Đặng Lê Nguyên Vũ và khát vọng toàn cầu

Bây giờ, đặt bút viết về CEO Đặng Lê Nguyên Vũ mà chỉ tụng ca tài năng quản trị của ông thì có khi xem là thừa, bởi vị thế “vô đối” của Trung Nguyên trong nước đã nói lên tất cả rồi. Có một Đặng Lê Nguyên Vũ khác, rất nhiệt huyết với cộng đồng và máu lửa với khát vọng đưa hạt cà phê Việt thống lĩnh toàn cầu, dốc lòng cho khát vọng một nước Việt hùng mạnh và ảnh hưởng trên thế giới.


Đặng Lê Nguyên Vũ sinh năm 1971 tại Khánh Hòa nhưng sự nghiệp của ông gắn chặt với cao nguyên Đắk Lắk - thủ phủ cà phê cung ứng đến 50% lượng “vàng đen” của cả nước. Từ một cửa hiệu cà phê nhỏ, chỉ trong 16 năm, Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam, không chỉ làm mưa làm gió trong nước mà còn mạnh mẽ vươn ra toàn cầu, sản phẩm đã đi tới 60 quốc gia trên thế giới.

Khát vọng toàn cầu

Có phép mầu nào giúp Đặng Lê Nguyên Vũ biến Trung Nguyên từ chàng tí hon David trở thành gã khổng lồ Goliath? Không có phép mầu nào cả, mà theo ông: “Kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận thuần túy, lợi nhuận chỉ là hệ quả của quá trình phụng sự cộng đồng. Một công dân - doanh nhân hơn ai hết phải thượng tôn các giá trị nhân văn có tính bền vững”.

Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước tiếp tục khó khăn nhưng ngành cà phê nổi lên như một điểm sáng khi Việt Nam vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu, mang lại hơn 3,6 tỉ USD. Nắm giữ vị trí số 1 tại nước xuất khẩu cà phê số 1 nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ tự mãn. Ông cho rằng giá trị đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành cà phê Việt Nam vì trên 90% sản lượng xuất khẩu vẫn chỉ là cà phê nhân thô. Nông dân trồng cà phê cũng như những người tham gia trong ngành công nghiệp này lẽ ra đã được hưởng những lợi ích lớn lao hơn nếu chúng ta có những chiến lược và hạ tầng chính sách thông minh và phù hợp.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói đời ông có ba mục tiêu: 1- Đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu toàn cầu; 2- Đưa cà phê vào kỷ nguyên mới với một Tuyên ngôn cà phê trong đó có phát kiến về định vị trung tâm của Việt Nam, dự án xây dựng Thánh địa cà phê toàn cầu và chuỗi ngành cà phê mang lại 20 tỷ USD/năm cho ngành cà phê Việt Nam và 3- Nỗ lực hết mình cho khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng trên toàn cầu.

“Người khác làm được thì ta làm được; nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn thế!”.

Cùng với các cộng sự, ông cam kết theo đuổi và hoàn thiện Học thuyết Cà phê, một hệ thống quy luật, nguyên tắc, lý luận mà giá trị trung tâm là “Sáng tạo có trách nhiệm”, hướng đến một nền văn minh mới, phát triển hài hòa, thịnh vượng và bền vững. Theo ông, loài người có được nền văn minh như ngày nay là nhờ óc sáng tạo; sáng tạo là động lực của phát triển, động lực của tương lai. Có hơn 2 tỉ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu, xuyên tôn giáo, văn hóa, khu vực địa lý, thể chế chính trị. Đây chính là cộng đồng nền tảng cho thời đại sáng tạo có trách nhiệm, cộng đồng hùng hậu nhất trong lịch sử. Nếu họ cùng hướng đến tinh thần sáng tạo và cùng kiến tạo giá trị chung thì sẽ thúc đẩy thế giới phát triển giá trị bền vững. Trong đó cũng có các luận cứ để xác lập vị thế trung tâm của Việt Nam đối với cà phê, trên nền tảng tinh thần cà phê cộng hợp lợi thế quốc gia hàng đầu về nông nghiệp, về cà phê kết hợp đặc hữu về văn hóa, địa chính trị, hàng hải…, Việt Nam có đủ điều kiện sáng tạo hình mẫu quốc gia hài hòa làm trung tâm định hướng mô hình phát triển bền vững cho thế giới. Các dự án hiện thực hoá học thuyết này đang khởi động những bước đầu như Dự án Thánh địa cà phê toàn cầu, là một siêu dự án phức hợp (Complex Mega Project) tạo ra một địa bàn thể hiện tinh thần cà phê toàn cầu tại tỉnh Đăk Lắk; Dự án cà phê tiên phong tại Mỹ nhằm truyền bá giá trị “Sáng tạo có trách nhiệm” với mong muốn đóng góp vào quá trình dịch chuyển chiến lược quốc gia của Mỹ phục vụ cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Sau nhiều năm nỗ lực bền bỉ và sáng tạo, tư tưởng cũng như những luận điểm trong hệ thống triết lý của Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận được sự hoan nghênh và đồng thuận của nhiều bậc trí thức hàng đầu, có tầm vóc ảnh hưởng thế giới, như: GS. Joseph Nye - cha đẻ của “Quyền lực mềm”, GS Peter Timmer (Đại học Harvard), GS. Tom Cannon (Đại học Liverpool), GS. Roger B. Myerson (Nobel Kinh tế 2007, Đại học Chicago), GS. Hazald zur Hausen (Nobel Y học 2008, Đức), GS. Douglas D. Orsheroff (Nobel Vật lý, Đại học Standford), GS. Romano Prodi (cựu Thủ tướng Ý, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Quỹ hợp tác Toàn cầu)…

Trong hàng trăm cuộc gặp tầm quốc tế, các giá trị triết luận của Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều học giả, chính khách chia sẻ. Tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ trên nền tảng cà phê do ông Vũ đề xướng và các luận cứ của ông Vũ về thuộc tính kích thích sáng tạo của cà phê, GS. Osheroff (Nobel Vật lý, Đại học Standford) bày tỏ sự ngạc nhiên với cách nhìn rất mới về cà phê và thừa nhận rằng, những phát minh của ông cũng là nhờ vào cà phê. GS. Joseph Nye, cha đẻ của thuyết “Quyền lực mềm, quyền lực thông minh”, sau khi nghe ông Vũ trình bày về quyền lực cà phê, đã nhìn nhận và xác tín cà phê chính là quyền lực mềm của Việt Nam. Theo GS. Tom Cannon, cà phê Trung Nguyên không còn là câu chuyện chỉ của riêng Trung Nguyên mà đó là khát vọng toàn cầu của doanh nhân nước Việt và cũng là câu chuyện của Việt Nam khi bước ra hội nhập. Đánh giá cao những triết lý nhân bản mang tính chiều sâu của Trung Nguyên về văn hóa cà phê, lấy sản phẩm văn hóa để đưa hình ảnh nước ra thế giới, GS. Peter Timmer khẳng định: “Khái niệm cà phê mới của Trung Nguyên đặt nền tảng cho cộng đồng phát triển bền vững”.

Vì một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng

Được xem là người đầu tiên nhìn ra tiềm năng to lớn của ngành cà phê (với giá trị lên đến 20 tỉ USD) và nông nghiệp Việt Nam, đóng góp trí lực để từng ngày nâng giá trị của ngành này trên sân chơi quốc tế, Đặng Lê Nguyên Vũ soạn thảo nhiều chiến lược phát triển vĩ mô khác nhau cho các quốc gia nông nghiệp và các tổ chức quốc tế lớn. Trong nước, ông luôn đau đáu khát vọng góp phần xây dựng để hình thành những thế hệ thanh niên biết nghĩ giàu và làm giàu. Quyết là làm, cuối năm 2012, Đặng Lê Nguyên Vũ đặt viên gạch đầu tiên của “công trình tâm thế” cho 23 triệu thanh niên Việt Nam. Sự kiện có tên “Ngày hội Sáng tạo vì Khát vọng Việt”, một sự kiện chính thức của Trung Nguyên trong chuỗi hoạt động giai đoạn mới (2012-2017). Đây là cột mốc đánh dấu chuỗi các chương trình dài thể hiện cam kết chung tay xây dựng thế hệ trẻ sáng tạo vì Khát vọng Việt mang trong mình một hoài bão chinh phục và ảnh hưởng cùng ba tinh thần: Tinh thần Chiến binh – dám thách thức mọi nghịch cảnh; Tinh thần doanh nhân – khao khát làm giàu cho mình và xã hội một cách chân chính và Tinh thần sáng tạo. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Trung Nguyên đã trao tặng gần 170 ngàn cuốn sách Nghĩ giàu làm giàu cho thanh niên sinh viên Việt Nam ở mọi miền đất nước nhằm khuyến khích tư duy tích cực, sáng tạo và khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước. Mục tiêu của chương trình Vì Khát vọng Việt là có thể tạo ra một thế hệ 300-500 ngàn doanh nhân mới của Việt Nam mang trong mình hoài bão ảnh hưởng và 3 tinh thần kể trên.

Sự dấn thân và triết lý do ông đề xướng đã được cộng đồng các giới tinh hoa trí thức, doanh nhân, tổ chức xã hội, chính khách đặc biệt là thanh niên, ủng hộ rộng rãi.

“Khái niệm cà phê mới của Trung Nguyên đặt nền tảng cho cộng đồng phát triển bền vững”.

Chưa hết, ông còn theo đuổi giấc mơ về một nước Việt Nam hùng mạnh - ảnh hưởng. Để đi đến mục tiêu này, ông Vũ đang kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng để hoàn thành 3 nhiệm vụ cốt yếu song song: Đoàn kết dân tộc trên một mục tiêu chung - Thiết lập Cộng đồng Sinh mệnh ASEAN - Hội tụ Tinh hoa thế giới.

Xuất phát điểm của bản thân khá khiêm tốn, lại tới từ một quốc gia đang phát triển với đầy thử thách, hành trình của Đặng Lê Nguyên Vũ và cộng sự không dễ dàng gì nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ luôn tâm niệm và cổ vũ cộng sự và cộng đồng: “Người khác làm được thì ta làm được; nước khác làm được thì Việt Nam làm được và còn làm tốt hơn thế!”. Ông mỉm cười khi cho rằng hai mục tiêu đầu có thể sẽ thực hiện được trong cuộc đời ông, nhưng với mục tiêu thứ ba có thể sẽ phải đến nhiều thế hệ kế tiếp, nhiều những Lê, những Nguyễn, những Y những H’… sẽ tiếp nối ông để thực hiện một giấc mơ dấu ấn và ảnh hưởng của Việt Nam sẽ đi tới những Paris, London, New York,... và khắp nẻo trên thế giới.

Vua Cà Phê

Đặng Lê Nguyên Vũ xuất thân từ một gia đình nông dân ở Khánh Hòa. Năm 1979, nhà ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’Drak, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1992, ông thi đỗ vào Khoa Y, Đại học Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống. Năm 1996, ông cùng 3 người bạn lập "Hãng Cà phê Trung Nguyên", bấy giờ chỉ là một cơ sở rang xay, thủ công nhỏ ở Buôn Ma Thuột.

Năm 1998, Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở TPHCM, bắt đầu kinh doanh nhượng quyền thương hiệu và là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thực hiện mô hình này. Năm 2005, Trung Nguyên trở thành nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài.

Trong số báo xuất bản vào tháng 2-2012, tạp chí quốc tế National Geographic Traveller lần đầu tiên vinh danh Đặng Lê Nguyên Vũ là “vua cà phê” qua bài viết “Ngày tôi được gặp vua cà phê Việt Nam” của tác giả Catherine Karnow. Tiếp đến, tháng 7-2012, tờ Forbes Asia danh tiếng tiếp tục vinh danh ông Vũ là “Vua cà phê Việt” và ca ngợi sự thành công của ông. Từ đó, truyền thông và giới mộ điệu cà phê trong nước cũng như quốc tế chính thức biết đến Đặng Lê Nguyên Vũ với danh xưng trọng vọng ấy.

Nguồn Trung Nguyên