Thanh niên Việt Nam có đủ khả năng bay vào vũ trụ

Theo trung tướng Phạm Tuân, bay vào vũ trụ thực sự không đòi hỏi sức khỏe cơ bắp quá lớn vì suốt ngày chỉ bay lơ lửng, không phải làm việc nặng nhọc. Tuy nhiên muốn chịu được điều kiện trong vũ trụ thì phi công phải có sức khỏe.


Trung tướng Phạm Tuân (ngoài cùng bên phải) tới buổi tuyển chọn người Việt Nam thứ 2 bay vào vũ trụ tại Hà Nội.

Sáng 15/6, trời nắng nhưng hàng nghìn bạn trẻ vẫn háo hức đứng chờ giữa sân trường ĐH Bách khoa Hà Nội để được gặp trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ - cũng như vượt qua 5 thử thách lựa chọn phi hành gia. Nhiều người còn chuẩn bị sẵn câu hỏi để giao lưu cùng trung tướng.

Xuất hiện trong trang phục giản dị, anh hùng Phạm Tuân chia sẻ những kỷ niệm thời huấn luyện ở Nga trước khi bay vào không gian. Phía dưới, các bạn trẻ chăm chú lắng nghe và tỏ ra thích thú với những câu chuyện trong vũ trụ.

Theo trung tướng, để trở thành phi công vũ trụ cần ba yếu tố quan trọng: Sức khỏe, tri thức và niềm yêu thích. Về tri thức, các bạn trẻ đã được học ở trường. còn sức khỏe, bay vào vũ trụ thực sự không đòi hỏi sức khỏe cơ bắp quá lớn vì suốt ngày chỉ bay lơ lửng, không phải làm việc gì nặng nhọc. Tuy nhiên muốn chịu được điều kiện trong vũ trụ thì phi công phải có sức khỏe. Không giống trên trái đất, trong vũ trụ không có sức hút nên máu đưa lên não nhiều hơn xuống chân.


Ngoài các bạn nam, trung tướng cũng khuyến khích bạn nữ tham giả thử thách làm phi hành gia.

Anh hùng Phạm Tuân cho biết thêm, trong không gian có hai trạng thái đòi hỏi phi công phải chịu đựng được đó là tình trạng tăng trọng lượng và không trọng lượng. Lúc tàu phóng lên, gia tốc rất lớn, lực đè lên người gấp khoảng 5 - 7 lần trọng lượng của con người. Khi hạ cánh nếu con tàu quay tròn, quá tải lên tới 12, tức là bằng 12 lần trọng lượng cơ thể đè lên người.

"Ví dụ cháu 70 kg thì gấp 12 lần tức là khoảng gần 1 tấn đè lên người", trung tướng lấy ví dụ thực tế và cho hay, bản thân từng tập lực li tâm, lần thứ 10 còn thở được, nhưng đến lần thứ 12, lực đè rất nặng lên ngực khiến ông gần như không thể thở, phản xạ chậm đi nhiều.

Ngoài ra, trong vũ trụ điều kiện không trọng lượng và khi tập luyện chỉ tương đối. Bay vào không trung ngày thứ hai, nhìn vào gương ông đã không thể nhận ra mình bởi máu dồn lên đầu khiến mặt rất to.

Trước khi bay, phi hành gia như ông phải ngủ trong điều kiện giường kê phía chân cao hơn đầu giường một góc 30 độ. Nằm không có gối, kê chân lên cao để quen với việc máu đè lên não. Con người ở dưới đất không quen rối loạn nên thường bị nôn, làm việc mệt mỏi nhưng nếu vượt qua được thử thách này thì đủ yếu tố tham gia bay vũ trụ.

Đã hơn 30 năm kể từ ngày thực hiện thành công chuyến bay lịch sử, đến giờ ông vẫn nhớ như in cảm giác mình ở trong vũ trụ. Tàu tách ra đạt được vận tốc 7,92 km/s thì cân bằng trọng lượng, người bên trong nổi lên, ghế ngồi, giấy tờ, bút và mọi thứ xung quanh đều bay tứ tung.

Tò mò về chuyến bay của người anh hùng Phạm Tuân, một sinh viên thắc mắc "trước khi bay bác có mất ngủ không". Trung tướng tâm sự, trưa hôm đó ăn cơm xong, ông và đồng nghiệp về phòng ngủ để chiều bay. Trước đó một ngày, hội đồng tuyển chọn mới công bố ai được bay. Ban đầu ông cũng suy nghĩ bay như thế nào và ngồi trên con tàu đó ra sao nhưng cuối cùng ngủ thiếp đi.

"Tôi muốn nói đến sự bình tĩnh của người Việt Nam. Tôi từng là phi công chiến đấu, nhiều lần xuất kích gặp kẻ thù. Những chuyến xuất kích đó còn gian khổ, ác liệt hơn là chuẩn bị bay vào vũ trụ. Bởi vậy tôi cảm thấy bình thường. Thanh niên Việt Nam có đủ khả năng bay vào vũ trụ", cựu phi hành gia nói.

Theo ông, những phi công Việt Nam được rèn luyện trong chiến tranh nên thể lực tốt. Có phi hành gia nước khác trước khi bay, huyết áp tăng gần đến mức phải dừng chuyến bay nhưng phi công Việt Nam gần như là bình thường.

Buổi giao lưu trở nên sôi nổi hơn khi trung tướng Phạm Tuân đồng ý hát theo yêu cầu của sinh viên. Không chỉ đặt niềm tin ở các bạn nam, trung tướng cũng khuyến khích bạn nữ tham gia thử thách để trở thành người Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ.


Các bạn nữ cũng hào hứng tham gia 5 thử thách của chương trình tuyển chọn.

Sau khi chia sẻ, ông còn tới thăm và quan sát các bạn sinh viên tham gia 5 thử thách mà trung tâm tuyển chọn đặt ra: Thăng bằng không gian, bước nhảy không gian, trọng lực mặt trăng, buồng xoay đa chiều và đảo ngược không gian.

Mặc dù sợ nhưng do tò mò nên cả Giang và Nguyệt (học trường thể dục, thể thao) cả hai quyết định thử sức thăng bằng không gian, bước nhảy không gian. Sau đó, họ tiếp tục với trò trọng lực lực mặt trăng và lần lượt được 6 và 13 điểm.

"Thăng bằng không gian khó nhất. Với thử thách trọng lực mặt trăng, người chơi đi nhanh sẽ dễ bị trượt. Muốn lấy được nhiều sản phẩm, em đi chậm và được 13 điểm", Nguyệt cho hay.

Trước khi đến với Hà Nội, trung tâm Axe Apollo đã có buổi tuyển chọn ở Cần Thơ, TP HCM và Đà Nẵng. Để trở thành 1 trong 50 người có cơ hội vào vòng 2, các bạn trẻ phải qua vòng kiểm tra sức khỏe và vượt qua 4 trong 5 thử thách trên.

Nguồn VnExpress