp chuột vào đường dẫn là mỗi lần website đó tính được tiền quảng cáo. Khi đã dính líu đến chuyện tiền bạc và doanh thu rồi thì bạn có thể tưởng tượng các website này phải xúc tiến những kiểu quảng cáo toàn tâm toàn ý ra sao.

Cũng sử dụng thủ thuật dẫn dụ bạn nhấp chuột vào đường dẫn nhưng có nhiều website còn cao thủ hơn nữa. Biết tính người hay tò mò, họ sáng tạo ra các kiểu đố hoặc lôi kéo tham gia trò chơi trúng thưởng. Một cách thực hiện thường gặp là tạo hình một con thú ngộ nghĩnh chãy qua màn hình với dòng chữ “catch me” (bắt lấy tôi). Ai nhìn mà không ngứa mắt nhất là khi đính kèm theo con thú chạy loăng quoăng này là lời mời gọi ngọt ngào có trúng thưởng nếu lỡ tay bắt được. Con thú này dĩ nhiên rất dễ bắt và khi đã nhấp chuột được vào nó, bạn đã chính thức nhấp chuột vào đường dẫn đưa bạn đến website quảng cáo… Những kiểu trò chơi trúng thưởng thì muôn vàn, từ trả lời một câu đố, dự đoán tỉ số cho đến chuyện đơn giản như đăng nhập địa chỉ email để tham dự bốc thăm trúng thưởng. Phần thưởng thì chẳng bao giờ nhìn thấy nhưng một khi đã tham dự thì thông tin của bạn đã bị đưa vào dữ liệu nạn nhân quảng cáo của một số website.

Lôi kéo bạn không chưa đủ, các chuyên gia còn có nhiều cách nhờ bạn lôi kéo bạn bè của mình.

Lôi kéo bạn không chưa đủ, các chuyên gia còn có nhiều cách nhờ bạn lôi kéo bạn bè của mình. Từ chuyên môn gọi các này là viral marketing, nghĩa là cách tiếp thị lan toả sử dụng mạng lưới quen biết riêng của những người đã từng tham gia. Từ một người họ có thể vươn tới được 10, 20 người quen biết khác và con số này cứ tiếp tục nhân rộng ra, lan toả như một cơn dịch không kiềm chế được. Để làm được điều này không khó. Cách làm thông thường nhất là yêu cầu bạn gửi đường link trang web cho nhiều người, càng gửi nhiều càng có nhiều cơ hội trúng thưởng. Cũng có khi thay vì trúng thưởng, mỗi lần đăng nhập email của bạn bè hay gửi đường dẫn website, bạn được tặng một số điểm nhất định trong tài khoản của mình trong website đó. Tương ứng với từng số điểm, bạn có thể làm một việc miễn phí như gửi tin nhắn, download một số chương trình, hình ảnh,… Có điều không ngờ đến là bạn đem bán bạn bè mình cho quảng cáo mà không thu được chút tiền nào. Ngư ông đắc lợi sẽ là website đang thu thập thông tin của bạn và tất cả những ai bạn vừa mới gửi email đi. Với cơ sở dữ liệu khổng lồ thu thập được một cách dễ dàng này, người ta sẽ đem bán thông tin của bạn lấy một món hời không nhỏ. Do đó, trước khi vô tình giao nộp thông tin của mình và bạn bè trên mạng, có lẽ chúng ta nên suy nghĩ kỹ hơn một chút.

Internet đã, đang và sẽ là phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới. Ngoài những lợi ích thiết thực mà Internet mang lại cho con người cũng tồn tại không ít những khách lợi dụng phương tiệp này kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng qua quảng cáo.Thông thường, khi đã có những hiểu biết nhất định về sử dụng Internet, NTD sẽ biết cách lựa chọn, sử dụng phương tiện này một cách hiệu quả mà không phải nhức đầu, phiền toái vì những hậu quả do tính nhẹ dạ mang về. Đối với NTD Việt Nam, mong rằng những bài học rút tỉa được tại các nước phát triển sẽ phần nào rút ngắn được con đường dọ dẫm, tìm kiếm vô phương hướng để không bị lợi dụng một cách dễ dàng cho quảng cáo.

Hướng đi đúng cho quảng cáo Internet

Phát biểu những điều này không phải là sự phủ nhận tầm quan trọng của quảng cáo trên phương tiện Internet, một phương tiện đang đe doạ soán ngôi doanh thu quảng cáo hàng đầu của truyền hình trên thế giới. Với mực độ thâm nhập của Internet ngày càng cao trong thế hệ trẻ, chắc chắn đây sẽ là phương tiện thông tin chủ yếu trong tương lai rất gần. Vậy sử dụng nó như thế nào để có thể phục vụ được cho nhu cầu doanh nghiệp mà vẫn không gây hại cho người sử dụng?

Điều doanh nghiệp cần lưu ý là phải kiểm soát được cách sử dụng quảng cáo trên mạng của mình. Việc sử dụng cách quảng cáo do những công ty chuyên về Internet hay quản trị website nhưng không hiểu rõ cách làm của họ, không những làm tổn hại uy tín thương hiệu mà còn có thể dẫn đến lãng phí ngân sách quảng cáo.

Trên thế giới đã xảy ra rất nhiều vụ nhà quảng cáo kiện công ty Internet do không bảo vệ được nhà quảng cáo khỏi những cách lừa đảo kiếm tiền trên mạng qua phương pháp trả tiền quảng cáo dựa trên số lần hích (pay-per-click).

Các chủ website do thu được một phần doanh số từ cách quảng cáo pay-per-click dễ dàng, nên luôn tìm cách hích liên tục lên website của mình để tăng thu nhập. Đối thủ cạnh tranh cũng góp phần tăng chi phí quảng cáo của đối phương bằng cách hích thật nhiều vào các website này, khiến đối phương trả tiền mệt nghỉ. Thậm chí các website công cụ tìm kiếm (search engine) lớn như Google và Yahoo cũng bó tay không có biện pháp chống lại những trò lừa đảo kiểu này để bảo vệ khách hàng quảng cáo của mình.

NTD tin tưởng người đã sử dụng sản phẩm hơn là nhà sản xuất. Các nhà sản xuất và quảng cáo cần phải cân nhắc kỹ về những lời tuyên bố của mình vì NTD mới chính là người quyết định nói cái gì là đúng.

Ngày 25-7-2006, Google công bố tiện ích mới trên website với hi vọng sẽ giúp ngăn chặn phần nào những trò lừa đảo này bằng cách cho phép khách hàng theo dõi được con số cũng như phần trăm của những cú hích không có ý định hoặc có khả năng là lừa đảo. Tiện ích này có công dụng thật sự hay không và sẽ giúp nhà quảng cáo được như thế nào cho đến nay vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không nhất thiết phải chạy theo những hình thức quảng cáo đã nhàm chán như tất cả mọi người. Vẫn có những cách xây dựng website riêng của nhãn hiệu với nhiều công cụ, nội dung hay, bổ ích, sáng tạo dành riêng cho đối tượng tiêu dùng của nhãn hiệu. Để làm được điều này, yêu cầu về đầu tư thời gian, trí óc và sáng tạo cho website là điều quan trọng nhất để giúp website luôn cập nhật, mới, hay khiến NTD quay lại liên tục.

Ngoài những công cụ như tự điển từ cập nhật mới nhất trên thế giới, các trò chơi luyện trí óc, trò chơi giải trí lành mạnh, gần đây trên thế giới còn xuất hiện một cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn bằng cách cho phép người sử dụng sáng tạo ra các nội dung / phim / hình ảnh riêng cho mình (consumer – generated content) và có thể chia sẻ với mọi người trên mạng. Cách tiếp cạn này dễ dàng gây cảm hứng sáng tạo, có giá trị giải trí cao. Hơn nữa còn có giá trị khuyến khích người sử dụng học hỏi, sử dụng công cụ web một cách hữu hiệu.

Có thể kể đến chương trình trò chơi “The Art of the Heist” của nhãn hiệu Audi. Chương trình bắt đầu bằng câu chuyện thêu dệt bí ẩn về chiếc xe bị mất cắp ra từng kỳ. Hơn 500.000 người theo dõi câu chuyện trên mạng để tìm ra chiếc xe bí ẩn đó. Trong vòng ba tháng, số lượng hích trên website của Audi tăng 140%. Các đại lý bán xe nhận được 10.000 mối mua xe và hơn 3.500 người đến lái thử. Đây cũng là cách mà các công ty như Nike, General Motors, Samsung… sử dụng để thu hút NTD vào quá trình sáng tạo quảng cáo. Thay vì bắt NTD phải xem quảng cáo một cách thụ động như trước đây, với cách tiếp cận mới thì chính NTD sẽ là người tham gia sáng tạo ra các vật phẩm quảng cáo cho nhãn hiệu nhằm mục đích giải trí.

Năm 2004, Nike tung chiến dịch quảng cáo nhãn hiệu Converse bằng cách kêu gọi NTD tham gia làm phim quảng cáo. Điều kiện rất đơn giản là làm phim 60 giây bằng máy quay gia đình của mình. Sau khi bảy phim đầu tiên được đăng lên mạng, các đoạn phim mới khác được tải lên liên tục trên website. Trong 81 phim được đăng tải, khoảng 30 phim do người xem bình chọn hay nhất được Nike trao giải 10.000 USD trực tiếp cho tác giả. Số lượng hích trên website Converse tăng lên 40%, đạt lượng khán giả kỷ lục 400.000 người mới một tháng. Sản lượng bán tăng 12% trong quí.

Nhãn hiệu Cadillac của Công ty GM trong năm 2005 cũng tung ra lời kêu gọi mọi người tham gia làm phim quảng cáo, nhận được 2.600 đoạn phim dự thi. Trong 12 ngày đăng tải phim và bình chọn, số lượng hích trên website Cadillac.com tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.

Đoạn phim quảng cáo của Hãng Sony tung ra thị trường năm 2006. Trong vòng 24 giây, dàn stereo hiệu Sony tự tháo rời ra, rồi tự lắp ghép lại thành màn hình TV Sony phẳng, sau đó TV biến thành đầu máy DVD, rồi tiếp tục biến đổi thành máy chụp hình kỹ thuật số và cuối cùng là máy play station. Toàn bộ ý tưởng phim không phải do công ty quảng cáo nào xây dựng mà tác giải là một cậu bé 19 tuổi sống tại Minneapolis, Mỹ sáng tạo ra trong một cuộc thi sáng tạo quảng cáo do kênh truyền hình Current TV tổ chức nhằm tạo sân chơi sáng tạo cho khán giả.

Đối với Mastercard thì website Priceless.com của nhãn hiệu kêu gọi mọi người tham gia viết lời quảng cáo cho nhãn hiệu với yêu cầu lời quảng cáo phải kết thúc bằng chữ “priceless” (vô giá) vì đây là hướng định vị của nhãn hiệu. Tương lại của cách tiếp cận sử dụng óc sáng tạo của quần chúng này sẽ còn phát riển rất xa. Samsung cho biết sẽ tung ra các tương tác giữa điện thoại di động với bảng quảng cáo điện tử ngoài trời, cho phép người sử dụng đăng tải tin tức của mình soạn lên bảng hiệu. Ngoài ra, khách hàng còn gặp gỡ trên mạng tại các blog cá nhân và công cộng như CNET, Opinions.com, TripAdvisor để bàn bạc trao đổi về sản phẩm và nhãn hiệu hoặc để tìm hiểu thông tin sản phẩm mà người khác đang sử dụng.

Theo nghiên cứu, NTD tin tưởng người đã sử dụng sản phẩm hơn là nhà sản xuất. Do đó, ví dụ như khi Honda tung ra thị trường dòng sản phẩm Honda Hybrid với tuyên bố chỉ 1 lít xăng xe có thể chạy được từ 21 đến khoảng 26 km. Các chủ sở hữu xe không đồng ý với tuyên bố này tậo trung trên mạng để bàn bạc và trao đổi kinh nghiệm. Vấn đề là những khách hàng tiềm năng muốn mua xe. Nhiều người truy cập blog này để tìm hiểu thêm thông tin và kinh nghiệm của những người đi trước. Vì thế, các nhà sản xuất và quảng cáo cần phải cân nhắc kỹ về những lời tuyên bố của mình vì NTD mới chính là người quyết định nói cái gì là đúng.

Brands Vietnam